Quan niệm: Văn học - tiết học cho tâm hồn treo ngược cành cây
Văn học từ trước tới nay luôn được coi là khó “xơi” khi bạn phải dùng cả tâm hồn mình để hiểu tác giả, dùng cả trí óc của mình để phân tích tác phẩm, và dùng cả bút lực của mình để viết ra tất cả những gì mình cảm được một cách khác biệt và sáng tạo.
Học sinh chủ động, sáng tạo trong văn học và được thầy cô ủng hộ, giúp đỡ
Tất cả các môn học đều cần sự sáng tạo, đặc biệt là trong văn học. Sẽ thật khó để có được hai lối hành văn đúng đến từng dấu câu giữa hai học sinh, nhưng cũng thật dễ để bắt được văn mẫu được chép ra từ loạt các học sinh. Chính bởi lối học Văn truyền thống đến nhàm chán và lối học thuộc đang bào mòn tính sáng tạo, Câu lạc bộ Văn học của trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu ra đời để mang đến cho học sinh một cách tiếp cận văn học sáng tạo hơn, mới mẻ hơn.
Tự nghiên cứu và cho ra sản phẩm
Trong một năm học, Câu lạc bộ sẽ hoạt động chủ đề chính ở 2 kỳ dựa theo kỳ học phổ thông của học sinh. Ở mỗi kỳ, cố vấn Câu lạc bộ - cô Bùi Thị Kim Duyên (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn) sẽ đề ra một tác gia lớn trong chương trình học để học sinh nghiên cứu.
Các thành viên trong Câu lạc bộ sẽ được chia ra thành các nhóm nhỏ từ 5 đến 7 bạn để cùng chuẩn bị cho chuyên đề của nhóm. Mặc dù cùng một tác giả, nhưng giữa các nhóm sẽ có sự khác biệt trong các mảng nghiên cứu. Ví dụ, khi đi vào sự nghiệp văn học của tác giả Nam Cao, sẽ có nhóm chọn “Cái chết trong sáng tác của Nam Cao”, có nhóm sẽ tập trung đi sâu vào “Chất triết lý trong sáng tác của Nam Cao”, lại có nhóm đi vào “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”,… từ các khía cạnh được đào sâu như thế, học sinh sẽ có cái nhìn sâu sắc và tổng quan hơn về tác giả, để từ đó có thể hiểu và cảm một cách đủ đầy nhất về tác giả cũng như tác phẩm trong chương trình.
Giáo dục của thế kỷ XXI, tôi tin kết quả sẽ phải là sản phẩm, chứ không phải điểm số trên một bài kiểm tra. Bằng cách cùng nhau làm việc nhóm, từ các bước chọn mảng chuyên đề, đến các bước xây dựng tiểu luận, trình bày PowerPoint, thuyết trình và diễn tác phẩm… các học sinh hoàn toàn tự chủ. Với cách học như thế, học sinh không những được sáng tạo theo cách của mình mà còn học được các kỹ năng mềm như kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng phê phán, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, giải quyết mâu thuẫn, sắp xếp thời gian... Sản phẩm mà học sinh cho ra hoàn toàn là những gì học sinh xây dựng, tự tìm tòi, sáng tạo và được ủng hộ bởi thầy cô. Với độ dài khoảng 50 trang cho một tiểu luận, học sinh sẽ buộc mình nghiêm túc cho ra một sản phẩm có giá trị về nội dung chất lượng, cũng như về hình thức.
Học Văn bằng văn nghệ
Học Văn theo lối truyền thống là hình thức ghi nhớ một chuỗi các chi tiết sự kiện diễn ra trong tác phẩm. Anh Chí được nhặt ở đâu, lớn lên như thế nào, vào tù khi nào, ra tù trong hình hài ra sao,… Một tác phẩm, hai tác phẩm, ba tác phẩm, cả chương trình học, làm sao có thể chắc chắn rằng học sinh nhớ được chuỗi các sự kiện ấy mà không cảm thấy áp lực, nhàm chán?
Bên cạnh cách tiếp cận văn học cho phép học sinh tự đào sâu nghiên cứu, Câu lạc bộ còn mang đến cho học sinh cách học thú vị khác đó là: Học Văn bằng văn nghệ. Ví như, khi đào sâu vào tác gia Nam Cao, ta có thể tập trung đi vào tác phẩm Chí Phèo. Các nhóm sẽ tự chuẩn bị cho mình các tiết mục giải trí mà qua đó nhẹ hóa tính học thuật của môn học. Đóng kịch, múa, hát vè, sáng tác thơ,… học sinh được tạo điều kiện cho phép sáng tạo tối đa bằng năng lượng của mình. Một vở kịch “Đêm trăng vườn chuối”, một sáng tác thơ “Nỗi lòng anh Chí”,… là một hình thức học mới lạ dễ tiếp thu.
Trước lối học Văn qua hình thức trình diễn văn nghệ như thế, học sinh sẽ không còn cảm thấy áp lực để có thể nhớ đến từng chi tiết trong tác phẩm nữa. Song, một lần nữa rèn cho bản thân các kỹ năng cần thiết, đem lại cho mình nhiều trải nghiệm thú vi. Học sinh sẽ cùng nhau viết kịch bản vở kịch, cùng nhau tập luyện, cùng nhau làm đạo cụ sân khấu, dựng sân khấu, may trang phục và học cách hóa trang,… Bằng những trải nghiệm đầy thú vị ấy, chẳng những đem lại kết quả tuyệt vời trong học tập mà còn để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong tuổi thanh xuân.
Kết luận
Môn Văn thực sự không đáng sợ nếu có cách học đúng đắn. Với sứ mệnh luôn hướng đến môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, cá nhân hóa, Câu lạc bộ Văn học Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu – Đồng Tháp đã mang đến cho học sinh cách tiếp cận Văn học đầy mới mẻ, sáng tạo. Qua đó, giáo dục toàn diện đảm bảo cho học sinh cả kiến thức chuyên môn, kiến thức trong chương trình lẫn các kỹ năng mềm cần thiết. Với mô hình học tập như thế, giáo dục sẽ tối ưu hóa vai trò cá nhân của học sinh, cũng như hạn chế đi phần nào giáo dục công nghiệp truyền thống.
Người viết: Lê Thị Thùy Dương