Trong quá trình nhận biết thế giới xung quanh, con người cần ghi lại những quy luật, sự việc, sự vật thành một hệ thống cụ thể sau đó căn cứ vào đó để phân tích, đánh giá, dự đoán quá trình mọi thứ diễn ra, mình gọi chung tất cả những điều trên gọi là cách mô tả thế giới.
Tùy vào mỗi giai đoạn, chúng ta có những cách mô tả thế giới khác nhau. Trẻ con mô tả thế giới bằng việc thử làm cái đã, đúng sai hay hậu quả gì đó tính sau, bằng mọi giá phải làm để xem điều bản thân nghĩ đúng không đã. Vì thế ta sẽ nhìn thấy những bậc cha mẹ đau đầu với đứa con ngoan cố của mình vì nói hoài mãi không nghe, cuối cùng bản chất người cha mẹ đó chưa đủ tầm có thể mô tả nguyên lí hiện tượng cho con hiểu và hơn hết chính bản thân cha mẹ là sự mô tả trong thế giới quan đứa trẻ. Khi trưởng thành, chúng ta mô tả thế giới bằng khoa học, triết học, nghệ thuật,... và ghi lại tất cả bằng văn học, lịch sử,...
Khoa học mô tả thế giới bằng những định luật toán học, vật lý, hóa học, sinh học,... ghi lại chúng bằng những phép tính, con số thông qua những thực nghiệm cụ thể mang tính chất logic. Triết học mô tả các mối quan hệ, sự tác động của các sự vật - sự việc với nhau bằng những nhận định của các nhà tư tưởng lớn như Mác, Khổng Tử, Lão Trang,... và các tôn giáo lớn như đạo Phật, đạo Thiên Chúa,... thường mang tính chất phi logic đối với chúng ta. Trong triết học cùng một hiện tượng, sự vật, sự việc cách mô tả của mỗi người, mỗi tôn giáo khác nhau nhưng họ đều giống nhau về mặt cốt lõi vận hành, bản chất của chúng.
Do đó khi đọc sách về triết chúng ta quan trọng nhất phải coi cách thức họ mô tả thế giới như thế nào, vì sao họ lại mô tả như vậy, điều đó có thật sự đúng với trải nghiệm thực tế của ta hay không, chỉ nhìn nhận và dõi theo chứ không bám chấp vào những ý niệm của họ. Tất cả sự mô tả thế giới khác nhau đó với mục đích duy nhất là làm sự mô tả thế giới của chính bản thân ta trở nên giàu đẹp, sắc bén hơn thông qua nhìn nhận, đánh giá qua trải nghiệm thực bản thân trong cuộc sống, hơn hết trong văn học và lịch sử vì đâu phải lúc nào ta cũng có điều kiện trải qua được, triết học thiên về sự cảm nhận. Người đọc văn chương có thể sống được nhiều kiếp. Nghệ thuật là sự kết hợp hoàn mỹ của khoa học và triết học. Bởi vừa mang tính chất logic, vừa mang tính chất phi logic nên những thứ như âm nhạc, hội họa, thơ ca,... dễ chạm đến chúng ta hơn, được đo bằng nấc thang cảm xúc.
Vậy tại sao chúng ta phải học cách mô tả thế giới? Mình nghĩ để cuộc sống trở nên ngày càng thuận tiện - thoải mái, chúng ta không bị khổ bởi vì sự ngu dốt - tầm nhìn hạn hẹp và cuối cùng mang đến sự bình an. Trư vị bồ tát an trụ vào bát nhã ba la mật, tức ta chỉ có thể dựa vào trí tuệ của ta.