CÁCH MÌNH BỎ ĐI NHỮNG "SUY NGHĨ TIÊU CỰC"
Bài viết này dành cho những ai đang cảm thấy bế tắc, đầy những suy nghĩ tiêu cực. Mình muốn chia sẻ một vài cách để vượt qua chúng,...
Bài viết này dành cho những ai đang cảm thấy bế tắc, đầy những suy nghĩ tiêu cực. Mình muốn chia sẻ một vài cách để vượt qua chúng, mọi người có thể tham khảo thử nhé!
Mình đã từng là một người khá tiêu cực, hay tâm trạng và không hề tự tin vào bản thân. Khi đã trải qua rất nhiều chuyện, khóc lóc hết lần này đến lần khác, tránh móc, đổ lỗi đủ thứ.
Mình luôn hỏi bản thân một câu thế này "Rốt cuộc thì điều mình mong muốn nhất trong kiếp sống này là gì??". Mình đã dành đến tận 21 năm để tìm ra một câu trả lời đáng tin nhất.
Cuối cùng thì mình thật sự đã tìm thấy đáp án cho mọi vấn đề, cách làm sao để hoà hợp với tất cả những gì có thể xảy ra.
Vậy mình đã làm như thế nào? Trước tiên mình sẽ nói sơ về "suy nghĩ tiêu cực" đã nhé.
I. Suy nghĩ tiêu cực là gì?
Suy nghĩ tiêu cực thường là những suy nghĩ về bản thân, về những người xung quanh và môi trường của một người đang sống. Không ít người đã từng trải qua rất nhiều lần, các suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại từ lần này đến lần khác.
Bạn sẽ liên tục cảm thấy buồn, lo lắng, khó chịu về một sự việc nào đó tưởng chừng như rất bình thường đối với người khác. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, nó có thể tác động xấu đến chất lượng công việc, học tập và chính cuộc sống thường ngày của bạn.
Tuy rằng, không phải lúc nào suy nghĩ tiêu cực cũng được xếp vào bệnh tâm thần. Nhưng không ai có thể loại trừ khả năng rằng, đó có thể là một triệu chứng của bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách hay tâm thần phân liệt.
II. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn của những suy nghĩ tiêu cực
Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc bạn cảm thấy sợ hãi về tương lai của bản thân. Không ai có thể chắc chắn những chuyện có thể xảy ra, nó có thể xấu hoặc tốt. Điều đó khiến nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng dù có cố gắng nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau.
Vậy còn hiện tại? Lo lắng về hiện tại là điều dễ hiểu. Nhưng nhiều người thường sẽ quan tâm đến suy nghĩ của mọi người nghĩ sao về mình. Liệu có ai đang nhìn mình? Họ có thích bộ đồ mình đang mặc? Luôn cảm thấy trong văn phòng ai cũng phán xét mình. Dù có ở bất cứ trường hợp nào, họ luôn nghĩ đến tình huống xấu nhất có thê xảy ra.
Luôn cảm thấy xấu hổ về quá khứ của bản thân, bạn cảm thấy lo lắng về việc làm sai hôm qua, bị sếp mắng. Hay mọi người lúc trước đều thành công nhưng đến bạn thì lại gặp thất bại. Những người tiêu cực thường sẽ chỉ tập trung vào những sai lầm hay thất bại của quá khứ.
III. Cách mình vượt qua những suy nghĩ tiêu cực
1. Hiểu bản thân mình là ai
Mình nhận ra rằng, điều đầu tiên mà tất cả chúng ta đều nên có đó là phải hiểu được bản thân mình là ai. Biết mình thích gì hay không thích gì, mình muốn trở thành người như thế nào? Mình đang học tập, làm việc, phấn đấu vì mục đích gì?
Nếu như bản thân bạn không thể hiểu được chính mình, vậy liệu ai có thể hiểu được đây?
Mình đã từng sống như một đứa luôn tìm kiếm bản thân mình là ai trong suốt nhiều năm. Hơn 20 năm sống trên đời này mình nhận ra mình không hề hiểu gì về bản thân và điều đó thật sự là một ô trống rất lớn.
Mình thật sự không biết bản thân thích gì hay ghét gì, thậm chí ngay cả món ăn mình cũng không biết rốt cuộc mình thích món gì nhất.
Bởi trong suốt từng ấy thời gian mình luôn đặt mọi thứ ở mức vừa phải, nếu đo bằng thang điểm 10 thì nó sẽ luôn ở mức 5 điểm. Nói dễ hiểu hơn là mình sẽ không thích hay ghét bất cứ thứ gì, mình không thích ai hay ghét ai, nghĩ tới đâu hay tới đó. Luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người.
Đến khi có người bắt đầu muốn biết nhiều hơn về mình như kết bạn, giao lưu chung một hội nhóm nào đó hay đi phỏng vấn xin việc. Lúc đó mình mới ngộ ra mình chả thể trả lời hết được các câu hỏi đó. Mình bắt đầu tự hỏi "Rốt cuộc thì mình là ai? Mình muốn trở thành người như thế nào?".
Đó là lúc mình muốn tìm kiếm lại chính mình, mình nhất định phải là người hiểu rõ bản thân mình nhất.
Nếu bạn không biết mình muốn gì đó sẽ là cơ hội màu mỡ cho những suy nghĩ tiêu cực chiếm lấy tâm trí bạn. Dễ dàng bị ai đó thao túng, không có lý lẽ để phản bác lại,...
Nhưng nếu biết điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, biết mình ghét hay thích cái gì, mình có sở thích gì, mình muốn trở thành một người như thế nào. Chắc chắn bạn hoàn toàn có thể tự tin để đối diện mọi vấn đề trong cuộc sống.
Thay vì cứ nhìn về điểm yếu của mình hãy thử phát triển những thế mạnh mà bản thân đáng có, hãy trải nghiệm nhiều nhất có thể. Luôn nhớ rằng, không bỏ sót bất cứ lời góp ý hay chê trách nào, với một tâm thế sẵn sàng thay đổi, mỗi ngày nhất định phải tốt hơn phiên bản của mình hôm qua.
Hãy dành tầm 5 phút suy nghĩ về những điều mà bạn muốn làm nhất? Bạn muốn trở thành một con người như thế nào? Thử tìm xem những người đã thật sự thành công trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi, lấy họ làm động lực, rút ra được bài học từ thất bại của họ chẳng hạn.
Bạn biết không chả ai thật sự hoàn hảo cả, tôi, bạn và tất cả những người ngoài kia, ai cũng có mặt tốt và mặt xấu. Hiểu hơn về các mặt này không phải bạn đã có thêm một điểm cộng rất lớn cho cuộc đời này phải không?
2. Theo đuổi mọi sở thích
Trước đây, mình chỉ biết là bản thân rất thích viết, nhưng mình lại không biết cách để phát triển chúng nhiều hơn. Và rồi mình quyết định mình phải trải nghiệm hết mọi ngành nghề liên quan đến viết lách để biết rằng bản thân thật sự thuộc về đâu.
Dần dần mình nhận ra mình có rất nhiều sở thích khác nhau để hỗ trợ cho công việc viết lách chẳng hạn thích đọc sách, thích chụp hình, thích trải nghiệm các trò chơi mới lạ, thích xem phim,... Mình thích viết dài hơn, viết có tính thuyết phục hơn.
Và khi thật sự tập trung phát triển những sở thích đó mình đã không còn tâm trí suy nghĩ tiêu cực nữa. Bởi trong đầu mình chỉ toàn là những thứ mình muốn làm, à không nhất định phải thực hiện chúng ngay và luôn.
Sống là để trải nghiệm, dù có thất bại hãy tập đứng dậy, thử lại lần nữa, rút kinh nghiệm từ những lần sai đó. Hãy sống để bản thân luôn cảm thấy thoải mái nhất. Bạn thật sự hạnh phúc với những gì mình đang làm.
Giả sử bạn rất thích nấu ăn hãy mạnh dạn đăng ký một khoá học nấu ăn. Hãy tập đi chợ, nấu những món ăn ngon cho gia đình. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Nấu ăn cũng là một cách để chúng ta giải toả căng thẳng khá hiệu quả đấy.
Mình nghĩ rằng chúng ta không nên quá chú tâm đến cái nhìn của người khác, bởi bạn sẽ không thể làm hài lòng tất cả mọi người, có người khen ắt có người chê. Vậy nên cứ làm mọi thứ mà khiến bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc nhất là được.
3. Tận dụng tối đa thời gian của một ngày
Việc tập trung vào phát triển bản thân mỗi ngày khiến mình cảm thấy thời gian trôi đi không bị lãng phí. Mình tận dụng thời gian của một ngày để làm tất cả những gì bản thân muốn làm.
Đôi lúc cả ngày mình có thể cảm thấy áp lực với công việc trên văn phòng nhưng sau giờ làm chắc chắn đó phải là thời gian để mình nạp lại năng lượng.
Thông thường sau tan làm để giải toả căng thẳng mình sẽ đi chợ nấu một bữa ăn mà mình thích. Loay hoay tầm một tiếng trong bếp, xong thì sẽ xem một bộ phim mà mình thích trên Netflix. Trước khi ngủ, mình sẽ dành tầm 30 phút dành cho việc đọc sách.
Cứ như vậy mỗi ngày trôi qua mình đều cảm thấy thời gian được tận dụng một cách tối đa. Tất nhiên không phải mỗi ngày mình điều lặp lại các hành động giống nhau như vậy. Mà sẽ luôn phiên thay đổi để không cảm thấy bị nhàm chán.
Có khi thay vì nấu ăn mình sẽ đi ăn, đi cà phê với mấy đứa bạn. Có hôm thì sẽ dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Có hôm sẽ ngồi học về cách chụp hình, cách dựng video hay học thêm tiếng Anh,... Nói chung nó đều xoay quanh những việc làm hỗ trợ kiến thức cho công việc hiện tại, cho phát triển bản thân.
Vào hai ngày cuối tuần mình có thể ở nhà xem phim, hay đi gặp bạn bè, thử sức mình với các trò chơi vận động như leo núi, bắn súng chẳng hạn.
Khi nghĩ về những thứ mình muốn làm, mình sẵn sàng set lịch hết cho cả một tháng hay thậm chí nhiều hơn. Và khi thật sự tập trung vào những việc làm đó, mọi suy nghĩ tiêu cực của mình về cuộc sống cũng bớt đi rất nhiều.
Mình luôn cảm thấy háo hứng cho một ngày mới, bởi mình đã có sẵn các mục tiêu cho hôm nay, không cần phải suy nghĩ quá nhiều rằng hôm nay mình nên làm gì đầu tiên?
4. Đọc sách nhiều hơn
Có lẽ, đọc sách chính là "chìa khoá" đã giúp mình vượt qua hết những suy nghĩ tiêu cực. Mình đọc các cuốn sách với nhiều thể loại khác nhau, từ cách mà mọi người chia sẻ về kinh nghiệm trong cuộc sống cho đến các cuốn sách về thiên văn, vũ trụ, các nền văn minh nhân loại hay tiểu thuyết.
Tất cả chúng đã giúp mình có một cái nhìn cởi mở hơn về mọi thứ trong cuộc sống này, suy nghĩ không còn quá nặng nề thiên về sự tiêu cực nữa.
Việc chìm đắm vào từng cuốn sách khiến mình nạp thêm rất nhiều kiến thức cho công việc, cho cuộc sống hiện tại. Việc cứ suy nghĩ mãi về sự tiêu cực nó chả còn cần thiết nữa, cứ như vậy mình mạnh dạn gạt bỏ nó ra khỏi cuộc sống.
Khi đã có kiến thức đủ dày trong một lĩnh vực nhất định nào đó chắc chắn bạn dễ dàng tạo nên sự thuyết phục trong từng lời nói và cả sự tự tin về bản thân. Không còn bị tác động quá nhiều bởi lời miệt thị của người khác.
Có thể nói đầu tư vào tri thức chính là một cách khôn ngoan nhất nếu chúng ta muốn đi xa hơn so với những gì đang có.
5. Tiếp xúc với những người cùng tần số
Sau khi có cho mình những kiến thức đó, hãy tiếp tục phát triển các kỹ năng cho bản thân. Đó là tiếp xúc với những người có cùng tần số.
Vậy làm sao để gặp những người có cùng tần số?
Hãy đến những nơi mà bạn cho rằng mình sẽ kết bạn được với những người có cùng sở thích. Đó có thể là một buổi workshop về một chủ đề liên quan đến công việc mà bạn cảm thấy hứng thú. Đó có thể là một buổi hoà nhạc, buổi concert, một buổi từ thiện,...
Hãy đến đó và giao lưu, chia sẻ với những người ở đấy, chắc chắn họ cũng sẽ có một vài điểm chung giống bạn vậy.
Nếu như bạn cảm thấy hâm mộ ai đó trong bất kỳ lĩnh vực nào, hãy thử đặt xem trước các thông tin của họ trên new feed. Hoặc bạn cũng có thể gửi mail cho họ để xin kinh nghiệm hoặc một vài lời khuyên từ họ,...
Khi thật sự tiếp xúc với những người có chung tần số, bạn sẽ muốn nói nhiều hơn để chia sẻ thông tin mà bạn đang có. Khi lời nói được lắng nghe một cách tôn trọng, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn và phấn khởi hơn rất nhiều.
6. Ưu tiên những điều quan trọng nhất
Đối với bản thân mình, có 3 thứ mà mình cảm thấy quan trọng nhất chính là BẢN THÂN, GIA ĐÌNH và BẠN BÈ. Đây là thứ tự mình luôn ưu tiên ở thời điểm hiện tại.
Điều đầu tiên chắc chắn bản thân mình phải sống thật tốt, có thể tự chăm sóc bản thân, độc lập, tự chủ. Rèn luyện các thói quen tốt cho bản thân.
Thứ hai mà mình luôn ưu tiên chính là gia đình, đối với mình gia đình thật sự rất quan trọng. Đó là nơi mình luôn cảm thấy yên bình, được nạp lại năng lượng một cách nhanh chóng nhất. Dù mình có gặp ai tốt hơn chắc chắn họ cũng không thể ưu tiên hơn so với các thành viên trong gia đình mình được.
Thứ ba chính là bạn bè, mình không thật sự có quá nhiều bạn bè nhưng bạn bè hiện tại chắc chắn là mối quan hệ chất lượng nhất. Cho dù lâu lâu không gặp nhưng cái tình cảm nó vẫn y như vậy, không hề thay đổi. Suy nghĩ, hành động, lời nói cứ như chưa từng cách xa nhau vậy.
Mình cảm thấy khá may mắn khi có một vài người bạn đã chơi chung hơn 20 năm nay.
7. Luôn có mục tiêu cuối cùng
Phải, hãy nghĩ về đích đến mà bạn muốn hướng tới. Đó sẽ là con người mà bạn muốn trở thành khi gần hết kiếp sống của mình.
Trước tiên thử đặt cho mình những mục tiêu cho 2 năm 5 năm hay 10 năm nữa. Xem, để đến với mục tiêu cuối cùng giờ bạn cần phải làm gì đầu tiên. Cứ như vậy, cố gắng thực hiện chúng rồi bạn sẽ thấy bản thân sống sẽ có ý nghĩa hơn tất nhiều.
Tất nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Cái quan trọng ở đây chính là cách nhìn của chúng ta, hãy luôn giữ một thái độ tích cực nhất trong mọi trường hợp. Hãy nghĩ về cách giải quyết một vấn đề nhiều hơn thay vì than vãn, trách móc ai đó. Tập suy nghĩ đơn giản hơn thay vì làm quá mọi thứ lên.
IV. Tạm kết
Trên đây là một vài cách mà mình đã vượt qua được những suy nghĩ tiêu cực. Có người đã từng hỏi mình, tại sao bây giờ mình lại khác nhiều như vậy? Nói mình sao có thể mạnh mẽ đối diện với mọi thứ?
Thật ra, khi bạn đã trải qua rất nhiều chuyện xảy ra, đến một lúc nào đó cũng sẽ tìm thấy cách vượt qua chúng một cách nhẹ nhàng nhất. Mình không tự nhận mình là một người mạnh mẽ, bởi cũng có những lúc áp lực ập đến cũng khóc lóc cả đêm.
Nhưng qua hôm sau mọi thứ lại đâu vào đấy, vì mình biết rằng rồi mấy vấn đề này cũng sẽ được giải quyết ổn thoả. Bình tĩnh, cố gắng giải quyết rắc rối nhanh nhất có thể để còn nhường chỗ cho những việc mình đang muốn làm.
Nếu như những suy nghĩ tiêu cực trở nên không thể kiểm soát mình vẫn khuyên mọi người nên tìm đến các bác sĩ tâm lý để có thể được tư vấn kỹ hơn.
Mình mong rằng mọi người sẽ đọc bài này như một lời chia sẻ nhiều hơn, cảm ơn mọi người vì đã dành thời gian đọc bài viết này nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất