Ở một nền văn hóa mà sự chính xác và hiệu quả được tôn lên hàng chủ đạo, bóng đá Đức đã được đóng gói ở mọi cấp độ đội tuyển bằng một hệ thống có tổ chức, mạnh mẽ và phù hợp với thể chất. Sau chiến lược thay đổi triệt để mọi góc độ, từ phương pháp huấn luyện đến ưu tiên tìm giải pháp cho những khía cạnh còn thiếu sót, rất nhiều ngôi sao được sản sinh đủ điều kiện đáp ứng yếu tố kỹ thuật sẵn sàng bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Từ những cầu thủ trẻ nhất ở các lứa tuổi, các buổi đào tạo được thực hiện trong giai đoạn nước rút và kỷ luật chiếm vị thế cao trong xã hội, tạo nên một lối sống bóng đá đầy bản sắc. Nếu có gì đó người Đức cần thực hiện ngay hôm nay, họ đã hoàn thành từ hôm qua rồi.
Ngày 9/3/2017, âm thanh vang vọng khiến cả thành phố rung chuyển từ những tiếng reo hò “Força Porto Allez” của các CĐV Dortmund nhắm đến đội khách Benfica đã mang đến một thông điệp mạnh mẽ. Đội bóng Vàng-Đen giờ đây sắm vai kẻ thù không đội trời chung của Benfica. Với tinh thần và linh hồn FC Porto trong hình hài đội bóng hùng mạnh nhất vùng Ruhr, Dortmund cho thấy sự ngạo nghễ cao độ khi áp đảo đại diện Bồ Đào Nha trên sân nhà. NHM Benfica lặn lội xa xôi đến Đức mà chỉ hy vọng thời gian trôi đi càng nhanh càng tốt sau cơn ác mộng mà họ vừa mắc phải.
Một nhóm CĐV Bồ Đào Nha như lọt thỏm giữa cầu trường Signal Iduna Park bao la. Một lượng nhỏ đến sân với cái giá vé rẻ bèo, chỉ 16 Euro từ khoảng 1 giờ trước khi trận đấu bắt đầu. Và tất nhiên, tiếng cổ vũ yếu ớt của họ ngay lập tức câm lặng ngay ở khoảnh khắc đoàn quân Die Borussen lừng lững tiến ra sân. Bức tường vàng kiêu hùng bậc nhất Thế giới không ngừng nhảy múa suốt gần hai giờ đồng hồ trận đấu diễn ra. Điên cuồng nhất vẫn là những Ultras phủ kín khán đài đứng Südtribüne, khi Borussia yêu dấu của họ vùi dập không thương tiếc những kẻ viếng thăm đến từ bán đảo Iberia tội nghiệp.
Tua ngược thời gian về 20 năm trước. Suốt mùa hè Euro 96, đội chủ nhà Anh cứ liên tục lải nhải bài ca “Bringing football home”. Nhưng người Đức dễ gì để yên. Với cảm hứng bất tận từ Matthias Sammer, Cỗ xe tăng hủy diệt ngày ấy đã rất biết cách phá bĩnh bữa tiệc mà tuyển Anh mơ về ngay trên sân nhà của chính họ. Thuyền trưởng Jürgen Klinsmann đã thu về chiến lợi phẩm có được từ tay nữ hoàng Anh Elizabeth ngay tại thánh đường Wembley khiến gần 70.000 khán giả chỉ biết câm nín. Đội nhà muốn bước vào Chung kết để đả bại một CH Séc có phần lép vế ư? Tất thảy chỉ là ảo tưởng. Tam Sư phải chịu đau khổ sau cú đá hỏng ăn định mệnh của Gareth Southgate trong loạt luân lưu cuối cùng ở Bán kết. Đã vậy trước đó ở hiệp phụ, Paul Gascoigne chắc hẳn phải điên tiết lắm bởi ngón chân cái của ông đã không đủ dài thêm 1 millimet để kết liễu trận đấu, khiến mối thù với đội tuyển Đức dây dưa đến tận loạt penalty định mệnh.
Sau Euro 96 là mùa giải 1996/97 chứng kiến Borussia Dortmund giành được Champions League. Đó cũng là màn chạy đà trước khi Thế giới chuẩn bị cho sự thống trị của bóng đá Đức nhiều năm sau. Mặc dù vậy, Die Mannschaft cũng phải nhận được một bài học đắt giá từ Croatia ở Tứ kết World Cup 98 trên đất Pháp. Ngay liền sau đó là kỳ Euro 2000 thảm khốc với vị trí bét bảng và bị loại ngay từ vòng bảng. Về nước cùng lúc với Đức ở Euro năm ấy còn có tuyển Anh chỉ ghi được đúng 1 bàn sau 3 trận. Đoàn quân Tam sư của HLV Kevin Keegan tủi hổ về nước với cái biệt danh mà người đời bắt đầu chế giễu: “Tam mẽo”. Họ chỉ biết đổ lỗi cho những sai lầm cá nhân, tự trách bản thân xui xẻo bởi những quyết định không chính xác từ trọng tài. Người Đức - đội tuyển từng 3 lần vô địch Thế giới cũng rơi vào tình cảnh chẳng khác gì tuyển Anh.
Xấu hổ, nhục nhã và đau đớn. Một loạt những chỉ trích thậm tệ dồn lên đầu DFB (LĐBĐ Đức). Thất bại ở Euro là tiền đề cho một cuộc đại trùng tu cho cả hệ thống vận hành của một nền bóng đá. Màn trình diễn tệ chưa từng thấy ở giải đấu diễn ra trên đất Bỉ và Hà Lan mùa hè 2000 đã được khắc ghi như một cột mốc lịch sử của nền văn hóa bóng đá đại diện cho cả một cường quốc 80 triệu dân. Các bức tường của trụ sở Deutscher Fußball–Bund (DFB) đều bị đánh sập khi hàng loạt con người hét lên yêu cầu phá bỏ. Thay đổi ngay những phiến đá đó để thế hệ sau còn được biết rằng, bóng đá Đức bước vào một kỷ nguyên mới. Họ sắp được tái sinh.
Hậu quả đầu tiên của thất bại ở đầu thiên niên kỷ mới, bóng đá Đức trở nên “lệch pha”. DFB đi khắp toàn cầu để tìm kiếm một phương pháp tốt nhất hòng phát triển đúng hướng. Không một viên đá nào bị bỏ lại trong công cuộc xây dựng lại bức tường vững chãi ngày nào. Mặc dù vậy, tìm kiếm sự hoàn hảo ở cách thức tập hợp và san sẻ quy trình hoạt động bằng tinh thần, phong cách và văn hóa Đức chẳng phải là điều dễ dàng. Giáo dục dành cho HLV hiện đã mở rộng với hàng loạt các khóa học với mức giá thấp nhất trên toàn lục địa già. Cụ thể, một khóa học bằng B của UEFA ở Đức chỉ tốn 340 bảng để đăng ký, cực ít nếu tham chiếu với nước Anh, dao động từ 750 đến 2450 bảng cho cùng trình độ.
Ngày càng nhiều HLV toàn thời gian được tuyển dụng, các cơ sở thanh thiếu niên cũng được nâng cấp, một triết lý đã được đặt nền móng với khát vọng khẩn cầu là tránh xa cái tâm lý xa xưa hoài cổ của “những người Đức chính thống”. Bây giờ, họ phải tập chơi bóng ngắn, trực diện, quan sát kỹ diễn biến để hòng xoay chuyển chiến thuật, để rồi từ nền tảng cơ bản đó mà hướng đến chiến thắng. Theo UEFA, Đức có 28.400 HLV có bằng B HLV (ở Anh là 1759), 5.500 có bằng A (895 so với Anh), 1070 bằng Chuyên nghiệp (115). Đó là những chứng chỉ cao nhất của Châu Âu.
Đội tuyển Quốc gia Đức và các CLB chi tổng cộng hơn 96 triệu Euro cho bóng đá trẻ mỗi năm, hơn 52 trung tâm xuất sắc được thành lập trong vòng 12 năm qua. 366 cơ sở huấn luyện đi vào hoạt động với sự cộng tác của 1300 HLV chuyên nghiệp dồn toàn tâm giáo dục những măng non chính là tương lai của Bundesliga.
Berti Vogts dẫn dắt ĐTQG trong 8 năm và trong thời gian cầm quân của mình, ông luôn lên tiếng về tình trạng thiếu thốn tài năng trong đội hình chính thức. Ông cho rằng người Đức đang “an nhiên trên đỉnh cao” khi hàng ngàn thanh thiếu niên những năm 1990 bỗng nhiên đình trệ với bóng đá, có thể là do thiếu hiểu biết. Một cái tên cũng gần như đã luồn qua kẽ tay của DFB là tiền đạo trứ danh Miroslav Klose - cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử World Cup lẫn màu áo tuyển Đức. Đáng chú ý, tiền đạo sinh ra ở Ba Lan đã chơi bóng với tư cách là một tay nghiệp dư từ giải hạng 5 cho đến năm 21 tuổi. Khi đó các tuyển trạch viên chẳng hề ngó ngàng đến thị trấn nhỏ bé Kusel, Rhineland-Palatinate – nơi Klose chuyển đến sinh sống sau khi rời Opole hồi 8 tuổi cùng người cha năm 1986.
Năm 2002, mạng lưới trinh sát được “trẻ hóa” khi chương trình Tìm kiếm tài năng bóng đá chính thức mở rộng. Giám đốc Jörg Daniel ngồi lại với các chuyên gia với niềm tin rằng: “Nếu thực sự có một tài năng của Thế kỷ được sinh ra trong một ngôi làng nhỏ phía sau rặng núi, chúng ta sẽ tìm cậu nhóc ấy cho bằng được.”

Tua nhanh đến 12 năm sau. Đó là khoảnh khắc hàng triệu triệu người dân Đức nhảy cẫng lên vui sướng khi Mario Gotze tung cú sút xé lưới vào phút 113 của trận Chung kết World Cup 2014. Tuy vậy, vẫn không có bất kỳ ai có thể “nhảy” cao được như Christian Guttler. Ông là một kỹ sư sinh ra ở Berlin có những phát minh đột phá với hy vọng mang lại chút lợi thế cá nhân, dù chỉ là 1% cũng là quá đủ trước các đối thủ khó chịu.
Thiết bị “Footbonaut” đã được tạo ra và lập tức phủ sóng toàn bộ lãnh thổ. Các nhân viên của Borussia Dortmund vô cùng háo hức với món đồ chơi công nghệ thượng hạng này. Sẽ có một cầu thủ đứng trong vòng tròn giữa sân, bao quanh anh là 64 tấm pa-nô. Bóng sẽ được bắn ra ở một ô bất kỳ, và nhiệm vụ của cầu thủ đó sẽ chỉ dùng đúng 2 chạm: 1 để giữ bóng, 1 để tung cú sút chính xác vào tấm pa-nô mục tiêu đang phát sáng. BVB được cho là đã chi gần 3 triệu Euro cho món hàng được ví như như con tàu vũ trụ, mang đến cho người chơi những trải nghiệm về tốc độ phản ứng với bóng, đổi mới tư duy và tất nhiên, là cả tăng cường kỹ thuật cá nhân.
Hãy nhìn cái cách Gotze - một học viên ưu tú của lò đào tạo Dortmund khống chế bóng bằng ngực rồi tung cú sút ở góc hẹp đánh bại Sergio Romero, qua đó đánh bại Argentina, đưa Die Mannschaft lên ngôi Thế giới lần thứ 4. Quả là minh chứng tuyệt vời cho cách luyện tập với công nghệ tiên tiến mà anh từng được học. Một pha điều chỉnh thước ngắm, dứt điểm đưa bóng đến đúng mục tiêu hiểm hóc về phía góc xa, cầu thủ thuộc biên chế của Hùm xám Bavaria đã hoàn thành quá tốt những bài tập trong “lồng” thời còn ở Westphalia ngay tại thánh đường bóng đá lớn nhất Nam Mỹ, sân Maracana.

Các bài tập ở học viện liên tục được thực hiện dưới sự giám sát của các HLV ở mọi cấp độ theo dõi trên khắp mặt sân. Sự chính xác, những đường chuyền nhanh nhạy từ những pha một chạm là một trong những yêu cầu được các HLV đưa ra cho các cầu thủ, yêu cầu họ trở nên sáng tạo trong từng cú xoay người. Tự do sáng tạo được khuyến khích, những cú chuyển mình giật gót được thực hiện thường xuyên. Ở mỗi cuối buổi tập là một mục tiêu cho các cầu thủ trẻ nhắm đến.
Mọi thứ được thực hiện với nhịp độ cao. Thể lực bên trong và ngoài sân cỏ là một điểm quan trọng giúp các cầu thủ trẻ đủ khả năng thi đấu với cường độ lớn. Triết lý và phương pháp được đưa ra khắp các ban huấn luyện ở những CLB này. Các HLV được yêu cầu phải đưa ra các kế hoạch và phản hồi hàng tuần. Bên cạnh đó, các buổi tập diễn ra và kết thúc cùng thời điểm trên khắp các lứa tuổi.
Trong những phút bù giờ, một HLV thuộc một học viện giải thích: "Chúng tôi phải khắc nghiệt với các em vì nếu nương tay với chúng, chúng sẽ trở nên thư giãn và điều đó sẽ dẫn đén sai lầm. Nếu một cầu thủ trở nên mệt mỏi, chúng sẽ dễ mắc sai lầm vì tâm trí của chúng cũng trở nên mệt mỏi. Chúng chỉ là trẻ nhỏ thôi. Các cậu nhóc này được dạy dỗ bởi CLB, chúng được học hành 30 tiếng một tuần. Tôi nghĩ đây là điểm mạnh của Đức so với thế giới; chúng tôi biết rằng hầu hết các cậu nhóc này sẽ không thể thi đấu chuyên nghiệp, vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị cho chúng một tương lai bên ngoài bóng đá.”
Hơn 69% cầu thủ của Bundesliga là người Đức và gần 14% thi đấu cho CLB mà mình gắn bó từ bé. Trong đó phải kể đến học viện Eintracht Frankfurt. Ở vùng ngoại ô thành phố là sân Commerzbank Arena có sức chứa 51,500 người. Đêm hôm nay họ sẽ đối đầu Hamburger SV. Ở trận đấu này, Die Adler ra sân với 8 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB.
Vượt một quãng đường dài trên con tàu được miễn phí tiền vé để đến sân, bạn sẽ đi tiếp trên một con đường đi bộ nằm sau trong một khu rừng. Những gã bán khăn lậu và những túp lều bia, ta dễ dàng bị bao vây hàng ngàn fan từ cả hai đội. Xúc xích Weisswurst kẹp giữa những chiếc bánh mỳ, bia Krombacher được dùng như gậy nhạc trưởng trong khi điệp khúc của "Im Herzen von Europa" sẽ được đáp lại bằng "Wir sind die Hamburger" bởi những đám đông nồng nhiệt.
Khán giả cười đùa thân thiện như thể họ tất thảy là người thân với nhau vậy. Họ uống bia, cười nói cùng nhau. Dù kết thúc với tỷ số hòa, bầu không khí vẫn đầy sự nhiệt huyết. Pháo sáng và những bữa tiệc vẫn diễn ra cho đến tận sáng khi đoàn tàu lăn bánh ngược từ Frankfurt trở về Humburg.
Thật tự hào khi cùng là người Đức cùng những CĐV nhiệt thành kia. Cách họ đi lại, ăn mặc và hành động là một cách tri ân cho nguồn gốc của mình. Mỗi huyện và thị trấn cũng được tôn vinh bởi bản sắc riêng, đặc trưng đến mức dân ở phía Tây có thể biết rằng người kia đến từ phía Đông. Nhưng kể từ ngày bức tường Berlin sập đổ, những sự đặc trưng này cũng dần mất đi: "Họ như cá rời khỏi nước, lạ lẫm với lối sống miền Tây. Năm tháng trôi qua, họ dần thích nghi với sự hiện đại. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận cư dân vẫn quyết định ở lại phía Đông thay vì đi theo lối sống tranh giành quyết liệt của phía Tây."
Trong 18 đội ở Bundesliga, Hertha Berlin là đội Đông Đức duy nhất, dù nhiều người trông đợi rằng sẽ có nhiều đội đến từ miền Đông trong những thập kỷ tiếp theo khi mà các đội bóng dần đuổi kịp nhau về mặt tài chính.
NHM bóng đá từ Bắc tới Nam, từ Đông sang Tây, Đức là nước đông dân thứ hai ở Châu Âu, chỉ sau con số 144 triệu của Nga. Và ở trên khắp đất Đức này luôn có những tay tuyển trạch viên từ các trung tâm đào tạo của DFB. Có những cầu thủ được ký hợp đồng bởi các CLB chuyên nghiệp tham gia vào chương trình và một số khác chơi cho đội trẻ của địa phương. Các bài tập được đưa ra bởi DFB mỗi tuần và đây là cơ hội hoàn hảo cho các CLB để tìm ra tài năng trẻ. "Nếu chúng tôi giúp các CLB, chúng tôi cũng sẽ giúp chính bản thân mình, vì các cầu thủ của ĐTQG đến từ hệ thống đào tạo trẻ của chúng tôi," giám đốc thể thao của ĐTQG, Robin Dutt chia sẻ.
Đây là một triết lý rất tốt khi quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu. Điều tương tự cũng diễn ra ở Tây Ban Nha. Đây không phải là ý tưởng từ đội bóng Nam Âu vốn có được những lò đào tạo trẻ thành công nhất ở Lục Địa Già.
Khi TBN bị loại sớm khỏi World Cup 2014, câu nói "Tiki Taka đã chết" vang dội khắp hoàn cầu, thế nhưng, đội bóng chơi thứ bóng đá gần gũi với lối đá dựa vào những đường chuyền này của Pep Guardiola lại là nhà vô địch năm đó, Đức.
Luôn có từ 6 cầu thủ thuộc biên chế Bayern Munich là nòng cốt của đội tuyển Đức
Một buổi chiều thứ 7, những vị khách Darmstadt khiến Bayern Munich gặp khó khi tỷ số 1-1 được giữ nguyên. Franck Ribery vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau chấn thương, Guardiola phải tung vào sân Rafinha. Sau đó là hàng loạt những chỉ dẫn của ông thầy người TBN giành cho Juan Bernat và Arturo Vidal được chàng hậu vệ phải người Brazil này đem vào sân.
48 giây sau, bóng được chuyền đến vị trí của tiền vệ cánh người Pháp khi anh đối mặt thủ môn Gyorgy Garics của Darmstadt. Bernat lập tức xuất hiện, chạy vượt qua Ribery ngay khi số 7 này chuyền bóng cho mình. Cầu thủ TBN lập tức chuyền lại phía sau cho Vidal, người vừa dâng lên để nhận bóng từ góc.
Khoảng không được rộng mở cho tiền vệ người Chile, anh nhanh chóng thực hiện một đường chuyền cho Thomas Muller trước khi tiền đạo người Đức nhanh chóng thực hiện một cú sút trái phá vào góc xa khung thành của Darmstadt để đưa NHM Die Roten đến cực điểm của sự sung sướng. Chính ở khoảnh khắc thiên tài của Pep mà Hùm xám đã khiến các vị khách vùng Rhine-Main phải vùng lên nhằm tìm bàn gỡ. Sơ hở lập tức được phơi ra, và Lewandowski nhanh chóng tận dụng cơ hội để hoàn thành trận đấu, 3-1 là kết quả cuối cùng cho nhà vô địch.
Bóng đá Đức đã tìm kiếm được nhiều tài năng thông qua Guardiola. Trong 12 tháng đầu nắm Bayern Munich, ông đưa Philipp Lahm vào vị trí tiền vệ lùi nhằm giúp anh tận dụng khả năng lãnh đạo cũng như khả năng đọc trận đấu của mình để chỉ đạo các đồng đội dâng cao cũng như lùi về hiệu quả. Hậu vệ 30 tuổi này sau đó được Joachim Low đưa lên đá ở vị trí tiền vệ phòng ngự trong chiến tích World Cup ở Brazil, chứng minh tầm quan trọng của anh ở ĐTQG.
Trước khi Guardiola đến, Muller là một cầu thủ mạnh mẽ có nhãn quan bàn thắng tốt. Sau 3 mùa thi đấu dưới trướng HLV Catalunya, chàng trai gốc Bavaria là một biểu tượng thực sự cho các cầu thủ trẻ trên khắp thế giới. Từ học viện của Bayern, anh vươn đến vị trí của một cầu thủ tầm cỡ mà chúng ta đang được chứng kiến ở thời điểm hiện đại. Cực kỳ thông minh và có thể chơi được nhiều vị trí, Muller đã nắm bắt được phong cách của Pep và đã trở nên nhẹ nhàng hơn trong cách xử lý bóng, nhất là ở những đường chuyền đòi hỏi kỹ thuật và sự chính xác trong các pha chạy chỗ.
Jerome Boateng và Mats Hummel cũng là những lãnh đạo ở hàng thủ, họ thường xuyên đưa bóng lên tuyến trên nhằm kết nối lối chơi. Điều này phù hợp với sức mạnh và sự hiệu quả, hai thứ tạo nên một sự ăn ý giữa sự sáng tạo về mặt chiến thuật và thể thực. Những pha bứt tốc được thực hiện ở tần suất cao, chọc thủng mọi hàng thủ. Sự tinh quái và sự nhẫn nại cùng tâm lý của những cầu thủ bóng đá quốc tế được gắn chặt với các nhà vô địch. Bóng đá luôn được đặt lên hàng đầu ở nền văn hóa này, một nền văn hóa luôn coi trọng những người đứng đầu.
Khi tiền bạc dần đóng vai trò quan trọng trong bóng đá, người Đức bắt đầu chống lại mặt xấu này của nó. ĐTQG và các lò đào tạo trẻ thường dựa vào các quỹ đầu tư. Trong khi các bản hợp đồng quảng cáo, những bản hợp đồng tài trợ của bóng đá chỉ là thứ yếu. Trong mùa 2015-16, Bayern Munich là đội bóng có số tiền thu về cao nhất từ bản quyền truyền hình quốc gia, thế nhưng, họ vẫn đứng sau Bournemouth và West Ham ở Châu Âu về mặt này. Các CLB ở Anh biết rằng họ có thể đối chọi với các đội bóng lớn về mặt chuyển nhượng, còn các CLB Đức thì không, chính vì vậy, họ tập trung rất nhiều vào khâu đào tạo trẻ.
Giá vé thấp, cộng với việc di chuyển miễn phí tới các SVĐ. Cùng với đó là luật 50+1, một bộ luật quy định rằng 50% cổ phần CLB thuộc về NHM. Không một CLB nào có thể mua được bởi các nhà đầu tư từ nước ngoài với mục tiêu kiếm tiền. NHM được quyền uống bia trên sân và khán nếu muốn. Trên khán đài, không khí lúc nào cũng rộn rã và đầy sắc màu của những lá cờ, những biểu ngữ cổ động đặc trưng của từng đội bóng. Tạo nên một không khí không thể lẫn đi đâu được của Bundesliga.
Darmstadt có giá vé cao nhất trong năm 2016, 193 Bảng, nhưng giá này vẫn thấp hơn cái giá rẻ nhất của Premier League (Stoke City ở mức 294 Bảng). Điều đó dẫn đến việc một số CĐV Bayern Munich đã từ chối vào sân Emirates 5 phút đầu của trận đấu để phản đối giá vé cao một cách lố bịch của đội bóng London, Arsenal.
NHM Bayern Munich có quyền tức giận khi mà giá vé của họ thuộc loại thấp nhất trên TG. Ở khán đài đứng, giá vé chỉ là 100 Bảng. Một người đại diện của CLB nói rằng: "Chúng tôi không thể tăng giá vé lên quá 100 Bảng. Cứ thử nghĩ xem, nếu chúng tôi tăng lên 300 Bảng. Chúng tôi sẽ có thêm 2 Bảng nữa, nhưng làm thế để làm gì? Trong một cuộc thương lượng, bạn có thể tranh cãi đến 5 phút về con số 2 Bảng đó. Nhưng sự khác biệt giữa 104 Bảng và 300 Bảng là rất lớn với NHM. Chúng tôi không coi NHM như những con bò sữa. Bóng đá phải thuộc về quần chúng, và đó là sự khác biệt giữa chúng tôi và người Anh."
Những chia sẻ trên chính là một góc nhìn rõ ràng hơn về nền bóng đá Đức, một nền bóng đá thực hành đúng với những triết lý nó đề ra. Bóng đá ở Đức vẫn là môn thể thao của quần chúng, và người Đức thực sự là một ví dụ cho các nền bóng đá khác noi theo.
__________________
Người dịch:Kinh Luân và KDNX.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 17/06/2018 với title: “HOW GERMANY BECAME AN EXAMPLE TO THE WORLD OF FOOTBALL.”