CÁCH ĐỂ LẠI DI SẢN THỪA KẾ HIỆU QUẢ CHO “BÉ ĐƯỜNG” DỰA THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT?
Sử dụng luật để làm điều không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội?
Đầu tiên, nếu bạn chưa đọc bài viết trước của tôi có tựa “TÔI ĐỂ LẠI HẾT TÀI SẢN THỪA KẾ CHO BÉ “ĐƯỜNG” ĐƯỢC KHÔNG?”, tôi đề xuất bạn nên quay lại để đọc bài viết đó. Vì nó là lý do và nền tảng cho bài viết hôm nay.
1. Tiêu đề và mục đích của bài viết
Tất nhiên, tựa đề bài viết chỉ mang tính chất giải trí và khơi dậy tính tò mò của bạn đọc. Tôi không cổ xúy việc ngoại tình, cắm sừng, bắt cá hai tay hay tất cả các hình thức trái đạo đức, xã hội liên quan khác. Chủ thể “bé Đường” ở tựa đề bài viết này hoàn toàn có thể được thay thế bằng các chủ thể khác không có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ hôn nhân với bạn ví dụ người anh em xã hội. Do vậy mục đích chính của bài viết hôm nay là hướng dẫn bạn làm sao để lại di sản thừa kế một cách hiệu quả nhất cho một người không nằm trong hàng thừa kế của bạn. “Hiệu quả nhất” có nghĩa là số di sản người đó nhận được là lớn nhất theo pháp luật, tức phần di sản đó hợp pháp và không bị pháp luật can thiệp để chia lại.
2. Giải quyết vấn đề
Như bài viết trước đã đề cập, nếu bạn muốn để lại di sản cho một người không nằm trong hàng thừa kế, bạn phải để lại di sản thông qua di chúc. Tuy nhiên để lại di sản thông qua di chúc cũng có hạn chế, đó là bạn không thể viết di chúc để lại toàn bộ di sản của mình cho người không có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hay quan hệ hôn nhân với bạn trừ trường hợp bạn không còn bất kỳ người thừa kế bắt buộc nào theo Điều 644 (Cha, mẹ ruột; vợ, chồng; con chưa thành niên; con thành niên không có khả năng lao động). Trong trường hợp một người đàn ông đã có gia đình, tức đã có vợ thì việc để lại toàn bộ di sản cho người anh em xã hội chí cốt là không thể xảy ra trừ một số trường hợp đặc biệt theo Điều 620 và khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự.
Vậy để tiện cho việc truyền tải ý tưởng và cách thức chia thừa kế tôi sẽ trích lại Điều 644 Bộ luật Dân sự và đặt ra một trường hợp cụ thể để phân tích.
Điều 644 Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Trường hợp cụ thể: Anh A đã có gia đình gồm 1 vợ và 1 con trai chưa thành niên. Vì anh nghi ngờ vợ ngoại tình và con trai không phải của mình, anh quyết định lập di chúc để toàn bộ tài sản cho người anh em xã hội chí cốt B. Tài sản riêng của anh A là 500 triệu.
Ví dụ này giống như ví dụ ở bài trước nên tôi sẽ lược bỏ phần tính toán. Kết quả cuối cùng: người vợ nhận 166,67 triệu; con trai nhận 166,67 triệu (dù cả hai không có tên trong di chúc nhưng cả hai đều là đối tượng của Điều 644) và người anh em xã hội nhận 166,67 triệu.
Vậy làm sao để tăng số tiền người anh em chí cốt nhận được? Cuối bài trước tôi có giới thiệu đến bạn đọc một khái niệm là “Di tặng” theo Điều 646 Bộ luật Dân sự. Ở trường hợp này di tặng sẽ là phương án hợp lý, anh A có thể di tặng tối đa một nửa tổng tài sản là 250 triệu đồng cho người anh em và số tiền di tặng sẽ không bị tác động bởi Điều 644. Vợ và con trai anh A sẽ chia nhau 250 triệu đồng còn lại. Cách số 2 này có lời hẳn cho người anh em chí cốt.
Vậy có phải trường hợp nào dùng “Di tặng” cũng được? Tôi sẽ gọi số tài sản của A là x, ví dụ A có 4 người thừa kế bắt buộc (vợ và 3 con trai chưa thành niên).
→ Một suất thừa kế = x/4
→ Số tiền mà vợ và mỗi người con trai được hưởng = x/4 * 2/3
→ Tổng số tiền vợ và 3 người con trai được hưởng = x/4 * 2/3 *4
Tổng số tiền vợ và 3 con trai hưởng cũng là số tiền người anh em chí cốt mất đi = x*2/3
Có thể thấy số lượng người thừa kế bắt buộc dù có là bao nhiêu thì cuối cùng số tiền người anh em chí cốt mất đi cũng không thay đổi x*2/3 hay 500* 2/3 = 333.33. Người anh em chí cốt chỉ còn nhận được 500 - 333.33 = 166.67 triệu. So với cách “Di tặng” người anh em chí cốt nhận được 250 triệu.
3. Kết luận
Kết luận lại chỉ cần có bất kì người thừa kế bắt buộc nào của bạn còn sống và đủ điều kiện hưởng di sản thì bạn nên dùng “Di tặng” để tặng di sản thừa kế cho người không thuộc hàng thừa kế của bạn. Đó chính là phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất. Nếu không còn người thừa kế bắt buộc nào của bạn còn sống, di chúc để lại toàn bộ tài sản là phương pháp tốt nhất.
Dương Tuấn Kiệt - Một sinh viên Luật hay có câu hỏi
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất