CÁCH CƯ XỬ LÀM NÊN MỘT CON NGƯỜI
Chỉ là một thông điệp mình muốn gửi gắm thêm Dịch Corona đang hoành hành, tất cả người già, trẻ, gái, trai ai đấy cũng đều sắm...
Dịch Corona đang hoành hành, tất cả người già, trẻ, gái, trai ai đấy cũng đều sắm cho mình một cái khẩu trang để đeo. Giờ tìm khẩu trang đâu cũng hiếm, kể cả ra các siêu thị cũng chả còn hàng mà nhập. Giá khẩu trang bị mấy tay buôn bán với giá cao ngất ngưởng, nhưng cũng đã bị công an, chính quyền địa phương xử lý.
Mãi đến thứ 7, tôi và một người bạn lâu ngày không gặp, bất chấp tình hình dịch bệnh mà ngồi gặp nhau. Bọn tôi hẹn ăn trưa ở một quán ăn mà trước kia bọn tôi vẫn thường hay lui tới. Mọi thứ vẫn bình thường, không có gì để kể cho đến khi có một gia đình tầm 5, 6 người lui tới gọi món.
Vào mấy ngày dịch này, quán ăn trước kia từng rất đông khách, đặc biệt là dân văn phòng này có vẻ vắng hơn chút. Gia đình kia bước vào gọi món, tám chuyện với chất giọng oang oang đủ để bọn tôi ngồi cách đó vài dãy bàn có thể nghe thấy. Có vẻ là một đại gia đình như theo tôi quán sát được. Trông họ ăn mặc cũng lịch sự, cũng có vẻ là người có tiền. Họ là người nơi khác đến chứ không phải là dân Hà Nội.
Đồ ăn được mang ra với một sự niềm nở đến từ chủ quán. Và đây là lúc mọi thứ bắt đầu. Họ ăn rồi nói, rồi ăn và nói với chất giọng đặc sệt của người miền Bắc. Họ bắt đầu so sánh, chê cơm dở, rồi chê đến đậu, đến thịt gà. Mọi thứ sẽ rất lịch sử nếu như họ nói nhỏ. Họ nói như thể họ là bề trên vậy. Và với âm giọng như vậy, chủ quán chắc chắn nghe thấy. Rồi đĩa cá được mang ra, hơi muộn một chút. Họ vừa ăn, vừa cười khẩy như ý chê quán chắc vắng khách hay sao mà làm đồ ăn chậm vậy. Họ chê thịt gà ăn như gà công nghiệp. Họ vừa ăn, vừa nói như thể mồm họ không ngậm vào được vậy. Chủ quán nghe thấy vậy cũng biết ý, cũng ra hỏi xem đồ ăn thế nào, có hợp khẩu vị với khách hay không. Họ chê rồi khi chủ quán quay đi, họ lại cười khẩy.
Họ kết thúc bữa cơm nhanh chóng với phần thức ăn thừa đầy trên đĩa. Và lại bồi thêm mấy câu chê bai, so sánh ở quê họ thức ăn ngon hơn nhiều. Sau khi ăn gọi là "xong", có một cậu bé chạc tuổi học cấp 3 ra dọn đồ. Có một bác lớn tuổi trong ra đình đấy còn bồi lên thêm một câu: "Cá này dọn vào rồi tối chiên lại ăn cháu nhỉ?". Với chất giọng đầy mỉa mai với ý là quán sẽ ăn lại thức ăn thừa của khách. Đến lúc này, tôi cảm thấy mắc nghẹn. Không hiểu sao tôi có cảm giác thương cậu bé kia quá. Cách cư xử của đám người kia tệ thật đấy.
Ăn xong rồi thì uống nước. Chủ quán biết ý nên cũng ra tận nơi để gợi ý cho khách món đồ uống ngon nhất của quán. Nhưng họ lắc đầu. Họ đi 6 người, gọi 4 đồ uống và kèm thêm câu 2 người còn lại chê không thèm uống. Lúc này, có một vị khách khác cũng nói vọng lại bảo anh chị thử uống trà xem sao, cũng ngon lắm. Vị khách kia trông khuôn mặt cũng hiền hậu, có vẻ là khách quen của quán vì thấy chủ quán miễn phí đồ uống cho chị ấy. Nghe xong, gia đình kia cũng chả buồn đáp lại.
Với tôi, con người ta không phải hơn nhau ở bằng cấp, địa vị, tiền tài mà hơn nhau ở chính cách cư xử với người khác. Chính cách cử xử sẽ thể hiện bản thân có phải là một người được giáo dục một cách đàng hoàng hay không. Ai cũng là con người cả thôi, dù cao sang nghèo hèn. Bản thân ăn không ngon, không hợp thì thôi, đâu có ai bắt ép phải ăn đâu mà buông lời chua ngoa đối với chủ quán như vậy. Tôi thật buồn cho cách cử xử của họ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất