Sau cuộc trò chuyện với Special, trong lòng Only vẫn không thể nào nguôi được những suy nghĩ tiêu cực và những cảm giác tồi tệ. Cô khao khát thoát khỏi trạng thái này, nhưng ngoài khao khát ra thì cô không biết phải làm gì cả. Only biết rằng giáo viên đang giảng bài, và nếu như cô cứ ở trong cái tình trạng như thế thì cô sẽ chẳng tiếp thu được gì. Chẳng tiếp thu được gì, thì cô sẽ lại thua Special. Ý nghĩ đó thôi thúc Only tìm đủ mọi cách để cân bằng bản thân.
Mỗi giây mỗi phút trôi qua, những lời giáo viên nói vẫn vang lên đều đều, nhưng chẳng lời nào đi vào tâm trí Only được. Cô nghe, rồi chẳng biết mình vừa nghe thấy gì. Bởi vì cô đang bận thương lượng với chính tâm trí của mình…
“Phải làm sao để thoát khỏi trạng thái đáng ghét này đây?”
“Tại sao những ý nghĩ này cứ đeo bám mình vậy nhỉ?”
“Tại sao mình lại gặp phải những chuyện này chứ?”
“Tại sao mình không thể cao điểm hơn?”
“Mình có thực sự là không giỏi, không thông minh không?”
“Có khi nào là do đêm qua mình thức khuya quá, sáng nay không tỉnh táo nên mới không làm bài được không?”
“Chắc là như vậy rồi”
“Lần sau mình ôn bài rồi ngủ sớm thì sẽ điểm cao hơn thôi”
“Nhất định lần sau mình sẽ như vậy”
“Special có giỏi hơn mình không?”
“Không, làm gì có. Cậu ta chỉ siêng năng thôi”
“Trước đây cậu ta đâu có hơn mình. Chỉ là dạo này mình hơi lơ là và Special đang gặp may mắn”
“Nhưng tại sao mình lại cảm thấy khó chịu với Special vậy nhỉ?”
“Cảm giác cứ như mình ghen tị với người ta vậy?”
“Không, mình không ghen tị”
“Mình không may mắn như người ta nên mình thấy vậy cũng đúng thôi. Mình nhất định sẽ nỗ lực hơn nữa”
-----------------------------------------------
Mỗi khi khái niệm bản thân không hòa hợp với trải nghiệm thực tế, hay hình ảnh bản thân không hòa hợp với bản thân lý tưởng thì chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, thấy lo âu, thấy bị tổn thương. Và để không phải trải qua những cảm xúc ấy, chúng ta bắt đầu tìm cách bảo vệ mình. Những cách ấy chính là những cơ chế phòng vệ (Defensiveness).
Theo Carl Rogers, 2 cơ chế phòng vệ mà chúng ta thường sử dụng mỗi khi trải nghiệm sự không hòa hợp chính là phủ nhận (Denial)  bóp méo (Distortion).

Phủ nhận tức là chúng ta chối bỏ những trải nghiệm không phù hợp với khái niệm bản thân mình. Chẳng hạn như Only, cô đã chối bỏ chuyện mình ghen tị với Special vì cô không tin rằng mình là một người hay ghen tị. Hoặc khi ta nhìn thấy một người đang nổi giận, họ nói lớn tiếng, họ đập bàn, nhưng họ lại bảo rằng mình không tức giận. Có thể họ phủ nhận điều đó là do họ tin bản thân mình là một người ôn hòa và chuyện nổi giận thì không phù hợp với khái niệm bản thân.
Cơ chế phòng vệ phổ biến hơn là bóp méo. Tức là chúng ta diễn giải sai trải nghiệm thực tế sao cho giống với khái niệm bản thân. Như Only, cô ấy không muốn tin mình là một người không có năng lực, nên đã bóp méo bằng cách cho rằng mình không đạt điểm cao như Special là do đêm qua thức quá khuya để ôn bài, dẫn đến sáng hôm nay không đủ tỉnh táo. Hay bóp méo là khi Only ghen tị với Special nhưng lại cho rằng mình như vậy chỉ đơn giản là do không may mắn bằng Special mà thôi. Hoặc đó là khi ta nhìn thấy một người nổi giận nhưng lại nói do người khác lớn tiếng nên họ mới nổi giận. Bóp méo cũng có thể là khi chúng ta không giỏi bằng một người và chúng ta đổ lỗi cho bối cảnh gia đình của mình không tốt bằng người đó.
Đọc đến đây, có thể chúng ta thấy việc dùng cơ chế phòng vệ chẳng khác nào đang tự lừa dối bản thân, thật giả tạo và đáng ghét làm sao. Nhưng buồn thay, chúng diễn ra theo cách mà ta không hề ý thức được. Nếu không có chúng thì ta sẽ cảm thấy khó chịu, thấy bị đe dọa, đặc biệt là ta thấy ta không còn là chính mình nữa.
Và thật đáng mừng nếu có ai đó đang cảm thấy mình vừa bị “bóc”, vừa bị lột mặt nạ ra. Bởi vì nó báo hiệu cho chúng ta thấy rằng mình có hình ảnh bản thân không hòa hợp với bản thân lý tưởng, có khái niệm bản thân không hòa hợp với trải nghiệm thực tế; cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã tiến được thêm một bước trên hành trình thấu hiểu bản thân.
Các bạn của mình, chúng ta đã và đang cùng nhau ở trên hành trình “bóc hành” đầy gian nan, có đôi khi thực sự cay mắt. Dù bạn đã sẵn sàng “bóc” tiếp hay chưa thì mình vẫn hy vọng, mỗi ngày đi qua từng bài viết, khao khát thấu hiểu chính bản thân bên trong bạn sẽ được khơi gợi.
Carl Rogers đã từng nói: “Mục tiêu mà một cá nhân mong muốn đạt được nhất, dù vô tình hay hữu ý thì điểm kết thúc của quá trình theo đuổi dường như là trở thành chính mình”. Vậy nên, với một khao khát thấu hiểu chính bản thân, và cùng nhau, chúng ta sẽ nhanh chóng thấu hiểu và trở thành chính mình hơn.
Cảm ơn và yêu thương mọi người.
--------------------------------
Tài liệu tham khảo
- Schultz, D. P. (2008).  Theories of Personality (9th Edition). Wadsworth Publishing.
- Nguyen, H. L., (2019). Môn Tâm lý học Nhân cách. Bài Thuyết Nhân vị trọng tâm. Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM.
- Rogers, C., & M.D., P. K. D. (1995). On Becoming a Person: A Therapist’s View of Psychotherapy (2nd ed.). Mariner Books.
--------------------------------
Chi nhánh “bóc hành”:
- Wordpress:  https://chumeolangthang.wordpress.com/2020/11/20/cach-chung-ta-doi-dien-voi-su-bat-nhu-y/
- Youtube: Nơi Bóc Hành