CÁC TRIẾT GIA NGHĨ GÌ VỀ CÁI ĐẸP?
Một nhà lịch sử học của Hoa Kì George Bancroft (1800-1891) đã nói “Vẻ đẹp chỉ đơn thuần là một bức tranh của sự vô tận mà ta có thể...
Một nhà lịch sử học của Hoa Kì George Bancroft (1800-1891) đã nói “Vẻ đẹp chỉ đơn thuần là một bức tranh của sự vô tận mà ta có thể cảm nhận được”. Có thể nói, bản chất của vẻ đẹp là một trong những ẩn khuất thú vị và lôi cuối nhất trong bộ môn Triết học. Vậy vẻ đẹp có tính chất phổ biến, bao quát hay không? Làm sao chúng ta biết được câu trả lời? Làm sao ta có thể khiến bản thân mình nắm lấy và đạt được nó? Tất cả các triết gia của mọi lĩnh vực khác nhau hầu như đã nghiên cứu về những câu hỏi này và tìm hiểu ngọn ngành của chúng, bao gồm 2 nhân vật vĩ đại của nền triết học Hy Lạp như Plato và Aristotle.
‣ Thái Độ Mỹ Học (The Aesthetic Attitude).
Thái độ mỹ học là trạng thái khi ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp một sự vật, chủ thể hay đối tượng nào đó chỉ nhằm mục đích thưởng thức và trân trọng nó. Do đó, đối với hầu hết các tác giả, hay nghệ sĩ, thái độ mỹ học thường là không có chủ đích: chúng tôi lao đầu vào nó đơn giản chỉ vì muốn tận hưởng cái đẹp.
Trân trọng và cảm thụ vẻ đẹp được thể hiện qua nhiều phương thức và giác quan khác nhau: ngắm nhìn một pho tượng, hàng cây đang nở rộ, hoặc đường chân trời ở Manhattan; lắng nghe điệu nhạc “La bohème” của Puccini; thưởng thức hương vị của nấm Risotto; cảm thấy dòng nước mát trong những ngày trời oi bức; v.v. Tuy nhiên, những cảm nhận bằng giác quan như vậy có thể là thứ không cần thiết để có được thái độ mỹ học. Bằng chứng là chúng ta có thể hân hoan, vui mừng trong một căn nhà đẹp đẽ, lộng lẫy nào đó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, hoặc thẩm thấu được một vài chi tiết của định lí đại số học phức tạp nào đó.
Cho nên, về nguyên tắc, thái độ mỹ học có thể gắn liền với bất kì sự vật, chủ thể, hay đối tượng nào đó thông qua nhiều phương thức trải nghiệm và cảm thụ khác nhau – giác quan, trí tưởng tượng, trí tuệ, hay thậm chí là sự kết hợp của cả ba thứ đó.
‣Liệu Cái Đẹp Có Phải Là Một Phạm Trù Thẩm Mỹ Phổ Biến Hay Không?
Câu hỏi đặt ra là vẻ đẹp có tính phổ biến và khái quát hay không? Giả sử bạn đồng ý rằng “David” của Michelangelo và tranh chân dung tự họa của Van Gogh là rất đẹp: vậy thì hai nét đẹp đó có điểm chung gì với nhau? Có tồn tại một giá trị thẩm mỹ chung duy nhất nào đó mà ta được cảm nhận và trải nghiệm ở cả hai chăng? Và liệu nó có giống với vẻ đẹp mà ta được tận mắt thấy khi đứng trên rìa của Grand Canyon hùng vĩ, hay được lắng nghe hay thưởng thức bản giao hưởng thứ chín của Beethoven không?
Ví dụ, nếu như cái đẹp là một phạm trù thẩm mỹ phổ biến, Plato vẫn giữ nguyên quan điểm: việc chúng ta không cảm nhận được cái đẹp qua các giác quan là điều hoàn toàn hợp lý. Thật vậy, các chủ thể được ta đề cập tới khá khác nhau và cũng được biết tới và cảm nhận qua nhiều cách thức cũng khác nhau (nhìn ngắm, lắng nghe, quan sát). Nếu thật sự có điểm chung tương đồng giữa các chủ thể đó, thì ta không thế nào nhận biết chúng qua các giác quan được.
Nhưng, phải chăng có một điểm chung gì đó cho tất cả những lần mà ta được trải nghiệm và thưởng thức cái mà được cho là đẹp? Hãy so sánh nét đẹp giữa tranh sơn dầu với việc hái hoa trên cánh đồng Montana vào mùa hè hay việc lướt ván trên một cơn sóng khổng lồ ở Hawaii xem. Dường như chúng không hề có một yếu tố chung nào: ngay cả cảm xúc hay những ý tưởng cơ bản cũng không hề khớp với nhau. Tương tự, mọi người trên khắp năm châu thế giới đều có gu thẩm mỹ khác nhau, từ âm nhạc, đến các nghệ thuật thị giác/nghệ thuật trực quan (Visual Art), rồi đến các buổi biểu diễn, và cuối cùng là các đặc điểm trên cơ thể (Physical Attributes). Qua đó, nhiều người tin rằng cái đẹp chính là một nhãn mác, là nơi mà nhân loại chúng ta thoái mái dán vào đó nhiều kiểu trải nghiệm và cảm thụ khác nhau dựa trên sự kết hợp của các nền văn hóa và sở thích cá nhân.
‣ Vẻ Đẹp Và Niềm Vui.
Cái đẹp lúc nào cũng đi đôi với niềm vui chăng? Con người tôn vinh nét đẹp đơn giản chỉ vì nó mang lại cho họ sự hài lòng và hạnh phúc? Cuộc đời của họ sẽ cống hiến cho hành trình tìm kiếm vẻ đẹp và cái giá trị thẩm mỹ khác chăng? Đây là những câu hỏi cốt lõi trong Triết học, nơi giao nhau giữa Đạo đức học và Mỹ học.
Nếu vẻ đẹp có mối tương quan với khoái cảm thẩm mỹ, thì việc tìm kiếm cái đẹp như một phương tiện để đạt được khoái cảm ấy có thể dẫn đến chủ nghĩa khoái lạc vị kỷ (Egoistic Hedonism) (đề cao sự thoả nguyện tối đa cho bản thân, bất kể đến việc gây ra hậu quả đau khổ cho người khác). Đó được xem là biểu tượng điển hình của sự suy đồi.
Nhưng vẻ đẹp còn có thể được xem như là một giá trị quý giá nhất của nhân loại. Chẳng hạn như trong bộ phim “The Pianist” của Roman Polanski, nhân vật chính đã trốn thoát thành công khỏi khung cảnh hoang tàn của Thế chiến II bằng cách chơi một bản Ballade của Chopin. Thêm vào đó, các tác phẩm nghệ thuật được giám tuyển, bảo tồn và trình bày như những vật mang trong mình một giá trị thẩm mỹ cao. Không có gì nghi ngờ khi con người chúng ta luôn tôn vinh, gắn bó, và khao khát cái đẹp – đơn giản chỉ vì nó đẹp.
Nguồn và các thông tin thêm:
• Eco, Umberto, and Alastair McEwen (eds.). "History of Beauty." New York: Random House, 2010.
• Graham, Gordon. "Philosophy of the Arts: An Introduction to Aesthetics." 3rd ed. London: Taylor and Francis, 2005.
• Santayana, George. "The Sense of Beauty." New York: Routledge, 2002.
Người Dịch: Nguyễn Hải Đăng - A Happy Introvert
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất