Bạn thấy được gì qua hình ảnh này? Trước khi đọc bài viết của tôi chí ít hãy dành đôi phút suy ngẫm và tư duy về nó, về thông điệp mà bức tranh này muốn gửi gắm. Tôi tin rằng quan trọng không phải ở việc đúng sai hay không mà là ở việc chúng ta có biết vận dụng tư duy để tìm ra cho mình 1 góc nhìn riêng hay không. Dưới đây chỉ là những quan niệm, góc nhìn mang tính cá nhân của tôi. Nếu bạn có góc nhìn mới mẻ, ý kiến bổ sung, phản biện thì tôi rất sẵn lòng
Giải mã bức tranh:
Tầng 1: tầng của người ít học:
Người ít học, kém học, ít hiểu biết thì chỉ thấy được mặt ngoài, lớp vỏ bọc của cuộc sống. Đó là những mảng màu xinh tươi, những điều tươi đẹp, là hòa bình, không gian thanh tĩnh yên vui. Họ chỉ có thể nhìn ngắm cuộc sống bằng con mắt một chiều, đó chỉ bao gồm những điều tích cực, 1 thế giới nhuộm hồng. Số lượng sách dưới chân như đại diện cho bộ não của họ: nhẵn nhụi, trống trơn, không biết tư duy. Do con mắt đơn giản và vô tư của mình, họ sẽ không biết nỗ lực, trải nghiệm, không có động lực để tìm, khai phá và chinh phục những vết nhơ, vết rạn của cuộc sống bởi những gì thể hiện trong lăng kính của họ hoàn toàn là 1 màu hồng. Có thể nói, nếu không có kiến thức, không có tư duy, con người sẽ có thể trở nên quá mơ mộng, chỉ biết trông chờ, biết hưởng thụ, không thể rèn giũa sức mạnh cho bản thân. Sống trong 1 thế giới chỉ toàn những điều diệu kỳ tốt đẹp thì chẳng khác nào chối bỏ thực tại và chỉ đang tồn tại trong chính thế giới trong lăng kính đơn giản, màu hồng của chính mình. Điều này là vô cùng độc hại vì đang khiến cho các bạn trở thành những con người không chỉ kém cỏi về tri thức mà còn dẫn đến cả tư duy lẫn hành động, và làm cho chúng ta thụt lùi lại so với dòng chảy văn minh của nhân loại, làm cho vị thế của ta vì thế mà thấp hơn rất nhiều so với xã hội, lý do giải thích cho điều đó là gì bạn biết không? Vì bạn đang ở tầng 1: tầng của người ít học.
Tầng 2: tầng của người có tri thức:
Khám phá đến tầng 2, rõ ràng ta thấy vị trí của người đàn ông đã được nâng tầm, anh ta đọc, khám phá, đúc kết tri thức, kiến thức nhiều đến nỗi nó có thể nâng tầm anh ta lên 1 vị thế cao hơn. Bởi vì là 1 người có học vấn, có tư duy, những gì đứng trước lăng kính của anh không chỉ còn đơn giản là màu hồng của cuộc sống, rõ ràng ta thấy rõ đó chính là mặt còn lại của cuộc sống chưa được khai phá, đó là mặt nhơ nhớp, đen tối, xấu xa. Những điều hiện diện cho nó phải nói đến là chiến tranh, tệ nạn, bệnh dịch, đau khổ, sự đổ nát, sự bại hoại, khó khăn, thử thách,…Điều này cho thấy 1 người có tri thức, có tư duy sẽ nhìn thấu được bản chất của cuộc sống, đó là khó khăn, và không chỉ đơn giản chỉ là 1 màu hồng. Rõ ràng, anh chàng này đã bóc tách lớp vỏ màu hồng của cuộc sống ra để nhìn thấy được bản chất trần trụi, thấy được thực tế của nó. Khi con người đi đến giai đoạn này, chúng ta sẽ có đủ nhận thức và tư duy hơn về cuộc sống, ta không còn mơ mộng hão huyền hay trốn tránh, chối bỏ sự thật mà đối mặt với nó, với thách thức cam go mà cuộc sống trao tặng. Từ đó, ta sẽ tìm thấy động lực đấu tranh, bền bỉ, kiên cường với sự sống, không ngừng tiến lên. Nếu con người không nhìn vào những rủi ro và sức tàn phá của bệnh dịch Covid-19 thì sẽ chẳng bao giờ hành động, chúng ta cũng sẽ chẳng có lấy 1 giọt vắc xin nào. Chúng ta cần nhìn vào thực tế, vào khó khăn, vào sự tàn phá,….để chấp nhận nó, cải thiện nó, tái tạo nó, để cuộc sống lại được vận hành.
Tầng 3: tầng của bậc trí giả:  
Đến với tầng cuối cùng, tầng mà có lẽ các bạn háo hức được khám phá, giải mã nhất đúng không? Nếu người đầu tiên chỉ thấy được vỏ ngoài của cuộc sống, người thứ 2 biết bóc tách cái vỏ đó để nhìn vào phần bên trong thì người thứ 3, họ đã thấu tỏ được cái lõi, cái nhân của cuộc sống. Cái người thứ 3 thấy, họ đã vượt lên cả tầng mây để nhìn ngắm cuộc sống, vượt qua sự tầm thường, vỏ bọc bề ngoài của đời mà người đầu tiên thấy, vượt qua sự bản chất trần trụi, đen tối xấu xa của cuộc sống người thứ 2 thấy để có 1 cái nhìn bao quát nhất về nhân sinh, hướng ánh nhìn về ánh sáng của những điều cao cả, cao thượng, thượng vĩ, tìm thấy sự tự tại thảnh thơi ko lo nghĩ trong tâm hồn. Họ là ai? Họ là Đức Phật, Khổng Tử, Lão tử, Mạnh Tử, Trang Tử,…Họ là những việc thánh nhân, vĩ nhân đã giác ngộ, có con mắt thấu tỏ ngàn đời. Bậc trí giả học nhiều - biết nhiều - trải nghiệm nhiều - đúc kết nhiều - tư duy nhiều và thấu tỏ nhiều điều. Họ không quá vui khi nhìn cuộc sống bằng con mắt màu hồng như người thứ nhất, họ cũng không quá bi quan hay tuyệt vọng, mệt mỏi khi chỉ nhìn thấy sự khó khăn gian khổ của cuộc đời qua lăng kính người thứ 2 mà giờ đây, họ tìm được chốn an yên tự tại, tâm họ bình thản, tĩnh lặng như nước. Họ giơ tay đón nhận ánh nắng ấm áp của mặt trời ló rạng nơi chân mây. Cái họ thấy được là những triết lý, những bài học nhân sinh của vũ trụ, của cuộc đời và họ còn tìm thấy cả sự thảnh thơi tự tại trong tâm hồn nữa. Có thể nói, họ đã vượt lên những tầm nhìn đơn giản để đón nhận điều cốt lõi của cuộc sống mà họ tự đúc kết ra.
Bài học chung
Đúc rút lại:
Sách vở nâng tầm con người đứng ở vị thế cao hơn, rõ ràng người càng có học thì càng có trí, càng có trí thì càng thấu tỏ
Người ít học chỉ thấy cuộc sống theo 1 chiều, người có học sẽ thấy được cuộc sống theo 2 chiều nhưng bậc trí giả thấy cuộc sống bằng ngàn lăng kính khác nhau
Cần theo đuổi kiến thức, tri thức, cần tìm tòi khai phá, trải nghiệm đúc kết để không ngừng vươn lên trong cuộc sống
Tri thức là tinh hoa của nhân loại, và tinh hoa ấy chỉ thực sự có giá trị khi con người biết theo đuổi, nắm giữ và phát huy nó