CÁC HƯỚNG TIẾP CẬN TRONG TÂM LÝ HỌC
APPROACHES IN PSYCHOLOGY (CÁC HƯỚNG TIẾP CẬN TRONG TÂM LÝ HỌC) (Phần 1: Giới thiệu + Hướng tiếp cận hành vi) Tâm lý học là một môn...
APPROACHES IN PSYCHOLOGY (CÁC HƯỚNG TIẾP CẬN TRONG TÂM LÝ HỌC)
(Phần 1: Giới thiệu + Hướng tiếp cận hành vi)
Tâm lý học là một môn khoa học nghiên cứu về hiện tượng tinh thần thực tại. Bất kỳ một môn khoa học nào cũng có phương pháp nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu đó lệ thuộc vào hướng tiếp cận được chọn ngay từ đầu bởi nhà nghiên cứu. Lý tưởng mà nói, bất kỳ phân môn khoa học nào cũng cố gắng tạo ra một hệ thống quy luật đơn nhất để giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề của đối tượng nghiên cứu, tâm lý học Tây phương hiện tại vẫn chưa làm được điều này. Do đó, để hiểu rõ các tác phẩm Tâm lý học từ hàn lâm đến đại chúng, thiết nghĩ chúng ta cần xây dựng một nền tảng vững chắc về các hướng tiếp cận phổ biến trong tâm lý học.
Tùy vào tác giả, số lượng hướng tiếp cận có thể được chia thành 5, 7, 9. Ở đây trình bày 5 hướng:
1. Hướng tiếp cận hành vi (Behaviourist Approach);
2. Hướng tiếp cận nhận thức (Cognitive Approach);
3. Hướng tiếp cận tâm động (Psychodynamic Approach);
4. Hướng tiếp cận nhân văn (Humanistic Approach);
5. Hướng tiếp cận sinh học (Biological Approach)
Mỗi hướng tiếp cận này sẽ phát triển thành nhiều lý thuyết khác nhau tùy thuộc vào nhà tâm lý học sử dụng nó, cho nên trong nội dung bài viết sẽ chỉ đi sơ lược để cung cấp cho mọi người một hình dung chung nhất về chúng.
Hướng tiếp cận hành vi: tập trung vào biểu hiện của hiện tượng tinh thần thông qua các hành vi nơi lời nói, cử chỉ, hành động. Hướng tiếp cận này cho rằng hành vi là kết quả của sự tương tác của tinh thần với môi trường bên ngoài. Hành vi con người được tạo thành từ môi trường bên ngoài và được tạo ra để phản hồi lại với môi trường bên ngoài. Do đó, các nhà tâm lý học theo hướng này thường nhấn mạnh vai trò của “môi trường” lên trên sự trưởng thành của tâm trí, và cho rằng chính môi trường là yếu tố quyết định cho quá trình trưởng thành đó. Tâm trí luôn nhận sự kích thích (stimuli) từ môi trường, và luôn có cơ chế phản hồi (response) với các kích thích đó. Vì tuân theo quy luật dao cạo Ockham, tức một vấn đề khoa học nên được giải quyết bằng ít giả thuyết nhất có thể, cho nên hướng tiếp cận hành vi chỉ chú trọng nên những gì có thể quan sát được (observable). Họ thừa nhận sự có mặt của cảm xúc (đói, no, vui, buồn,...) nhưng không tán thành việc dùng chúng để giải thích các hiện tượng tâm lý một cách khoa học, vì chúng ta không quan sát được cảm xúc, mà chỉ quan sát được biểu hiện của cảm xúc (ví dụ: giận thì đỏ mặt, nhưng đỏ mặt chưa chắc giận).
CÁC THUẬT NGỮ: điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning), điều kiện hóa từ kết quả (operant conditioning), tổng quát hóa kích thích (stimulus generalization), phân biệt kích thích (stimulus discrimination), tiến trình tạo điều kiện cao cấp (higher-order-conditioning), phục hồi tự phát (spontaneous recovery), sự dập tắt (extinction), yếu tố gia cố và sự gia cố (reinforcers and reinforcement), tăng cường dự phòng (contingency of reinforcement), lịch trình củng cố (schedule of reinforcement), định hình (shaping), tăng cường không phụ thuộc (non-contigent reinforcement),...
CÁC NHÀ TÂM LÝ TIÊN PHONG THEO HƯỚNG TIẾP CẬN NÀY: Edwin Lynn Thorndike, John Broadus Watson, Ivan Petrovich Pavlov.
Nguồn tham khảo: William E. Glassman & Marilyn Hadad (2009), Approaches to Psychology (5th Edition).
(Còn tiếp)
Tác giả và ảnh hóa: Quốc MinhNgày: 27/6/2022Nguồn: William E. Glassman & Marilyn Hadad (2009), Approaches to Psychology (5th Edition).
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất