"Những Thanh Niên Số Đen Như Chó Cắn"
(*) Mình dùng cái tên này để chỉ chung cho 2 loài vì chúng đều có màu nền da là màu xanh lá/xanh lá ngả vàng, chứ thực ra một con tên là cá nóc đốm xanh (cá nóc da beo) và cá nóc đốm mắt (cá nóc số 8).

Đây là 2 loài cá nóc bản địa của châu Á, chúng là anh em cùng một nhà (cùng thuộc giống Dichotomyctere) và nhìn cũng na ná nhau. Cả 2 loài này đều có một số đặc điểm chung khá thú vị như: có độc (tetradotoxin), được sinh ra ở môi trường nước ngọt hoàn toàn và có khả năng sống ở môi trường nước ngọt trong một thời gian rất dài nhưng khi lớn lên, chúng sẽ phải bơi ra các vùng cửa sông, đầm phá, rừng ngập mặn,... nói chung là môi trường nước lợ (có độ mặn khoảng 6-10‰) để sống, cơ thể chúng cũng thay đổi các đặc điểm sinh học để phù hợp cho việc chuyển môi trường sống như vậy, riêng loài cá nóc da beo (D.nigroviridis) thì khi trưởng thành, chúng sẽ chuyển ra sống hẳn ở các vùng bờ biển, các hải đảo gần bờ và các rạn san hô để sinh sống (độ mặn xấp xỉ 30‰). Một con cá nóc đốm xanh (D.nigroviridis) trưởng thành có kích cỡ trung bình 16 cm trong khi một con cá nóc đốm mắt (D.biocellatus) trưởng thành có kích thước trung bình chỉ bằng một nửa, 8 cm.

Không có mô tả ảnh.
Cá nóc đốm mắt/Cá nóc số 8 - Dichotomyctere biocellatus - một loài cá nóc có thể sống ở môi trường nước ngọt và nước lợ, tuy nhiên, nếu sống ở môi trường nước ngọt quá lâu và thiếu khoáng chất, bụng chúng sẽ chuyển sang đen và có thể chết. Ảnh: Anton Dahlberg

Đám cá nóc xanh này rất thích ức hiếp những sinh vật nhỏ hơn chúng, hoặc thậm chí là những sinh vật lớn hơn chúng nhưng chậm chạp, ù lì và tỏa ra mùi thơm. Chúng thường tấn công các loài thân mềm như ốc, nghêu, sò,..., các loài chân đốt như tôm, cua,.... và các loài cá nhỏ vừa miệng, các loài giun,...v.v, nói chung là tụi này ăn tất cả mọi thứ vừa miệng, có mùi thơm và có thể tấn công được.

Đây quả thực là những thanh niên số nhọ! Vì vẻ đáng yêu của chúng mà chúng thường hay bị con người bắt làm cảnh, mà cuộc đời được cái nó khốn nạn, chúng thường hay bị bắt nhốt trong môi trường nước ngọt, và những người mua bán chúng để làm cảnh thì thường sẽ không biết hoặc cố tình không biết rằng chúng không phải là cá nước ngọt, thế nên phần lớn bọn chúng sẽ chết nếu cứ ở trong nước ngọt như vậy vì thiếu chất sau vài tháng, còn một vài trường hợp hy hữu tồn tại được trong nước ngọt 1 năm trở lên thì sống không ra sống mà chết cũng không xong (lưu ý, mình dùng chữ "tồn tại" chứ không phải chữ "sống") và cũng sẽ chết trước khi đến tuổi thọ thật sự của chúng (trung bình 15 năm).

Không có mô tả ảnh.
Cá nóc đốm xanh/Cá nóc da beo - Dichotomyctere nigroviridis - bạn này thì khỏi phải nói, một trong những nạn nhân của các cô cậu thích những thứ đáng yêu nhưng lại không chịu tìm hiểu về bất cứ con gì mình nuôi, đáng ra cháu nó sẽ ra sống ở rừng ngập mặn nhưng lại bị nhốt trong môi trường nước ngọt, dẫn đến bị một số bệnh về ký sinh trùng và ngộ độc, thiếu chất. Ảnh: Dan Olsen

Vậy nên, nếu các bạn quyết định nuôi một con gì đó, hãy chắc chắn bạn có thể cho chúng điều kiện sống tốt nhất có thể, đừng thử nghiệm!

Nguồn ảnh: fishbase.de