Bước đầu để bớt âu lo
Lo lắng, áp lực, bất an, căng thẳng,... chúng có những định nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung đều là những trạng thái không tốt của cơ thể và tâm trí đang phản ứng lại với yếu tố bên ngoài.
Chúng sẽ so sánh sự kiện hiện tại với quá khứ và tương lai để đưa cho cơ thể tín hiệu phản ứng.
Nếu quá khứ có một kết quả không tốt bởi sự kiện nào đó, thời điểm hiện tại đang xảy ra sự kiện đó thì cơ thể vẫn sẽ nhớ cảm giác ngày trước.
Nếu tương lai mà chúng ta dự đoán nhưng hiện tại đang không đạt được đúng kết quả kỳ vọng, thì những trạng thái ấy lại chiếm lấy tâm trí.
Bản chất của sự so sánh này để bảo vệ chúng ta khỏi những gì đã từng làm ta cảm thấy không tốt ở trong quá khứ và cả trong tương lai.
Điều này đúng vì nó là bản năng sinh tồn của con người.
Tuy nhiên nhiều lúc chúng ta đang sử dụng sai cách mà sự tiến hóa đã sinh ra.
Ví dụ cho bạn dễ hình dung là thời kỳ săn bắt hái lượm thì cảm giác lo âu sẽ được sinh ra khi bạn đang đi hái quả rồi nghe tiếng động như có con thú nào đó. Cảm giác đó sẽ khiến bạn tập trung cao độ để lắng nghe, để quan sát, để sẵn sàng chạy :)) Khi hết nguy hiểm rồi thì cảm giác đấy sẽ biến mất. Xem như nó đã làm đúng chức năng của nó.
Nhưng thời đại hiện nay chúng ta có cảm giác lo âu mọi lúc, mọi nơi. Điều này khiến chúng ta khó có thể tập trung vào suy nghĩ, sáng tạo, giải quyết vấn đề hay làm việc được. Vì như ở trên bạn có thể thấy thì khi cảm giác này được sinh ra thì chúng ta sẽ chỉ có thể tập trung vào nghe, nhìn thôi. Các chức năng khác chỉ duy trì ở một mức tối thiểu.
Có khi trạng thái lo âu này có thể kéo dài vài tuần, vài tháng rồi dẫn tới các căn bệnh khác nguy hiểm hơn.
-
Chúng ta có cảm giác đó bởi xã hội này đang được thiết kế như vậy.
Tất cả mọi thứ đều đang mong cầu sự phát triển theo bội số. Chúng ta cần ăn nhanh để có thời gian làm nhanh, để kiếm tiền nhanh, để giải trí nhanh, để thỏa mãn nhanh, để kiếm một thứ khác có sự kích thích nhanh hơn.
Chỉ cần một điểm khởi phát thì nó sẽ là vòng lặp không hồi kết.
Khi năng lực của bản thân không đáp ứng được cái vòng quay đó thì chúng ta sẽ sinh ra cảm giác lo âu là vì vậy. Chúng ta lo không kiếm được tiền, lo không đạt đủ mục tiêu, lo bị thay thế, lo bị tụt lại phía sau, lo bị người thân rời xa,...
Và cũng chính vì điều đó chúng ta dần dần đi theo cái xã hội muốn chứ không phải cái chúng ta cần.
Nhưng, những nỗi lo trên là đúng.
Vì nếu chúng ta không lo lắng thì đã không có động lực để cố gắng vì một điều gì đó rồi. Nhược điểm của điều này đó là như mình nói ở trên, khi lo lắng thì năng lực của chúng ta không phát huy được tối đa. Mà chúng ta đang đánh đổi sức khỏe, tinh thần, cảm xúc cho những mục tiêu đó.
Hay nói cách khác chúng ta đang đánh đổi cả linh hồn.
Điểm thú vị ở đây đó là điều ngược lại vẫn đúng.
Chúng ta không nhất thiết phải cần lo lắng thái quá thì mới có đủ động lực. Mình tin rằng không phải bạn không biết điều này.
Lý do là bởi hầu hết chúng ta ít khi dành thời gian để thật sự đứng ra khỏi vòng quay của xã hội. Vì mỗi ngày chúng ta có nhiều mục tiêu cần hoàn thành, nhiều công việc đến thời hạn, nhiều mối quan hệ cần duy trì, nhiều trải nghiệm cần khám phá,...
Bạn có thể bảo thời gian lúc bạn dừng lại nhìn cuộc sống là lúc đọc sách. Tuy nhiên điều này cũng cần được đánh giá lại, đó là liệu thật sự bạn đang muốn đọc 1 cuốn sách vì chính nó hay vì bạn muốn đạt mục tiêu nhanh hơn, làm nhanh hơn hay thấy người bạn ngưỡng mộ đọc thì bạn mới đọc. Tức đây có thể vẫn là vòng quay nhỏ trong cái vòng quay lớn hơn của xã hội.
-
Vậy bước đầu để bớt âu lo là gì?
Câu trả lời lại khá đơn giản đó là: Thành thật với bản thân.
Thông qua việc trả lời những câu hỏi: Bạn đang muốn gì, đang thích gì, ghét gì, đang lo sợ điều gì, đang bất an vì điều gì,...
Nghe thì dễ nhưng nó cực kỳ khó làm.
Lý do bởi phần lớn thời gian chúng ta đang định hình con người chúng ta muốn người khác nhìn thấy, chứ đôi khi không phải bản chất con người thật.
Chúng ta ra ngoài xã hội đi làm, học tập, kết bạn, hẹn hò, hợp tác,... Vì bản chất con người là cộng đồng (điều này tăng khả năng sinh tồn), cho nên chúng ta không muốn bị xem là người khác biệt. Cách ăn mặc, nói chuyện, giao tiếp, hành động,... đều phản ánh bởi thứ mà chúng ta muốn người khác nhìn thấy.
Thường thì hiếm khi chúng ta một mình lắm. Ý là ở một mình một thời gian đủ lâu.
Và điều thú vị là cái gì làm đủ lâu thì chúng ta dễ tin đó là sự thật. Khi chúng ta sống trong một vỏ bọc quá lâu thì chúng ta nghĩ cái vỏ bên ngoài là con người thật chúng ta.
Đấy chính là lý do chuyện mình bảo rằng để chúng ta thành thật với bản thân không phải chuyện đơn giản.
Nhưng chỉ khi chúng ta thành thật thì mới hiểu rõ vì sao chúng ta có cảm giác lo âu.
Mình ví dụ chuyện chúng ta lo âu vì muốn kiếm tiền nhanh. Nhưng chúng ta không thừa nhận sự thật chúng ta đang ham muốn tiền bạc. Cho rằng điều đó là ai cũng có.
Nhưng nếu bạn sinh ra và lớn lên ở Phần Lan thì bạn lại không có ham muốn này lắm. Ở nước này sự chênh lệch về thu nhập các nghề nghiệp rất thấp, hỗ trợ xã hội cao, hệ thống y tế được tài trợ, chính sách nhà ở tốt,...
Bản chất các ham muốn phụ thuộc rất lớn vào môi trường xung quanh chúng ta.
Đấy mới chỉ là sự thật cơ bản về vật chất. Còn các sự thật khác như: Liệu chúng ta có đang sợ người khác đánh giá, có đang sợ bản thân năng lực kém cỏi,... Nhưng lại dựng lên một lớp vỏ bên ngoài là người luôn làm người khác vui lòng, luôn tỏ ra mạnh mẽ - và đây cũng chính là cách chúng ta xem như bảo vệ bản thân.
Nhưng không biết rằng sự bảo vệ đó lại khiến cho chúng ta càng lo lắng hơn vì đang không thành thật với bản thân. Hay nói cách khác là luôn gồng mình để cho bản thân chạy theo đúng tốc độ của số đông.
-
Cách mình làm bước đầu đó là trả lời thành thật những câu hỏi phía trên, để đối diện với ham muốn và cảm xúc của chính mình.
Nó giống như việc bạn đứng lên đấu tranh chống lại chính bạn vậy. Vì bản thân bạn trước giờ cho rằng cái vỏ bọc đấy mới là thứ bảo vệ bạn chứ không phải sự thật.
Ví dụ việc mình lựa chọn ở thành phố có nghĩa là mình đang có ham muốn phát triển, kiếm tiền, trải nghiệm. Mình đang cảm thấy yếu kém vì không đủ năng lực, không đủ giỏi. Mình sợ người khác bỏ rơi mình chỉ vì mình không đủ tốt, vì mình tham lam, vì mình ích kỷ.
Nhiều lắm :)) Toàn những sự ham muốn và tự ti của bản thân thôi à.
Nhưng điều đặc biệt mà mình nhận ra được, đó là đây không phải sự lo lắng.
Khi thành thật mình mới hiểu đây là sự lựa chọn, chấp nhận và chịu trách nhiệm cho những gì mình đã quyết định.
Mình biết mình chưa đủ tốt ở chỗ nào, mình biết mình chưa giỏi chỗ nào. Mình sẵn sàng nói với tất cả những người xung quanh rằng mình đang như vậy và mình đang cố gắng để tốt lên dần dần.
Giống như rất nhiều bài viết mình tự viết để bóc phốt bản thân vậy :)) Chính vì mình hiểu và thành thật với bản thân, thì lúc đó mình mới thoải mái là chính mình, để rồi từ đó bắt đầu học cách phát triển lên.
Và đây mới chỉ là bước đầu để mỗi người có thể đi trên con đường của chính mình. Phía sau còn rất nhiều thứ chúng ta cần phải học nữa.
Nhưng có lẽ rằng thành thật với bản thân mình đang lo âu, cũng có thể xem là bước đầu để bớt lo âu nhỉ.
Hy vọng bạn tìm ra con đường của mình. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Bạn đọc bài khác của mình tại đây nha: