Bullshit jobs liệu có phải là quyển sách "tìm ra chân lý" như lời đồn?
Rất lâu rồi tôi mới có dịp đọc được một quyển sách khiến mình phải trăn trở vì những mặt tích cực và tiêu cực mà nó mang lại. Điều...
Rất lâu rồi tôi mới có dịp đọc được một quyển sách khiến mình phải trăn trở vì những mặt tích cực và tiêu cực mà nó mang lại. Điều tiêu cực tôi nhắc đến ở đây không nằm ở bản thân quyển sách, mà nằm ở sự bất đồng quan điểm của tôi và tác giả David Graeber về một số khía cạnh ông đề cập trong Bullshit Jobs.
Trước khi phân tích sâu hơn về những luận điểm này, tôi cần phải trình bày với các bạn ba điều sau.
Thứ nhất, việc bất đồng quan điểm không đồng nghĩa với việc tôi đánh giá thấp quyển sách này hay có ác cảm với tác giả. Trên thực tế, đây là một quyển sách mang mục đích chính trị, như tác giả đã thẳng thắn chia sẻ ở lời mở đầu, và với văn
phong hóm hỉnh, đậm chất châm biếm cùng sự sắp đặt vô cùng khôn khéo của David, Bullshit Jobs đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách xuất sắc khi tạo nên tiếng vang quá lớn để thu hút rất nhiều sự chú ý từ mọi tầng lớp trong xã hội. Mặt khác, khi tìm hiểu về tác giả, một nhà Nhân chủng học theo chủ nghĩa Vô trị,
luôn đứng về phía quần chúng nhân dân và có nhiều nghiên cứu đáng giá, cảm xúc
cá nhân của tôi dành cho ông, là kính trọng và ngưỡng mộ.
Thứ hai, điều tôi cảm thấy khó hiểu nhất về quyển sách này là cách nhiều độc giả Việt Nam cảm nhận về nó thông qua các bài review đầy rẫy trên mạng xã hội. Đa phần đều xem Bullshit Jobs là quyển self help tuyệt đỉnh giúp họ nhìn nhận lại những công việc “vô nghĩa” mà mình đã và đang làm. Việc một quyển sách rặt mùi chính trị và mang ý đồ tái thiết xã hội rõ ràng lại bị quy chụp thành quyển sách CHỈ
bàn về cách tư duy và phát triển kỹ năng cá nhân có vẻ hơi buồn cười. Tôi ngờ rằng
bìa sách bóng bẩy kèm câu quote “Đời ngắn lắm, đừng làm việc vô nghĩa” của nhà thiết kế đã góp phần không nhỏ cho mặc định này tại Việt Nam. Dĩ nhiên, tôi
không thể biết được những độc giả trên đã áp dụng tư duy này cho công việc thực
tế của họ như thế nào vì không tìm được chia sẻ có liên quan ngoài những bài “cảm
nhận”.
Cuối cùng, như đã trình bày ở trên, vì Bullshit Jobs đã tạo một tiếng vang lớn nên
nó đồng thời cũng đứng trước khá nhiều mũi dùi dư luận. Trong một bài phỏng vấn
với Sean Illing, David đã nói “Tôi nghĩ rằng đa số mọi người thực sự muốn tin rằng
họ đang đóng góp cho thế giới theo một cách nào đó, và nếu bạn phủ nhận điều đó
với họ, họ sẽ phát điên hoặc trở nên khốn khổ”. Nhưng cơn điên mà David đề cập
đi xa đến mức các nhà nghiên cứu đã xây dựng một chương trình Khảo sát điều kiện
làm việc tại Châu Âu 2005-2015 (EWCS) xoay quanh những vấn đề tính hữu ích của công việc, phúc lợi cho người lao động và dữ liệu khách quan về chất lượng công
việc. Kết quả là chỉ có 4.8% công nhân EU cho rằng họ cảm thấy công việc mình
làm không hữu ích, con số này ở Anh và Ireland là 5.6%, đều thấp hơn rất nhiều
so với con số David đề cập trong Bullshit Jobs (37-40%). Bên cạnh đó, danh sách
những ngành nghề có tỷ lệ không hài lòng trong công việc cao cũng khác biệt so
với thống kê của David. Những điều này làm cho các giả thuyết trong Bullshit
Jobs suy yếu rất nhiều, chưa kể đến việc các nhà nghiên cứu còn cho rằng David
đã thiên vị trong chọn mẫu xác suất thống kê và có sự nhập nhằng khi tính phần
trăm.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin phép không dùng đến những nghiên cứu vừa đề cập mà dựa trên giả thuyết các thống kê trong Bullshit Jobs là hoàn toàn chính xác, với mẫu nghiên cứu đủ rộng, đúng chuẩn. Tôi chỉ phân tích luận điểm của mình dưới góc nhìn của người đã và đang tham gia vào nền kinh tế thị trường, từng kinh qua nhiều “loại” nghề (kể cả những nghề được tác giả cho là Bullshit Jobs).
1/ Những công việc “vô nghĩa” có thật sự vô nghĩa không?
Theo tác giả, “công việc vô nghĩa là một hình thức việc làm có trả lương, và nó hoàn toàn vô nghĩa, không cần thiết hoặc có tính độc hại mà đến cả người làm công việc đó cũng không thể biện minh cho sự tồn tại của nó, mặc dù họ cảm thấy buộc phải giả vờ rằng nó không phải là việc vô nghĩa, như một phần của điều kiện làm việc”. Cũng như công việc đó “không tạo ra khác biệt nào cho thế giới và khi biến mất
thì chẳng tổn hại gì cả”.
Không thể phủ nhận một điều rất đúng đắn trong định nghĩa trên là khi người lao động cảm thấy công việc của họ là nhảm nhí thì nó chắc chắn là nhảm nhí, NHƯNG CHỈ với họ thôi. Điều này không đồng nghĩa với việc công việc đó vô nghĩa với toàn bộ thế giới còn lại.
Tôi lấy ví dụ từ một trong số những trường hợp đã gửi thông tin cho David để minh chứng cho điều này. Người đàn ông bảo rằng ông ta phát cáu lên với công việc chỉ đứng mở cổng và bấm thang máy cho khách. Ông ta cho rằng công việc này quá sức vô nghĩa và ngớ ngẩn.
Tôi ngay lập tức nhớ đến những người bảo vệ làm nhiệm vụ dỡ hành lý, lưu lại thông tin của khách và báo với lễ tân, để khi khách bước vào lần đầu tiên, họ đã được chào trang trọng bằng tên của mình. Tôi nhớ về người phục vụ luôn đứng chờ khách bước xuống sảnh ăn sáng và hỏi buổi tối của họ có ngon giấc không, nếu câu trả lời là không, khách hàng sẽ nhận được lời xin lỗi chân thành và một bữa sáng miễn phí. Những công việc thoạt nghe rất vụn vặt và nhảm nhí đúng không? Nhưng tôi e bạn sẽ phải suy nghĩ lại về cái gật đầu của mình khi biết rằng chính những thứ nhảm nhí này đã tạo nên tên tuổi hàng đầu thế giới của khách sạn The Ritz-Carlton, điều được các khách hàng nhắc nhớ nhiều hơn cả những bữa ăn tuyệt hảo và sự sang trọng ở nơi đây. Những công việc “vô nghĩa” này mang đến sự hài lòng trên cả mong đợi cho khách hàng và gián tiếp đóng góp vào khoảng thu kết sù của khách sạn. Dĩ nhiên, khi những công việc này biến mất, thế giới này sẽ
chẳng có gì đổi thay cả, rất nhiều khách sạn vẫn hoạt động mà không hề có các vị
trí này, chỉ là chúng ta sẽ mất đi một huyền thoại về dịch vụ khách hàng hoàn hảo
mang tên The Ritz-Carlton mà thôi.
Tôi nghĩ rằng việc một người đánh giá về công việc của mình (dù là vô nghĩa hay có ý nghĩa) thì đó chỉ là những cảm nhận chủ quan, không phải là bản chất công việc.
Và một cách thẳng thắn, đó có khi là cảm
nhận phiến diện với cảm xúc và cái nhìn hạn hẹp của chính họ, đến nỗi họ không
nhận ra được những điều đẹp đẽ mà công việc ấy đem đến cho cuộc sống và chính
mình.
Giả sử, nếu bạn làm một công việc được trả lương, và nó hoàn toàn vô nghĩa (trong phạm vi quyển sách, công việc này không vi phạm pháp luật, nó chỉ vô nghĩa thôi). Mặc dù khi viết đến đây, tôi cảm thấy giả thuyết mình đưa ra thật ngớ ngẩn, khi có
người trả lương cho bạn để bạn làm một việc không mang đến xíu xiu ích lợi gì
cho họ. Nhưng bỏ qua sự gàn dở phi thực tế này, thì bạn thân yêu ơi, công việc
vẫn có ích cho bản thân bạn. Bạn có thể dùng đồng lương nhận được để nuôi sống
bản thân, gia đình và bạn biết đấy, khi lo được cho bản thân, bạn đã gỉam bớt một
gánh nặng cho các quỹ xã hội.
Ồ, tôi còn chưa đi quá xa đến việc bạn có thể dùng đồng lương đó để đầu tư, góp phần phát triển cho nền kinh tế nước nhà và làm việc thiện đâu nhé!
2/ Tỷ lệ nhảm nhí trong những công việc “có ý nghĩa” có thật quá cao? Và liệu rằng chúng hoàn toàn chẳng có ích lợi gì?
Bên cạnh những công việc vô nghĩa, tác giả có chỉ ra những nhiệm vụ “vô nghĩa” chiếm gần hết thời gian trong những công việc “không vô nghĩa” như họp hành, hành chính, kiểm tra mail, việc lặt vặt,… Và ông cho rằng nếu loại bỏ những nhiệm vụ nhảm nhí này, ta sẽ chỉ cần làm việc với phân nửa thời gian hiện tại. Đây là điều
khá lý tưởng mà bản thân tôi cũng mơ ước. Nhưng chậm lại một chút, và bỏ qua yếu
tố chính trị trong mục này, có thật tất cả những nhiệm vụ này là vô nghĩa không?
Tôi phải công nhận có những thủ tục hành chính cực kỳ nhiêu khê, và nhiều lúc tôi cũng tự nhủ nếu bỏ quách quy trình lủng củng này tôi sẽ làm được khối việc mang đến doanh thu cho công ty. Nhưng khi tôi từ một chân “sai vặt” trở thành người “vẽ
chuyện” thì tôi đã có một cái nhìn khác (“sai vặt” và “vẽ chuyện” là những thuật
ngữ tác giả dùng để phân loại các công việc vô nghĩa, thật đáng buồn khi từ lúc
bắt đầu đến những bước thăng tiến trong sự nghiệp chính của tôi đều được xếp
vào dạng này, tuy nhiên tôi sẽ hết sức khách quan trong phân tích luận điểm).
Trước tiên là việc chứng từ, nhất là những chứng từ liên quan đến tài chính đều rất
phức tạp, bộ phận bán hàng bảo kế toán làm khó dễ, nhưng họ không biết được rằng chứng từ này không có nhiều ý nghĩa với họ nhưng lại là bùa hộ mệnh của bộ phận kế toán nếu sau này phát sinh vấn đề. Thế đấy, có khi một nhiệm vụ này rất vô nghĩa với người/ bộ phận này nhưng lại vô cùng quan trọng với người/ bộ phận
khác.
Tôi cũng có cái nhìn rất khác về họp hành, dĩ nhiên là buổi họp nên đi vào đúng trọng
tâm, tránh dài dòng tốn thời gian nhưng là vô cùng cần thiết để tổng kết tuần tháng, và đưa ra định hướng hoạt động cho tháng mới. Không cần phải nói, chúng ta đều biết mục tiêu, định hướng quan trọng thế nào rồi đấy! Và cuộc họp còn có một ý nghĩa quan trọng hơn, đó là gắn kết, rút kinh nghiệm, chỉnh đốn hoặc tạo động lực cho nhân viên.
Dĩ nhiên, có nhiều quy trình công ty thật sự nhiêu khê vì nhân công đã quen việc nên chẳng ai buồn sửa đổi, nhưng chắc rằng hiếm tổ chức nào để cho những “nhiệm vụ nhảm nhí” chiếm quá nhiều thời gian làm việc của nhân viên và ảnh hưởng xấu đến hiệu suất của họ.
3/ Công việc vô nghĩa là cội nguồn của bất hạnh.
Tác giả có đề cập rằng ông đã gặp nhiều trường hợp từ bỏ những công việc vô nghĩa lương cao nhưng làm tâm hồn họ trống rỗng để chuyển sang những công việc lương thấp nhưng có ý nghĩa và họ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Tôi tự hỏi ông đã từng gặp những con người làm những công việc có ý nghĩa lương thấp (mà theo ông thường là công việc tay chân, tạo ra sản phẩm) đã chán ngán công việc của mình và ghen tỵ với những kẻ lương cao trống rỗng trên kia chưa?
Theo nghiên cứu của Dur và Len (2019), mục phân tích dữ liệu Khảo sát Quốc tế thì những nghề mang lại sự nản lòng cho người lao động nhất là những nghề đơn giản lặp đi lặp lại, không được tự chủ nhiều trong công việc như công nhân khai thác, thợ may,…và trùng hợp thay, đây lại là những công việc ý nghĩa mà David đề cập. Tôi thiết nghĩ, thậm chí không cần nghiên cứu này, ta có thể thấy nhan nhản những câu chuyện, tâm sự chán đời chán việc của nhiều người trong nhóm này trên các trang mạng xã hội.
Và nếu trường hợp tốt đẹp nhất mà David đề cập xảy ra, loại bỏ hết tất cả công việc nhảm nhí lương cao (theo quan điểm của ông), loại bỏ hết những nhiệm vụ không cần thiết và dùng số tiền đó chia đều cho nhân công các ngành tạo ra giá trị cho xã
hội. Vậy thì, chúng ta sẽ có toàn những con người làm việc có ý nghĩa, thời gian làm việc hợp lý, lương cao. Các bạn đoán xem tất cả họ có hạnh phúc không, ít nhất là trong công việc?
Tôi e rằng đây là câu hỏi khó, về một điều quá mơ tưởng, nhưng suy nghĩ một chút, tôi tin câu trả lời của các bạn sẽ giống tôi, là Không.
Trước tiên, việc được tăng lương, chế độ hấp dẫn sẽ giúp người ta vui thích trong nhất thời nhưng nó không tạo ra niềm hạnh phúc lâu dài. Tác giả Adrian Furnham và Ian Macrae đã có bài nghiên cứu thú vị về chủ đề này, các bạn có thể tham khảo thêm từ quyển Tạo động lực tăng hiệu suất.
Con người chúng ta sinh ra với sự so sánh được lập trình sẵn trong não bộ. Cỏ bên kia đồi lúc nào cũng xanh hơn cỏ bên nhà mình. Nếu hiện tại, dân cổ cồn bảo công việc vô nghĩa này khiến tôi trống rỗng, tôi muốn được lao động tay chân cật lực nhưng không áp lực thế này như anh thợ mộc. Anh thợ mộc lại ao ước được như tay tư vấn tín dụng, được ăn mặc đẹp, ngồi máy lạnh cùng mấy em giao dịch viên xinh tươi, chẳng như anh lúc nào người cũng lấm lem mồ hôi và mùn cưa. Thì khi chỉ còn những lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội, chị thợ may chắc hẳn cũng đôi lần phải mủi lòng vì mong như cô làm vườn không phải hành hạ sống lưng cả ngày.
Tôi tin rằng các bạn sẽ đồng tình với tôi, rằng việc bạn hạnh phúc hay không chẳng hoàn toàn nằm ở công việc của bạn là gì, nó nằm ở cách bạn nhìn nhận và hài lòng về công việc của bạn ra sao. Và điều này, mỗi người chúng ta phải tự luyện tập.
Bên cạnh những quan điểm trên, có một điều tôi vô cùng đồng tình với tác giả đó là mối liên hệ chặt chẽ giữa Ý thức về công việc và Sức khỏe tâm lý cũng như Hiệu suất làm việc của người lao động. Rõ ràng, để tạo nên một hệ ý thức tốt về công việc
không phải là chuyện của một cá nhân mà là của một tập thể xã hội với tầm nhìn
của ban lãnh đạo, văn hóa công ty, hệ thống phúc lợi và luật lao động, cảm nhận
của nhân công,… Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là thế giới quan của mỗi người.
Niềm tin của chúng ta luôn đúng. Nếu bạn tin rằng công việc của bạn là vô nghĩa, nó chính xác là vô nghĩa. Còn nếu bạn tìm thấy những điều hữu ích trong công việc của mình, thì công việc ấy là công việc giá trị.
Vì vậy, nếu lúc nào đấy, các bạn cảm thấy công việc của mình chẳng mang lại lợi ích thực sự, lại không có đủ điều kiện chuyển việc, đừng than vãn hệ thống chính trị- kinh tế-xã hội tại sao không khai tử quách nó đi. Hãy đặt câu hỏi “Công việc này có thật sự không giúp gì cho tôi? Cho gia đình tôi? Cho những người xung quanh?”. Và
trong quá trình tìm câu trả lời khách quan, biết đâu, bạn sẽ cảm thấy công việc
mà mình đang sở hữu vốn là một phước lành.
Nguồn
tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất