Bụi Phấn - Những câu chuyện cảm động về tấm lòng nhà giáo
Mùa thu năm 1982, Đảng và nhà nước ta đã có quyết định làm nức lòng giáo giới và nhân dân cả nước, đó là hàng năm cứ lấy ngày 20/11...
Mùa thu năm 1982, Đảng và nhà nước ta đã có quyết định làm nức lòng giáo giới và nhân dân cả nước, đó là hàng năm cứ lấy ngày 20/11 là ngày nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó ngày 20/11 hàng năm ở nước ta đã trở thành ngày Hội của các Thầy Cô giáo các nhà quản lí giáo dục, những người đang làm công tác giáo dục trên cả nước. Chính vì thế trong những ngày này, đâu đâu trên khắp nước Việt cũng đang tưng bừng chào đón một ngày trọng đại nhất dành cho những người thầy giáo, cô giáo. Bên cạnh những lời chúc, những món quà thì những cuốn sách hay cũng xem là một trong những món quà ý nghĩa dành tặng cho các thầy cô nhân ngày 20/11.
Bụi Phấn là quyển sách tuyển tập những câu chuyện lay động lòng người về tấm lòng tận tụy và trái tim yêu thương không ngừng nghỉ của người thầy. Qua đó, vẻ đẹp của trái tim và tâm hồn người thầy lại một lần nữa được sống dậy trong vinh quang của lòng biết ơn và sự trân trọng.
Khi lật ra trang đầu tiên của quyển sách, bạn sẽ bắt gặp được bức thư nổi tiếng của tổng thống Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai với những nội dung đáng chú ý và đáng suy ngẫm. Trong thư, ông chủ Nhà Trắng gửi gắm con trai cho thầy giáo với tất cả niềm tin và hy vọng. Ông hy vọng thầy giáo sẽ dạy cho con trai mình những điều hay lẽ phải. Mặc dù lá thư được viết cách đây hơn 100 năm nhưng nội dung bức thư vẫn còn nguyên giá trị.
Quyển sách này có 4 chương, ở mỗi chương đều có những câu chuyện về đức tính cao quý và những bài học lay động trái tim bạn đọc.
Ở chương đầu tiên đó là Tận tụy và thấu hiểu. Ở chương này chúng ta sẽ đọc được những câu chuyện khiến chúng ta ngưỡng mộ về tấm lòng của những người làm nghề giáo. Khi đọc qua từng câu chuyện một, bạn sẽ phải rất ngạc nhiên tự hỏi rằng: Bằng cách nào mà thầy cô có thể lắng nghe và nhìn thấu hết học trò mình đang gặp phải điều gì như vậy.
Chương tiếp theo sẽ là nội dung của những câu chuyện nhỏ về sự Cảm thông và nâng đỡ của người thầy. Có một câu nói của Thomas Groome trong chương này đó là: “Tố chất của một nhà giáo giỏi là có khả năng đưa học trò đến những chân trời mới mà ngay chính bản thân mình cũng chưa từng đặt chân đến.”
Chạm đến trái tim – Thay đổi cuộc đời là nội dung chính của chương thứ ba. Đọc đến đây rồi thì độc giả sẽ thấy được thật sự thầy cô là những người từ việc thấu hiểu trò rồi đến cảm thông, giúp đỡ trò để từ đó có thể chạm đến trái tim và thay đổi cuộc đời trò. Bởi vậy mới nói, nghề giáo thật cao quý và vĩ đại.
Chương cuối cùng của quyển sách là Tri ân và những bài học quý báu. Có một câu chuyện rất hay trong chương này đó là: Một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với vị giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn luôn được các sinh viên của mình gọi là “Người bạn của sinh viên” vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học trò.
Đang đi trên đường, hai người thấy một đôi giày cũ của một nông dân nghèo đang làm việc tại cánh đồng gần bên và có lẽ ông ta cũng sắp kết thúc một ngày làm việc của mình.
Anh sinh viên quay sang nói với giáo sư: “ Chúng ta hãy thử trêu người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta, sau đó em và thầy cùng trốn vào bụi cây để xem thái độ của ông ta ra sao nhé”
Vị giáo sư ngăn lại: “Chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Em là 1 sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình niềm vui lớn hơn nhiều đấy. Em hãy thử đặt tiền vào giày ông ta và xem phản ứng của ông ta ra sao”.
Người sinh viên làm theo lời của vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó. Chẳng mấy chốc, người nông dân đã xong việc, băng qua cánh đồng và tiến đến chỗ để giày của mình. Ông vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào 1 chiếc giày thì cảm thấy có vật gì đó cứng cứng, ông cúi xuống và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ngắm nhìn đồng tiền thật kĩ, nhìn một lượt xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Ông bỏ đồng tiền vào túi và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quỳ xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.
Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: “Bây giờ em có cảm thấy vui hơn nếu lúc trước em đem ông ta ra làm trò đùa không?” Người thanh niên trả lời: “Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên được. Bây giờ em mới hiểu ý nghĩa thật sự của câu nói: Cho đi hạnh phúc hơn nhận về.”
Những câu chuyện trong “Bụi Phấn” đã cho chúng ta thấy được những lời giảng của thầy cô để lại thật sự quá nhiều bài học ý nghĩa, giúp chúng ta trưởng thành, dạy ta biết cảm thông và chia sẻ.
Nghề giáo vốn không giàu, những ai mong được giàu có thường sẽ không chọn nghề giáo, và những ai đã làm nghề dạy học thì không mong nghĩ đến chuyện làm giàu từ viên phấn, con chữ. Điều này cho thấy, phải là một người cực kì tâm huyết với nghề, yêu thích nghề cầm phấn mới có thể trở thành một giáo viên và gắn bó với nghề suốt mấy chục năm, mới có thể đưa hết những lớp học trò này đến lớp học trò kia vững chân bước ra cuộc sống. Từng câu chữ, từng chi tiết, sự việc xuất hiện trong truyện luôn thể hiện được tâm ý lớn lao của người thầy. Đây là một món quà ý nghĩa cho ngày 20/11.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất