Chào mọi người, sau bài viết trước của mình về vấn đề thiện - ác trong đạo Phật, mình thấy có nhiều bạn có thắc mắc rằng Niết Bàn là gì? và khi nào thì chứng được Niết Bàn? Thật là một câu hỏi khó, vì ngay cả Đức Phật cũng không thể giải thích cho chúng sinh hiểu về nó. Vì chúng ta sống trong một thế giới nhị nguyên, tất cả mọi thứ được tạo ra bởi ý niệm, những gì chúng ta biết và truyền cho nhau cũng giới hạn trong ngôn từ, mà ngôn từ thì làm sao có thể miêu tả được hết những gì ta cảm nhận. Cũng giống như một mùi hương thơm mà bạn ngửi thấy, bạn làm sao có thể nói cho người bạn của ta hiểu được mùi hương ấy như thế nào bằng từ ngữ, nếu có thì cũng chỉ là sự gợi mở. Vậy nên Niết Bàn cũng vậy, là cảnh giới không thể truyền đạt lại bằng lời, vậy nên những gì mình cung cấp dưới đây cũng chỉ là những hiểu biết nhỏ bé kết hợp suy luận cá nhân, nhưng hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu thêm phần nào.
Niết bàn (Nibbana trong tiếng Pali) hay (Nirvana trong tiếng Phạn) không phải là một cõi mà là một trạng thái của tâm thức của bậc Giác ngộ (đã giải thoát), trạng thái vắng lặng tuyệt đối không vọng động.
Tuy nhiên ngay trong Phật giáo quan niệm về Niết Bàn cũng không thống nhất giữa Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa. Tiểu thừa phủ nhận thực tại, còn Đại thừa không phủ nhận thực tại, mà đi tìm giải thoát trong thực tại. Hay nói cách khác Đại thừa tu giải thoát bằng cách nhập thế, còn Tiểu thừa thì tu giải thoát bằng cách xuất thế.

Niết Bàn trong Tiểu thừa

Theo Phật giáo Tiểu thừa, Niết Bàn là thoát khỏi vòng sinh tử, là một tâm trạng yên lặng, tách biệt với mọi biến động của thế gian tướng, không còn lăn lộn trong luân hồi nữa. Và người tu chỉ có thể giác ngộ cho chính mình thôi, không thể giúp ai khác đi tới Niết Bàn được.
Sở dĩ có luân hồi là vì có Ngã (phân biệt Ta và Vật). Cái mà chúng ta gọi là của ta, quần áo của ta, xe của ta, nhà của ta… thực ra chỉ là giả tưởng, không thật. Vậy nên tu Phật là diệt được cái nhận thức sai lầm của Ngã chấp. Muốn được vậy Tiểu thừa sử dụng các phép tu Định (Thiền Định) và Giới (giữ Giới: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, tửu). 
Tu Định giúp người ta bước vào cảnh giới “Niết Bàn tương đối”, trong quá trình Thiền Định ta tạm thời ly khai khỏi hiện tượng giới, không tiếp xúc với mọi tác động trong cuộc đời, nhờ vậy rũ bỏ được sự ràng buộc với thực tại, và từ đó tiêu trừ được mọi dục vọng, khi ấy ta bước vào cảnh giới Niết Bàn vắng lặng.
Tu Giới nhờ có giữ được các giới là: Cấm sát sinh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm, cấm vọng ngữ, cấm tửu, mà người tu đoạn tuyệt được với mọi dục vọng tầm thường, xa lánh thế gian và tận diệt được cái Ngã. Từ đó bước vào cảnh giới “Niết Bàn tuyệt đối”.
Như vậy tựu trung lại phương pháp để nhập Niết Bàn của người tu Tiểu Thừa là xa lìa thế gian, Niết Bàn tách rời sinh tử, đã nhập Niết Bàn là không còn luân hồi.

Niết Bàn trong Đại thừa

Đại thừa có một quan niệm về Niết Bàn khác so với Tiểu thừa, tuy vẫn chấp nhận khái niệm ‘Niết Bàn tương đối”.
Vì người tu Đại thừa là tu theo hạnh Bồ Tát, nên sẽ không chỉ tìm kiếm giải thoát cho mình mà còn tìm kiếm giải thoát cho toàn thể chúng sinh, vì Phật và chúng sinh là một. Phật giáo Đại thừa không lìa xa thế gian tướng mà tìm giải thoát ngay trong thực tại. Nói một cách dễ hiểu thì người tu Tiểu thừa đã giác ngộ giống như một người đã ngoi lên khỏi mặt nước, còn bậc Đại giác trong Đại thừa thì vẫn ở trong nước, hiểu được sự vận hành và đặc tính của nước, từ đó thuận theo nó mà sống, không khác nào các loài thủy sinh dưới biển. Chấm dứt đau khổ đâu phải là trốn tránh đau khổ, mà phải nhìn thẳng vào đau khổ, hiểu được nó thực ra chỉ là ảo tưởng do vô minh tạo ra. Chấm dứt sinh tử không phải là chạy trốn khỏi luân hồi, mà là chấp nhận nó, và hiểu được rằng có luân hồi là vì có Ta, không có Ta sẽ không có luân hồi, từ đó sử dụng luân hồi để cứu độ chúng sinh. Cũng như sống ở trong nước, không phải chạy trốn và chống đối lại những quy luật của nước mà phải hiểu nó và thuận theo nó. 
Phật giáo đại thừa nhìn mọi sự với cái tâm Bình đẳng, vậy thì đã nhìn mọi vật trên thế gian bình đẳng như nhau rồi, ta là người mà người là ta thì làm gì còn sát sinh, đã bình đẳng rồi thì làm gì còn trộm cắp tư lợi cho mình, đã bình đẳng rồi thì cần gì phải giữ các giới, phải lìa xa thế gian. Vậy nên giải thoát của Đại thừa là không rũ bỏ hiện thực mà chấp nhận và sống trong hiện thực. Vậy nên đâu cần phải đợi đến khi ta chết đi thì mới chứng được Niết Bàn, mà ta có thể đạt Niết Bàn ngay trong kiếp này, ngay bây giờ và ngay tại đây, chẳng cần đi đâu hết.   
"Phiền não tức Bồ Đề, sinh tử tức Niết Bàn". Các vị Bồ Tát sống trong luân hồi, nhưng không bị luân hồi chi phối, vậy nên Ngài có thể đầu thai vào bất cứ một kiếp sống, hoàn cảnh nào mà Ngài muốn, để từ đó tiếp tục phổ độ chúng sinh, tiến tới giải thoát toàn chúng sinh.
Như trong cuốn “Đường Mây Qua Xứ Tuyết” tác giả có kể về nhiều trường hợp các vị cao tăng tu luyện đạt quả cao tại Tây Tạng có thể biết và báo trước cho các đồ đệ về nơi chốn, gia đình mà mình sẽ đầu thai sau khi thân thể già cỗi của Ngài tan biến đi.
Trên đây là những chia sẻ của mình về vấn đề Niết Bàn, cảm ơn các bạn đã đọc và ủng hộ mình. Nếu có thể, mong nhận được thêm thật nhiều những đóng góp xây dựng, để chúng ta sẽ hiểu sâu hơn.