* Bài viết có spoil toàn bộ nội dung tác phẩm We của nhà văn người Nga  Yevgeny Zamyatin (xuất bản ở Việt Nam với tên gọi Chúng tôi, dịch giả Phạm Ngọc Thạch) và một phần của tác phẩm Nineteen Eighty-four (1984) - George Orwell.

"Tôi, mã số D-503, Tổng công trình sư của tàu Tích Phân, chỉ là một trong số những nhà toán học của Quốc Gia Thống Nhất. Ngòi bút vốn quen với những con số của tôi không đủ khả năng sáng tác nhạc điệu cho những vần thơ. Tôi chỉ cố ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe, những gì suy nghĩ - chính xác hơn, những gì chúng tôi nghĩ (đúng vậy: chúng tôi, và hãy để từ "CHÚNG TÔI" này làm tựa đề cho những ghi chép của tôi). Tuy nhiên, đó sẽ là đạo hàm của cuộc đời chúng tôi, cuộc đời hoàn hảo như toán học của Quốc Gia Thống Nhất, và nếu thế, lẽ nào tự thân nó không phải là một bài thơ, bất chấp ý nguyện của tôi? Nó sẽ là như thế."
      Đoạn văn trên nằm trong chương đầu tiên của "Chúng tôi", tác phẩm khai thác chủ đề phản địa đàng này tấn công trực tiếp vào nền chuyên chính của chế độ toàn trị. Ấy thế nên chẳng bất ngờ rằng sau khi ra đời vào năm 1921 - năm mà chính quyền Stalin thực thi các biện pháp trấn áp dân chúng và thanh tẩy chính trường, Chúng tôi chẳng khác nào một bản cáo trạng tố giác chính quyền. Điều đó mang lại một kết cục không có hậu cho cuốn sách, bị cấm xuất bản tại quê nhà. Còn cha đẻ của tác phẩm, Yevgeny Zamyatin, sau hai lần bị bỏ tù và không ngừng giễu nhại chính sách của Đảng, đã chính thức nhận được lệnh trục xuất khỏi Liên Xô, ông sống lưu vong tại Paris cho đến khi qua đời.
Lấy bối cảnh thế giới loài người vào thế kỷ XXVI, tại một đất nước mang tên Quốc Gia Thống Nhất - nhà nước toàn trị được hình thành sau cuộc chiến tranh Hai Trăm Năm, một cuộc cách mạng đem lại ánh sáng cho nhân loại. Đứng đầu nhà nước là Lãnh Tụ Thiện Nguyện, giống như cái tên của mình, Người mang đến hạnh phúc cho toàn bộ các mã số của Quốc Gia. Vì sao lại là các mã số, mà không phải các công dân? Dễ hiểu thôi, vì chúng ta đã bỏ sót một vài khái niệm quan trọng trong câu chuyện này.
Đầu tiên phải kể đến Phòng Bảo Vệ, một bộ phận giữ gìn an ninh trật tự bằng các hình thức cưỡng chế, tất cả các cá nhân có ý đồ chống lại sự lãnh đạo của Lãnh Tụ Thiện Nguyện, hay có hành vi không đúng chuẩn mực như không trung thực trong việc khai báo sẽ được Phòng Bảo Vệ "chăm sóc đặc biệt" bằng Chuông Khí hoặc Cỗ Máy của Lãnh Tụ Thiện Nguyện. Nếu như hoạt động một cách bí mật thì sao? Không cần lo lắng, Phòng Bảo Vệ có một hệ thống tai mắt rất tinh nhuệ, mọi hành động của mọi mã số sẽ không qua được cặp mắt diều hâu đang trực chờ.

    Để nền độc tài được áp chế một cách hoàn hảo, quyền tự do của cá nhân bị tước bỏ hoàn toàn. Các tòa nhà, công trình phòng ốc dù là nhà ở hay nơi làm việc đều được xây dựng trong suốt (xin đừng thắc mắc là họ làm thế nào mà xây dựng trong suốt được, có lẽ khoa học công nghệ đã tân tiến đến mức chúng ta chưa ngờ tới). Các tiến bộ trong nghiên cứu khoa học đã mang lại thành tựu to lớn trong ứng dụng thực tiễn, bằng chứng là Quốc Gia Thống Nhất đã tính toán chính xác cho các công dân của mình: giờ ăn, giờ ngủ, giờ đi dạo, thậm chí tần suất hoạt động tình dục cũng được chỉ điểm bằng các tờ phiếu hồng. Phải nói rằng mọi hoạt động của con người đều được nhà nước trang bị tới tận răng. Bù lại với niềm hạnh phúc được bao bọc đó, con người được mã số hóa, ăn ở theo Bảng Giờ, đi đến thính phòng theo tiếng chuông của Tháp Lưu Điện, đọc Nhật Báo Quốc Gia, coi Bức Tường Xanh là chân ái...
Trở lại với lời tự sự ban đầu của người dẫn chuyện, nhà toán học D-503, tổng công trình sư Tàu Tích Phân, con tàu mang sứ mệnh cao cả của Quốc Gia Thống Nhất, mang triết lý "hạnh phúc mất tự do" ra thế giới ngoài kia. Cuộc sống theo Bảng Giờ của D-503 sẽ cứ thế trôi qua nếu như không xuất hiện của I-330, cô nàng tinh ranh làm nên sự xáo trộn mang tính khuôn mẫu mà ta thường thấy. D nhanh chóng rơi vào tình yêu của I, và những say đắm khiến D quên mất bổn phận của một mã số trung thực, liên tiếp vượt rào để nếm trái cấm ngọt ngào kia. Rồi điều gì đến cũng đến, D giác ngộ về cuộc cách mạng của MEFI - tổ chức của I chống lại Lãnh Tụ Thiện Nguyện.
-------
      Ngay từ đầu Yevgeny đã không có ý định che giấu thái độ của mình với chủ nghĩa toàn trị, đó là giễu nhại sâu cay, công nhận sự áp đặt của nhà nước tập quyền như một sự thật hiển nhiên. Mọi tung hô quá đà của D-503 giống như quân bài chính trị được tẩy não. Nảy sinh nghi ngờ là điều dễ hiểu nơi người đọc, nhất là khi không hẹn mà gặp, mã số thề thốt trung thành trước một đế chế thao túng quyền lực như Quốc Gia Thống Nhất. Sự ca ngợi mù quáng đó chẳng khác nào một thực tế đầy khôi hài về quyền con người. Không tự do, nghĩa là hạnh phúc - chẳng phải gần như tất cả các mã số của Quốc Gia Thống Nhất đều nhất loạt thần phục mà không hề có thắc mắc hay sao.
Hai người trên thiên đường được ban cho một lựa chọn: hoặc hạnh phúc mất tự do - hoặc tự do không hạnh phúc. Họ, những kẻ ngu ngốc, chọn tự do - rồi sao nào? Dễ hiểu là sau đó hàng thế kỷ họ tiếc nhớ gông cùm

Câu hỏi lựa chọn có hai đáp án mà Yevgeny đặt ra, thực ra lại là một câu khẳng định rất bi đát. Bối cảnh: Thiên đường, Đối tượng: hai người, Đặc điểm: ngu ngốc, Câu hỏi: hạnh phúc mất tự do - hoặc tự do không hạnh phúc, Câu trả lời: tự do, Kết quả: hối hận. Điều đó đã chứng minh "tự do không hạnh phúc" là đáp án duy nhất, chính xác tuyệt đối, kẻ chọn đi ngược với đáp án này là kẻ ngu xuẩn, nhận lấy cho mình bản án tử. Sức mạnh của chủ nghĩa toàn trị đã không cho các mã số có quyền được lựa chọn, họ hoàn toàn sống trong thể bị động không khác gì những con rối bị giật dây.
Chừng nào các mã số còn chưa nhận thức được gông cùm của chế độ thì họ sẽ không bao giờ nổi loạn (như bạn có thể thấy qua cuộc bạo loạn Ngày Nhất Trí - một tên gọi khác của ngày bầu cử). Một khi họ đã nhận thức được, việc mà Phòng Bảo Vệ cần làm là tẩy não quần chúng, giúp họ quay về quỹ đạo ban đầu như những con chiên ngoan ngoãn.

"Đội Bảo Vệ càng lúc càng thường xuyên trông thấy những nụ cười và những tiếng thở dài. Hãy che giấu ánh mắt của các bạn đi - những sử gia của Quốc Gia Thống Nhất xin nghỉ hưu để khỏi phải ghi lại những sự kiện đáng xấu hổ ấy.
Tuy nhiên đó không phải do lỗi của các bạn - các bạn bị bệnh. Tên gọi của căn bệnh ấy là: ẢO TƯỞNG.
Phát hiện mới nhất của nền Khoa Học Quốc Gia: trung tâm ảo giác - là một hạch não đáng thương trong vùng cầu Varolii. Đốt hạch này ba lần bằng tia X-và các bạn được chữa khỏi ảo giác VĨNH VIỄN
Quốc Gia Thống Nhất muôn năm! Lãnh Tụ Thiện Nguyện muôn năm!"

Tôi ngỡ mình đang đọc một áp phích cổ động, bởi lời kêu gọi này mang tính trào phúng đầy chua chát. Có khi nào việc đứng lên quyền tự do cá nhân, có cảm xúc yêu thương, có tâm hồn lại được quy về một chứng bệnh, một loại ung nhọt của xã hội hay không? Có, vì bạn đã ra khỏi quỹ đạo cho phép mất rồi. Hãy quay về trước khi quá muộn, hoặc là sớm nói lời tạm biệt hạch não đáng thương của mình đi!
--------
     Dẫu trong một bối cảnh chứa nhiều nghi vấn về đạo đức chính trị, vẫn có một nhân tố thúc đẩy và làm câu chuyện trở nên mềm mại hơn. Đó là tình yêu. Tình yêu, bộc lộ vai trò của nó, làm xáo trộn quỹ đạo đời sống thường nhật của D-503, khiến lý tưởng của mã số này thăng hoa. D đã nhận ra sự thay đổi xúc cảm của bản thân và một tâm hồn đã thành hình từ lúc ấy. Rủi thay, tâm hồn và cảm xúc là hai từ khóa cấm kỵ, rồi tình yêu cũng bị bóp nát trong chiêu bài chính trị của Lãnh Tụ Thiện Nguyện. 
Tình yêu của D-503 và I-330 trong Chúng tôi có nhiều nét tương đồng với tình yêu của Winston và Julia trong 1984 (George Orwell) trên bình diện "sự đồng điệu về tư tưởng", tuy nhiên điều làm nên sự khác biệt (khiến George Orwell tránh những lời đồn thổi về việc đạo văn) là ở Chúng tôi, mọi vô cảm của D-503 dành cho I-330 đến từ hành động tẩy não, còn vô cảm của Winston dành cho Julia là do anh đã bị tra tấn bởi cường quyền và buộc phải đầu hàng. Có lẽ những câu thơ này là minh chứng cho một tình yêu như thế.
"Dưới tán cây dẻ xoè bóng
Anh bán đứng em, em bán đứng anh"
------------
        Văn phong của Yevgeny mang tính tượng hình rất cao, đặc quánh và đầy thôi thúc. Diện mạo (chữ S hai lần uốn lượn, nụ cười màu hồng), tâm trạng (Giấc mơ - màu vàng - tượng Phật), suy tưởng (Ai mà không hiểu rằng niềm đau là những số hạng âm làm giảm tổng số của biểu thức mà chúng ta gọi là hạnh phúc),... đến với chúng ta qua những miêu tả sắc ngọt. Những dòng viết ấy đối với tác giả có thể giống như một cuộc dạo chơi với ngôn từ, còn đối với độc giả đó lại là cuộc thăm viếng của tương lai. Có lẽ chất viễn tưởng và hình ảnh tượng trưng cao, Chúng tôi sẽ gây bối rối ban đầu cho độc giả, à thì một chút khó hiểu nữa. Thế nhưng sự lôi cuốn sẽ ập đến ngay khi bạn quen dần với lối hành văn hấp dẫn này.

Chúng tôi đã thực sự để lại cho hậu thế di sản lớn lao trong địa hạt Phản địa đàng. 
Dễ nhận thấy 1984 chịu ảnh hưởng từ Chúng tôi nhiều đến thế nào. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng hai tác phẩm đều có giá trị tố cáo nhất định. Yevgeny làm thỏa mãn người đọc với chất liệu giả tưởng và chất thơ thì George đã có một cú đánh trực diện vào hiện thực, không thơ nhưng gãy góc và đáng suy ngẫm. Ngoài ra George Orwell cho rằng Brave new world của Aldous Huxley mang trong mình một phần của Chúng tôi. Một điểm thú vị rằng dù có tranh cãi ra sao, đó đều là những cuốn sách hay và có giá trị.

------
KẾT
Chu trình gói gọn bốn mươi ghi chép của nhân vật tôi được thể hiện như sau: phục tùng -> nghi ngờ -> giác ngộ -> chiến đấu -> bị bắt, bị tẩy não -> phục tùng.
Vai trò của nhà nước toàn trị được thể hiện một cách tuyệt đối, không thể bị ngáng đường bởi bất cứ thế lực chống đối nào. Vì vậy nên mở đầu và kết thúc của câu chuyện, nhân vật tôi lặp lại chấp niệm của mình như một con vẹt:
"Quốc Gia Thống Nhất muôn năm! Lãnh Tụ Thiện Nguyện muôn năm!
Chẳng bất ngờ khi nhận ra đó là một xã hội không có cái tôi, chỉ có CHÚNG TÔI.

P/s: Tôi khá bất ngờ vì Chúng tôi được xuất bản ở Việt Nam, trong khi không hề ngạc nhiên với số phận của 1984. Xét về thời điểm ra đời, Chúng tôi đã nhắm vào CNCS, thế nhưng đối chiếu với thời điểm hiện tại, CNTB cũng không tránh khỏi màn "bóc phốt" của cuốn sách này. Thế nên nếu các bạn có ý định đọc Chúng tôi, hãy đọc ngay bây giờ, vì tôi cho rằng cuốn sách khó có một tương lai được tái bản!