Gần đây tôi đi học vẽ tranh. Đơn giản chỉ là tôi thích bút chì từ bé. Thích cái cảm giác di chì trên giấy, thích tiếng chì sột soạt, thích cái cảm giác nhìn thấy từng nét đậm, nét nhạt được tạo ra trên nền giấy trắng. Cho nên sau khi kết thúc lớp vẽ cơ bản, phần lớn học viên sẽ chọn học tiếp những lớp màu nước, sơn dầu nhiều màu sắc, sinh động thì tôi vẫn muốn chọn học vẽ chì. Không phải mình không yêu màu sắc, rất yêu là đằng khác, nhưng mình đã lỡ có một tình yêu lớn hơn với than và chì rồi. Và mình nhận ra, học vẽ tranh cũng dạy cho mình rất nhiều thứ về cuộc đời.
Những buổi học đầu tiên, dù còn lóng ngóng vì chưa biết kỹ thuật vẽ cơ bản, nhưng do đã quen cầm bút chì từ bé nên mình vẫn khá tự tin. Mình đi những nét đậm, nét nhạt theo cách mà mình vẫn thường tự hý hoáy trước đây. Nhưng sau này, khi được dạy vẽ bài bản rồi, mình mới thấy mình còn quá kém, so sánh bài với các bạn thấy bài mình yếu nhất thì bắt đầu thiếu tự tin. Các bài vẽ sau này của mình chỉ dám đi những đường chì rất nhạt, vì sợ sai, vì sợ bị mắng, bị chê (dù thầy cô có mắng bao giờ đâu, toàn chỉ là những phóng chiếu trong đầu mình ra mà sau này mình mới nhận ra). Từ đó, mình bắt đầu rập khuôn, cứng nhắc, lúc nào cũng so với cái gọi là "chuẩn", bài nào cũng đo đạc kỹ lưỡng, chính xác nên thường chậm tiến độ hơn các bạn khác, và quan trọng nhất là mất dần cảm nhận của riêng mình. Sau này cho dù thầy có nói rằng không cần đo quá chính xác, hãy dùng cảm nhận của em, lệch tí cũng có sao đâu, ra được những cái chính của mẫu là được. Nhưng lúc đó mình đã trở thành cái đứa cứ đặt bút vẽ là sợ sai, sợ lệch, không còn tin vào bản thân nữa mất rồi. Và phải mất một thời gian khá dài sau đó để thử và sai, dám đi thử những nét chì của riêng mình, đặt xuống các quy tắc vẽ đã được học, thấy các tác phẩm hiện ra không đến nỗi nào, mình mới dần lấy lại sự tự tin. 
Từ việc vẽ tranh mình thấy nó cũng liên hệ đến nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Cách mình làm một việc cũng là cách mình làm nhiều việc. Cách mình vẽ tranh cũng phần nào thể hiện cách mình làm mọi việc trong cuộc sống. Lúc bắt đầu hay là từ khi còn nhỏ, mỗi người là một cá thể rất riêng, không ai giống ai cả. Nhưng khi đứa trẻ liên tục bị chê, bị soi, bị so sánh với cái gọi là "chuẩn", thì nó không còn dám là chính mình nữa, dường như nó làm cái gì cũng "không đúng chuẩn", không bằng "người ta". Nó như một bức vẽ nhạt màu, lúc đầu thì đậm đà-cá tính-chất riêng, nhưng sau bị gôm/tẩy xóa đi ít nhiều, "bay màu" và cuối cùng là nhạt nhòa, ai vẽ gì lên cũng được. Nó dần không còn tư duy của riêng mình nữa, không biết và không chắc chắn cái gì là đúng là sai, không còn dám tin vào tư duy của chính mình, cái gì cũng phải hỏi lại "thế này có đúng không, thế kia có sai không". Có lẽ bất cứ ai cũng có thể đã từng là một "bức tranh nhạt màu" như thế... 
Nói qua thì cũng phải nói lại. Gần đây người ta hay bàn về giáo dục. Không phủ nhận giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến con người. Có người sẽ nói rằng do đứa trẻ đó/ người đó bị thầy cô, bố mẹ, bạn bè, xã hội chê nhiều quá, so sánh nhiều quá nên mới vậy, mới trở nên kém tự tin. Nhưng nếu như một con người "bị" tạo nên, bị tác động bởi những cái bên ngoài như thế thì tại sao vẫn có rất nhiều người vẫn vững vàng trong nghịch cảnh? Thậm chí có những người nhờ nghịch cảnh mà còn vươn lên mạnh mẽ hơn, trau dồi nhân cách và trở thành một người bao người ngưỡng mộ. Phải chăng mấu chốt vẫn là ở chính mình? Là mình không để bị bên ngoài tác động, là mình biết lắng nghe có chọn lọc, cái gì đúng và phù hợp cho mình thì mình nghe và sửa, còn cái gì chỉ là "gió thổi mây bay" thì để lại đó, và bước tiếp. Là mình chấp nhận làm "một bức tranh nhạt màu" bị người ta gôm/ xóa/ tẩy hay là mình tự tạo nên những nét vẽ của riêng mình, và chọn lọc lời khuyên để tự hoàn thiện. Tất cả đều đến từ bên trong. Mọi hạnh phúc, đau khổ xảy ra không đến từ bên ngoài, mà là do những suy nghĩ bên trong mình, và cách mình chọn để đối diện. Lời thầy nói, bạn bè nói, xã hội nói là những thông tin để mình tham khảo, quan trọng vẫn là cảm nhận của chính mình, tự suy ngẫm, tự tư duy và chọn cái phù hợp với mình. Vẽ tranh đã giúp mình nhận ra bài học sâu sắc và đúng lúc này.
Và một điều quan trọng nữa mình học được từ vẽ tranh, đó là dám thử và dám sai. Sai thì có sao đâu? Xóa đi vẽ lại thôi mà, cứ sửa cho đến khi ưng ý thì thôi. Mà làm gì có cái gì đúng ngay từ đầu, cứ tiếp tục kiên trì sửa thôi. Cùng lắm thì lấy tờ khác vẽ lại thôi :)
(Nhân một ngày "ngộ" ra bài học. Cám ơn những ngày làm "tranh nhạt màu" để có được bài học này).