Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là vào một chiều hè oi bức. Ông trời khoác trên mình chiếc áo đỏ gay gắt, rọi xuống những tia nắng thiêu đốt lớp da vốn mong manh của hạ giới. Đường phố sắp đến giờ tan tầm nhưng vắng lặng, không một bóng người. Duy chỉ có bản nhạc của đám ve sầu là chưa từng ngơi nghỉ. Giai điệu lúc trầm, lúc bổng như thể ngợi ca cái nóng bỏng rát đang ôm chầm lấy thành phố. Người ta bảo những đứa trẻ sinh vào ngày này thì số kiếp cũng giống như loài côn trùng kia, đánh đổi mạng sống để một lần được nếm trải tình yêu.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là tại một căn phòng chật hẹp. Không khí ngột ngạt bởi lượng oxy, đến từ cửa sổ và cửa chính chỉ vừa khít một giường và một người, không đủ. Lơ lửng giữa không gian là mùi clo đặc trưng và mồ hôi người đặc quánh. Bên tai truyền đến tiếng những bước chân qua lại, những va chạm của đồ vật và cả những nức nở không đồng đều, không êm dịu. Người ta bảo những đứa trẻ sinh ra tại nơi này thì số kiếp cũng giống như tiếng khóc đầu đời kia, đánh đổi nơi an toàn để một đời hoảng sợ, đau thương.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là lúc nó được một ngày tuổi. Sau khi chia tay ở phòng hộ sinh, tôi bị đưa đi phẫu thuật gấp. Vì người mẹ nhập viện trong tình trạng bất tỉnh cùng khuôn mặt bầm tím và chấn thương khắp nơi, nó ra đời sớm hơn dự kiến một tháng hai mươi ngày. Xót xa đứa trẻ đỏ hỏn nằm gọn trong vòng tay cô y tá, ai nấy đều không kìm được nước mắt. Đảo mắt về phía góc phòng, người ta thấy ngọn lửa lấp ló sâu trong ánh nhìn thương cảm. Người ta bảo những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình như vậy thì số kiếp cũng giống như mẹ cha nó, đánh đổi gia đình để chìm trong vòng tròn ai oán.
Đôi tay đau nhức với chi chít những vết bầm, tôi nặng nề đón lấy sinh linh nhỏ bé. Ngay từ giây phút đó, nó đã là đứa trẻ biết điều, biết an phận với vận mệnh. Nó không khóc thét theo bản năng mà cố gắng mở đôi mắt nhỏ tin hin, mỉm cười. Con trai tôi mỉm cười với tôi. Chỉ có điều đối với niềm vui này, người mẹ này không cam tâm đón nhận. Bày ra bộ mặt chán chường, tôi vội vội vàng vàng trả nó lại cho cô y tá rồi xoay người hướng vào tường.
Ngay từ đầu, đứa bé đã là điều không ai muốn.
Nó vào lớp một. Tôi trở về nhà sau hơn một năm bỏ đi.
Nghe bà Tư hàng xóm kể lại sáng nay, nó cứ tẩn ngẩn tần ngần trước cửa nhà. Ai hỏi gì nó cũng không trả lời, cứ giương đôi mắt về phía đầu ngõ như thể đang mong ngóng ai đó. Mãi đến khi nghe thấy tiếng hục hặc của người đàn ông vọng từ trong nhà ra, đứa trẻ mới ba chân bốn cẳng chạy đi.
Hôm nay là ngày đầu tiên mình đi học. Con Lan, thằng Hoàng hay mấy đứa khác đều được ba mẹ đưa đến trường. Riêng mình, mỗi mình mình là tự đến trường.
Hôm nay, con mèo mướp của bà Tư không thấy đâu. Cả con chó Misa của chị Viên cũng không còn quanh quẩn trước cây vú sữa nữa.
Lấp ló nơi cửa chính, hình ảnh đứa trẻ gầy gò, xanh xao ngay lập tức đập vào mắt. So với bạn cùng lớp, nó thấp hơn hẳn cái đầu. Chân tay thì đen đúa, mà có lẽ nhờ vậy mấy vết bầm bớt phần rõ nét. Dáng người nhỏ thó như kẻ tí hon lọt vào ngôi làng của những người khổng lồ, thế mà nó vẫn lì lợm bám lấy chiếc ghế sau cùng, sát góc trái, cạnh cửa sổ ngập nắng. Xoay tấm lưng ốm yếu về phía đám đông, trái tim người chẳng tránh khỏi sự xâm nhập của chua xót, của thương cảm trước nỗi cô độc của học sinh lớp một.
Trong khi cả lớp chăm chú dõi theo từng cử chỉ của cô giáo, thằng bé vẫn chưa chịu thôi dán mắt vào cảnh đuổi bắt của đôi bướm ngoài kia. Cứ như giữa nó và thế giới tồn tại một bức tường ngăn cách, dòng thời gian của cả hai chưa từng cùng nhịp. Trên bầu trời, mây cứ thong thả trôi vô định. Từng khối màu trắng bồng bềnh thả dáng tự do thật khiến lòng người nảy sinh chút ghen tức. Bên dưới, cảnh sắc hữu tình của đôi bướm trong tiết thu cũng mơ hồ làm khóe mắt người cay cay. Vạn vật thoát ly khỏi những tư niệm nhuốm màu u tối mà nở rộ. Tôi tự hỏi liệu cậu con trai mình đang nghĩ suy điều chi.
Tiếng gọi của cô giáo như kéo cả hai mẹ con về thực tại. Giật mình, nó ngơ ngác nhìn khuôn mặt tức giận nơi bảng đen. Người phụ nữ này chắc chỉ mới ngấp nghé hàng bốn. Mắt kiếng dày cộm che đi đôi phần chiếc mũi thấp lè te. Đôi gò cao làm lộ hai bên má tốp rộp, thiếu sức sống. Trông dáng hình như bị thời gian trộm mất đi tuổi xuân tươi đẹp, vẻ khắc khổ hiện rõ mồn một trên từng đường kẻ.
“Rầm”. Thanh âm vang dội khiến cả lớp giật mình. Ngày đầu tiên đi học, con trai đã chọc giận cô giáo rồi!
“Nơi đó rất ồn. Nếu không phải tiếng xì xào của tụi con gái, thì cũng là tiếng la hét của đám con trai. Thỉnh thoảng còn có tiếng nấc của đứa nào đó khi ba mẹ ra về. Nơi đó rất ồn.
Tránh xa tụi nó là tốt nhất, càng xa càng tốt. Chỗ cuối lớp. Cái bàn kế bên cửa sổ.
Ở ngoài cửa, hai con bướm đang bay. Tụi nó đuổi nhau trên những bông hoa đủ màu. Trông tụi nó có vẻ rất vui.
Nếu xé đôi cánh thì liệu tụi nó còn bay được không?
Nếu xé đôi cánh thì liệu tụi nó còn vui được không?
Người phụ nữ tự xưng cô giáo kia có vẻ đang rất giận. Hai hàng lông mày nhíu lại. Đôi mắt trừng trừng còn lỗ mũi thì cứ phập phồng. Cô ta rất giống ba.
Cô ta cứ liên tục la hét. Cô ta còn cầm cây đập lên bàn dọa nạt. Cô ta rất giống ba.”
Cứ thế, đứa bé nơi cuối lớp lơ đãng ngắm nhìn khoảng không bên ngoài. Không nói không rằng, nó lặng yên một tư thế suốt cả tuần đầu. Mà cũng chẳng có đứa trẻ nào đến bên bắt chuyện hay trêu ghẹo, ranh giới chiến tuyến từ đó được phân định. Nó và phần còn lại.
Bắt đầu tuần mới, thằng bé vẫn đến trường một mình từ rất sớm. Đặt cặp sách ngay ngắn trên chiếc ghế cạnh bên, nó ung dung “thưởng ngoạn” tuyệt cảnh. Lớp học trở nên ồn ào trong thoáng chốc bởi hỗn hợp những âm thanh chói tai. Đôi lúc sẽ có những ánh mắt, những cử chỉ dè bỉu hướng về phía khung cửa sổ góc trái. Nhưng tuyệt nhiên, chẳng có động tĩnh gì biểu hiện sự phản kháng từ phía bên kia.
Học sinh trường này khoác trên mình bộ đồng phục với hai màu trắng và xanh da trời. Những sắc màu tưởng chừng gợi lên tính tinh khiết và đơn thuần của con trẻ. Vậy mà, đâu đó, trong cảm tưởng vẫn phảng phất ý niệm về sự vô hình, buồn đau. Tôi, bỗng chốc, thấy gáy mình lạnh ngắt.
Nói tiết trời thu là thế nhưng ở cái miền nhiệt đới này thì tầm này, cái nóng vẫn chưa thôi bám víu. Nhiệt độ tuy không cao như đợt hè, nhưng cũng đủ để mồ hôi chảy ròng mỗi lúc quạt quay đi chỗ khác. Áo cộc tay đã chẳng xi nhê gì, huống chi nó còn bận chiếc sơ mi tay dài qua tận mấy đầu ngón tay. Nhìn từ đằng sau, chẳng ai dám chắc sẽ không chạnh lòng khi thấy vạt áo ướt đẫm hiện rõ thân hình nhỏ bé.
Cô giáo lại tiếp tục gọi tên nó. Một lần, hai lần rồi ba lần. Giọng cô mỗi lúc một lớn hơn, cao hơn và giận dữ hơn. Thế mà, thằng bé chẳng có động thái gì đáp lại. Tiến về chỗ cậu học sinh ngang bướng, người phụ nữ đập mạnh cây thước gỗ xuống bàn. Giật bắn mình, nó trở người. Cả lớp lại được một phen trầm trồ, cười đùa khi chứng kiến đứa lập dị bị trừng phạt. Bởi trái với bản tính hồ hởi, tò mò, năng động của bạn cùng tuổi, nó rất chậm chạp, vụng về và có phần ngớ ngẩn. Nó như cây violin lạc nhịp giữa dàn giao hưởng hoàn hảo. Giai điệu vang lên dù có cố gắng đến mấy cũng chẳng thể hòa âm.
Cô giáo la mắng đứa học trò đã lười biếng còn hỗn xược chẳng chịu trả lời người lớn. Tự tôn cao ngất trời của một giáo viên lão làng chẳng cho phép thái độ bất tuân của đứa nhóc tì. Cô toan vung cây thước gỗ để thị uy, để khuất phục chú ngựa non háu đá. Như đọc được suy nghĩ, một cách bản năng, thằng bé ngồi thụp xuống đất. Hai tay ôm lấy đầu, cả người run lên từng cơn. Trong phút chốc, thời gian như ngừng chuyển động. Con người rơi vào trạng thái bất động. Nét mặt ai nấy thoáng có chút ngạc nhiên và kinh sợ. Rõ ràng cây thước chưa từng chạm vào làn da của nó, cớ gì mà cảnh tượng trước mắt lại diễn ra. Cả không gian chỉ còn lại tiếng kêu của chiếc quạt tường cũ kĩ và tiếng lẩm bẩm van xin.
“Hôm nay, chẳng có con gì bay lượn ngang đây nữa.
Mấy bông hoa có màu nâu. Bên dưới thân là đám côn trùng nằm bất động. Mùi hôi thối bốc lên mỗi khi gió thổi qua. Cảnh tượng thật đẹp!
Ngoài sân có con chó đang đuổi theo mấy con chim bồ câu. Nó có bộ lông màu cam pha lẫn với nâu. Nó nhe răng định cắn con chim gãy cánh không bay nổi.
Mọi thứ đang hay thì cô ta lại đến. Không, là người đàn ông đó đang đến. Trên tay ông ta là thanh sắt móp méo hai đầu.
Con sai rồi!
Con xin lỗi!
Con sai rồi!
Con xin lỗi!
Con đau lắm!
Lần sau con sẽ không làm vậy nữa. Con xin lỗi
Tay nó lúc nào cũng trong tình trạng run lẩy bẩy và thấm đẫm mồ hôi. Chân thì có hôm đau bên phải, có hôm đau bên trái nên cứ khập khiễng từng bước. Vẻ mặt lầm lầm lì lì nhốt mình trong căn nhà cấp bốn chật hẹp. Chỉ cần nán lại quán nước của bà Tư chút xíu, gia cảnh của nó đều sẽ trở nên tường tận.
Ba nó là người đàn ông kiểu mẫu mà bất kỳ ai cũng ngưỡng mộ. Chức vụ trưởng công an thành phố chẳng cho ông mấy thời gian ở nhà. Nhưng cứ hễ có cơ hội là người ta lại thấy dáng hình ông ở buổi chợ sớm mai. Mọi người luôn kháo nhau về đạo đức của vị cán bộ đáng kính, hiền từ mà lại niềm nở với bà con lối xóm. Ai cần gì ông cũng giúp. Ai phiền muộn gì ông cũng sẵn lòng lắng nghe. Đó là chưa kể tụi con nít trong xóm còn mê mẩn ba nó hơn cả. Bởi lúc nào trong túi ông cũng có bánh ngon kẹo ngọt. Vậy mà chỉ mỗi nó là luôn tìm cách xa lánh “người đàn ông kiểu mẫu”.
Cả nhà chỉ có duy nhất một phòng ngủ với chiếc giường gỗ cũ mềm mà chỉ cần cử động nhẹ thôi cũng tạo ra tiếng kêu ọp ẹp. Mà ba lại là người khó ngủ nên nó luôn phải giữ nguyên một tư thế từ đêm đến sáng. Không biết thằng bé ngủ kiểu gì khi cả người căng cứng như thế!
Nó không phải đứa trẻ đi đứng hấp tấp, hay chạy nhảy như bạn cùng tuổi. Lưng lúc nào cũng khom về phía trước, bước chân nôm như kẻ trộm cứ rón rén từng bước. Mọi hành động đều toát ra dáng vẻ như đang cảnh giác một ai đó hay điều gì đó. Chậm chạp nhấc chiếc ly uống nước, mắt đảo qua đảo lại liên hồi. Bởi nó biết ba không thích những âm thanh lớn. Nép mình bên dưới bàn thờ, nó bịt hai tai để không nghe thấy gì. Bởi nó biết người phụ nữ đang ôm lấy ba lúc này không ưa mình. Ả ta sẽ giở trò giận dỗi và ba thì không thích làm phiền lòng nhân tình. Còn nó thì không thể chịu đựng được cuộc hội thoại không thành lời, không rõ chữ của người lớn lúc này. Mỗi tiếng rên la đều vẽ nên viễn cảnh từng dòng nước màu đỏ chảy dài trên tường nhà. Thứ chất lỏng đặc sánh chạm đất, vỡ tung tóe trên sàn nhà tạo thành chi chít các hố sâu.
“Mà nếu chẳng may rơi xuống, mình sẽ bị kéo đến một thế giới khác. Ở nơi đó, có lúc mình sẽ gặp lại mẹ, bà nội, con mèo mướp của bà Tư hay con chó Misa của chị Viên. Nhưng khóe mắt của ai nấy đều chảy dài thứ nước đỏ lồm kia.
Mẹ vẫn quay lưng dẫu mình có khóc có kêu gào thế nào. Hình như có ai đó đang đến, bước chân càng lúc càng gần hơn. Rồi giữa bóng tối lóe lên một vệt sáng chói lòa, “bốp, bốp, bốp”. Chiếc gậy sắt hết đưa lên cao rồi lại hạ xuống lưng mẹ, lúc nhanh lúc chậm. Đôi khi sẽ chen vào đó những lời chửi mắng thậm tệ. Mặc cho mẹ van xin thế nào, người đó cũng không dừng lại. Cứ thế, bóng lưng phản chiếu trên tường đã chẳng còn nhấp nhô nữa.
Có lần, mình trở về sân đất trồng phía sau nhà. Đây là nơi bà nội hay trồng rau cải con và rau mồng tơi. Nhưng từ ngày bà mất, chẳng ai còn quan tâm đến nữa. Nên nơi đây trở thành lãnh địa của mình với mấy con chó, con mèo, lâu lâu cũng có lũ chim bay đến. Chơi cùng tụi nó là khoảng thời gian rất vui. Mèo có vẻ rất thích mớ cá vụn toàn xương cay xè ba nấu. Còn chó thì rất thích món cơm cháy trộn với tép. Dưới cái nắng của mùa hè, đám tụi nó hết ăn rồi chạy nhảy trong khoảnh vườn. Nhưng chúng không biết rằng chủ nhân của mình rất ghét âm thanh lớn, lại càng dễ nổi nóng với những đứa không nghe lời. Thế nên, ở giữa sân luôn có một chiếc lồng sắt và mớ cành cây khô to lớn.
Ban đầu, chúng sẽ phản kháng dữ dội, có khi còn nhào đến cố cắn gãy mấy song sắt. Đến giờ vẫn lưu lại mấy dấu răng của tụi nó. Tiếng kêu thảm thiết khiến mình liên tưởng đến đoạn nhạc mở đầu phim siêu nhân mà thằng Hoàng hay xem. Một cảm giác thích thú từ đâu đó chạy dọc cả người. Đôi bàn tay không còn run rẩy nữa. Từng đường xanh dưới da hiện rõ lên mồn một. Mình thích những lúc như thế nhất. Đúng là thời gian chơi chung với đám động vật vẫn là vui nhất.”
“Mẹ thường hay vắng nhà. Cứ dăm ba hôm, mình lại thấy mẹ lén lút lấy chiếc túi vải màu đen phía sau tủ ra. Đó cũng là lúc mình biết thời điểm đến. Chắc chắn đêm đó, nhân lúc đèn đường đã tắt, ba không có nhà, mẹ sẽ lặng lẽ rời đi.
Mẹ giống mình, nếu không có ba thì sẽ không bước quá khỏi cánh cổng sắt màu xanh. Nên thường thì mỗi sáng, mẹ sẽ bắt chiếc ghế tựa bằng gỗ nơi sau nhà. Chiều sẽ là phòng khách với ánh mắt hướng về không gian phía sau cánh cổng sắt màu xanh. Khi mặt trời vừa lặn, phòng ngủ tắt đèn, mình nghe từng hồi gào thét của mẹ vang vọng.
Đó là những hôm ba phải trực ở cơ quan. Còn nếu là ngày bóng hình ông hiện diện trên bộ tràng kỷ thì mẹ sẽ nép mình bên dưới bàn thờ. Im lặng ngồi đó đến giờ cơm trưa, bóng lưng mẹ đổ dài bên cạnh bàn ăn. Chậm rãi gắp từng hạt cơm, đôi mắt cụp xuống không giấu hết nỗi sợ hãi. Bên cạnh là ba vừa ăn vừa lớn tiếng chửi rủa điều chi đó. Thi thoảng, không chỉ hất tung thức ăn trên bàn, ông còn đổ luôn cả chén cháo bà nội mang qua cho mình.
Hai cánh tay mẹ rất nhiều sẹo. Những vết sẹo đều nhau, thẳng tắp nằm chen chúc lên nhau. Có cái màu trắng, nhưng cũng có cái màu đỏ sẫm. Không biết tự bao giờ, nhưng mình tin rằng nó đã có từ trước lúc mình sinh ra. Chắc có lẽ vì vậy mà khi nào mẹ cũng mặc áo dài tay.”