Từ lúc nhận thức được sự tồn tại của thằng bé, hắn ta đã không còn biết giới hạn là gì. Cứ hễ đôi lông mày cụt ngủn nhướng lên cao, là tôi biết thể nào hôm nay cũng no đòn. Hắn ta căm ghét thằng bé bởi nó là thứ nghiệt chủng, và tôi, trong mắt hắn, là con đàn bà lăng loàn. Nếu oán trách số mệnh bạc bẽo do trời xanh sắp đặt một, thì thật lòng, tôi cũng hận bào thai này mười.
Vậy nên, kể từ ngày hạ sinh, những gì liên quan đến nó đều một tay mẹ chồng tôi cáng đáng. Dẫu lồng ngực nhói đau khi đối diện với tiếng khóc thê thảm của đứa trẻ bị bỏ đói, nhưng sự phẫn uất chẳng cho phép tôi tiến đến gần. Dẫu lồng ngực nhói đau khi đối diện với vòng tay khao khát cái ôm của đứa con ruột rà, nhưng sự phẫn uất chẳng cho phép tôi tiến đến gần.
Hồi mẹ chồng còn sống, mỗi bận hắn ta lên cơn điên, bà sẽ nhanh tay nhanh chân bế nó đi chỗ khác. Bởi nào ai muốn những ký ức đầu tiên của một đứa trẻ là cảnh bố đánh đập rồi lăng nhục mẹ nó. Nhưng khi nó vừa tròn 4 tuổi, bà đã qua đời trong một vụ tai nạn. Kể từ đó, một đứa bé bụ bẫm dần dần hiện rõ từng đốt xương sườn bên dưới ngực. Và nó cũng chịu chung số phận với mẹ mình, trở thành vật trút giận của bố.
Ngày hôm đó, thằng bé vòi vĩnh bà nội cho phép được nuôi thú cưng. Trẻ con mà, một khi không được đáp ứng thỉnh cầu thì sẽ quấy khóc. Tuyệt nhiên, mẹ chồng tôi không đồng ý dù rất xót xa khi nghe giọng cháu khàn đi rõ sau hai giờ đồng hồ la khóc không ngừng. Tối đến, nó lẻn ra ngoài, chạy một mạch đến tiệm bán thú cưng. Vì vội vàng đi tìm mà bà đã vô tình bị xe tải tông và chết ngay tại chỗ. Cảnh tượng xảy ra ngay trước mắt nó. Ôm lấy bà nội, máu dây đầy chiếc áo thun trắng có hình siêu nhân, quà tặng của bà. Nó khóc đến ngất lịm, ba bốn hôm sau mới thực sự lấy lại ý thức. Hắn ta cho rằng đứa trẻ này đã giết chết mẹ mình nên từ khinh ghét chuyển sang căm hận.
Từ sau khi người duy nhất yêu thương mình mất, thằng bé cứ khóc suốt. Rồi mỗi bận bị đánh, bản năng tìm kiếm giúp đỡ đưa mắt về phía tôi. Nhưng đáng tiếc là người mẹ này đã khước từ con rồi!
Dường như được nuôi nấng từ tình yêu của người phụ nữ đức độ nên nó trở thành đứa trẻ tình cảm. Dù bị đánh đau đến nỗi chân tay run lẩy bẩy, đứa con trai chưa từng quên mang thuốc đến bôi cho mẹ. Dù bị làm ngơ mỗi lúc cầu cứu, đứa con trai chưa từng quên thỏ thẻ lên vết thương rằng đừng làm mẹ nó đau.
Thằng bé không còn là đứa trẻ nhõng nhẽo, đòi ẵm đòi bồng như lúc bà nội còn sống. Thằng bé im lặng tìm một khoảng cách đủ xa để không làm phiền , nhưng đủ gần để cảm nhận thấy hơi thở mẹ. Thằng bé ngồi đó, sau lưng tôi, ngoan ngoãn nhìn về phía trước. Thế mà, đúng vào ngày tôi hạ quyết tâm bỏ đi, thằng bé đã khẽ khàng đến bên cạnh. Đôi tay xương xẩu xanh xao giang rộng tạo thành một nửa vòng tròn hoàn hảo. Ánh mắt khẩn thiết tràn ngập yêu thương hướng về phía tôi. Thằng bé giữ tư thế như vậy mãi đến khi tôi đã lẻn ra sau vườn. Không biết ngày hôm đó, thằng bé đã đứng như thế bao lâu nữa!
Ba bảo bà mất là do mình. Ba bảo chính mình giết chết bà nội. Ba đánh mình rất nhiều mỗi ngày, đặc biệt là khi say.
Hôm đó, mình chỉ muốn được nuôi một con thú cưng. Mình muốn có thêm một đứa em để chơi cùng. Nên sau khi bị bà nội lôi về nhà, mình đã lén chạy đến cửa hàng đó. Mình sẽ dụ một con về nhà với mình. Khi đến nơi, mình đã nói rất nhiều, đã hứa rất nhiều mà chẳng đứa nào chịu ra khỏi lồng. Tụi nó còn kêu rất to, hung dữ nhào tới phía trước cắn mình. Vô tình bà nội thấy cảnh đó, vội chạy sang đường. Một tiếng động rất lớn vang lên. Bà nằm đó giữa vũng máu. Hai mắt bà chảy xuống hai dòng màu đỏ.
Ba bảo bà mất là do mình. Ba bảo chính mình giết chết bà nội. Ba đánh mình rất nhiều mỗi ngày, đặc biệt là khi say.
Bà dạy mình phải biết thương mẹ, số mẹ khổ lắm. Nên mỗi lần mẹ bị ba đánh, tuy mình không thể bảo vệ mẹ, mình có thể dùng cách của bà, bôi thuốc lên vết thương, thổi thổi rồi dặn dò nó đừng làm mẹ đau. Nhưng tại sao mẹ lại không thương mình? Tại sao mẹ lại không bảo vệ mình? Tại sao mẹ lại không ôm mình?
Mẹ lại sắp xếp đồ để đi khỏi nhà. Lần này mẹ mang theo tận hai ba cái túi xách. Tự dưng, mình muốn được sà vào lòng mẹ. Tự dưng, mình muốn được mẹ ôm. Nên mình đã giang tay ra hiệu. Từ lúc chiếc túi trống rỗng cho đến lúc đầy ắp áo quần, mẹ vẫn không chạm vào mình. Tay mình mỏi lắm, đau nữa.
Tắt đèn, mẹ đi về lối cũ. Trèo qua hàng rào, bóng mẹ chìm vào bóng tối. Mẹ ra đi và không ôm mình.”
“Đã rất lâu rồi mẹ chưa về.
Ba bảo tại mình nên mẹ bỏ đi.
Ba bảo tại mình nên bà nội chết.”
“Hôm nay, đã hơn sáu tháng rồi mà mẹ chưa về.
Ba bảo tại mình nên mẹ bỏ đi.
Ba bảo tại mình nên bà nội chết.”
Mình ra sân sau đợi mẹ về. Mình vô tình thấy mấy con chó, con mèo hoang từ đâu tới. Mình đưa tay sờ thì bị tụi nó cắn. Tay mình chảy máu.
Chiều tối, ba về. Mặt ba đỏ hơn ông mặt trời. Ba say rồi. Ba nhìn bàn thờ bà nội, nhìn vào phòng ngủ. Ba lấy cây đánh mình. Ba bảo tại mình nên mẹ bỏ đi. Ba bảo tại mình nên bà nội chết.”
“Chúng quay lại. Chúng thi nhau kêu inh ỏi. Chúng vẫn cắn mình khi bị sờ. Tay mình chảy máu.
Tự nhiên mình cảm thấy khó chịu bởi lồng ngực nóng ran. Mình ghét tụi nó. Mình ghét mấy đứa không nghe lời đã thế còn ồn ào. Mình dụ tụi nó vào chuồng rồi vào nhà lấy cây roi của ba. Mình quất vào lồng liên hồi. Mình nhớ tới chiếc áo siêu nhân. Mình cảm thấy thích lắm.”
“Ba bảo tại mình nên bà nội mất. Không, không phải tại mình. Tất cả là tại đám chó mèo kia. Tại tụi nó không nghe lời nên bà nội mới mất. Mình phải trừng phạt tụi nó vì tội này.”
“Ba bảo tại mình nên mẹ mới bỏ đi. Tại mình cứ đòi ôm nên mẹ mới bỏ đi.
Mình ghét cảm giác lũ chó mèo cứ bám lấy chân mình. Chúng nó đòi bế bồng? Chúng nó là nghiệt chủng. Mình phải trừng phạt tụi nó vì tội này.”
Hôm thằng bé vào lớp một, tôi trở về nhà sau hơn một năm bỏ đi. Chẳng ai thấy tôi, cũng chẳng ai nghe được điều tôi nói. Tôi đã chết. Theo luật âm dương, một linh hồn chỉ được siêu thoát khi hoàn thiện tâm nguyện đời mình. Và ở căn trọ rách nát của mình, tôi để lại lá thư cho đứa con trai nhỏ bé. Điều duy nhất mà tôi có thể làm với tư cách một người mẹ là mang lá thư đến tận tay nó.
Hôm nay, lớp thằng bé có tiết Mỹ thuật. Cô giáo trông mới đôi mươi, lại là người hoạt bát và rất quan tâm đến bọn trẻ. Tiết học nào của cô cũng tràn ngập tiếng cười,và đó cũng là những lần hiếm hoi đứa con trai tôi không thơ thẩn ngắm nhìn nắng ngoài sân.
Đề tài lần này là: “Vẽ khung cảnh mà em nhớ nhất.” Bức tranh của mấy đứa trẻ khác đều tràn ngập sắc màu tươi sáng. Có đứa vẽ về lần đi biển với ba mẹ. Có đứa vẽ về hôm sinh nhật với chiếc bánh kem màu hồng. Nhưng, ngay góc cuối lớp, có một cậu bé đang tô lên những mảng màu kì dị. Thoạt nhìn không khỏi cảm thấy chút rùng rợn. Ngẩn người trước bức vẽ của cậu con trai, tôi mới nhận ra nó vẽ liền bốn khung cảnh: bà nội bị xe tông, chồng trói tôi vào cột nhà rồi đánh, ba mắng nó vì đã giết chết bà nội và cảnh tôi quay lưng đi mặc cho nó vẫn giang tay đòi ôm.
Nét vẽ nguệch ngoạc lẫn với màu đỏ, đen, tím và cam vô tình lọt vào tầm mắt của cô giáo. Thoáng ngạc nhiên, cô nhẹ nhàng hỏi thăm nhưng đáp lại là khoảng không im lặng. Lấy cớ thu bài chấm điểm, cô giáo mang bức tranh về nhà suy ngẫm.
Vài ngày sau đó, bạn phát hiện xác tôi bốc mùi trong căn phòng trọ rách nát. Lần theo địa chỉ trên bức thư, bạn tìm đến thằng bé. Đợt đó cũng là thời điểm cô giáo Mỹ thuật trở thành giáo viên chủ nhiệm tạm thời thay cho bà cô già.
Bóng người trải dài trên thảm cỏ xanh mướt dưới ánh nắng cam vàng của hoàng hôn. Người bạn tôi luyên thuyên bao nhiêu thì thằng bé im lặng bấy nhiêu. Hỏi gì nó cũng không trả lời, chân tay thì mỗi lúc một run mạnh mẽ hơn. Bỗng nhiên, nó bỏ chạy về lớp, yên vị trên chiếc ghế cuối lớp để lại người kia ngờ nghệch, hoang mang chẳng hiểu gì.
Cuộc hội thoại diễn ra dưới quyền theo dõi từ xa của giáo viên chủ nhiệm với mục đích nhằm bảo vệ học sinh. Vì vậy mà mọi chuyển động đều nằm trọn trong ánh nhìn của cô. Chủ động đến bắt chuyện với người bạn của tôi, cô đặt vấn đề xoay quanh bức tranh và nỗi băn khoăn của mình.
Một đứa trẻ tiểu học sẽ chẳng thể vẽ nên những khung hình như thế này.”, cô giáo khẳng định chắc nịch. “Làm gì có đứa bé nào phát triển bình thường lại vẽ nên thứ quý dị tràn đầy tang thương đến thế. Mà yêu cầu của đề bài lại là vẽ khung cảnh bản thân nhớ nhất nữa.
Người bạn gật gù kế bên ra vẻ đồng ý với nỗi lòng của đối phương. Bởi cô cũng có con bằng tuổi với thằng bé. Ban đầu cô cho rằng sự khác biệt có thể là do cá tính của mỗi đứa trẻ khác nhau. Nhưng để ý kĩ hơn thì có điều gì đó không đúng ở cậu bé này. Đó là chưa kể đến những vết sẹo dài trên lưng thấp thoáng sau lớp áo đồng phục mỏng tang. Cứ ngỡ là do hoa mắt mà giờ đây, sau khi nhìn bức tranh, cộng thêm mấy vết bầm hay sẹo trên cơ thể người bạn quá cố, nét mặt cô đăm chiêu thấy rõ.
Nhẹ nhàng cơn gió cuối thu lướt qua da thịt hai người phụ nữ đang chìm sâu trong thế giới của riêng mình. Tôi đứng kế bên mà thấy lòng mình quặn thắt lại. Cái ý nghĩ bất lực trước cơ hội duy nhất để cứu lấy đứa con tội nghiệp xâm chiếm khóe mắt. Đáng lẽ ra nó phải được ôm ấp trong vòng tay êm ấm. Đáng lẽ ra nó phải được nuôi nấng bằng tất cả tình yêu. Đáng lẽ ra nó phải được lớn lên “bình thường” như bao đứa trẻ khác. Cậu con trái bé bỏng của tôi xứng đáng với tất cả những gì tốt đẹp nhất ở cõi trần đời này. Thế mà người mẹ này lại chẳng thể một lần ôm con vào lòng.
Cuối cùng thì họ quyết định đọc bức thư tôi gửi cho con trai mình. Dù biết là sai trái, nhưng, có lẽ, đó là cách duy nhất để tìm ra sự thật và cứu rỗi tâm hồn đứa trẻ đáng thương. Từng dòng chữ đều được viết bằng nước mắt, bằng máu và bằng cả đau đớn của người mẹ chưa từng biết thế nào là yêu thương.
Hôm nay là một chiều cuối tháng Mười. Ngoài trời, mây đen đã giăng kín lối. Trơ trọi giữa nền trời xám xịt là những cành cây khẳng khiu, cố chống chọi qua cái rét buốt để một lần nữa nở rộ.
Hôm nay là phiên tòa cuối cùng, quyết định tuyên án người đàn ông bạo hành gia đình, gây tổn thương thể chất và tâm lý cho người vợ quá cố và cậu con trai vừa tròn sáu tuổi. Căn phòng bốn mươi mét vuông vang vọng tiếng nức nở khi nhìn thấy tấm hình chụp lại thân thể đứa trẻ. Ai mà lại không đau xót với phận đời của con trẻ bị chính cha ruột tàn nhẫn đánh đập? Ai mà lại không căm phẫn với người chồng, người cha chì chiết vợ con suốt bao nhiêu năm trời?
Tuy nhiên, nó không khóc cũng không lớn tiếng trách móc ba mình. Là vì  nó quá hiểu chuyện hay đã không còn khả năng cất lên giọng nói của bản thân? Lặng lẽ ngồi cạnh, tôi thấy ngón cái nó cào lên mu bàn tay. Càng lúc càng nhanh. Máu bắt đầu nhuộm đỏ khoảng thịt đỏ hỏn. Nếu tôi có ở đó, thì thằng bé có đòi được mẹ ôm vào lòng?
Người ta kết án hắn ta hai mươi năm tù và tước quyền nuôi con vĩnh viễn. Nó được cô giáo Mỹ thuật nhận nuôi (cô gái trẻ nhưng lại vô sinh).
“Nhà cô giáo có hai tầng, rất lớn. Chồng cô đã ôm mình ngay từ lần đầu gặp mặt. Chú còn mua kem sô cô la cho mình nữa.
Mình được ở phòng riêng ở lầu 2, kế bên vợ chồng cô giáo. Căn phòng được sơn màu xanh da trời, màu mà mình thích nhất. Bên trong có một tủ sách toàn truyện tranh, một kệ với mớ robot biến hình và đặc biệt là giá vẽ và hộp màu mình mê. Trên bàn học, mình thấy có 1 lá thư và tờ giấy nhắn nhỏ xinh.
“Chào mừng con trai đến với nhà mới. Bố mẹ rất hạnh phúc vì có con trong đời.
Bên cạnh là lá thư mà trước khi qua đời, mẹ ruột đã viết cho con. Hãy đọc khi con sẵn sàng nhé! Mẹ con đã rất yêu con đấy!
P/s: Nếu muốn đọc cùng bố mẹ thì, con biết bố mẹ ở đâu rồi nhé!
Yêu con, món quà vô giá của bố mẹ.”
Tự dưng, mình thấy mắt rất nóng. Tim mình rất đau. Nước mắt mình rơi không ngừng. Mình rất muốn hét lên. Mình không chịu nổi nữa.”
“Mình mở mắt khi mặt trời đã lên cao. Cảm thấy bàn tay ướt nhẹp, mình nhìn xuống thì thấy cô giáo đang nằm ngủ kế bên và nắm lấy tay mình. Còn chú thì ngủ gục trên bàn học. Thấy mình tỉnh giấc, cả hai vội ôm mình vào lòng. Họ nói gì mà: “Ơn trời, con không sao”. Rồi cứ thế, họ siết chặt mình trong vòng tay. Hóa ra, cái ôm ấm áp đến như vậy.
Cô giáo kể rằng hôm qua, tự dưng, mình hét lên rất lớn. Lo lắng chạy sang thì thấy mình co người vừa khóc vừa luôn miệng: “Con xin lỗi! Con sai rồi! Con đau lắm!” Mọi người đã rất lo cho mình.
Mình thấy bọng mắt của cô sưng to.”
“Trong thư, mẹ xin lỗi vì đã không thể chăm sóc mình. Mẹ xin lỗi vì đã không yêu thương mình đúng cách. Mẹ bảo mình là đứa trẻ đẹp nhất mà mình từng gặp. Và mẹ còn bảo rằng bà mất không phải lỗi của mình. Bà sẽ không trách mình vì bà rất yêu mình. Mẹ cầu mong mình sẽ được trở về với dáng vẻ vốn dĩ của một đứa trẻ. Mẹ sẽ luôn bên cạnh và ôm mình.
Mình lại khóc rồi. Mình nhớ bà nội lắm. Mình không hại chết bà nội. Lỗi không phải là ở mình.”
“Bánh kem sinh nhật có vị rất ngọt.”
Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng với tình yêu vô bờ bến. Và thiên chức làm mẹ, làm cha là món quà đắt giá nhất mà thượng đế trao tặng cho con người.
Như một tờ giấy trắng, những gì chúng ta viết lên đều sẽ lưu lại vĩnh hằng trong tâm trí con trẻ. Nếu mong cầu chúng hạnh phúc, xin hãy cẩn thận trong từng nét mực.
Còn nếu chẳng thể để con mình đắm mình trong dòng sông yêu thương, xin đừng mang sinh mệnh đó đến với trần gian. Bản án cay độc nhất là gieo rắc khổ đau vào hộp ký ức. Chúng sẽ lớn lên với tất cả niềm tin độc hại, đánh mất khả năng yêu thương chính mình và rồi chẳng thể yêu thương ai khác một cách đúng nghĩa. Cứ thế, vòng lặp sẽ được thiết lập. Không chỉ một mà là hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu đứa bé phải gắn đời mình với vận mệnh kinh khủng đó.
Trách nhiệm của người lớn như chúng ta chính là cắt đứt vòng lặp đó và đảm bảo rằng nó sẽ không thể tồn tại. Đó là cách duy nhất để bảo vệ không chỉ bản thân chúng ta hay con chúng ta mà là cả một thế hệ sau đó.