"Bữa cơm gia đình – Nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam".
Trong tâm thức người Việt, bữa cơm gia đình không đơn thuần chỉ là bữa ăn hay là một hoạt động của bản năng thông thường, nhưng bữa cơm gia đình còn là một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa nhân văn, ẩn chứa những đạo lý làm người thiêng liêng, ấm áp...
Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu đời của lịch sử, văn hóa Việt Nam đã tồn tại, tạo nên nét độc đáo, đặc trưng và đậm tính truyền thống nhân văn của người Việt. Trong đó, văn hóa ẩm thực cũng trở thành một nét rất riêng đối với người dân Việt Nam. Bữa cơm truyền thống của người Việt như biểu tượng của sự hài hòa, ấm êm và hạnh phúc giữa con người với nhau. Trong tâm thức người Việt, bữa cơm gia đình không đơn thuần chỉ là bữa ăn hay là một hoạt động của bản năng thông thường, nhưng bữa cơm gia đình còn là một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa nhân văn, ẩn chứa những đạo lý làm người thiêng liêng, ấm áp. Đây hẳn là nét văn hoá truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy.
Văn hóa Việt Nam đề cao tính gắn kết cộng đồng, “trọng nghĩa trọng tình”. Vì vậy, với nhiều gia đình Việt Nam, việc các thành viên trong gia đình ăn cơm cùng nhau đã trở thành một nét đặc trưng rất tốt đẹp. Bữa cơm gia đình như biểu tượng của sự sum họp, đoàn viên và là không gian để kết nối yêu thương giữa các thành viên với nhau. Bữa cơm gia đình của người Việt ẩn chứa nhiều đạo lý quan trọng. Ngồi quây quần bên mâm cơm, ăn uống và trò chuyện cùng nhau thể hiện tình cảm yêu thương, sự sẻ chia, quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Mâm cơm gia đình ví như linh hồn của hạnh phúc, của tình yêu thương và sự gắn bó liên kết giữa các thế hệ. Cũng vậy, trong bữa ăn của người Việt, tinh thần “kính trên nhường dưới” được thể hiện rõ qua sự kính trọng, yêu thương dành cho người lớn tuổi những phần thức ăn ngon, những phần cơm mềm dẻo được mời ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, trẻ em là đối tượng được ưu tiên trong bữa cơm gia đình, điều đó thể sự yêu thương, bao bọc, che chở giữa các thành viên trong gia đình. Người Việt hiếu khách, nên khách mời luôn được sắp xếp một vị trí ưu tiên trong mâm cơm. Khách mời thường được phục vụ tận tình chu đáo ngay trong bữa ăn như thể hiện niềm vui và tấm lòng quảng đại của chủ nhà.
Với ý nghĩa đó, bữa cơm gia đình xem như mô hình, không gian quy tụ và kết nối các thành viên với nhau. Chính vì vậy, khi các thành viên không còn quan tâm đến những bữa cơm cùng nhau, không dành thời gian chăm sóc nhau cách nào đó qua những bữa ăn, thì hẳn tình cảm cũng dễ dàng phai nhạt. Chẳng phải thế mà người Việt mỗi khi nói về một gia đình hạnh phúc thường ẩn ý trong câu “cơm dẻo, canh ngọt”, hay khi gia đình không hạnh phúc thì lại gọi là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vì vậy, việc duy trì những bữa cơm gia đình hẳn cũng là cách để giữ lửa yêu thương, vun đắp và xây dựng hạnh phúc, như câu ca dao xưa từng nói: “Thương chồng nấu cháo le le, Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen”.
Với người Việt, cách ăn còn là cách sống, cách học, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Người Việt trọng không khí thoải mái và ấm cúng trong bữa ăn, nhưng cũng đề cao sự lịch sự. Bởi thế, những nguyên tắc ứng xử tinh tế trong bữa ăn cũng cần thực hành cẩn trọng, phép tắc và qui củ, như có câu: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Bữa ăn của người phương Tây thường lần lượt thưởng thức từng món và trong các phần ăn riêng biệt, người Việt từ xưa lại có thói quen dọn cơm vào mâm và các món ăn đều được dọn cùng một lúc, trong bát, đĩa chung để cả gia đình quây quần cùng nhau, không ai phải chờ đợi ai. Điều này gợi không khí thân mật, vui vẻ và cũng là dịp để mỗi người thể hiện tình cảm, rèn giũa phẩm cách của mình. Hơn thế nữa, đặc trưng của văn hóa người Việt là qua bữa cơm, cách nào đó tính giáo dục được phát triển và có hiệu quả rất cao. Đặc biệt đối với trẻ em, được dạy dỗ bằng những đức tính như: Biết nhường nhịn, biết dành những miếng ngon cho người khác, biết vì người khác; biết tập những thói quen tốt trong khi ăn. Đối với người lớn, đây hẳn là lúc thuận tiện để chia sẻ cùng nhau những khó khăn vướng mắc sau một ngày làm việc mệt mỏi và đóng góp cho nhau những lời hay lẽ phải để cùng nhau ngày một hoàn thiện hơn. Cũng như qua bữa ăn, gia đình chia sẻ cho nhau những thông tin, thành tựu và cả những kế hoạch dự tính trong tương lai, để qua đó nhắc nhở nhau khắc phục những gì còn hạn chế và khuyến khích, tạo điều kiện cho nhau thực hiện những điều có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì những lẽ đó, bữa cơm gia đình khiến người Việt luôn gắn bó, tha thiết với gia đình, quê hương. Hình ảnh bữa cơm sum họp ấm cúng với những món ăn đặc trưng quê nhà hẳn luôn là ký ức tốt đẹp, lưu giữ những cảm xúc ấm áp yêu thương trong tâm hồn người Việt, khi đã trưởng thành hay lúc tha hương: “Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.
Thực vậy, mỗi bữa ăn không chỉ khẳng định giá trị kết nối tinh thần, mà còn hướng đến ý nghĩa cùng xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên, ngày nay quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Các gia đình quen dần nếp sống công nghiệp, bữa ăn cũng khác dần đi. Mỗi thành viên trong gia đình cũng dần bận rộn hơn với công việc và những lo toan của cuộc sống. Không ít người đã bỏ quên bữa cơm gia đình truyền thống. Thay vào đó là những bữa ăn vội với thức ăn nhanh, đồ ăn tiện lợi được đóng hộp và giao đến tận nơi. Giá trị quý giá của bữa cơm gia đình vì thế cũng dần bị lãng quên. Cũng vậy, gia đình tứ đại, tam đại đồng đường dần thay thế bởi gia đình kiểu mẫu hiện đại với một hai thế hệ, hay thậm chí là gia đình đơn thân, độc thân. Ông bà, cha mẹ, con cháu hiếm khi có thời gian gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau. Những bữa ăn đơn giản, tiện lợi, chủ động cho từng cá nhân được ưu tiên lựa chọn, nhất là với những gia đình trẻ, những gia đình ở thành phố. Những bữa ăn ở nhà hàng cũng thay thế dần những “bữa cơm mẹ nấu” điều ấy khiến gian bếp ấm cúng nghi ngút hương vị thơm ngon trong gia đình dần vắng vẻ, lạnh lẽo.
Dẫu vậy, dù xã hội có hiện đại đến đâu chăng nữa thì những giá trị truyền thống tốt đẹp, cụ thể là những bữa cơm gia đình trong văn hóa người Việt vẫn luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong mọi thời điểm của mỗi người, từ lúc còn nhỏ hay đến khi lớn khôn, già yếu. Như vậy, để vừa phát triển vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, mỗi thành viên trong gia đình cần học cách thích nghi với đời sống công nghiệp hóa tất bật, bận rộn, để biết dành thời gian cho nhau, quan tâm và chia sẻ cùng nhau. Bởi, có thể nói cách nào đó, mỗi người đều có thể lấy lại giá trị bữa cơm gia đình bằng cách dung hòa cả quan niệm truyền thống lẫn hiện đại về bữa cơm nhà, cơm mẹ nấu. Ngày nay, bữa cơm gia đình cũng đang dần thay đổi để thích hợp với cuộc sống hiện đại hơn. Tuy nhiên, mọi người dù bận rộn đến đâu vẫn nên cố gắng sắp xếp để dùng bữa chung với nhau trong nhà, hay ít là ở cửa hàng, hoặc nơi nghỉ dưỡng cuối tuần, miễn là các thành viên có cơ hội hiện diện cùng nhau, dùng bữa cùng nhau, để yêu thương, sẻ chia và quan tâm lẫn nhau, nhưng thực tế rằng, dù ở đâu hay nơi nào dẫu có sang trọng, xa hoa đến mấy đi nữa, tốt hơn cả vẫn là bữa cơm tại nhà. Vì đối với gia đình, không đâu ấm cúng, đậm đà tình thương, sắt son tình mến cho bằng nơi gọi là “nhà”.
Bữa cơm gia đình có thể nói là nét văn hóa rất đẹp, đậm chất nhân văn trong tâm hồn người Việt. Bữa cơm là nơi gặp mặt, gắn kết giữa các thế hệ, các thành viên trong gia đình. Bữa ăn người Việt với không khí đầm ấm như nguồn năng lượng bảo vệ sức khỏe và giữ gìn hạnh phúc cho cả nhà. Qua bữa ăn mọi thành viên cảm nhận sự kết nối, quan tâm lẫn nhau, tình thương yêu ấm áp, sự chia sẻ và giải tỏa căng thẳng, phiền muộn trong cuộc sống. Đặc biệt hơn nữa, nét đẹp văn hóa trong bữa ăn của người Việt mang đậm tính cộng đồng, qua việc gắn kết yêu thương, không chỉ nơi một gia đình, nhưng còn nơi gia đình chung của toàn xã hội, khi biết giúp đỡ, san sẻ cho nhau. Đặc biệt, cho những người nghèo khổ, bệnh tật, những người cô thế cô thân, không nơi nương tựa những phần ăn, những bữa ăn, những miếng rau, miếng thịt tuy thanh đạm nhưng tràn đầy tình thương, chứa chan tình người.
"Hạ Sơn".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất