Bradley Wright-Phillips chắc chắn không phải là ngôi sao bóng đá hạng A. Những NHM không theo dõi MLS – Major League Soccer (Giải Bóng đá Nhà nghề Mỹ) - thậm chí không hề biết đến sự tồn tại của anh, và cầu thủ này có lẽ chỉ gây chút cảm giác “quen quen” nhờ cái họ của mình. 
Vậy nhưng, chính Bradley chứ chẳng ai khác, lại là chứng nhân cho tất cả những gì người ta có thể nói về nét đặc sắc của MLS, cả từ phía chỉ trích lẫn ca ngợi. Từ sự nghiệp xoàng xĩnh ở châu Âu, cầu thủ này đã trở thành một trong những cây săn bàn đáng nể nhất Bắc Mỹ,  một biểu tượng cho cái được gọi là “giấc mơ Mỹ”.
Bradley Wright-Phillips ăn mừng bàn thắng trong màu áo New York Red Bulls. Ảnh: mlssoccer.com .
Trong 25 năm lịch sử của MLS và cả trước đó, Xứ sở Cờ hoa – nước Mỹ đã chào đón không ít những huyền thoại của túc cầu thế giới. Thierry Henry, Zlatan Ibrahimovic, Robbie Keane, Wayne Rooney, David Villa,… tất cả họ đều để lại dấu ấn nhất định ở Major League Soccer. Thế nhưng, nếu nói về mức độ ảnh hưởng (chí ít là về mặt thống kê), tất cả những cái tên kể trên đều phải chào thua Bradley Wright-Phillips.
Càng đáng ngạc nhiên hơn khi cũng chính Wright-Phillips ấy là người thậm chí không thể vươn từ đội trẻ lên đội một Manchester City, từng phải lang bạt qua các giải đấu cấp thấp của Anh Quốc trong những màu áo Southampton, Plymouth Argyle, Charlton Athletic và Brentford. Cũng chính Wright-Phillips ấy là người được biết đến ở Anh chỉ bởi… có anh trai là cựu danh thủ Shaun Wright-Phillips.
Người Anh nhìn Bradley với ánh mắt xa lạ bao nhiêu thì ở Mỹ, công chúng lại nể trọng anh bấy nhiêu. Tiền đạo sinh năm 1985 đã 2 lần giành giải thưởng MLS Golden Boot (Chiếc giày vàng – danh hiệu cho vua phá lưới của mùa giải), trở thành huyền thoại với thống kê lên đến 126 bàn thắng sau 240 lần ra sân qua 6 mùa giải. Bradley là cầu thủ châu Âu ghi nhiều bàn thắng nhất mọi thời đại của MLS, và theo lời Giám đốc thể thao CLB New York Red Bulls, Denis Hamlett, là “một trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử giải đấu này”.
Lời chia tay New York Red Bulls của Bradley - được xác nhận vào thứ Năm, ngày 21/12/2019 - đã đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên trong lịch sử CLB cũng như cả giải đấu. Sau mùa giải 2019, MLS mất cả Ibrahimovic và Rooney, nhưng khoảng trống thực sự phải là sự ra đi của Wright-Phillips: Mối liên hệ của tiền đạo người Anh với giải đấu sâu sắc hơn bất kỳ ngôi sao châu Âu nào từng tới đây “dưỡng già”.
Bradley Wright-Phillips được tri ân sau cột mốc 100 bàn thắng cho RBNY. Ảnh: USA Today.
“Người hâm mộ của NY muốn thấy một bức tượng của anh bên ngoài Red Bull Arena (sân nhà của New York Red Bulls)”, chuyên gia Mark Fishkin nói trên podcast Seeing Red. “BWP là tiền đạo vĩ đại nhất từng khoác lên mình chiếc áo này”.
Nhận định nói trên - từ một cổ động viên uyên thâm, đã gắn bó với New York Red Bulls (RBNY) suốt thập kỷ qua - là lời chứng nhận thuyết phục cho tầm ảnh hưởng của Bradley Wright-Phillips ở “Quả táo lớn” (biệt danh của thành phố New York). Nên nhớ, nhà vô địch World Cup, “đứa con của thần gió” Thierry Henry cũng có đến 4 mùa chơi cho RBNY, nhưng hầu như mọi chỉ số của Wright-Phillips (hay 'BWP' –nickname đậm chất Mỹ mà CĐV New York luôn gọi một cách trìu mến) đều vượt trội so với huyền thoại người Pháp. Tính riêng mùa giải 2014 – năm duy nhất mà Henry và BWP chơi bóng cùng nhau, chân sút người Anh ghi đến 31 bàn thắng so với chỉ 10 của huyền thoại người Pháp.
Mặc dù vậy, mặt trái của câu chuyện này lại nằm chính ở quê nhà của Bradley Wright-Phillips – nước Anh.
Tất cả những thành tựu lẫy lừng nói trên, sau tất cả, lại bị coi như một trò đùa với NHM Xứ Sương mù. Thành công của Wright-Phillips bên kia bờ Đại Tây Dương được đồng hương của anh sử dụng rộng rãi như câu chuyện bên bàn trà để chế giễu MLS. ‘Một tiền đạo chẳng thể hiện được gì ở mấy giải hạng quèn lại làm nên chuyện ở MLS, thế thì ai mà chẳng làm được’, họ nói những thứ đại loại như thế.
Là con của huyền thoại Ian Wright, em của danh thủ Shaun Wright-Phillips, song Bradley Wright-Phillips lại không thể toả sáng ở quê nhà. Ảnh: PLZ Soccer.
Liệu đó có phải là sự thật? 
Câu trả lời là “không”, bởi những lời giễu cợt chỉ đơn giản thể hiện sự thiếu hiểu biết về bóng đá Hoa Kỳ. Với những kẻ ngoại đạo, Wright-Phillips là hiện thân cho ‘chất lượng tồi tệ’ của MLS, còn với những con người đã gắn bó với sân chơi này, anh là tấm gương phản chiếu những phẩm chất tốt nhất của giải đấu.
Với các kỳ Draft (lựa chọn cầu thủ), cách phân loại ngoại binh, thể thức của MLS mang đến cơ hội đồng đều cho các cầu thủ - kể cả những người có bản CV khiêm tốn, điều mà không một giải đấu nào khác làm tốt bằng. Tất nhiên, điều đó thường dẫn đến sự mất cân bằng: những cầu thủ ngôi sao đôi khi được trả lương bằng nhiều đồng đội cộng lại. Song ở những trường hợp như Wright-Phillips, cơ hội bằng vàng này là hoàn toàn xứng đáng.
Câu chuyện của Bradley Wright-Phillips ở MLS chính là bản chất của cái gọi là ‘American Dream’ – Giấc mơ Mỹ. Ở Hoa Kỳ, tiền đạo người Anh đã đạt được những thứ mà anh luôn bị từ chối ở quê nhà, và một khi đã thành công, anh còn tạo ra một tiền lệ đáng học hỏi: sau BWP, nhiều cầu thủ không tìm được cơ hội khẳng định mình ở Lục địa già đã dong buồm tới MLS. Wright-Phillips đã quảng cáo cho sức hấp dẫn của giải đấu bên kia Đại Tây Dương hiệu quả hơn tất thảy những ngôi sao già lão từng cập bến MLS suốt bao nhiêu năm trời.
Trở lại mùa hè 2013, việc ký hợp đồng với Wright-Phillips đã khiến RBNY bị hoài nghi. Tại thời điểm đó, New York Red Bulls cùng LA Galaxy là những thương hiệu “đinh” cho thành công của MLS; ngược lại, Wright-Phillips bị lo ngại sẽ trở thành minh chứng tiếp theo của một chính sách sai lầm: chiêu mộ người thân của các siêu sao. Bradley là con trai của cựu tiền đạo Arsenal, huyền thoại Ian Wright. Trước anh, cả Digao (em trai Kaka) và John Rooney (em trai Wayne Wayne) đều từng chơi cho RBNY, nhưng dấu ấn thì không nhỉnh hơn con số 0 quá nhiều.
Trở lại năm 2013, ai có thể tin được Bradley Wright-Phillips sẽ trở thành huyền thoại MLS? (Ảnh: Trang chủ New York Red Bulls)
“Khi mới tới thử việc, anh ấy tương đối vô danh”, Fishkin nhận xét. “NHM chỉ hy vọng anh ấy có thể đóng góp (serviceable), nhưng họ đã phải kinh ngạc với những gì anh ấy mang đến sau này.”
Rõ ràng, so với tiêu chuẩn “serviceable”, Bradley Wright-Phillips đã vượt xa so với kỳ vọng, để rồi khi ra đi, anh bỏ lại khoảng trống chẳng dễ gì san lấp. New York Red Bulls, đội bóng có hóa đơn tiền lương thấp bậc nhất ở MLS, đã nhận được món hời quá lớn từ những gì họ bỏ ra cho BWP. Năm 2019, mức lương cơ bản của tiền đạo người Anh là 1,2 triệu đô la – cao nhất tại RBNY, nhưng con số ấy thậm chí không nằm trong top 35 cầu thủ được trả lương cao nhất MLS! Thật khó để tưởng tượng RNBY làm thế nào để tìm ra một cầu thủ khác có tỷ lệ bàn thắng trên mỗi dollar cao đến vậy.
Tất nhiên, 2019 không phải là mùa giải tốt nhất của Wright-Phillips. Anh bị hành hạ bởi chấn thương và chỉ ghi được 2 bàn thắng sau 25 lần ra sân (16 trong số đó là từ băng ghế dự bị). Quyết định không gia hạn hợp đồng với tiền đạo huyền thoại của RBNY xuất phát từ lý do chính đáng.
“Mục tiêu chính của chúng tôi là làm thế nào để xây dựng một đội bóng có thể giành chức vô địch. Tôi hiểu sự thất vọng của các fan, nhưng tôi không thể quyết định vì tình cảm”, Giám đốc thể thao của RBNY, Denis Hamlett giải thích.
Chia tay RBNY nhưng cuộc phiêu lưu tại MLS của Bradley vẫn chưa khép lại. Ảnh: Trang chủ LAFC.
Đúng vào ngày Lễ Tình nhân năm 2020, Bradley Wright-Phillips đã tìm được bến đỗ mới: Los Angeles FC chính thức tuyên bố chiêu mộ chân sút người Anh. Vậy là cuộc hành trình tại giải đấu số 1 nước Mỹ của BWP sẽ tiếp tục, dù ở độ tuổi 34, anh đã từng được gợi ý về việc giải nghệ. Wright-Phillips có thể sẽ hiếm khi ra sân, chẳng đóng góp được gì nhiều cho đội bóng đang sở hữu Carlos Vela và Diego Martin – tài năng đến từ Uruguay, nhưng những gì anh đã gây dựng trên đất Mỹ chắc chắn sẽ chẳng kém thuyết phục đi vì thế.
Và một ngày kia, biết đâu, một tượng đài của chân sút này sẽ đứng bên ngoài sân vận động Red Bull Arena. Một tượng đài vươn cao trong kiêu hãnh, cao hơn cả những lời chễ giễu phía bên kia chân trời.

-----------------------------------------------
1) Mình vốn đăng tải bài này trên trang Facebook về bóng đá của mình, nhưng có vẻ không tiếp cận được tới nhiều người nên mình quyết định chia sẻ cả trên Spiderum. Nếu các bạn muốn đọc thêm những nội dung về bóng đá như thế này, xin hãy ghé qua trang Facebook ở địa chỉ này nhé:
2) Chuyển ngữ từ bài viết gốc “Did Bradley Wright-Philips' success show MLS's weakness or its strength?” của tác giả Graham Ruthven, đăng trên tờ The Guardian (xuất bản ngày 22/11/2019).
Tác giả chuyển ngữ: Vũ Ngọc Bách