Bóng rổ va chạm hay bóng rổ bạo lực?
Những người yêu bóng rổ đều nói, tính cách mỗi cá nhân ra sao, lên sân thể hiện ra hết ở lối chơi và thái độ ứng xử.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của một ông anh 8x người Việt giấu tên mới quen trên sân bóng Yoyogi tại Nhật Bản: “Bọn trẻ con bây giờ đánh hay thật, nhưng khổ nỗi cứ thích máu đánh ham với anh, một lúc mấy cu cậu tím hết cả người”. Kèm theo một tràng cười sảng khoái vô cùng. Ngày trước anh có theo một đội bóng không chuyên tại Hà Nội. Rất ngầu. Chơi một hôm, tôi quyết định đó là hôm cuối tiếp xúc.
Những người yêu bóng rổ đều nói, tính cách mỗi cá nhân ra sao, lên sân thể hiện ra hết ở lối chơi và thái độ ứng xử. Khi hai đấu thủ, hai đội ngang trình độ nhau, mentality là yếu tố quyết định thành bại. Tôi là fan cứng của Kobe Bryant, khát chiến thắng, cá nhân tôi không thể chịu nổi thứ bóng rổ yếu đuối ẻo lả. Trong khoảng thời gian theo học đại học tại Nhật, tôi chơi bóng rổ với mức độ va chạm cực kỳ cao. Trình độ và phong cách chơi của bạn bè người Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc ở khu vực quốc tế tôi theo học, va chạm mạnh bạo hơn bất kỳ sân phủi nào tại đất Việt. Niềm tự tôn dân tộc của tôi cao, tôi chơi thứ bóng rổ sòng phẳng với anh em quốc tế. Ghét cay ghét đắng soft basketball, không có kiểu lên rổ hơi tý là “Ay da!” xong đòi lỗi trọng tài, thậm chí chúng tôi còn có khẩu hiệu: “No blood, no foul”.
Nhưng anh chị em biết gì không?
Họ chơi rất nhiệt, trash talk là một phần văn hóa, tuy nhiên cực cấm kỵ việc dùng tiểu xảo hay cố tình làm chấn thương đối phương, xài chỏ, kê chân lúc jump shot. Đôi khi tôi tự hỏi, liệu những người chơi triệt hạ, có biết đó là hành vi trái pháp luật, liệt vào tội cố ý gây thương tích không. Người chơi bóng tại Việt Nam rất nhiều các anh chị lớn đi làm, một chấn thương có thể ảnh hưởng tới cả cuộc sống, gia đình và công việc. Tại Nhật, chúng tôi đánh nhiệt, rất rất nhiệt, rất va chạm, nhưng tự giác gọi foul và không chơi xấu, vô tình thì xin lỗi ngay đối thủ. Trash talk diễn ra trong trận, sau trận lại cười khề khà. Về sân phủi Việt Nam, anh chị em đánh va chạm ít hơn? Không vấn đề gì. Nhưng tôi cực kỳ có vấn đề với việc chơi tiểu xảo, triệt hạ, thái độ cay cú chửi bới, thể hiện sự thua kém về trình độ chơi bóng lẫn trình độ văn hóa.
Tôi yêu bóng rổ. Tôi đã góp một phần tuổi trẻ của mình cùng Kicks Geeks để tiếp đà phát triển cho bóng rổ Việt Nam. Nói vậy để chỉ rõ, tôi viết bài này không phải để nói xấu, hay tự nhục gì cả. Tôi rất tự hào và hạnh phúc khi bóng rổ Việt Nam được phát triển mạnh, lớp trẻ được đầu tư nhiều hơn trong mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, những điểm hạn chế của văn hóa bóng rổ Việt, đôi khi cần phải được nói ra, tạo tiền đề cho một sự phát triển mạnh hơn nữa sau này. “Bóng rổ va chạm khác với bóng rổ bạo lực.” Hãy là một người chơi bóng rổ nhiệt huyết, máu lửa và văn minh. Tất cả vì con đường đưa bóng rổ Việt Nam ra biển lớn.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất