Hơn 1 tháng qua, BTC các giải bóng đá lớn nhất hành tinh như Premier League, Bundesliga, La Liga,… đã liên tục họp bàn với các CLB để tìm ra thời điểm đưa bóng đá trở lại. Với các nhà tổ chức, việc mùa giải 2019/20 được hoàn tất là yêu cầu bắt buộc, nhưng liệu đó có phải là ý hay trong bối cảnh dịch bệnh leo thang như hiện tại?
BÓNG ĐÁ ĐỈNH CAO TRỞ LẠI
Sau cơn sốc ban đầu vì sự bùng phát dữ dội của dịch COVID-19, các quốc gia châu Âu đang dần thiết lập lại trật tự. Số ca nhiễm mới tại các quốc gia từng có tốc độ lây nhiễm phi mã như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đang được ghi nhận giảm dần. Kéo theo đó, các chính phủ ở Lục địa Già cũng rục rịch tính tới việc đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, mà các giải bóng đá vô địch quốc gia (VĐQG) là một trong số đó.
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng các chính phủ châu Âu thực sự quan tâm đến những giải VĐQG lớn mạnh của đất nước họ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cả thủ tướng Đức Angela Merkel, các nguyên thủ Tây Ban Nha, Anh đều đề cập đến Bundesliga, La Liga, Premier League,… trong các bài phát biểu của họ. Tất cả đều thể hiện mong muốn sớm đưa bóng đá đỉnh cao trở lại như “một ví dụ”, “một tấm gương” cho các lĩnh vực, ngành nghề khác noi theo. Tất nhiên, các quy định an toàn như sân vận động không khán giả, kiểm tra thân nhiệt, khử trùng cho các cầu thủ, nhân viên,… là điều không thể thiếu.
So với những chính khách, các nhà tổ chức giải đấu còn sốt sắng hơn nhiều. Thậm chí, họ có vẻ đã sốt ruột đến mức (khác với giới chính khách, luôn phát biểu thận trọng với đầy đủ rào trước đón sau), BTC Premier League, Bundesliga hay La Liga nói “tuột móng heo”:  Động lực lớn nhất là nếu mùa giải không được hoàn tất, thiệt hại về tiền sẽ là rất lớn! Theo một số thống kê, EPL có thể mất đến 750 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình, La Liga thiệt hại 435 triệu euro, Bundesliga là 750 triệu euro,… đều là “những con số đủ sức làm choáng mình”. Đó là còn chưa kể tới các khoản thiệt hại về tiền bán vé nếu thi đấu không có khán giả mà các ông lớn, đặc biệt là ở Anh như Liverpool, Arsenal hay Man United đang “kêu trời”.

Kết cục là các BTC giải đang phải gấp rút làm việc với chính quyền cũng như các đội bóng để tìm ra thời điểm bóng đá đỉnh cao trở lại. Bundesliga – giải đấu của đất nước kiểm soát dịch tốt bậc nhất châu Âu – nhanh chân hơn cả, khi đã được chính phủ Đức bật đèn xanh để trở lại vào ngày 16/05. Trong khi đó, La Liga và Premier League thì vất vả hơn khi chưa thống nhất được phương án với các đội bóng, song không có dấu hiệu nào cho thấy quyết tâm đưa giải đấu trở lại ngay trong tháng 6 của họ đã nguội đi dù chỉ một phần.
Nhiều NHM bóng đá có thể sẽ háo hức và mong muốn sự trở lại của những sân chơi hàng đầu. Nhưng liệu sự trở lại ấy có phải là tín hiệu vui, hay hoàn toàn ngược lại, nó chỉ vạch trần sự thống trị của chủ nghĩa trọng thương trong bóng đá hiện đại?
BỘ MẶT THƯƠNG MẠI PHẢN NHÂN VĂN
Trong một bài viết chỉ 2 ngày trước khi Bundesliga trở lại, nhà báo Michael da Silva của tờ DW khẳng định: Bundesliga đã đặt lợi nhuận cao hơn sinh mạng!
Theo góc nhìn của ký giả này, DFL (BTC Bundesliga), đứng đầu là CEO Christian Seifert đang mạo hiểm sức khoẻ, tính mạng của các cầu thủ, HLV, nhân viên tham gia các trận đấu Bundesliga, rộng hơn là của cả người dân Đức khi quyết định sớm bắt đầu trở lại mùa giải. Đồng ý rằng Đức là một trong những quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt nhất châu Âu, đỉnh dịch có thể đã qua đi, song số ca nhiễm của đất nước này vẫn ở mức cao và nguy cơ một làn sóng lây nhiễm thứ 2 trong cộng đồng còn hiện hữu. Việc Bundesliga trở lại sẽ mang đến nguy cơ to lớn, bởi dù không có khán giả đến sân, các trận đấu “sau cánh cửa đóng” vẫn tập trung đông người và là ổ dịch tiềm tàng khó kiểm soát.
Da Silva kết luận, việc Seifert cùng cộng sự sớm đưa Bundesliga trở lại đơn giản là vì tiền. Nếu thi đấu nốt phần còn lại của mùa giải, các hợp đồng truyền hình béo bở vẫn sẽ được thanh toán đầy đủ cho BTC và được chia phần cho các CLB; từ đó, hoá đơn tiền lương của cầu thủ cũng sẽ được giải quyết. (Da Silva nói thêm rằng quỹ lương của các cầu thủ chiếm đến 75% tổng chi tiêu của các đội bóng Bundesliga, tương phản hoàn toàn với đóng góp của tiền bán vé các trận đấu trong tổng thu nhập: chỉ khoảng 5%! Thật dễ hiểu nếu làm phép so sánh hệ quả kinh tế của việc nghỉ thi đấu và việc hoàn tất mùa giải.) 
Các cầu thủ sẽ bị đẩy vào thế nguy hiểm khi có thể nhiễm bệnh từ bất cứ ai, nhưng chính họ cũng phần nào phải chịu trách nhiệm: không ai lên tiếng, chỉ để đảm bảo tiền vẫn chảy vào túi của mình (thủ quân của Bayern Munich, Manuel Neuer thậm chí còn viết bài ủng hộ Bundesliga trở lại như “hình mẫu” cho xã hội). Vậy là Christian Seifert, thay vì khuyến khích các cầu thủ giảm lương để các CLB không còn chịu áp lực, lại đẩy tất cả vào vòng xoáy nguy hiểm bằng cách bấm nút “resume” cho cỗ máy trò chơi bóng đá.
Theo nhà báo Michael da Silva, CEO của DFL, Christian Seifert đã đẩy các thành viên của Bundesliga vào hiểm nguy.
Tiếng nói của Michael da Silva cũng không phải là ý kiến nghi ngờ duy nhất nhắm vào kế hoạch đưa Bundesliga trở lại. Không cần đến các chuyên gia, nhiều người dân Đức cũng thể hiện thái độ không đồng tình. Họ nêu ý kiến: COVID-19 đã gây đủ đau khổ cho đất nước này, hãy đẩy lùi nó trước khi nghĩ đến bất cứ thứ gì như bóng đá. Rõ ràng, không phải ai cũng hào hứng với bối cảnh trở lại của giải đấu số 1 nước Đức như nhiều CĐV của Borussia Monchengladbach – những người đã chụp ảnh bản thân, in lên các tấm bìa các-tông để lấp đầy khán đài và cổ vũ tượng trưng cho các cầu thủ.
Ngay trong nội bộ nước Đức, quyết định đưa bóng đá trở lại đã gây chia rẽ đáng kể. Vậy nên, không có gì khó hiểu khi ở các quốc gia như Tây Ban Nha hay Anh – còn đang ở vào tình thế ngặt nghèo hơn Đức, ý chí của các nhà tổ chức cũng vấp phải sự chỉ trích. Thậm chí ở Anh, nhiều ngôi sao của EPL như bộ đôi của Man City – Raheem Sterling và Sergio Aguero, Daniel Rose (hậu vệ đang được Tottenham cho Newcastle mượn), Manuel Lanzini (West Ham United), Antonio Rudiger (Chelsea),… đều công khai phản đối kế hoạch tập trung trở lại và tuyên bố sẽ không thi đấu cho đến khi dịch bệnh được khống chế.
"Tôi không quan tâm đến thứ gọi là tinh thần dân tộc. Tính mạng của người dân vẫn đang bị đe dọa mỗi ngày. Tôi nghĩ bóng đá không nên trở lại cho đến khi số người nhiễm bệnh giảm mạnh", hậu vệ Danny Rose thẳng thắn chia sẻ.
--
Với những dẫn chứng như trên, có thể thấy sự trở lại của các giải bóng đá châu Âu sẽ đe doạ đến sự an toàn của những người trực tiếp tham gia vào các trận đấu cũng như cộng đồng sở tại. Bên cạnh đó, có thể nói sự trở lại này còn là một sự báng bổ cho công tác phòng chống COVID-19 toàn cầu, đặc biệt là tại nhiều nơi khó khăn còn đang vây bủa.
Xin nêu ra đây một ví dụ: trên các kênh truyền thông đại chúng, chúng ta thường chỉ được nghe thông tin về châu Âu, về Mỹ và châu Á, nhưng theo logic, châu Phi mới là nơi đang bị đe doạ chìm trong bóng đen của COVID-19 nhiều nhất.
Ngay từ ngày 17/04, tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom đã cảnh báo về tốc độ lây lan đang tăng chóng mặt tại Lục địa Đen, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp các nước châu Phi phòng chống dịch bệnh này. Quá nhiều nguy cơ được nêu ra đối với châu Phi: những khu ổ chuột đông đúc là điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh lây lan, cơ sở hạ tầng về y tế còn nghèo nàn, sự thiếu thốn thuốc men, lương thực và nhân lực làm việc trong lĩnh vực y tế, khả năng “đại dịch chồng đại dịch” xảy ra nếu các phòng khám, bệnh viện tập trung tối đa chống COVID mà bỏ quên AIDS,… Từ phát biểu đầu tiên của ông Adhanom đến nay đã là 1 tháng, châu Phi (may thay) vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như châu Âu, song tốc độ lây nhiễm ở đây vẫn còn cao và rất cần được chú ý. Uỷ ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA) ước tính sẽ cần đến 100 tỷ USD để cung cấp đủ nguồn lực cho ứng phó với COVID-19 tại châu lục này, và 100 tỷ USD nữa để kích thích kinh tế.
Tình hình tại châu Phi có quan hệ đến những giải bóng đá ở Đức, Anh hay Tây Ban Nha như thế nào? Thiết nghĩ, sự thiếu thốn ở những nước nghèo đáng để các giải đấu kia phải nhìn lại cách sử dụng đồng tiền của mình.
Theo kế hoạch đưa bóng đá trở lại được BTC Premier League dự thảo, giải đấu này sẽ chi tiền để xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, ban huấn luyện cũng như cầu thủ của các đội bóng 2 lần mỗi tuần. Tổng chi phí xét nghiệm ấy có thể lên đến 4 triệu bảng trong thời gian thi đấu phần còn lại của mùa giải. Thật lạ lùng khi nhìn vào giải pháp này, bởi chẳng phải sẽ tốt hơn rất nhiều hay sao nếu tiếp tục để các cầu thủ tự cách ly tại nhà - vừa ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa tiết kiệm được khoản tiền có thể dùng để xét nghiệm cho cộng đồng, hay cao cả hơn, hỗ trợ cho các nước kém phát triển?
Lý lẽ của BTC Premier League, đơn giản, vẫn là tiền. 4 triệu bảng chỉ là con số lẻ rất không đáng kể khi mang ra so sánh với hàng trăm ngàn bảng tiền bản quyền truyền hình có thể thu về nếu mùa giải hoàn tất. Nhưng không phải tính mạng con người là vô giá hay sao? Khi đặt mọi thành viên của các đội bóng cũng như cộng đồng vào nguy hiểm, những nhà tổ chức đã định giá họ - và những con người ấy không đáng giá bằng tiền bản quyền truyền hình!
Nói thêm về lý lẽ đưa bóng đá trở lại “như một tấm gương” theo cách nói của Neuer, hay “để thể hiện tinh thần dân tộc” như trong lời chỉ trích của Danny Rose đã dẫn, tất cả chỉ là những sự tuyên truyền hết sức mị dân. Mạo hiểm tính mạng và sức khoẻ của cộng đồng để cổ vũ tinh thần dân tộc, trong khi còn nhiều cách khác thực tế hơn để chống lại dịch bệnh? Thật sao?
Trở lại trường hợp của nước Anh. Số tiền xét nghiệm 4 triệu bảng nêu trên là do giải đấu Premier League tự chi trả, không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện xét nghiệm thì tất cả nhân lực thực hiện hay mua sắm các bộ xét nghiệm, EPL vẫn đều phải cậy nhờ vào NHS (National Health Service – cơ quan quản lý y tế của Anh). Sẽ là hết sức nực cười khi thay vì xét nghiệm cho cộng đồng và các đối tượng nghi nhiễm, nhân viên của NHS lại mang những bộ xét nghiệm quý giá đi xét nghiệm cho những người… đi đá bóng, trong khi họ hoàn toàn có thể (và cũng muốn) ở nhà trong mùa dịch.
Thêm một dẫn chứng nữa cho sự trọng tiền cực độ của bóng đá Anh trong nỗ lực đưa EPL trở lại: để dồn tất cả nhân lực và vật lực xét nghiệm như kể trên cho Premier League, tất cả các giải đấu cấp dưới rất nhiều khả năng sẽ bị huỷ bỏ! Xin nhấn mạnh, huỷ bỏ ngay lập tức, không có thi đấu trong sân không khán giả hay bất kỳ một lựa chọn nào khác. 
Vậy là bóng đá có thể trở lại, nhưng là thứ bóng đá đắt tiền, hào nhoáng và tốn kém nhất, chứ không phải là bóng đá cho tất cả. Liệu những CĐV của Middlesbrough, Sunderland hay Birmingham City có thấy công bằng khi các đội bóng của họ phải kết thúc mùa giải, còn những “ông lớn” Ngoại hạng thì tiếp tục thi đấu? Nếu EPL trở lại bằng mọi giá, thì đó là sự cổ vũ cho bất công, cho đồng tiền trên hết, chứ “tinh thần dân tộc” thì không hề.
--
Cuối cùng, cần nói thêm rằng cách nói Premier League (hay bất kỳ giải đấu nào khác) “thiệt hại tiền bản quyền truyền hình” là không chính xác. Đúng ra phải là “mất đi khoản thu tiền bản quyền truyền hình”. Chi tiết này tưởng nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng: không phải tài khoản của EPL bị trừ tiền, chỉ là họ sẽ không thu thêm được tiền mà thôi! Tương tự là các CLB: không phải là họ mất thêm tiền khi thi đấu không có khán giả, chỉ là hụt một khoản thu được dự kiến từ đầu mùa.
Các giải VĐQG châu Âu hoàn toàn có thể học tập Ligue 1: kết thúc mùa giải ngay lập tức và trao chức vô địch cho đội đầu bảng.
Phương án tốt nhất với các giải bóng đá đỉnh cao đáng ra nên giống như những gì Ligue 1 (giải VĐQG Pháp) hay Eredivise (giải VĐQG Hà Lan) đã làm: kết thúc giải đấu, có hoặc không trao cúp vô địch, quyết định các suất đá cúp châu lục, thăng hạng, xuống hạng dựa trên bảng xếp hạng hiện có. Các BTC không thu được tiền bản quyền truyền hình, các CLB không nhận được phần chia từ nguồn tiền đó thì chấp nhận thực tế, mùa giải tới sẽ lại “làm ăn” sau. Với tình hình hiện tại, không hề có BTC hay CLB nào có nguy cơ phá sản nếu kết thúc các giải đấu (các đội bóng gặp nguy như Burnley của Premier League hay một vài đại diện của Serie A đều đã đạt được thoả thuận giảm lương, hoặc thậm chí cắt lương hoàn toàn của các cầu thủ rồi, “mặt dày” thì xin trợ cấp chính phủ như Tottenham, Liverpool hay Newcastle đã làm).  Tất nhiên, phương án này có thể khiến người này người kia “mặt nặng mày nhẹ”, nhưng xét cho cùng, kết thúc thi đấu chính là cách tối ưu để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của tất cả mọi người liên quan, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp.
VĨ THANH
Khoảng 2 tháng trước, trong tất cả các thông báo chính thức hoãn các giải đấu, chắc chắn mọi BTC đều có một khẳng định nhân văn kiểu như:
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sức khoẻ và tính mạng của những người tham gia cũng như cộng đồng… Do đó, trong bối cảnh leo thang của dịch bệnh và các nguy cơ đi kèm, chúng tôi xin tuyên bố tạm hoãn giải đấu…”
Cũng chính những con người đã nói ra lời vàng ý ngọc ấy, nay lại quên đi mới nhanh làm sao. Mới 2 tháng thôi, nhưng giờ đây, ưu tiên của họ đã là đồng tiền, đặt trên cả sinh mạng.
Và đừng quên, bóng đá cũng chỉ là một trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Bất chấp vô số cảnh báo, các chính phủ từ châu Âu cho đến Mỹ còn đang tìm cách để đưa toàn bộ nền kinh tế trở lại sớm nhất có thể, nói mỹ miều là nhằm mục đích “ngăn chặn đà suy thoái, hồi phục kinh tế”, còn huỵch toẹt ra, là để sớm kiếm thêm tiền, để thoả mãn lòng tham của một bộ phận ‘giới tinh hoa’.
Trong rất nhiều đầu sách như “Quả táo thần kỳ của Kimura” - tác giả Takuji Ishikawa, “Lược sử loài người” của Yuval Noah Harari, hay “Sốc - Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thảm hoạ” của Naomi Klein,... đều có nhắc đến xu hướng chuyển động này của xã hội “văn minh”. Các quan điểm có thể được tóm lược như sau: mỗi khi nhân loại này tiến lên theo hướng văn minh hơn, chính là để thoả mãn nhiều hơn nữa lòng tham của con người (tôi thì nghĩ là của cái gọi là “giới tinh hoa”). Trong quá trình ấy, nhân loại phải đánh đổi rất nhiều, từ thời gian rảnh, từ sự tự do cho đến khả năng quyết định cuộc sống của chính mình. Mà lòng tham của con người là vô đáy, chúng ta càng “văn minh” hơn, nghĩa là càng đánh đổi nhiều hơn.
Có lẽ nào đến lúc này đây, để thoả mãn lòng tham, con người đã tiến thêm một bước quá đỗi nguy hiểm: đánh đổi chính sinh mạng đồng loại của mình.

----------------------------
Tác giả bài viết: Vũ Ngọc Bách
Tất cả hình ảnh minh hoạ được sưu tầm từ Internet. Chúng tôi không sở hữu bản quyền hình ảnh.
Bài viết được đăng lần đầu trên fanpage bóng đá mang tên "Class Of 2000s" của mình. Nếu các bạn muốn đọc thêm các bài viết thú vị về bóng đá, hãy ghé thăm fanpage nhé!
Link đến bài đăng: https://bitly.com.vn/7kgXu
Bài viết có tham khảo:
  1.  “Opinion: Bundesliga choosing profits over people”, Michael da Silva: https://www.dw.com/en/opinion-bundesliga-choosing-profits-over-people/a-53353119
  2. Thông tin từ các trang báo điện tử trong nước và quốc tế.