Trong mọi công việc, thành công của bạn phụ thuộc vào những giá trị mà bạn mang lại. Và những giá trị đó, theo quan điểm của tôi, phụ thuộc vào bốn yếu tố quan trọng sau:
          1/ Năng lực chuyên môn.
          2/ Kỹ năng bổ trợ.
          3/ Phẩm chất cá nhân.
          4/ Tinh thần làm việc.
Về năng lực chuyên môn, đây là yếu tố mà chắc chắn ai cũng đồng ý về tầm quan trọng của nó trong việc tạo lập giá trị. Bạn không thể thực hiện tốt một công việc khi bạn không đủ năng lực chuyên môn để thực hiện công việc đó. Và giá trị của bạn tạo ra, đương nhiên cũng phụ thuộc vào việc năng lực chuyên môn của bạn đến mức nào. Nếu bạn là giáo viên dạy Toán, bạn phải là người có chuyên môn cao trong môn Toán trước khi hướng dẫn học sinh của mình. Nếu bạn là nhà quản lý, bạn cần phải được đào tạo bài bản về các phương pháp quản lý, phải hiểu rõ về sản phẩm của công ty mà đội ngũ mà bạn quản lý đang thực hiện trước khi bắt tay vào công việc. Nếu bạn là lập trình viên, bạn phải là một chuyên gia về lập trình máy tính trước khi ngồi vào máy để thiết kế phần mềm... Năng lực chuyên môn đến từ việc học hỏi và rèn luyện không ngừng, liên tục rút kinh nghiệm từ quá khứ và cập nhật những kiến thức mới nhất. Trong thời đại thông tin, việc cập nhật những kiến thức mới nhất về chuyên môn vừa dễ dàng lại vừa khó khăn. Dễ dàng ở chỗ chúng ta có thể tiếp cận với các nguồn thông tin nhanh chóng chỉ bằng những cú click chuột trên mạng Internet. Khó khăn ở chỗ là, với khối lượng thông tin đồ sộ, chúng ta cần phải có một năng lực chuyên môn nhất định để có thể phân biệt những thông tin có giá trị giữa những thông tin sai lệch, nhiễu loạn. Vấn đề trên, chúng ta hoàn toàn có thể nhờ cậy đến sự hỗ trợ của những đồng nghiệp đi trước có nhiều kinh nghiệm, có chuyên môn cao.

Về kỹ năng bổ trợ, đây là yếu tố không thể thiếu để một người có thể trở thành nhân tố có giá trị trong công việc. Trong hầu hết các công việc, chìa khóa thành công nằm ở khả năng hợp tác cùng phát triển, khả năng làm việc nhóm của những nhân viên. Vì vậy, một điều quan trọng không thể bỏ qua, đó là chúng ta phải học cách làm việc hiểu quả với đồng nghiệp, với con người, đó là những kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục... Ngoài ra, tôi cũng xếp cả những kỹ năng đặc thù, kỹ năng bổ trợ của mỗi ngành nghề vào nhóm này. Ví dụ, đối với nghề giáo viên, ngoài năng lực chuyên môn ở môn học mình dạy, giáo viên cần phải có kỹ năng sư phạm để có thể truyền đạt kiến thức mình có, hỗ trợ học sinh đạt được kiến thức một cách hiệu quả nhất; đối với nghề phóng viên, ngoài chuyên môn về điều tra, nghiên cứu và thu thập thông tin, một phóng viên giỏi cần có một kỹ năng viết điêu luyện để thu hút và trình bày thông tin với độc giả; đối với nhà tư vấn tâm lý, ngoài chuyên môn về tâm lý học để nhận diện vấn đề của khách hàng dưới góc độ tâm lý, một nhà tâm lý giỏi cần phải có kỹ năng giao tiếp để có thể thu thập thông tin cũng như tạo sự tin tưởng để khách hàng an tâm thực hiện những tư vấn của mình... Ngoài ra; kỹ năng nghe, nói, đọc và viết ngoại ngữ cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ chúng ta giao tiếp và tiếp cận các thông tin quốc tế trong công việc của mình.

Về phẩm chất cá nhân, chúng ta cần biết rằng, trước khi quyết định làm một công việc nào đó, chúng ta cần phải suy xét, liệu những phẩm chất cá nhân của chúng ta có phù hợp với công việc và ta có sẵn sàng xây dựng những phẩm chất cá nhân cần thiết cho công việc hay không? Ví dụ, trước khi trở thành lãnh đạo, chúng ta cần phải suy xét, liệu ta có hoặc có thể xây dựng tính chính trực, sự quyết đoán, sự tự tin, tính trung thực... hay không? Liệu ta có hoặc có thể xây dựng sự kiên nhẫn, lòng nhân ái, sự rộng lượng, tình yêu thương... trước khi trở thành giáo viên hay không?... Và đương nhiên, một điều không thể thiếu, đó là, mỗi cá nhân cần có sự kết hợp những phẩm chất cách riêng biệt, đặc thù để tạo nên một dấu ấn cá nhân độc nhất vô nhị trong mọi công việc.
Và cuối cùng, là về tinh thần làm việc. Liệu chúng ta có yêu thích công việc chúng ta đang làm? Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để nỗ lực trong một thời gian dài trước khi chạm tay vào thành công? Liệu chúng ta có đủ quyết tâm để vượt qua những thử thách? Liệu chúng ta có đủ ý chí để đứng dậy sau mỗi lần thất bại? Liệu chúng ta có thể xử lý khéo léo trong một tình huống khó chịu?...
Việc cải thiện một trong bốn yếu tố sẽ giúp cho giá trị của bạn trong công việc được cải thiện vượt bậc. Và hơn thế nữa, việc cải thiện cả bốn yếu tố, lần lượt hoặc cùng lúc tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân sẽ đưa bạn lên một tầm cao mới và biến bạn thành một nhân tố giá trị trong công việc bạn đang làm.
Lỡ Hữu Trọng - Người thất học tiêu biểu
Nguồn ảnh: https://www.pexels.com/