Mình cảm thấy mình may mắn vì được sinh ra vào cuối thế hệ 9x - khi mà cuộc cách mạng 4.0 bắt đầu phát triển nhưng nó chưa chi phối và thay thế hầu hết mọi thú vui của cuộc sống như bây giờ. 
Bây giờ ra ngoài đường, ngoài công viên, trong trung tâm thương mại,..... đâu đâu cũng bắt gặp mọi người cầm những chiếc smartphone hiện đại với công nghệ tối tân nhất. Và bọn trẻ con cũng thế. Bố mẹ thường hay dỗ con bằng cách đưa cho chúng những chiếc điện thoại đắt tiền với những trò điện tử có vẻ là thú vị. Hay có thể bắt gặp những câu nói vô cùng quen thuộc của bất cứ ông bố/ bà mẹ nào: “ Ăn đi mẹ cho mượn điện thoại chơi này./ Con cầm điện thoại ra kia chơi đi cho mẹ còn làm việc” vân vân và vân vân….
Mọi người hay nói là trẻ con bây giờ sướng thật, có nhiều thứ để chơi, được tiếp cận với internet sớm nhưng mình thì không nghĩ như thế. Mình cảm thấy thương mấy đứa trẻ bây giờ vì cuộc sống càng hiện đại phát triển thì chỗ chơi của chúng nó lại càng bị thu hẹp dần. 
Tuổi thơ của mình lớn lên trong một xóm nhỏ. Hay như mọi người hay gọi ngày xưa thì nó là một khu tập thể cũ. Bố mình là bộ đội và khu tập thể đó được xây lên để cho cán bộ viên chức vào đó ở. Đó là một khu tập thể khá là rộng, nhà cửa cứ san sát nhau, các nhà đều chung sân chung cổng với nhau chứ không như bây giờ. 
Lũ trẻ con ngày xưa trong khu ấy cứ sàn sàn tuổi nhau nên vui lắm. Chúng nó có máy tính hay điện thoại để chơi đâu. Ti vi còn là một cái gì đó khá xa xỉ với chiếc ăng ten chỉnh cột xoay xoay vòng với vài ba kênh lặp đi lặp lại. Thế là lũ chúng nó phải rủ nhau tìm hết trò nọ đến trò kia để chơi sau khi đi học về. Mình thì không khổ như thời bố mẹ phải đi chăn trâu cắt cỏ, phải cho gà cho lợn ăn nên đi học về là chỉ ào ra sân rủ lũ bạn chơi cùng nhau thôi. Mình nhớ hồi ấy có khoảng sân rộng lắm. Tất cả trẻ con đều tụ tập thành từng nhóm để chơi trò chơi. Chắc là bây giờ bọn trẻ con sẽ ít đứa biết đến ô ăn quan hay nhảy bậc thang, lò cò, chơi âm hay giải phóng đâu nhỉ. Mỗi vùng miền sẽ có những tên gọi khác nhau nhưng mình tin là lứa chúng mình thì ở đâu cũng chơi những trò như thế. Có hôm thì bọn con gái chơi nhảy dây với nhau. Những cái dây chun được tết từ nịt vàng và có muôn vàn những trò nhảy dây khác nhau được biến tấu để cho thú vị. Mình nhớ có một hôm mải chơi quá bố mẹ gọi về không về thế là bố mẹ khóa cửa cho ở ngoài. Nhà mình thì có 1 cái cửa sổ với những song sắt thẳng nhau. Thế là suy nghĩ của 1 đứa bé 6 tuổi lúc đấy là sợ quá làm thế nào để có thể chui được vào nhà vì gọi mãi bố mẹ không mở cửa cho. Và rồi con bé chui đầu qua cửa sổ đấy với mong muốn chui được vào nhà nhưng lại bị mắc kẹt ở cổ và kết cục là đầu ở trong thân ở ngoài. Nghĩ lại mới thấy tuổi thơ mình cũng dữ dội thật.
Trò chơi nhảy dây
Rồi mình nhớ hồi đó ở xóm trên có một cây nhót. Đến mùa nhót là ôi thôi quần áo đứa nào đứa nấy toàn là chấm vàng vàng của quả nhót. Chúng nó phải tìm những cái quần nào ráp ráp nhất để mặc lên mài nhót. Thi nhau mài lấy mài để xem đứa nào mài được quả nhót mịn nhất đỏ nhất rồi chấm muối ăn. Ôi chao sao mà nó ngon vô cùng. Bọn trẻ bây giờ thì nào bánh nào kẹo nào vô vàn những thứ đồ ăn vặt thơm ngon. Nhưng tuổi thơ của mình gắn liền với những ngày tháng trèo cây xoan trà xanh chấm muối ăn hay quả trứng cá đỏ rực. Nó xanh, nó chua nhưng mà đứa nào đứa nấy ăn lấy ăn để. 
Tuổi thơ của mình lớn lên với muôn vàn sự ngây thơ, trong sáng và thú vị như thế đấy. Thế nên mình mới thấy thương lũ trẻ con bây giờ. Làm gì có những khoảng sân rộng để tha hồ vui đùa với nhau. Làm gì có chuyện đi học về nhanh nhanh chóng chóng cất cặp sách để chạy ra ngoài vui chơi với các bạn. Thay vào đó chúng nó chỉ biết cắm mặt vào điện thoại tìm kiếm niềm vui ở những video trên youtube hay những trò chơi điện tử. 
Đồng ý là internet phát triển bọn trẻ con sẽ có điều kiện tiếp xúc với những thứ mới mẻ và hiện đại hơn nhưng chắc chả bao giờ chúng nó được trải nghiệm những điều thú vị như mình đã trải qua. Mình không biết sau này lớn lên chúng nó sẽ có ký ức về tuổi thơ của chúng nó như thế nào nhưng dưới cái nhìn của một người đã có một kỷ niệm thơ ấu được coi là dữ dội như mình thì mình thấy thương chúng nó vô cùng.