Bốn mùa nhớ Bản
Hồi bé, chân chẳng đi đâu xa hơn mấy quả đồi, mắt chưa lần nào vượt qua tầm của mấy ngọn núi bao quanh cái bản nhỏ nằm trong thung...
Hồi bé, chân chẳng đi đâu xa hơn mấy quả đồi, mắt chưa lần nào vượt qua tầm của mấy ngọn núi bao quanh cái bản nhỏ nằm trong thung lũng khoảng chục cây số, bởi vậy mà tôi đã nghĩ rằng ngoài kia ai cũng đều như mình, đều sinh ra và lớn lên nơi núi rừng xanh biếc, sáng theo trâu lên núi, chiều tụ nhau quanh bãi đất dưới chân đồi đá bóng, đánh khăng. Lớn lên, được đi nhiều nơi, mới vỡ ra rằng, mình đích thị là kẻ may mắn khi có cả một tuổi thơ thật đẹp, vô cùng sinh động dù những kỷ niệm đó chỉ giới hạn vỏn vẹn nơi dải đất hẹp, những mảnh ruộng thưa, vài mái nhà, vây quanh bởi những ngọn núi chưa già.
Tôi là người dân Kinh, nhưng lại sống ở bản sâu trong núi. Cha kể, ngày cha mẹ còn nhỏ đã theo ông bà di cư lên đây để làm kinh tế mới, khai khẩn đất hoang, người Kinh ở lẫn với người Thái, Thổ; dần dần tụ lại thành Bản nhỏ gồm mấy chục hộ sống với nhau thế hệ này qua thế hệ khác. Làng dài và hẹp. Phía trước là ruộng lúa từng bậc trải men theo bờ suối, tiếp đến là lớp nhà nhấp nhô lẫn mái tranh rạ và ngói đỏ, phía sau làng là núi. Làng ngoằn ngoèo theo hình con suối, vì vậy đầu trên và đầu dưới làng đều phải có cầu để người làng đi được ra ngoài. Ngày xưa, mọi người chỉ đi bộ thì cả hai chỉ là cầu tre, hẹp chưa đến một mét chiều ngang, mỗi lần đi qua là lại đung đưa theo nhịp bước. Người đi trên, trâu bò lội nước. Nhưng giờ nhà ai cũng có xe máy, rồi cả ô tô vào bản chở mía, mua keo nên người ta phải một chiếc cầu để tiện đi lại, thành ra chỉ còn lại 1 chiếc cầu tre duy nhất, và đó cũng là lối yêu thích nhất của tôi mỗi độ về làng.
Nhà ở đây tuy nghèo nhưng rất rộng: vườn rộng, ao rộng, sân rộng. Mỗi nhà đều có một khoảng đất gần héc ta chia thành các khoảng nhỏ, hầu như nhà nào cũng đều giống nhau, cổng dài ngoằng dẫn vào sân, trước sân là cây dừa cao lớn, mảnh vườn bốn mùa đều xanh với đủ loại rau từ miền xuôi lên miền ngược, sau nhà là nương. Nhà chẳng mấy khi có người ở vào ban ngày, mọi người đều ra đồng, lên nương hết nhưng cửa thì chẳng khóa bao giờ. Ngoại trừ nhưng buổi trời mưa giông, ai nấy đều phải ở nhà, đấy được xem như ngày nghỉ của cả nhà, những hôm như thế đi đến nhà nào cũng sẽ được mời ăn ngô rang giòn, khoai xéo, hay cơm cá kho măng.
Sau làng, những quả đồi nhấp nhô, xanh ngút mắt. Từng lớp rừng đã nuôi lớn tuổi thơ tôi, ôm ấp ước mơ tôi từ ngày bé bỏng. Chỉ cần nghĩ đến những buổi chăn trâu, nằm yên dưới tán cây trong tiết trời trong vắt, lặng nghe từng luồng gió vờn trong không khí, đó là sự thảnh thơi hiếm hoi và quý giá. Thuở bé, tôi thường cùng anh chị em chăn trâu thả nghé, bốn mùa gắn với rừng nhưng chưa phút giây nào thấy chán: mùa xuân, chúng tôi hái hoa giẻ bỏ đầy nón mang theo người, bẻ đót về cho cha kết chổi; hè về thì tìm chim non, hái vải, roi rừng; thu sang đưa nhau đi bẻ măng xâu thành từng xâu nhỏ, cuối ngày mẹ sẽ làm món măng luộc chấm chẻo cho cả nhà; còn mùa đông là tiết chúng tôi mong đến để kéo nhau đi nhặt hạt dẻ, đi trộm sắn, khoai hay mía để nướng, để bẻ vội chia nhau như một thứ quà quý giá trong cái lạnh khắc nghiệt của miền Trung. Giờ, có thể không nhớ lại được khúc mía có ngọt không, nửa khoai đã chín chưa, có bở không, hay củ sắn nhổ vội trong vườn lạ kia là bùi hay đắng, nhưng chắc chắn một điều rằng những thứ đó là những vị tuyệt vời nhất trong thế giới tuổi thơ của những đúa trẻ vùng quê như chúng tôi.
Sinh ra ở quê, lớn lên trong lòng núi rừng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chán. Dù phải đi xa, nhưng vẫn có thể nhớ rõ từng gốc mít, ngôi nhà, từng khoảng sân bỏng chân con trẻ mỗi độ trưa hè.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất