Chủ đề này có thể gây lạ lẫm cho nhiều người, cũng có thể làm cho nhiều người nổi nóng bởi vì chúng ta sẽ tự hỏi một thói quen giản đơn làm sao có thể định hình nên bản chất của con người. Tuy nhiên, có một câu nói được truyền tụng nhiều có thể áp dụng chính xác vào trường hợp này, đó là câu: Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận. “Hành động” và “thói quen” ở đây chính là hành vi hút thuốc đã phát triển thành một thói quen, và rõ ràng là chúng xuất phát từ suy nghĩ của con người, chính những con người này đã nghĩ rằng loại hành vi này là chuyện nhỏ, có thể dung thứ được nên họ đã thực hiện nó lặp đi lặp lại trong đời sống thường ngày. 
Ngay từ khi chưa bắt đầu hút, bên trong những con người này đã có sẵn những đặc điểm tính cách ấy, nhưng nó chưa phát triển đến mức độ cực đoan. Thực chất bên trong mỗi chúng ta đều có những tính xấu, tuy nhiên qua hàng loạt sự lựa chọn khác nhau trong cuộc sống chúng ta có thể hạn chế chúng, thậm chí trừ bỏ đi chúng để trở thành những con người tử tế. Nhìn chung thì không có lựa chọn nào là dễ dàng, nhiều lựa chọn đòi hỏi chúng ta phải đánh đổi, song cũng có những lựa chọn là dễ dàng hơn các lựa chọn khác và chúng không yêu cầu sự đánh đổi nào cả, thì trong đó nói không với thuốc là chính là một trong những lựa chọn dễ dàng nhất. 
Tôi lập luận như trên để chứng tỏ rằng một lựa chọn có thể nói là dễ dàng nhất để thực hiện mà những người nghiện thuốc lá còn chọn hướng đi tiêu cực thì nói gì đến những lựa chọn khó khăn hơn trong cuộc sống, liệu chúng ta có thể kỳ vọng họ lựa chọn điều tốt chăng? Chắc chắn kỳ vọng đó là viển vông. 
Trong một xã hội nhiễu nhương, để trở thành những con người tử tế không phải là chuyện đơn giản. Nó cần chúng ta phải chọn lựa các lựa chọn từ dễ đến khó. Thuốc lá là cột mốc đạo đức của con người, một hòn đá tảng để từ đó chúng ta có thể nhìn ra đó là người xấu hay người tốt. Một khi chúng ta đã bước về một bên của cột mốc này thì nó sẽ quyết định con đường nhân cách của chúng ta. Điều này tất nhiên không phải là tuyệt đối nhưng nó định hình rất rõ ràng mọi thứ sau đó. Trái với sự lựa chọn trở thành người tốt, các lựa chọn bê tha rất có sức lôi cuốn con người, nó hấp dẫn và ánh lên nhiều màu sắc để khuyến dụ người ta lao theo và trượt dài trên con đường xuống vực thẳm. Trong khi đó các lựa chọn khắc kỷ có xu hướng khó khăn và nhàm chán, tuy nhiên thực tế đã chứng minh con người càng nghiêm cẩn trong lối sống, thì họ càng có nhiều tự do hơn, đó chính là giá trị đích thực của cuộc sống.
Vì thuốc lá là hòn đá tảng hàng đầu và trước hết về đạo đức, nên những người hút thuốc đã vượt qua nó trên con đường tiến xuống vực thẳm. Trên con đường này các tính xấu cố hữu của con người họ ngày càng được phóng đại đến mức không thể quay đầu lại. Giống như việc khi để cho một con vi trùng nguy hiểm xâm nhập vào cơ thể, thì nó không chỉ tàn phá chỉ một cơ quan nào đó mà còn tàn phá tất cả các nội quan khác, và nó tiến đến tàn phá nhân tính của họ luôn. Dĩ nhiên, một con vi trùng theo nghĩa đen không thể tàn phá nhân tính con người được, nhưng làn khói thuốc lá thì có thể. Sau đây là năm đặc điểm về nhân cách của họ mà sẽ “được” thuốc lá tạo nên:
Đặc điểm 1: Sẵn sàng hút ở mọi nơi, mọi lúc có thể.
Đây là đặc điểm chung của những người nghiện, từ này thường được dùng để chỉ việc nghiện ma túy hay nghiện rượu, nhưng bất cứ thứ gì trong cuộc sống cũng có thể gây nghiện từ nghiện mua sắm, nghiện việc, nghiện bằng cấp, nghiện game, v.v.... Vì thuốc lá là hòn đá tảng đạo đức, nên việc nghiện nó chính là một sự đồi bại nghiêm trọng. Khi cái nghiện đã hình thành, thì họ luôn chực chờ mọi lúc, mọi nơi để hút cho thỏa cái cơn thèm của mình. Thậm chí nó biến thành động vô thức mà đến chính họ cũng không nhận ra là mình đang hút. Nó làm cho tần suất thực hiện hành vi ngày càng trở nên dày đặc hơn, khi nhìn thấy một người như vậy trong đời sống thường ngày thì có đến 90% khả năng là chúng ta sẽ trông thấy họ đang cầm điếu thuốc bất kể là ở đâu. 
Không có chuyện một người hút thuốc mà biết tiết chế như họ hay khẳng định, họa chăng nếu có thì điều đó chỉ có tính tạm thời. Họ không thể tiết chế nổi vì họ đã bước qua lằn ranh đạo đức rồi, trên con đường xuống vực thẳm thì họ chỉ có thể ngày càng trượt nhanh hơn mà thôi. Họ sẽ hút hết từ điếu này qua điếu khác chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hút hết từ bao này qua bao khác chỉ trong một ngày. Chỉ cần ngồi xuống, đứng lại là họ lập tức châm lửa bất kể đó là ở đâu, họ thậm chí hút khi đang di chuyển trên đường phố, hay khi đang chạy dưới trời mưa thì họ cũng hút được. Chuỗi hành vi: [Rút điếu thuốc → châm lửa → xả khói → vứt tàn thuốc bừa bãi] trở thành một phần bản chất của họ. Nếu bất đắc dĩ rơi vào một tình huống không thể hút thuốc thì họ trở nên bứt rứt, bồn chồn không yên đến nỗi họ phải tìm cách thoát khỏi tình huống ấy để phục hồi lại cái bản chất NGHIỆN của mình. Không khi nào chúng ta thấy họ rời xa một bao thuốc hay cái gạt tàn, đến mức nếu chúng ta quan sát họ đủ lâu thì ta sẽ thấy việc họ không cầm trên tay điếu thuốc hay bao thuốc là một chuyện quá đỗi lạ lùng.
Sẽ là chuyện lạ lùng nếu bạn thấy trên tay họ không cầm điếu thuốc và cái hộp quẹt.
Đặc điểm 2: Kiêu ngạo, vĩ cuồng.
Một điều lý thú mà tôi nhìn thấy ở những người hút thuốc đó là tính kiêu ngạo, tính cách này thậm chí có ở cả những cô cậu choai choai mới tập tành hút xách. Chúng ta đã chẳng phải thấy rõ các học sinh lén hút thuốc là những học sinh cá biệt đấy sao? Kiêu ngạo chính là đặc trưng của các học sinh cá biệt. Trong khi đó ở những người không có thói quen này thì sự kiêu ngạo nếu có cũng không lớn đến như thế. Rõ ràng thuốc lá đã thổi bùng sự ngạo mạn của con người, họ tự cho rằng mình hơn người, không có ai đặc biệt như họ, họ cool-ngầu hơn người khác (?), mặc dù chúng ta không biết họ hơn người ta ở điểm gì? Bạn sẽ thấy những người hút thuốc hay có thói quen “nổ”, hay nói những điều phóng đại, tán hươu tán vượn về bản thân họ ở nơi công cộng. Đôi khi những người này hay tỏ vẻ “sầu đời”, như một cách thể hiện rằng ta đây cũng có cảm xúc, biết ưu tư về nhân tình thế thái, nhưng chính cái hành vi của họ đã cho thấy họ mới là nỗi sầu cho những người xung quanh. Tỏ ra ưu tư nhưng sống không ra gì thì cái ưu tư đó chỉ là giả tạo, nó hoàn toàn rỗng tuếch.
Với một kẻ kiêu ngạo, họ không bao giờ chấp nhận sự góp ý từ người khác, bởi vì họ luôn cho rằng mình làm đúng, sự góp ý chính là mang ý đồ phá hoại đối với họ. Chúng ta hãy thử khuyên bảo một học sinh cá biệt để thấy chúng phản ứng như thế nào? Chắc chắn là chúng sẽ không bao giờ nghe lời và luôn tìm cách chối quanh hay ngụy biện. 
Bạn sẽ thấy người hút thuốc hay ngồi lê la ở các quán nhậu lề đường và vỗ ngực tự xưng mình giỏi giang, tán dóc về đủ thứ chuyện trên đời và tự cho rằng mình hiểu biết mọi chuyện, như thể họ là những bậc thầy của vũ trụ. Kỳ thực họ là ai bạn thì bạn đã thấy rõ.
Đặc điểm 3: Côn đồ.
Thói quen nghiện ngập cần phải được bảo vệ, đó là lý do vì sao nó sẽ ngày càng tiến triển thành bạo lực để bảo vệ cái quyền được thực hiện hành vi. Vì trong xã hội hiện nay, hút thuốc không phải là hành vi bị cấm chỉ nên ít thấy họ có biểu hiện côn đồ, nhưng với ma túy thì chúng ta thấy rõ cách mà một người lên cơn nghiện sẽ hành xử như thế nào. Nói như vậy không có nghĩa là người hút thuốc không cần phải có biểu hiện côn đồ, mà cái bản tính côn đồ ấy nó luôn thủ sẵn trong con người của họ để chực chờ có dịp bộc phát qua các tình huống khác trong cuộc sống. Khi đã nghiện thuốc thì họ có xu hướng trở thành những kẻ bạo hành trong gia đình, sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay trong các tình huống không vừa ý. Môi miện của họ luôn chất chứa những lời nói thô tục sẵn sàng trút vào người khác khi có mâu thuẫn, tính côn đồ chính là ở chỗ đó. Nếu là một người con thì họ dễ trở thành kẻ bạo hành cha mẹ già yếu của mình, nếu là cha mẹ thì họ dễ trở thành kẻ hành hạ con cái, nếu là chồng thì họ dễ thành kẻ bạo hành vợ mình, nếu là bạn bè thì họ là người bạn xấu, v.v… Trong mọi mối quan hệ xã hội, một người hút thuốc thường là kẻ phản diện, tiêu cực cần phải bị tránh xa.
Cái tính côn đồ này có thể được giải thích rằng, sở dĩ họ có xu hướng trở thành những kẻ côn đồ là vì cái con người bên trong của họ đã bị thuốc lá làm cho yếu đuối đi từng ngày. Sức khỏe xuống dốc là một, sức khỏe tâm thần ngày càng bất ổn là hai, thế nên khi hai điều trên tuột dốc nó buộc họ phải thể hiện ra bên ngoài là kẻ hung hãn để khỏa lấp đi cái thể trạng yếu ớt bên trong. Điều này y hệt như ở người nghiện ma túy, họ rất hung hăng dữ tợn bởi vì con người bên trong họ đã kiệt quệ rồi, người hút thuốc cũng tương tự vậy. 
Chúng ta sẽ không thấy người hút thuốc sử dụng bạo lực để bảo vệ thói quen hút thuốc của họ đâu, vì không cần thiết, nhưng họ sẽ sử dụng trong vô số tình huống khác. Nếu bạn có quen một người nào đó hút thuốc, thì hãy chuẩn bị sẵn cho trường hợp họ sẽ sử dụng bạo lực với bạn nếu như có mâu thuẫn. 
Nhan nhản trên các tờ báo hiện nay, bạn thường thấy tình huống một nhóm thanh niên-thiếu nữ có mâu thuẫn với một hay một nhóm thanh niên khác và dẫn đến kết cục đổ máu, bạn sẽ không lầm đâu nếu kết luận rằng những con người đó đều là những kẻ nghiện thuốc lá. Hiếm có một người không hút thuốc nào mà lại đi dây vào các mối quan hệ như vậy. Giả sử như các mâu thuẫn ấy là mối thù truyền kiếp, lâu năm thì còn có thể giải thích được, đằng này các mâu thuẫn ấy rất vụn vặt, nhỏ đến mức không thể nghĩ rằng nó là mâu thuẫn nữa, ấy vậy mà họ đánh giết nhau y như dã thú thì có thể thấy bạo lực luôn là thứ họ khao khát sử dụng ra sao! Bởi lẽ tâm hồn họ đã bị thuốc lá làm cho quá yếu rồi, bất cứ đụng chạm nào cũng làm cho nó nổi cơn thịnh nộ. 
Rõ ràng thuốc lá không chỉ tạo ra những ung nhọt trong chính cơ thể họ mà còn biến toàn bộ con người họ thành những khối ung nhọt vô phương cứu chữa trong xã hội. Ung nhọt thì yếu ớt rất dễ tổn thương, dễ vỡ nhưng nó lại gây đau đớn cho toàn cơ thể [xã hội], sự đau đớn ấy chính là các hành vi bạo lực của người hút thuốc.
Những thành phần như thế này, liệu bạn có chắc là họ chưa động đến điếu thuốc trước khi dùng hung khí? Thuốc lá không phải là thứ phụ thêm trong hành trang tù tội của họ, nó chính là khởi nguồn của mọi vụ phạm tội, mọi hành vi bạo lực, mọi hành xử vô nhân tính.
Chúng ta hãy quan sát cách mà một tế bào lành mạnh trong cơ thể làm việc, nó đóng góp vào việc xây dựng cơ thể, bảo vệ cơ thể trước các mối họa bên ngoài và dự trữ năng lượng. Chính vì nó lành mạnh nên nó không bao giờ gây đau đớn cho cơ thể như các tế bào ung thư. Cũng tương tự vậy, những con người có nội tâm mạnh mẽ luôn hòa nhã và trầm ổn, họ hiền lành và nhu mì, họ xây dựng nên một xã hội tốt đẹp, bạo lực không bao giờ được tìm thấy ở họ, họ chính là những người nói không với thuốc lá. Còn những người hút thuốc như những tế bào ung thư, họ đi đến đâu là phá hủy đến đó, gây đau đớn cho gia đình và xã hội đến đó. 
Nếu bạn còn hoài nghi về mối nguy bạo lực từ người hút thuốc, hãy tham khảo bài viết dưới đây:
Bệnh nhân đốt bệnh viện vì bị nhắc nhở khi hút thuốc lá (thanhnien.vn/thoi-su/benh-nhan-dot-benh-vien-vi-bi-nhac-nho-khi-hut-thuoc-la-1164386.html)
Đặc điểm 4: Vô cảm, đạo đức giả.
Đạo đức giả được hiểu đơn giản là có những lời nói và hành vi “tốt lành” trái hẳn với động cơ thật bên trong. Chúng ta có thể đã đạo đức giả ở một thời điểm nào đó, nhưng nếu không phải là một người hút thuốc, thì chúng ta không có sự thôi thúc mạnh mẽ để trở nên đạo đức giả hơn. Mọi thứ chúng ta làm đều trở nên thật lòng hơn theo thời gian. Người hút thuốc trái lại, họ đã ở phía bên kia của hòn đá tảng đạo đức nên mọi điều họ làm dưới danh nghĩa tốt lành đều mang tính đạo đức giả. Giống như một tế bào ung thư, dù trên danh nghĩa nó vẫn được gọi là một tế bào và nó cần phải thực hiện các chức năng bình thường, nhưng vì nó đã bị biến đổi nên mọi thứ nó làm đều là gây nguy hại. Người hút thuốc lá tất nhiên có tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng đều sẽ gây nguy hại theo thời gian. Như tôi đã nói ở trên, người hút thuốc có một cơ thể rệu rã và nội tâm yếu đuối, nên họ không thể làm được việc gì ra hồn. 
Khói thuốc lá không chỉ đơn giản là thứ khói có thành phần hóa học đơn giản như khi chúng ta đốt giấy hay đốt rơm rạ, nó bao gồm ngàn hóa chất độc hại khác nhau. Không những vậy sức khuếch tán của nó rất xa và rộng, giả sử nếu có một người đang hút thuốc thì người khác đứng cách họ trong bán kính khoảng 20 mét đều nghe thấy mùi khói thuốc, tùy vào hướng gió. Thậm chí có nhiều trường hợp bạn nghe thấy mùi khói này mà không nhìn thấy ai đang hút, bởi vì nó còn vương trong không khí sau khi họ đã đi qua từ lâu. Như vậy khi bạn hút thuốc, khả năng mà bạn không hề làm ảnh hưởng tới người khác hầu như bằng zero, trừ phi bạn đang ở một mình trong căn phòng kín. Người hút có biết điều này không? Tôi cho rằng họ không chỉ biết mà còn biết rất rõ, họ không phải là con nít để cần phải dạy dỗ rằng làm điều này hay điều kia là sai trái. Tuy nhiên họ phớt lờ đi để thỏa mãn thú vui. Đó là sự vô cảm ở mức độ man rợ, dã thú nhất. Thông thường chúng ta hay coi “vô cảm” là tình huống người ta thấy người bị nạn, tật bệnh mà không cứu, thấy bất công mà im lặng. Những tình huống vô cảm đó ít nhiều còn có thể thông cảm được bởi lẽ có rất nhiều lý do mang tính thuyết phục cao để biện minh. Còn đầu độc người khác một cách ngang nhiên như thế này có lý lẽ gì để biện hộ? Nó trắng trợn và công khai một cách đáng sợ, nó mang tính chủ đích một cách hoàn toàn, bạn không đào đâu ra một lý do nào để giải thích cả, ngoài năm từ: nghiện đến vô nhân tính. Bạn đã hiểu vì sao tôi gọi thuốc lá là hòn đá tảng hàng đầu của đạo làm người chưa?
Họ không thể quan tâm đến người khác, bạn có thể viện dẫn một số trường hợp có nhiều người hút thuốc vẫn có cử chỉ đẹp như dắt người già qua đường, cư xử lễ độ hoặc họ là người con hiếu thuận, v.v… Tôi đánh giá những hành vi ấy không thật, khi họ bước qua cột mốc đạo đức này thì mọi hành động của họ đều giả dối và vô nghĩa. Vì sao? Vì khi họ làm một hành động tốt trong khi vẫn đều đều xả độc vào phổi người khác thì bạn cho rằng việc làm nào là dễ dàng hơn? Nhiều việc làm tốt đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, phải bỏ ra ít nhiều công sức để làm, trong khi có những việc làm tốt chỉ đòi hỏi công sức bỏ ra bằng zero. Đạo làm người là phải đi từ dễ đến khó, việc dễ làm không xong nhưng đòi làm việc khó thì kẻ đó đích thị là truy cầu thành tích, danh vọng và lời khen của người đời. 
Đánh giá một con người tưởng là khó nhưng khi đem hòn đá tảng này ra làm mốc thì dễ không tưởng. Theo một thống kê cũ vào năm 2015 thì tỷ lệ chung ở cả nam lẫn nữ tại Việt Nam là 22.5%, trong đó nam giới chiếm 45.3% và nữ giới chiếm 1.1%. Chúng ta có thể liệt thẳng 22.5% con người kia vào hàng vô giáo dục, vô đạo mà không sợ sai lầm. Nếu xét riêng nam giới VN thì có 45.3% người vô đạo, bất kể họ đang mang danh xưng gì, từ giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân, giáo chức, giao hàng, lơ xe cho đến người ăn mày. Nó lý giải cho việc tỷ lệ phạm tội của nam giới luôn cao hơn nữ giới, các nhà tù, các trại giáo dưỡng, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các tụ điểm ăn chơi trác táng, các sòng bạc, các nhà xác, các lò hỏa táng và thậm chí cả trường bắn đều chật ních nam giới chứ không thấy phụ nữ. Tuy vậy họ vẫn tự vỗ ngực cho rằng ta đây tốt đẹp hơn phái nữ, ta đây vốn gánh những trọng trách lớn lao. Thật không có sự hoang tưởng nào lớn bằng. Nói ra thì xúc phạm loài ếch, nhưng tôi thấy nó giống như con ếch dưới đáy giếng luôn tự cho mình cao sang hơn người mà có biết đâu không hề có được nhân tính cơ bản của con người mà đòi cao sang? Nếu bạn có thể tiến hành được một thống kê toàn diện về số nam giới đang ở trong các nhà tù và cộng thêm những kẻ bất hảo nhan nhản ngoài xã hội từ trẻ đến già thì chắc hẳn tỷ lệ đó phải ở mức xấp xỉ 45.3%. Chính là tỷ lệ người hút thuốc lá!
Thực ra việc nói ra những điều quá sức căn bản này với những người hút thuốc cũng bằng thừa, vì họ sẽ phản ứng lại bằng đủ loại ngụy biện, thậm chí bạo lực nếu có thể. Tâm trí họ đã chai lỳ từ rất lâu. Nói là để nói cho những ai không hút biết và nghe với nhau mà thôi. Sự chai lỳ của họ dường như là không thể đảo ngược được. Giống như bạn đi đến một tụ điểm ăn chơi nhảy múa, nơi có các nam thanh nữ tú đang nhảy nhót xập xình, hút thuốc, nốc rượu như điên dại để nói rằng họ đang lao xuống vực thẳm xem họ có nghe không? Chắc chắn là không rồi. Tới lúc họ lãnh nhận hậu quả chưa chắc là họ đã nhận sai thì lúc này, đương khi còn có sức để thỏa thê hút hít, họ còn kiêu ngạo tới đâu? Việc duy nhất người ta có thể làm là tránh xa họ ra.
Đôi khi tôi thấy mình quá may mắn khi có cha mẹ không những là người tránh xa, mà còn rất ghét thuốc lá. Đối với tôi đó là một món quà thật vĩ đại. Có một thứ rất nhỏ bé mà bạn chỉ cần chạm vào nó, bạn lập tức trở thành những kẻ ti tiện nhất lịch sử, còn khi bạn tránh xa nó, bạn tức thì trở thành vĩ đại.