Gia đình hoàng gia cuối cùng của triều đại Romanov

Vào lúc rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918, gia đình Romanov được những lính gác đánh thức trong căn hộ ở Yekaterinburg. Họ, bao gồm cựu hoàng Nicholas, cựu hoàng hậu Alexandra, bốn cô con gái và cậu con trai Alexei, và những người hầu trung thành được yêu cầu xuống hầm để di tản ra khỏi vùng chiến sự. Bế con trai bị ốm của mình trên tay, vị cựu hoàng bình tĩnh dẫn gia đình đi xuống căn hầm định mệnh, nơi họ sẽ vĩnh viễn không được nhìn thấy ánh mặt trời, một cái kết đầu bi kịch cho bốn cô công chúa Nga. Suốt một thời gian dài tên của bốn cô gái đã bị rơi vào quên lãng, cho đến khi nhà nước Xô Viết sụp đổ vào năm 1991. Hiện nay, căn họ nơi họ ngã xuống đã được thay thế bằng một nhà thờ, Nhà thờ Máu, nơi người dân Nga đến để tưởng nhớ đến họ như những vị thánh nữ.

Nhà thờ Máu ở Saint Petersburg, Nga.

Olga Nikolaevna. Tatiana Nikolaevna. Maria Nikolaevna. Anastasia Nikolaevna.

Đây là bài viết trong chuỗi bài viết nhân dịp 100 năm Cách mạng ở Nga (1917-2017). Bài viết này nhằm để tưởng nhớ về bốn cô công chúa cuối cùng của triều đại Romanov.

Ngọn lửa âm ỉ

Cách đây đúng 100 năm, ngày 2/3 năm 1917, Sa hoàng Nicholas II thoái vị theo yêu cầu của phe đối lập trong quốc hội Duma, chấm dứt cho sự thống trị của dòng họ Romanov ở Nga trong suốt 304 năm qua (1613 – 1917). Bắt đầu từ đây là chuỗi ngày đen tối cho vị cựu hoàng cùng gia đình của ông.

Tranh vẽ người nông dân Nga vào thế kỷ 19.

Trước hết hãy tìm hiểu một chút về bối cảnh ở nước Nga vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Vào cuối thế kỷ 19, Nga là quốc gia nghèo đói và lạc hậu nhất ở châu Âu vì sự kìm kẹp của chế độ nông nô. Theo chế độ này, Sa hoàng Nga cùng với tầng lớp quý tộc, vốn chỉ chiếm 5% tổng dân số, lại kiểm soát 90% đất đai của cả nước, đất đai của một quốc gia trải dài từ Ba Lan đến tận Nhật Bản. Và trong 130 triệu con người sống ở Nga đó, 95% số người phải làm việc cật lực để nuôi 5% số người trong tầng lớp quý tộc, phải đóng thuế vô cùng cao và sống trong nghèo khổ cùng cực. Ông nội của Nicholas II là Sa hoàng Alexander II (1855-1881) là người cấp tiến, đã cố gắng đưa ra những cải cách về chính trị và kinh tế để giúp quốc gia phát triển. Nỗ lực lớn nhất của ông là tạo nền móng để xây dựng hiến pháp cho một nhà nước mới, đưa nước Nga theo hướng mô hình quân chủ hiện đại như ở Đức hoặc Anh, tuy vậy dự thảo chưa kịp công bố thì ông đã bị ám sát vào năm 1881. Người kế vị của ông là Alexander III, do nghe theo lời của phe bảo thủ, đã phá bỏ những cải cách đó, làm tiêu tan những hi vọng có thể hòa giải với những người đối lập, chủ trương dùng bạo lực tiêu diệt phản kháng hơn là đối thoại. 


Bài cùng tác giả:


Khi Alexander mất vào năm 1894, Nicholas II lên kế vị khi chỉ mới 26 tuổi và vì là người mềm yếu, không có hứng thú cai trị, Nicholas II để bộ máy tự vận hành và ông chỉ chú tâm đến gia đình của mình. Hậu quả là nước Nga rơi sâu vào thêm khủng hoảng chính trị lẫn ngoại giao, dẫn đến sự thất bại nhục nhã trong chiến tranh Nga – Nhật (1894 – 1895), sự kiện Ngày Chủ Nhật Đẫm Máu năm 1905 và Cách mạng tháng Hai năm 1917.

Sa hoàng Nicholas II

Lễ đăng quang của Sa hoàng vào năm 1894.

Những thiên thần không được mong muốn

Olga Nikolaevna (sinh ngày 03/11/1895) Tatiana Nikolaevna (10/06/1897), Maria Nikolaevna (26/06/1899) và Anastasia Nikolaevna (12/08/1901) là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Sa hoàng Nicholas II và Alexandra, con của công chúa Alix của vùng Hesse-Damstadt, cháu của Nữ hoàng Anh Victoria, vào năm 1894, chỉ một thời gian ngắn sau khi cha ông mất.

Đây có thể nói là một cuộc tình đẹp có diễn biến như trong truyện cổ tích. Gia đình hai hoàng gia, mẹ của Nicholas và nữ hoàng Victoria đều phản đối cuộc hôn nhân. Phía bên hoàng gia Nga phản đối vì Hoàng hậu Alexandra Feodorovna, không hợp tính mẹ vợ, còn nữ hoàng Victoria thì lại không hề thích nước Nga, cho rằng đó là một vùng xa xôi, xa cách văn minh nhân loại. Cả hai không chỉ gặp rắc rối từ phía gia đình mà còn từ phía bản thân vì Alexandra chỉ nói được tiếng Anh và tiếng Đức, không thể nói được tiếng Nga hay tiếng Pháp (tiếng Pháp rất phổ biến trong giới quý tộc Nga bấy giờ). Sa hoàng và hoàng hậu chỉ có thể giao tiếp tốt với nhau bằng tiếng Anh.

Nhưng bất chấp tất cả, họ vẫn đến với nhau với tình yêu rực lửa trong tim mình.

“Mặt trời bé nhỏ của anh, tình yêu của anh cho em là không thể nói nên lời. Nó lấp đầy anh và khiến đêm tối bừng sáng trong những ngày này.

My own precious little sunny, my love for you is unspeakable. It fills me utterly and makes the darkness of these days bright.” (Thư của Sa hoàng Nicholas II gửi cho hoàng hậu Alexandra)

“Chưa bao giờ em lại nghĩ rằng sẽ có hạnh phúc tuyệt vời đến như thế trên thế giới này. Một cảm giác kết nối giữa hai con người trần tục. Em yêu anh, cả ba từ ấy chứa cả cuộc đời em. 

Never did I believe that there could be such utter happiness in this world. Such a feeling of unityy of two mortal beings. I love you, those three words have my life in them.” (Trích thư của Hoàng hậu Alexandra gửi cho Sa hoàng Nicholas II).

Tuy vậy tình yêu đẹp của họ lại bị thử thách thêm khi trong suốt 10 năm sau đó, mặc cho những lời cầu nguyện thiết tha của hoàng hậu và Sa hoàng, họ đã không thể hạ sinh được một người con trai để nối dõi. Khác với nhiều triều đại khác ở châu Âu bấy giờ, hoàng gia Nga vẫn đặt nặng việc sinh con trai để kế thừa ngai vàng. Đó là một áp lực cực kì lớn. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là hoàng hậu Alexandra bỏ mặc bốn cô con gái. Ngược lại bà chăm lo cho những người con của mình rất kỹ lưỡng. Bà không muốn vú nuôi làm điều đó mà đích thân để mình dạy con, chơi với con. Các cô con gái đều được dạy dỗ giáo dục kỹ lưỡng, họ phải tự gấp chăn cho mình, tắm nước lạnh vào buổi sáng để rèn sức chịu đựng. Họ tuy là công nương của cả nước nhưng họ không được cho phép sống xa hoa.

Olga là con cả. Công chúa được miêu tả là người có trái tim nhân hậu, nhạy cảm và mong muốn giúp đỡ người khác. Tuy vậy cô dễ nổi cáu và thường rơi vào tâm trạng không tốt. Trong một lần đứng để họa sĩ vẽ chân dung, do phải đứng quá lâu, Olga cáu lên và nói với người họa sĩ: “Ông là một người xấu xí và tôi không thích ông một chút nào!” Ngoài ra vì là con cả cho nên Olga cảm thấy rằng những người nhỏ hơn phải nể trọng và lắng nghe mình. Trong lúc học tiếng Pháp với thầy giáo của mình, khi được nghe giảng về cách dùng động từ và trợ động từ, cô công chúa mười tuổi liền nói với thầy: “À em hiểu rồi thưa thầy. Trợ động từ là người hầu của động từ. Chỉ có cái từ “avoir” tội nghiệp là phải bị thay đổi.” Olga thích đọc và không như các em của mình, cô cũng thích làm bài về nhà. Cô thích đọc về chính trị và sách báo.

Tatiana là con thứ hai và ở chung phòng với chị mình, Olga. Cả hai hợp lại thành một cặp đôi trong hoàng cung gọi là “Căp đôi lớn” (The big pair). Cô được đặt tên là Tatiana theo tên quê hương của nữ anh hùng trong truyện Eugene Onegin của nhà thơ nổi tiếng Alexander Pushkin. Cha của cô thích đặt tên cho hai cô con gái mình theo hai nhân vật chính trong bài thơ ấy. Tatiana là một người thực tế và có khiếu lãnh đạo từ nhỏ. Những chị em khác đặt biệt danh cho cô ấy là “Nhà toàn quyền” (The Governor) và cô ấy thường là đại diện cho bốn chị em để xin cha mẹ cho phép làm một điều gì đó. Mặc dù lớn tuổi hơn nhưng Olga không thấy phiền khi để Tatiana nắm việc ra quyết định trong nhiều tình huống. Cô ấy cũng là người gần gũi với mẹ nhất trong bốn chị em và nhiều người tin rằng cô ấy là người con gái mà hoàng hậu Alexandra yêu mến nhất. Tatiana luôn là người truyền đạt những quyết định của mẹ Alexandra. “Không phải là những chị em khác không yêu mẹ nhiều bằng” thầy dạy tiếng Pháp của các công chúa Pierre Gilliard kể lại “mà Tatiana biết cách thu hút sự chú ý và không bao giờ bị hấp dẫn bởi những cám dỗ nhất thời.” Alexandra trong thư viết cho Nicholas vào năm 1916 kể lại rằng chỉ có Tatiana là người duy nhất trong 4 anh chị em có thể hiểu được ý của mình khi mình giải thích vấn đề cho cô ấy.

Tatiana và chị

Olga và em gái Tatiana trong triều phục

Maria là thiên thần thứ ba không được mong muốn trong gia đình. Maria được coi là người ngoan hiền nhất trong cả 4 chị em và Olga lẫn Tatiana đều phản đối việc cho Maria chơi cùng vì Maria quá hiền và sẽ chẳng bao giờ muốn làm những trò nghịch ngợm như các chị. Thậm chí Sa hoàng Nicholas từng lo lắng vì cô con gái yêu của mình quá hoàn hảo và tỏ vẻ vui mừng khi một lần cô nghịch ngợm bằng cách trộm vài cái bánh quy trên bàn trà của ba. Người trông nom của Maria, Eagar, ghi lại rằng Maria rất yêu cha mình và cô bé luôn cố gắng trốn khỏi sự kiểm soát của Eagar để đi gặp “Papa của con”. Khi Sa hoàng Nicholas bị bệnh thương hàn, Maria bé nhỏ đã hôn vào tấm hình chân dung cha mình hằng đêm trước khi ngủ để mong cha khỏi bệnh. Khác với hai người chị, Maria có tính tình trầm hơn và thích suy nghĩ về bản thân. Cô có tài hội họa và hay phác thảo khunh cảnh bằng tay trái, nhưng hầu như không hứng thú với việc học hành. Mặc dù tính tình ngọt ngào, Maria đôi lúc trở nên cứng đầu và trở nên biếng nhác. Mẹ của cô phàn nàn trong một lá thư rằng Maria hay cau có và “coi thường” những người làm cô khó chịu. Tâm trạng thất thường của cô thường xảy ra vào mỗi kì kinh nguyệt. Cô gái trẻ Maria rất thích những lời tán tỉnh vui đùa của những người lính cai quản cung điện. Cô rất thích trẻ em và nếu không phải vì sinh ra trong gia đình hoàng gia, rất có nhiều khả năng cô sẽ lấy một người lính làm chồng và sinh thật nhiều con.

Anastasia là người trẻ tuổi nhất trong bốn cô công chúa và cùng với Maria, tạo thành “Cặp đôi nhỏ” (The little pair) trong cung điện vì cả hai chị em ở chung phòng với nhau. Anastasia có lẽ là người nghịch nhất trong các chị em, luôn chọc cười các chị và thích làm người khác cười. Cô được Pierre Gilliard miêu tả như là một người nhanh trí, và biết chọc cười người khác mà không quá lố. Anastasia đôi lúc sẽ ngáng chân giáo viên của mình hay là chơi chò trêu chọc họ. Cô ấy cũng hay leo lên cây và không thích tụt xuống. Trong một lần khác, khi chơi trên tuyết, Anastasia vo một quả bánh tuyết thật to và ném mạnh vào chị Tatiana, làm chị ngã xuống. Cô cũng không để ý mấy đến ngoại hình của mình. Hallie Erminie Rives, vợ của một nhà ngoại giao Mỹ, đã kể lại rằng Anastasia trong lúc ngồi ở nhà hát Saint Petersburg đã vô tư ăn sô cô la mà không cởi găng tay trắng của mình ra.

Cả bốn chị em được mẹ Alexandra giáo dục kiểu nhóm, tức tạo nên một “nhân cách nhóm” trong bốn người. Họ sẽ thường xuyên được mặc đồ giống nhau và dạy cách cư xử giống nhau. Tính cách nhóm này mạnh đến mức cả bốn chị em tự nhận mình là OTMA (Olga-Tatiana-Maria-Anastasia). Tính cách nhóm này được củng cố mạnh thêm sau một sự kiện lớn: sự chào đời của Alexei vào ngày 12 tháng 8 năm 1904.

Đứa bé bị nguyền rủa

Sự ra đời của hoàng tử Alexei vào năm 1904 như giúp Sa hoàng Nicholas II và hoàng hậu Alexandra trút đi được gánh nặng bấy lâu nay. Cả thành phố Saint Petersburg đã tổ chức ăn mừng chào đón người kế vị của hoàng gia, quân đội đã bắn 101 phát đại bác chào mừng, còn chuông của thánh đường thì ngân vang khắp nơi.

Tuy vậy bên trong cung điện, hoàng hậu Alexandra phải vật lộn với một sự thật kinh hoàng: hoàng tử Alexei bị bệnh máu không đông. Hoàng hậu gọi đây là một lời nguyền kinh khủng cho gia đình. Khi thấy cậu bé bị chảy máu không ngớt từ mũi, bà đã gọi người hầu ra phòng bên, khóc lóc đầy đâu khổ:

“Ngươi không biết ta đã cầu nguyện nhiều như thế nào để con của ta sẽ không bị lời nguyền di truyền này.

You don’t know how much I have been praying that our child would not have our inherited curse.”

Đây là căn bệnh di truyền được truyền cho Alexandra qua người mẹ của mình, công chúa Alix, và công chúa Alix thì được truyền lại từ mẹ mình, nữ hoàng Victoria. Tuy nhiên trong máu của Alexandra thì đây là gien lặn cho nên nữ hoàng không bị bệnh.

Sa hoàng và hoàng hậu đã làm mọi cách để giữ kín bí mật này bởi vì một đứa bé bị bệnh trong người được coi là “máu xấu” và là một điều không thể chấp nhận được trong hoàng gia. Alexandra làm mọi cách để bảo vệ đứa bé khỏi những tin đồn và góc nhìn của người ngoài cũng như bất kì một tác động vật lý nào có thể làm nó bị thương, vì đứa bé chỉ cần chảy máu một lần thôi thì nó cũng có thể chảy máu đến chết.

Bốn chị em OTMA ngay lập tức cảm nhận được sự thay đổi. Mọi ánh mắt bây giờ đổ dồn vào chàng hoàng tử nhỏ kia. Tuy vậy cả bốn chị em không hề cảm thấy ganh tị với hoàng từ mà còn bằng mọi cách bảo bọc cậu em bé nhỏ của mình, có thể là vì bản năng hoặc cũng có thể là vì được mẹ dặn.


Cuộc sống trong chiếc lồng vàng

Sau sự chào đời của Alexei, gia đình hoàng gia càng lúc càng sống tách biệt với mọi người chung quanh. Sa hoàng và hoàng hậu quyết định giới hạn sinh hoạt của gia đình mình trong khuôn viên cung điện và hạn chết tối đa sự tiếp xúc với bên ngoài. Có hai lý do chính cho sự việc này.

Đầu tiên là căn bệnh của Alexei. Sa hoàng và hoàng hậu mong rằng tách riêng gia đình ra khỏi xã hội hỗn loạn bên ngoài sẽ giúp bảo vệ bí mật của Alexei khỏi bị phát hiện và giảm thiểu bất kì tai nạn nào có thể xảy ra với cậu bé.

Lý do thứ hai là biến cố Ngày Chủ Nhật đẫm máu vào năm 1905. Ngày 22 tháng 1 năm 1905, những người dân Nga đã kéo đến cung điện Mùa Đông để mong gặp và trao thư cho Sa hoàng, mong Sa hoàng sẽ lắng nghe những lời khẩn cầu của họ, giúp họ thoát khỏi đói nghèo. Đó là truyền thống của nước Nga bấy giờ, khi người dân quá tuyệt vọng và không thể trong mong được sự giúp đỡ từ quan chức địa phương, họ sẽ gặp và trao thư cho Sa hoàng. Sa hoàng đối với họ như là một người cha, là chỗ dựa cho họ. Thế nhưng cuộc biểu tình ôn hòa này đã gặp phải sự đàn áp đẫm máu từ quân đội chính quyền. Đến giờ không rõ ai đã ra lệnh nổ súng vì Sa hoàng và gia đình bấy giờ không ở trong cung điện và cũng không ra lệnh tấn công. Sự tấn công của hoàng gia đã làm sụp đổ hoàn toàn mọi hi vọng nhận được giúp đỡ từ người dân. Mọi người nói với nhau rằng: “Bây giờ chúng ta không còn Sa hoàng nữa!” Biểu tình và bạo loạn đã nổ ra ở nhiều nơi sau đó. Còn Sa hoàng Nicholas, thay vì tìm cách xây dựng lại mối quan hệ với dân chúng, thì đã chọn cách sống khép kín hơn, tránh xa bạo loạn hơn.

Lý do thứ ba là do tính cách của Sa hoàng và hoàng hậu. Cả hai người đều không thích sự ồn ào của chốn kinh thành và hoàng cung, chỉ thích sự yên tĩnh và chỉ muốn tập trung lo cho gia đình mình. Ngoài ra Alexandra đã bị tổn thương cột sống vì thể trạng yếu và lại phải mang thai liên tục trong một thời gian ngắn. Hậu quả là bà đã phải thường xuyên nằm trên ghế sofa hoặc xe đẩy và ít di chuyển. Sự mệt mỏi, bệnh tật như đau nửa đầu, bệnh tim, bệnh tai cùng với sự lo lắng thường xuyên về chàng hoàng tử nhỏ đã khiến bà sống khép kín và tách rời với cả thành viên trong gia đình, đến mức ích kỷ. Bà hầu như không còn chăm sóc những người con gái của mình nữa, đến mức các cô con gái bị hạn chế gặp mẹ của mình và chỉ có thể liên lạc với mẹ qua các tin nhắn viết trên giấy.

Công chúa 13 tuổi Olga viết tin nhắn cho mẹ bằng tiếng Anh còn chưa sõi của mình:

“Con cảm thấy có lỗi khi không thể gặp riêng được mẹ. Do không có dịp để nói nên con phải viết cho mẹ.

So sorry never to see you alone Mama dear. Cannot talk, so I have to write to you.”

Còn người em 11 tuổi Tatiana viết:

“Con hi vọng mẹ sẽ không cảm thấy rất mệt mỏi vào hôm nay. Con lúc nào cũng cảm thấy vô cùng tệ hại khi mẹ bị mệt và không thể dậy nổi.

I hope you won’t be very tired today. I am always so awfully sorry when you are tired and that you can’t get up.”

Công chúa Olga (1906)

Các cô gái và mẹ thống nhất đặt ra các thang điểm để báo cho nhau biết hôm nay mẹ cảm thấy đau thế nào. Số 1 là dễ chịu nhất và số 3 là đau nặng nhất.

Maria viết cho mẹ:

“Con xin lỗi khi được biết rằng hôm nay bệnh tim của mẹ là số 2. Con rất mong gặp mẹ hôm nay nhưng tất nhiên là nên để mẹ nghỉ ngơi. 1000 nụ hôn từ đứa con yêu Maria của mẹ.

I am so sorry that your heart is No 2. I am so so anxious to see you today. But certainly it’s better for you to rest. 1000 kisses from your own loving Maria.”


Nhưng trong khi những đứa trẻ mong nhận được tình thương từ mẹ thì hoàng hậu Alexandra chỉ như dùng lý do bệnh tật để ép các con phải nghe theo mình, phải luôn trong sự kiểm soát của mình. Bà viết cho các con:

Con hãy cố gắng làm đứa con ngoan bằng mọi cách và đừng làm mẹ phiền lòng và như vậy là mẹ đủ hạnh phúc rồi. Hãy làm một đứa con gái bé bỏng ngoan ngoãn. Hãy học cách làm người khác hạnh phúc. Hãy chỉ nghĩ đến mình cuối cùng!

Try to be as good as you can and not cause me worries and that will be content. Be an example of what a good little obedient girl ought to be. Learn to make others happy. Think of yourself last of all!”

Dẫu vậy gia đình hoàng gia không thể sống khép kín mãi được. Vào năm 1913, các công chúa đẹp như thiên thần của hoàng gia Romanov đã ra đường gặp công chúng ở Saint Petersburg trong buổi lễ kỉ niệm 300 năm ngày thành lập triều đại Romanov (1613 – 1913). Một buổi lễ thời trung cổ cho một gia đình hoàng gia hiện đại. Vì là buổi lễ quan trọng bậc nhất nên Sa hoàng và Hoàng hậu buộc phải tham dự. Các cô công chúa trong váy trắng và mũ trắng, bước ra cung điện cùng hoàng tử bé nhỏ, đi theo cha mẹ qua các con đường trong sự đón chào của hàng ngàn người. Buổi lễ như củng cố niềm tin của Sa hoàng Nicholas II rằng sự cai trị của ông ấy là thiên mệnh của chúa trời, rằng người dân phải có bổn phận phục tùng ông ấy. Đó là sự hiển nhiên.

Gia đình hoàng gia đi giữa đường phố Saint Petersburg trong lễ kỷ niệm 300 trị vì của dòng họ Romanov, 1913

Tuy vậy chỉ một năm sau đó Thế chiến thứ Nhất nổ ra và làm bùng cháy lên ngọn lửa chôn vùi thế giới thần tiên của gia đình hoàng gia giàu có bậc nhất châu Âu này cùng bốn thiên thần của họ.

(Hết phần 1)


Đọc thêm: