Bóc phốt bê tha studio
Trải qua cái giáng sinh an lành hết chứ mọi người? Dù có bị cắm sừng hay bị crush phũ thì cũng đừng buồn hãy cùng quây quần lại đây...
Trải qua cái giáng sinh an lành hết chứ mọi người? Dù có bị cắm sừng hay bị crush phũ thì cũng đừng buồn hãy cùng quây quần lại đây bên bếp lửa của Tien Lee để ngồi cùng với hiệp sĩ bàn tròn đàm đạo về những cái phốt chất chơi người dơi của các công ty game trên toàn thế giới. Tại chuyên mục hôm nay chúng ta sẽ cùng lùi lại một chút, đi sâu vào gia phả của tam đại thần phốt để tìm thiên thần gục ngã của ngành công nghiệp game, không ai khác chính là bethesda. Hãy nấu miếng bánh, bốc miếng trà để cùng tôi đàm đạo về nhân tố thứ năm góp mặt nên làng phốt game thế giới nào.
Khi bethesda chưa bê tha
Bethesda là một hãng phát hành trò chơi điện tử được Christopher Weaver thành lập vào năm 1986 với tư cách là một chi nhánh của , và sau đó trở thành một công ty con của ZeniMax Media. Năm 2001, Bethesda tách đội ngũ phát triển ra thành Bethesda Game Studios, và từ đó tiến hóa thành nhà phát hành aka bên thứ ba. Bethesda chịu trách nhiệm cho ra lò các trò chơi do tất cả studio của ZeniMax sản xuất cho đến hiện tại. Thật ra thì bethesda được khá nhiều người mến mộ. Bằng những mảnh ghép cực kì thành công, hãng đã giúp tên tuổi của mình bay cao bay xa, lấy một vài ví dụ tiêu biểu như dòng game giả lập ăn trộm thời trung cổ Elder Scrolls, chương trình “cha ơi mình đi đâu đấy?” trong fallout 4, giả lập bắn phát xít Wolfenstein, giả lập tham quan địa ngục doom, giả lập làm sát thủ đầu mưng mủ dishonored, là sát thủ real nhé chứ không phải sát thủ fake như dòng game nào đó đâu. Quanh đi quẩn lại thì những mảnh ghép làm nên tên tuổi toàn nhờ các game giả lập thì phải. Tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với khá nhiều những tựa game này, có thể nói Fallout 4 là một trong những trải nghiệm thế giới mở thú vị nhất gần đây. Đến với “ngã ra ngoài”, người chơi sẽ choáng ngợp bởi thế giới đầy sống động hậu tận thế, nó mang cái hồn rất riêng, rất chất nếu đặt lên bàn cân với những tựa game open world khác. Nó tuyệt vời cả về mặt đồ họa, gameplay lẫn nội tâm nhân vật, mặc dù sau khi chơi hết game này ngồi một góc nghĩ lại thì tất cả những gì mình làm trong 40 giờ đồng hồ là đi tìm thằng con trời đánh. Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm trừ mà tôi sẽ nói sau.
Còn gì tuyệt vời hơn, ngầu lòi hơn là cầm shotgun đi một vòng địa ngục? Thay vì chuyến đi suối tiên chán òm mà năm nào trường bạn cũng tổ chức, hãy ghé thử chuyến xe bus của tài xế doomguy đi tham quan chín tầng địa ngục trong nền nhạc metal xập xình xập xình đảm bảo sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm phê như con tê tê, đê mê như chơi lô đề. Bethesda đã thành công hồi sinh thành công doom thông qua id Software - hiện là đại diện của dòng bắn súng góc nhìn thứ nhất và nó đã gặt hái được kha khá thành công cho công ty. Những hoạt động vui vẻ đầy thiện chí mà bạn có thể làm ở địa ngục như kết bạn với quỉ này, trò chuyện cùng quỉ chúa này, hay thậm chí là có thể ăn tối cùng cô nàng quỉ nào đó xinh xinh rồi thồn súng vào họng cô ta, à ý tôi là cây shotgun bằng thép đấy, không nói rõ thì khối ông đầu óc đen tối lại nghĩ lầm thiện chí của tôi.
Tới đây thì nhiều ông sẽ thắc mắc rằng series The elder scroll đâu ấy nhỉ. À thì tôi chưa có cơ hội được thử qua bất kì tựa game nào của series này nhưng có lẽ trong tương lai tôi sẽ cho em ấy một cơ hội vì cộng đồng tuyệt vời cùng hàng ngàn những meme đầy chất lượng từ tựa game này và tất nhiên vì khối lượng mod đồ sộ nữa. Sẵn tiện nhắc đến mod, không như hành động gần đây của đệ tử Blizzard, bethesda sẵn sàng cung cấp khối lượng mod khổng lồ cho bất cứ người chơi nào trên toàn thế giới, một thế giới mở rộng lớn với nhiều thứ để làm mà còn thêm mod nữa, quá tuyệt vời luôn bạn à, đấy mới là cách để fan thể hiện sự sáng tạo và tình yêu vô tận với tựa game yêu thích của mình đấy. Chỉ cần nhìn vào trang mod thôi chúng ta cũng đã hiểu được độ gắn kết của cộng đồng với chính những tác phẩm nghệ thuật của hãng làm ra rồi.
Không dừng lại ở đó, độ tín nhiệm của game thủ với bethesda thậm chí còn lớn hơn sau video #saveplayer1 thể hiện sự bất bình của hãng với tuyên bố “game offline đã lỗi thời” của người anh cả EA. Với kinh nghiệm dày dặn cũng như thành thạo kĩ năng làm game offline, bethesda đã luôn gửi gắm tình yêu của mình trong những tựa game chất như nước cất của hãng. Xu hướng làm game online không ảnh hưởng đến danh tính và những dự án sắp tới họ sắp làm, nhưng được bao lâu?
Những lời hứa ngọt ngào
Peter Pan à nhầm Pete Hines, phó chủ tịch của bộ phận marketing thể hiện rằng ông ta là con người không bao giờ chấp nhận lỗi lầm khi liên tục lên twitter phản pháo fan về những lỗi lầm của hãng, cơ mà cái vụ lên chim xanh gáy này quen quen ý nhở, tôi thề là đã nghe qua vụ này ở đâu rồi thì phải. Tháng tư là lời nói dối của em, Todd Howard là lời nói dối của cả một ngành công nghiệp game. Đã từ lâu rồi tôi không phân biệt được liệu Loki hay Todd mới là thần lừa gạt đích thực, thậm chí trên youtube có cả một video “Todd and the sweet little lies” chỉ vỏn vẹn 4 phút nhưng đạt hơn 3 triệu view, nội dung cái video này chỉ đơn giản là những lời hứa chết dẫm của nhà làm game đại tài này đây. Chúng ta sẽ bắt đầu với một vài lời hứa đơn giản, quay về tới cái thời cởi truồng tắm mưa dây dưa cùng lũ bạn:
“These AI is not scripted” (Lũ AI này không hề được lập trình trước) khi Todd nói câu này, ý anh ta chính là những NPC ở The elder scroll: Oblivion sẽ sống một cuộc sống thật sự và tự nhiên nhất giúp bạn có cảm giác được hòa mình vào thế giới mở rộng lớn của tựa game này mang lại. Hóa ra là ông chả nói đúng thật, lũ AI không hề được lập trình nên bằng cách nào đó chúng làm những hành động mà những người với iq 200 cũng chả hiểu được. Bạn có thể gọi nó là bug nếu muốn, còn cá nhân tôi gọi nó là thảm họa, nó không đem lại cho tôi chút cảm giác gì gọi là được sống trong thế giới đó cả.
“Fallout 3 would have over 200 endings” (Fallout 3 có hơn 200 cái kết) thực chất chỉ dưới 50 và thậm chí nếu chúng ta không bàn đến việc các ending đó được làm cẩu thả như thế nào thì chỉ có 21 ending “tạm chấp nhận” được, phần còn lại thì trèo sông lội núi hỏi bê tha xem hãng đã ăn mất bao nhiêu rồi.
“Skyrim would have infinite quest” (Skyrim có vô hạn nhiệm vụ) câu nói này nửa đúng nửa sai. Nếu nhìn vào mặt tốt, các nhiệm vụ trong skyrim không bao giờ kết thúc. Còn mặt xấu chính là sự lặp lại đến chán ngán, a ham tôi không có tính cà khịa ai đâu nhé (add ubisoft), thực chất chỉ có một vài dạng nhiệm vụ như là đến điểm A giết quái vật, đến điểm B thu gom ve chai ý lộn đi nhặt đồ lặp đi lặp lại đến phát chán, số lượng nhiệm vụ đó rải rác khắp bản đồ buộc gamer phải làm quest tiếp, làm quest nữa, làm quest mãi cho đến khi cá leo cây, chim theo gió cho người chơi chán game rồi bỏ, thể hiện được rõ mức độ trung thực của câu nói này.
“It just work” (Nó chỉ đơn giản là hoạt động bình thường) Trải nghiệm của tôi trong Fallout 4 sẽ tuyệt vời ông mặt trời nếu nó chỉ đơn giản là chạy bình thường như bao tựa game khác nhưng khônggggg. Số lượng bug của fall out 4 nhiều, quá nhiều để người chơi có cái trải nghiệm phê tận nóc, sốc tận óc mà todd đã hứa hẹn, rất may là các bản cập nhật sau đã có một chút cải tiến để người chơi có thể tận hưởng được những gì mà hãng làm ra.
Và cả cái video đầy cảm động saveplayer1 là lời nói dối kinh điển nhất của todd, sau khi video này được đăng lên utube thì chưa đầy một năm sau đó, Fallout 76 bắt buộc phải online, tại sao đám đông lại hú hét ầm cả lên khi fallout trở thành một game pay to win nhỉ? Khi chúng ta cùng nhau đào sâu vào hệ thống moi tiền cực mạnh ở phần sau sẽ chứng minh được rằng bethesda cũng đặt đồng tiền lên trên đầu mà quên đi giá trị nghệ thuật của bản thân họ, khiến nhiều fan hâm mộ hoàn toàn mất lòng tin vào những lời hứa hẹn có cánh của hãng.
Ngã ra ngoài 76
"Anh hỏi em nước gì là mặn nhấtEm trả lời nước mắm phải không anh?Anh ôm nhẹ bảo rằng em chưa hiểuNước mặn nhất là nước mắt của mấy cha pre order Fallout 76"
Trong tất cả những công ty game mà tôi bóc phốt đến nay, bethesda là trường hợp lạ nhất tôi từng được chứng kiến. Thông thường thì cần một khoảng thời gian dài với đủ các loại phốt trên đời thì mới dẫn đến sự sụp đổ của một công ty, còn bethesda thì các bạn cứ tưởng tượng là một đứa nhóc lên ba, vào một ngày đẹp trời đứa trẻ ấy đạp phải vỏ chuối khiến nó rớt thẳng xuống như trục tung vào vực sâu chứa hàng trăm lời chỉ trích của dư luận và cơn phẫn nộ của người hâm mộ. Không khác gì Neil Armstrong lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, chúng ta có thể gọi fallout 76 là bước thụt lùi vĩ đại nhất của bethesda, bước lùi mang tầm vóc tự hủy ngang phát ngôn của gymer chúa, dữ dội hơn nghìn cây roi mây nhà bạn. Chúng ta không thể không nói về sự sụp đổ của bê tha mà thiếu đi nhân tố này được, còn thực hư ra sao thì mấy ông xếp hàng ngay ngắn lại để tôi kể cho nghe này:
Những pha marketing lố bịch
Và thế là chúng ta đã có nó, nghìn lẻ một câu xạo đi vào lòng đất của Todd Hower tại sự kiện E3 đã tạo nên hàng trăm cái meme rải đầy khắp cái internet này. Vào thời điểm đó, người ta vẫn còn một chút gì đó gọi là lòng tin nơi đất khách quê người, vẫn hi vọng rằng những lời nói gió bay của todd là sự thật, thế là lượng pre order fall out 76 tăng đột biến, hứa hẹn đây sẽ là tựa game bom tấn nhất mà bethesda từng làm, đem lại thành công vang vọng cho hãng, thế kết cục như thế nào?
Bọ khắp nơi
Todd ơi là todd, ông đi khịa người ta thế mà giờ bom xịt thế kỉ của ông nát như gạo ngoài đồng kia kìa. Ngày ra mắt fallout 76 với công chúng là một cơn thất vọng tràn trề, tựa game thiếu chỉnh chu tới mức ngày đầu tiên phát hành game đã có bản cập nhật nặng gần 50GB. Oke thì tải 50GB đó xong chúng ta sẽ có siêu phẩm để trải nghiệm, đúng không?....Sáng hôm sau, người ta mới biết rằng địa ngục chưa phải là nơi tồi tệ nhất khi Fallout 76 có
À trên đây là một phần nhỏ thôi nhé, ông nào có chí hướng muốn làm game nhiều bug được như bê tha thì tham khảo cái video dài 3 tiếng đồng hồ về các lỗi trong game đấy. Khỏi cần phải nói thì phản ứng của cộng đồng dữ dội đến mức nào, chưa bao giờ người ta thấy được các reviewer cùng đồng tâm hợp lực với nhau đem tế bom xịt này đến mức như vậy. Trên metacritic, con game trời đánh này được ưu ái tặng con điểm 2,7 đỏ lòm biến siêu phẩm để đời của bethesda thành con ghẻ của làng game thế giới. Fan chợt bừng tỉnh bởi những gì mà họ nhận được khác xa với kì vọng nếu không muốn nói là quá tệ để có thể suy xét cho qua. Hóa ra lí do đằng sau việc này chính là bethesda sử dụng engine cũ từ fallout 4, thế nên tất cả các lỗi bên bản 4 bê y nguyên sang bản 76 kèm theo nhiều lỗi hơn và cũng do deadline quá ngắn, ngắn lắm luôn ấy, chỉ có 7cm thôi, các ông hiểu ý tôi chứ?
Cách giải quyết kì lạ
Đối với một tựa game online thì cái lí do mà khiến người ta đập bàn đập ghế chính là từ những người chơi khác. Trong tất cả các game fallout điều có một căn phòng gọi là phòng lập trình, tất cả các vũ khí, các mảnh giáp từ yếu nhất đến mạnh nhất đều ở trong căn phòng đó cả. Thế nên một phần nhỏ các gamer thiếu ý thức đã trục lợi từ những sơ hở của bethesda, họ lẻn vào, lấy hết tất cả những vũ khí mạnh nhất và chuồn ra ngoài nhanh như chớp. Bethesda phẫn nộ cầm lấy cây lưỡi hái tử thần gặt hết tất cả những người chơi có vũ khí cấp cao. Bạn bỏ 900 giờ chơi chỉ để có một cây sáu nòng vàng, ha ha chết đi thằng hacker. Rõ ràng là hướng giải quyết này chẳng giải quyết được gì cả, thế là bethesda thêm tính năng mới, tag tất cả những người đã từng vào phòng lập trình và ban những người đó, tuy nhiên nó cũng chẳng cải thiện được mấy khi những kẻ gian lận bắt đầu sử dụng account level 1 lẻn vào lấy hết đồ rồi chuyển sang acc chính, tình hình vẫn cứ tiếp diễn và ngày một tồi tệ hơn. Tại thời điểm này đây, bethesda đưa ra một quyết định đúng kiểu bê tha, đó là gửi thư cho các acc level 1 ấy và hỏi làm cách nào mà họ có thể vào được phòng lập trình, đổi lại sẽ được unban. Ông nghiêm túc đấy hả bethesda, giờ ông lại đi hỏi xin hacker như một tên vô gia cư đấy à. Shame on you!!
Pay to play, Pay more to play
Cái này thì có hơi quá nhưng lại hoàn toàn là sự thật, tại phần này tôi sẽ giải thích cả hai khía cạnh hút máu người chơi nhằm bắt họ bỏ thêm tiền túi cho một tựa game có giá 60 đô, đó chính là atomic shop và membership (thẻ thành viên). Thực chất bethesda cho free bản fallout 76 cũng đem lại lợi nhuận cho họ bởi trong game đã có hệ thống atomic shop bán mấy cây thông trang trí giá 12 đô, bộ trang phục ông già noel giá 20 đô, đa sắc xanh vàng 20 đô,...và tệ nhất chính combo emote giá 24 đô. Nhưng khoan đã, nó được giảm 50% kìa, vậy có nghĩa là nếu bạn mua nhân dịp giáng sinh này sẽ được giảm giá cực mạnh, hooray. Thực chất giá của bộ combo đó chỉ có 12 đô, bethesda đã nâng giá lên gấp đôi rồi bán giá cũ với cái mác discount lừa những con cừu nhẹ dạ như chúng ta đây. Tất cả những thứ nhảm nhí của Atomic shop vẫn chưa lật hết được ván bài của bethesda. Để tối ưu khả năng hút máu của fallout 76, hãng thêm vào membership, yêu cầu người chơi phải bỏ ra gần 13 đô một tháng để được trải nghiệm những tính năng premium của game. Hứa luôn là bethesda không copy cái premium này từ hệ thống nạp tiền đua vip cày top sever trong các game tàu khựa mà VNG hay đem về đâu nhé, không copy tí gì luôn á, thề!!
Lừa đảo thứ thiệt
Không việc gì hoàn hảo hơn việc kết thúc những cái phốt của fallout 76 với sự việc lừa tình lừa tiền của bethesda, bạn thấy đấy tựa game tệ từ trong game đến ngoài đời cơ. Công ty quảng cáo phiên bản power armor edition bao gồm một cái mũ bảo hiểm đậm chất fallout, map, lính đồ chơi và một cái túi bằng vải cao cấp. Sẽ không có gì tồi tệ xảy ra nếu như cái túi vải cao cấp ấy hoàn toàn không làm bằng vải, chất lượng của cái túi ấy là 100% nylon và cái thiết kế không khác gì cái cặp siêu nhân bạn hay đeo hồi mẫu giáo. Để trả lời cho nỗi thất vọng của người dùng, bethesda nói rằng nguyên liệu vải QUÁ ĐẮT để làm thế nên họ đã thay bằng nylon? Haizz, còn thiếu câu “Đây chỉ là hình ảnh minh họa” nữa là sánh vai với các hãng mì ăn liền ở Việt Nam rồi. Và như nỗ lực cuối cùng để dập tắt cơn lửa phẫn nộ từ dư luận, bethesda sẽ hoàn trả 500 atoms, gần 5 đô, 5 đô lận đấy, xin nhắc lại bất cứ ai bỏ ra 200 đô để mua cái phiên bản power edition này sẽ được refund 5 đô nhé. Tất nhiên, nỗ lực này chỉ càng khiến dư luận bùng nổ hơn bởi tính thiếu trách nhiệm và tham lam ngày càng lộ rõ trong công ty. Sau tất cả, mình lại trở về với nhau, bethesda cuối cùng đã chịu làm một cái túi bằng vải và phải điền thông tin cá nhân vào một cái form ở trang web, bạn đoán được điều tồi tệ gì sẽ diễn ra không? không à, thôi để tôi kể cho nghe, đó chính là trang web của bethesda bị hack, hàng trăm thông tin về tên tuổi, nơi ở, số điện thoại,... bay vào tay của những tên hacker. Vỗ tay cho một pha tự hủy khác của công ty nào. Khoan đã, còn cái mũ bảo hiểm nữa chi? Hiệp hội y tế Mỹ phát hiện ra có một loại nấm mốc với khả năng làm người đội suy giảm hệ miễn dịch, tổn thương phổi và dị ứng cấp độ nặng. 20 ngàn chiếc mũ đã được refund cùng với sự thất vọng tràn trề của fan hâm mộ. Có thể nói rằng fallout 76 chính là cái mồ chôn mười mấy năm gầy dựng danh tiếng của hãng, khiến bất kì game thủ nào cũng phải lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến chữ bethesda.
Những vụ kiện có một không hai
Tất cả mọi thứ về bethesda đều lạ lùng, lạ nhất trong số đó là hai vụ kiện kì lạ về Warner Bros và Mojang về cái lí do trời ơi đất hỡi mà ngay cả iq 200 cũng không nghĩ ra được. Tháng 6 năm 2018, Bethesda kiện Warner Bros về tựa game mobile Westworld vì cho rằng tựa game này là hậu bản của Fallout Shelter? What? Bất cứ tựa game nào cũng có thể lấy một bối cảnh tương tự như fallout vì hello hậu tận thế cơ mà. Bethesda tuyên bố rằng Westworld được làm ra là nhờ ăn cắp engine làm ra Fallout Shelter nhưng lại không có bất cứ bằng chứng nào cho việc đó cả. Người ta gọi này là gì ấy nhỉ? à đúng rồi là ăn vạ. Cuối cùng thì Bethesda phải bác bỏ đơn kiện của mình do không có đủ chứng cứ buộc tội Warner Bros, vừa lòng tôi lắm. Lố bịch hơn, Bethesda còn kiện Mojang- nhà phát triển tựa game Minecraft vì tựa game mang tên Scrolls của Mojang có cái tên giông giống với series The Elder Scrolls “ối làng nước ơi cả thế giới ra đây mà xem game của thằng Mojang có chữ Scrolls này bớ làng nước ơi” Dù sao thì đây là vụ kiện dở khóc dở cười nhất mà tôi từng được chứng kiến, công ty game to đùng bắt lỗi người ta chỉ vì một cái tên không ăn nhập gì nhau. Thay vì đi kiện tụng vì mấy cái lí do vớ vẩn này, Bethesda có thể ngồi ở nhà sửa hết đống bug của họ đi thì không chịu? Thật là khó hiểu, khó hiểu như cái cách mà cục gôm trên bàn bạn biến mất vậy.
Hi vọng cuối con đường
Hướng mắt về chân trời xa xa kia, tôi bỗng dưng thấy trong lòng vừa buồn vừa vui, buồn một phần vì dòng game mà tôi yêu thích: Wolfenstein đã bị hậu bản mới nhất của nó hủy hoại. Tương lai của dòng game này đang bị mây mù giăng lối, làn sương khói phôi phai đưa blazkowicz xa rồi. Còn đâu những ngày anh hùng của chúng ta cầm rìu gặt chân lũ phát xít cơ chứ. Vui một phần là do DOOM: Eternal tuy không đoạt được bất kì giải thưởng nào tại the game award nhưng vẫn gặt hái được rất nhiều thành công cả về mặt doanh thu lẫn giới game thủ đánh giá rất cao, chất lượng của bản game gốc và DLC mới nhất của DOOM: Eternal vẫn mang lại cho tôi một chút hi vọng rằng ngày nào đó Bethesda sẽ hết bê tha mà tập trung vào những dòng game chất lượng mà hãng đã làm, í tôi nói chính là Starfield và Elder Scroll 6 ấy. Hãy đem cho bethesda- thiên thần gục ngã ấy đôi cánh để có thể vượt qua được cái hố phốt đầy tội lỗi này cũng như lấy lại lòng tin của fan hâm mộ trên toàn thế giới.
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất