Vậy đó, bố mình Bính Thìn, còn mình Quý Mùi 2003. Tiện thể, có lẽ gần đây mình cũng stress kha khá vì chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia rồi. Nên hôm nay rảnh chút chút, mình muốn viết ra vài lời tâm sự cho thoả cái nỗi lòng phèo tin gan này.
Vốn dĩ thì mình không tin vào bói toán hay mê tín dị đoan gì cả (mình còn trẻ con hồn nhiên ngây thơ và trong sáng mà). Nhưng có lẽ lời bà nội trêu một chút nhưng là thật của ngày xưa, cho đến giờ làm mình cảm thấy khá là buồn và tất nhiên là chấp nhận thực tế là như thế.
Mình là con một trong gia đình, bố bộ đội, còn mẹ viên chức phòng hành chính của một trường Cao đẳng. Nhà mình không khá giả gì nhưng đủ ăn đủ mặc. Nói chung mình cảm thấy mặc dù có chút thiếu thốn cho một đứa nhiều đam mê như mình khi chưa có cơ hội tiếp xúc với những điều mình thích vì ở tỉnh lẻ hay vì điều kiện, nhưng cả nhà rất tình cảm và thương yêu, bố mẹ chiều mình nhưng may quá mình cũng không hư và biết điều (à cái này thì làm gì có ai không tự nhận xét mình như thế chứ hehe). Mình cũng thân với bố mẹ nữa, thân lắm, con gái lớn như này rồi vẫn luôn nói câu yêu thương tình cảm, vẫn thơm má, mặc dù ngày trước thì bố hay mắng mình (có lẽ là điều hiển nhiên mỗi khi mình hư rồi), và mình thấy ghét. Không giống như với mẹ, mỗi lần bố mắng những điều mình cho là vô lí thì mình tức lắm, mình chẳng ngại bật lại, chẳng ngại cáu gắt và thái độ luôn. Nhưng rồi ngày ấy mình vẫn biết sai chứ, vẫn luôn cố gắng sửa chữa.
Cho đến năm mình mình học lớp 4.
Sân bay tỉnh mình sửa sang lại, vì bố mình là nhân viên kĩ thuật nên ngày ấy cũng rảnh việc. Đơn giản là bố mình xin nghỉ phép thôi (về vấn đề tài chính lương lộc gì thì cũng ko phải là mất nhiều). Nhưng, bố mình đã đi theo con đường đa cấp trong thời gian ấy.
Theo anh rể của mình, anh là "trùm", đại loại vậy, anh không học đại học, công việc từ ngày xưa thì cũng không ổn định nên bây giờ tự nhiên sao giàu thế bỗng làm người ta cảm thấy ngưỡng mộ? Chị họ của mình thì giỏi giang, trước chị học trường Báo, sau này mở công ty truyền thông riêng nên đã sắm đủ nhà đẹp, xế sang, 2 cháu. Cuộc sống giống như mà lên tiên vậy mỗi khi nghỉ hè mình được xuống nhà anh chị chơi. Đáng mơ ước chứ, đối với một gia đình cơ bản kiểu "nhà quê" như nhà mình.
Anh rể ngày ấy đang trên đà, bố mình cũng muốn thử, bố theo anh đi khắp mọi nơi, từ Bắc vào Nam, mượn áo mượn vest của anh, sắm cái cặp xách tay trông oai lắm, tóc vuốt vuốt ra dáng người thành đạt, cái hình ảnh mà chẳng bao giờ mình thấy khi trước giờ bố chỉ toàn mặc quân phục, đến ảnh cưới vẫn mặc quân phục cơ mà. Đẹp, có lẽ, nhưng mình hoàn toàn không hề thích điều đó. Cũng cái hồi ấy là lúc đa cấp rộ lên, hết công ty này đến công ty khác cứ đua nhau mở ra rồi sập, báo đài nói đầy ra. Mặc dù mình còn nhỏ nhưng nghe đến cái từ "đa cấp" là mình cũng chẳng có thiện cảm gì. Nhưng không nói nhiều đến vấn đề này nữa nhé vì nó cũng khá nhạy cảm nhỉ.
Bởi vì có anh đứng ra hướng dẫn cho nên bố mình cũng có cái chức trưởng trưởng gì đấy oai lắm (tại mình toàn nghe lén chứ bố mẹ cũng không muốn để mình biết những chuyện này đâu). Bố đi dự hội thảo, lên phát biểu, nhận huy chương, giải thưởng, nhiều vô kể, bố cứ đi suốt ngày.
Mỗi dịp Tết khi mình về quê, họ hàng hỏi han, bởi vì anh rể mình thì nhiều tiền thế cơ mà, nên bố mình trông oai thế chắc cũng phải kiếm kha khá chứ. Mà cũng nhờ có cái nền "bộ đội hiền lành chất phác" nên cũng có nhiều người tin tưởng bố, kí hợp đồng với bố. Mình vẫn còn nhớ ngày trước ở quê có một bác thân với bố mình lắm, có hai đứa con chạc tuổi mình nên mỗi lần về quê cực thích sang nhà bác chơi. Thế mà chính hai bác ấy, bị lừa, chữ "lừa" viết hoa gạch chân =)))
Đúng đấy, là bố đã lừa chính bạn thân của mình, hôm trước mình đọc bài viết của anh DamSan0911, đúng thật là "chẳng bán thứ gì ngoài bán lương tâm". Bây giờ về quê, mỗi dịp lễ tết vẫn ngồi ăn cùng mâm cơm họ hàng, nhưng sao chẳng thể nào nói chuyện? Mình cũng ngại, không còn ngại thay đâu, ngại cho chính bản thân của ấy, với các bác và cả với hai đứa bạn nữa. Số tiền không phải ít, bây giờ làm sao đòi, nói thẳng ra là đòi thì cũng không có để mà trả. Công ty sập rồi, tan rồi, vài người ngồi bóc lịch rồi.
Vậy trong khoảng thời gian đi làm bố mình có được gì không, nghe đồn lừa được nhiều người như thế chắc phải kiếm được nhiều lắm? Ừ, chắc nhiều, nhưng bố mình để đâu ấy chứ còn nhà mình chỉ thấy mất đi. Có những ngày mẹ mình khóc rất nhiều, chuyện xảy ra làm cho mình sau này cũng ác cảm nhiều với quê nội, khi mọi người kiểu "thấy sang bắt quàng làm họ" chứ yêu thương quý mến cái nỗi gì. Nói nghe đứa con đứa cháu bất hiếu chứ, bởi vì nghĩ bố mình kiếm được nhiều nên đến bà nội mình cũng đòi hỏi nhiều hơn. Bố mình là con trai thứ, nhà bác cả thì giàu, ở gần bà hơn nên bác cũng chăm lo cho bà nhiều nhất. Tất nhiên việc chia sẻ trách nhiệm của mình với cha mẹ là điều đương nhiên, đứa con nào có hiếu mà không mong muốn có điều kiện để phụng dưỡng cha mẹ già. Nhưng đấy là khi người ta có đủ khả năng, đủ khả năng thực sự ấy, mà bây giờ thì sao, rõ ràng là có tiếng làm ra tiền, người ta bắt đầu đổ công đổ việc lên đầu bố. Thực tế thì thậm chí gia đình thiếu thốn đủ đường.
Sau này mẹ kể mình mới hiểu, đại loại là công ty sẽ giao chỉ tiêu trong a tháng thì phải kí kết được x đơn hàng, hoàn thành chỉ tiêu sẽ được bằng này bằng này tiền. Nhưng đúng là một bí ẩn, và bằng một cách nào đó, cứ gần deadline a tháng thì gần đạt được x đơn hàng rồi nhưng sẽ không còn có ai chấp nhận kí kết thêm nữa, magic. Thường thì những người mà ham, họ sẽ tự lấy của mình để bù vào chỗ kia cho đủ, rồi sẽ được thăng chức, suy cho cùng may ra thì hoà vốn. 
May quá ngày ấy mẹ mình đều hiểu hết mặc xấu của cái mô hình này, mẹ cũng rất kiên nhẫn giải thích với bố, nhưng bố u mê quá. Mẹ vốn chiều chồng chiều con nên mẹ bảo cứ để cho thử, thử rồi ngã đi rồi sẽ hiểu ra, và mẹ cũng không xì thêm bất kể một đồng nào cho bố đổ vào nó nữa. Khoảng thời gian ấy thực sự vô cùng khó khăn với mẹ, từ việc nhà cửa, chi tiêu, đưa đón con đi học. Bố cứ đi suốt có khi đến nửa năm mới về nhà được 2, 3 ngày. Có lẽ cũng vì quen với việc không có bố ở nhà rồi nên sau này khi bố rút chân ra, bố về nhà rồi thì những mâu thuẫn giữa bố và mình còn đẩy lên cao trào khủng khiếp.
Khi mình lên lớp 7 thì công ty sập, tan tành, đến cái nịt cũng chẳng còn chứ tiền đào đâu ra. Bố mình còn may mắn là không bị dính vào pháp luật, khi mà anh trai của anh rể mình đã đi theo con đường "lao động là vinh quang" trong tâm trạng thư thái mà đếm lịch, anh rể mình thì vài tháng mình cũng không rõ vì ai cũng nói tránh đi, một chú làm cùng thì về bản lấy vở và mất luôn lạc. Thế là bay, bay hết, hết thật rồi.
Mặc dù thế, phải nói là đa cấp tha hoá con người ta kinh khủng, có lẽ vì sự hào nhoáng thành đạt của nó, cùng với những khẩu hiệu to đùng quyết tâm, khiến cho người ta mê muội. Trước bố thì mình cũng đã từng biết đến một người ông mà mình rất ngưỡng mộ bị cuốn theo cái vòng xoáy ấy. Ông là hiệu trưởng cũ của trường mẹ mình, ông nghiêm nghị, chính trực và điềm đạm, rất phong thái. Sau khi nghỉ hưu, ông bị lừa một số tiền lớn, đối với mình thì là rất lớn ấy (đối với người không có tiền ấy), nhưng kể cả là giàu có đi chăng nữa, giống như ông, ngay sau đó ông đã bị shock ngất đi và một khoảng thời gian bị mất một phần trí nhớ. May mắn thay hiện giờ tình trạng sức khoẻ của ông đã ổn định lại, ông vẫn đẹp lão và chăm tập thể dục nhẹ nhàng.
Chưa hết đâu, chuyện của sau này khi mà bố về, mặc dù đã rút chân ra hoàn toàn, nhưng tính cách bố đã thay đổi nhiều lắm. Bố luôn tư tưởng xa vời rằng sinh ra con người ta phải cố gắng để làm sếp, chứ ai lại đi làm công, làm culi cho người ta cơ chứ. Tan nát hình tượng của một ông bố giỏi giang, có thể sửa chữa tất cả mọi thứ từ điện đóm đến các vật dụng trong nhà mình đến cả nhà hàng xóm. Ôi, bố của ngày xưa chăm chỉ, hiền lành, chất phúc, mặc dù có hơi cục tính một tí nhưng mẹ bảo mình không được dùng từ "cục súc" để miêu tả vì ngày xưa nói từ đấy có nghĩa xấu xí hơn nhiều. Thôi đành, "gia trưởng" vậy.
Nhưng mà thôi để dành lần sau nhé, có thể ngày mai hoặc ngày kia thôi, mình sẽ hoàn thành xong phần 2, bắt đầu với một chuối mâu thuẫn của hai bố con, nhất là trong những lúc chỉ hai bố con ở nhà với nhau trong thời điểm dịch giã như thế này, lại còn dài ngày nữa chứ.
Trên đây là góc nhìn của mình đứa trẻ trâu trong một gia đình có ông bố theo đa cấp nhưng vào dạng chẳng được gì đó mọi người. Bài viết không sâu về vấn bản chất của đa cấp, nhưng mà, đúng là đa cấp chẳng bán gì, chỉ bán lương tâm, bán luốn cả tình cảm gia đình và bán rẻ nhân cách con người. Có lẽ, một chút nặng nề.