Đã hơn 1h sáng. Mình sau khi tập tành vớ vẩn, vừa tập vừa xem phim thì lại thấy hơi đói rồi lục tủ lạnh lấy bánh chocolate ra ăn. Vừa ăn vừa nghĩ xem có nên đánh răng lại hay không. Mình sợ sâu răng lắm, nhưng cũng lười quá mà.
Rồi lại tình cờ nhớ ra một chuyện.
Hồi bé, tầm 5-6 tuổi gì đấy, mình bị sâu răng phải đi hàn lại. Bố mình đưa mình đến phòng khám của một bà bác sĩ, mình gọi là bà vì bà ý đáng tuổi bà, hơn nữa bà ý cũng ác vcl, mình đến hai lần xong không bao giờ quay lại nữa.
Trong lúc chờ vào khám, mình thắc mắc không biết “con sâu răng” trông nó như nào, bố mình rút cái khăn mùi xoa ra, chỉ vào cái sợi bông vải bé tẹo, chắc dài khoảng 1/10 mm rồi bảo “Nó bé lắm, bé như này này, hoặc bé hơn, mắt thường cũng không thấy được.” Đối với một đứa nhóc vài tuổi lúc ấy, việc minh họa "con sâu răng" bằng cái sợi bông nhỏ xíu là lời giải thích sinh động, trực quan nhất cho hiện tượng "sâu răng" thay vì những từ ngữ như "vi khuẩn", "mảng bám",... đầy khó hiểu. 
Ngẫm lại, chuyện cũng lâu rồi. Cũng đã gần 17-18 năm. Mình từng nghĩ chỉ có người già mới nhớ đến những chuyện trong quá khứ. Gần đây mình tự dưng cũng giống như vậy. Có khi nào mình sắp từ giã cuộc đời này giống như các cụ già sắp gần đất xa trời không? Mình không biết và cũng không muốn nói gở. Mình cũng không hẳn là còn trẻ nữa, đã gần 23 tuổi rồi còn gì, nhưng mình còn rất nhiều dự định, ước mơ cần phải thực hiện. Vậy mà cũng vẫn còn mải chơi. À lại lan man rồi. Thực ra đã từ lâu rồi, mình khó mà nói chuyện được với bố mình cho tử tế. Suốt hồi cuối cấp 2, rồi cấp 3, rồi đại học, và thậm chí cả sau khi tốt nghiệp, nhà mình có mình và bố mình giống như nước với lửa vậy. Thật kinh khủng. Chỉ cần cuộc hội thoại kéo dài tới lượt lời thứ 5 thôi là cái nhà có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Vì nhiều lý do nên mình với bố mình có khá nhiều mâu thuẫn. Vậy nên hầu như mình chỉ nói những gì cần nói, và bố mình cũng vậy. Tình hình đấy cũng đã kéo dài gần chục năm nay. Buồn cười thật đấy, nó đã xấp xỉ ½ tuổi thọ của mình tính đến hiện giờ rồi. Mà cũng may, vì từ hồi cấp 3 mình đã không còn sống cùng gia đình nữa, nên phần nào đỡ phải gặp mặt bố mình.
Thực ra bố mình cũng chẳng phải người xấu xa lắm. Chỉ là ông có kiểu “quan tâm” đến con cái theo cái cách rất áp đặt, nghĩ là như thế sẽ tốt cho chúng nó nhưng thực ra đó là những thứ chúng nó không cần. Đại khái là như vậy đấy. Rồi mình cũng là loại con ương ngạnh, thấy bố mẹ mắng này mắng kia không hợp lý là bật ngay, tuy ngôn từ rất bình tĩnh nhưng cũng bị bố mình gắn cho cái mác là “hỗn láo”, “mất dạy”,… chỉ vì trái với suy nghĩ của bố mình. Đấy chính là một trong những lý do khiến mình hầu như chẳng khi nào nói chuyện tử tế được với bố mình như đối với những người khác trong gia đình.
Quay lại chuyện “con sâu răng”, mình không rõ liệu mình nhớ được bao nhiêu câu chuyện đẹp đẽ kiểu vậy về bố mình. Hầu hết ký ức của mình về bố mình cho đến hiện tại chỉ là những lời cãi vã, chửi bới, nhiếc móc,… Vậy mà hồi bố mình còn đi làm xa nhà, lúc đấy mình học lớp 1 lớp 2 gì đó, mỗi lần về thăm nhà là bố mình lại mua về cho mình vài cái gọt bút chì rất đẹp. Tiếc là mình cũng chẳng còn giữ được cái nào. À hồi bố mình còn xưởng mộc, mình thì mới biết bò quanh chiếu, bố mình cũng làm cho mình rất nhiều đồ chơi bằng gỗ, mấy cái "đồ gia dụng" nhỏ nhỏ xinh xinh, điển hình là chiếc bàn là mà nó qua tay rất nhiều đứa trẻ trong gia đình, đến đời cháu con nhà chị mình là thất lạc hẳn. Huhu, giờ mà còn là mình đem đi bán đấu giá rồi đấy.
Ngoài dẫn mình đi chữa răng, nhổ răng, bố mình lúc nào cũng đưa mình đi khám mắt, cắt kính. Lúc mình bị xe tông, đi tập bị chấn thương cũng là bố mình đưa đi chiếu chụp. Mình không may mang theo gene xấu của bên đằng nội, đấy là rất dễ bị dị ứng, mẩn ngữa. Chữa mãi không khỏi. Và cũng bố mình là người đưa mình đi khám, xét nghiệm máu, lấy thuốc, đông tây năm bắc đủ cả. Nói chung tuy ít đưa mình đi chơi nhưng hễ mình có việc là bố mình đều đưa đi. 
Rồi học lên nữa, bố mình luôn chở mình đi thi trong những kỳ thi quan trọng: thi học sinh giỏi, thi cấp ba, thi đại học, thi tốt nghiệp, đi nhập học đại học,… À suýt quên, cả đi nhận giải nữa. Và còn cả những đợt tập huấn ở các trường khác nữa. Đời mình gắn liền với rất nhiều cuộc thi, hầu hết những kỳ thi áp lực lớn, giải này giải kia của mình đều xuất hiện bố mình trong đấy. Kiểu như hôm trước mình vừa cãi lộn gì đó với bố thì hôm sau bố mình lại phải đưa mình đi thi rồi. Những lúc mình ấm ức vì bị bố mình chửi oan, mọi người lại khuyên rằng nên bớt bớt lại, rồi hãy nghĩ đến những lúc bố mình vất vả đưa đón, chờ đợi mình thế nào.
Nhưng cơn giận của mình như ngọn lửa sẵn sàng thiêu rụi tất cả mọi thứ, mình đã phủ nhận tất cả, mình đã cùn đến mức cãi rằng: “Bố cháu có thể không cần đưa đón cháu mỗi lần cháu đi thi, đổi lại, cháu chỉ cần bố cháu đừng có vô lý như thế.” Giờ ngồi viết lại những dòng này, mình chỉ biết cười khẩy vì ngày xưa mình từng ấu trĩ, ngu ngốc như thế nào. Trên đời này chẳng có cái gì là “giá như”, nhưng “giá như” mình được quay trở lại, mình sẽ thờ ơ với tất cả mọi lời nói, không bận tâm gì hết. Không giận dữ, không phản ứng. Vô cảm. Trống rỗng. Giống như mình bây giờ vậy. Thực ra đấy không phải lỗi của ai hết, chỉ là mình đã học được cách để trở nên thích nghi với mọi thứ trên đời. Rằng không ai là hoàn hảo cả. Hoặc đó là cái giá mà mình phải trả để có thể sống sót tới tận bây giờ. Nghe hơi ghê nhỉ?
Dù sao thì gần đây có vẻ mình đã trưởng thành hơn, và bớt xét nét sự khó tính của bố mình. Nhiều lúc mình thấy rất ghét bố mình nhưng thực tế thì mình cũng phần nào có tính cách khó ở khó chiều giống vậy. Nhưng kể từ ngày sống một mình, tự nấu nướng, nhìn bố mẹ mình chuẩn bị, đóng gói đồ ăn cho mình tử tế như thế nào, mình lại càng thấy hối hận vì những gì mình đã làm với họ. Mình là một đứa chả ra gì, và hiện đang trong giai đoạn “quằn quại” tìm cách báo đáp lại sao cho đúng đắn nhất.
Hồi Tết bố mình có nói một câu khiến mình phải ăn “cơm chan nước mắt” như nhiều lần trước. Có khác là lần này không phải vì nghe những lời chì chiết, mà đơn giản chỉ là bố mình bảo: “Mấy nữa lên Hà Nội thì cứ nhẩn nha đi làm, không việc gì phải vội kiếm tiền gì lắm cho nó vất vả. Vẫn cần phải học thêm nên tiền nong không quan trọng, làm được bao nhiêu thì làm, đi học là chính.”
Mình đúng kiểu vừa cố ăn nốt bát cơm vừa giấu hai hàng nước mắt giàn dụa. Không rõ là bố mình thương vợ con như mọi khi nên nhận rửa bát, hay thấy mình trông tệ quá nên bảo để bát đấy chốc bố mình rửa. May quá, mình vội buông bát đũa xuống rồi bảo bố rửa nốt bát hộ con cho có lệ rồi đi thẳng lên phòng. Mình nhớ là mình đã khóc thành tiếng luôn. Trong đầu mình lúc đấy chỉ hoàn toàn trống rỗng, hoặc nó đã quá phức tạp để có thể chứa thêm bất cứ điều gì nữa. Việc bố mẹ mình lo ngại mình vì tham vọng mà tự gây áp lực cho bản thân thì đã quá rõ từ hồi mình còn đi học phổ thông. Lúc nào họ cũng muốn tốt cho mình, muốn mình đỡ vất vả. Nhưng mục đích của bản thân mình luôn luôn là muốn gia đình được tự hào vì có đứa con như mình. Và hiện giờ mình vẫn chưa có thành tựu nào ra hồn cả.
Gần đây mình có đi xem phim “Bố già”. Chị bạn mình rủ mình đi, mình có nghe qua là cảm động lắm, tính trước khi xem dặn chị là nếu em có khóc trôi rạp thì chị đừng cười. Cũng may là tới tận lúc xem xong mình vẫn quên chưa bảo. Hóa ra chị ý còn mau nước mắt hơn mình. Mình đã không khóc, không cười suốt cả bộ phim. Còn chị ý thì khóc như mưa như gió. Buồn cười thật đấy. Nhìn chung thì mình với bố mình cũng có vài mâu thuẫn giống như hai bố con trong phim, nhưng chả hiểu sao mình không thể nào liên hệ bộ phim với cuộc sống của mình được. Đại thể là mình không đồng cảm được ý. Nhưng mà nhìn chung thì phim hay, mọi người nên đi xem (đây không phải bài quảng cáo). Tóm lại là sau khi xem bộ phim đó, mình rút ra một bài học là đời chẳng biết đâu mà lần, đau nay chết mai không ai biết được, vậy nên còn sống ngày nào, còn tỉnh táo ngày nào thì nên sống cho tử tế để bố mẹ bớt đau đầu. Thông điệp này giống như một lời nhắc nhở không thể nào quên dành cho những đứa con ngang ngạnh như mình.
Mình rất sợ sau khi viết xong bài này, mình sẽ phải trả giá vì mình thấy dường như bản thân có một “năng lực” đặc biệt, đấy là một khi đã dốc ra (dù chỉ một chút) suy nghĩ chân thật của mình thì mình sẽ phải chịu một “hình phạt” là một sự không may mắn nào đó. Mình hy vọng trước giờ mọi thứ chỉ là trùng hợp, và sứ mệnh của mình trong thế giới này là làm đẹp cho cuộc đời bằng những điều chân thành nhất của bản thân.