Khoảng 1 năm đổ lại đây, trên mạng xã hội lẫn báo chí có rất nhiều bài viết về câu chuyện giới trẻ “bỏ phố về quê” hay “bỏ phố về rừng”. Và dưới những bài viết này bao giờ cũng nhiều bình luận của người già lẫn người trẻ tấm tắc khen ngợi lẫn ước ao.
bo pho ve rung min

Về rừng để cạo sạch như thế này ư?
Điều này nêu lên một thực tế, mọi người dường như ai cũng có trong mình một khát khao “vui thú điền viên”, rằng khi phố thị mịt mù khói bụi thì những tán cây, mảnh vườn rộng để “nuôi cá và trồng thêm rau” là ước mơ thực tế và rất đẹp.
Nhưng đằng sau vẻ đẹp đó là nhiều niềm đau, mà những người đang ở phố như tôi thấy xót xa: Trên các bài viết xuất hiện hàng loạt hình ảnh ngọn đồi bị xẻ đôi, xẻ ba để làm nhà (ảnh); những cây xanh bị đốn hạ và hàng loạt loài vật bị giết hại. Thực tế này làm tôi trăn trở: Phải chăng cộng đồng bỏ phố về rừng đang đi ngược lại nét đẹp vốn có của nó là hòa mình vào thiên nhiên, yêu và tôn trọng thiên nhiên.
Thứ nhất là chuyện về rừng làm nhà. Hằng ngày trên các nhóm bỏ phố về vườn, về quê, về rừng… đều xuất hiện hàng loạt hình ảnh “khoe nhà xịn” ở đâu đó trên cả nước. Nhìn qua ai cũng biết đó là những căn nhà “bạc tỷ”, đẹp, sang và đáp ứng đủ mọi yếu tố về mặt phong thủy để mọi người ước ao: lưng tựa núi, mặt ngoảnh sông. Nhưng nhìn kỹ mới thấy những ngôi nhà này nằm trên ngọn đồi vừa chia năm sẻ bảy, phân lô bán nền. Đặc biệt hàng loạt cây xanh bản địa có trước đó bị đốn bỏ để làm chỗ “trồng rau, nuôi gà, thả cá”.
Bạn tôi ở Lâm Đồng, cũng là một người rời phố về rừng nói rằng quê mình không còn như xưa. Ngoài Đà Lạt quá tải thì hàng loạt nơi khác cũng đang bị khai thác quá mức, và nhiều ngọn đồi bị cạo trọc chỉ để phục vụ nhu cầu đất ở của những người bỏ phố về. Điều đáng nói là trong số dòng chảy về quê sống, rất nhiều người mang theo sở thích bê tông cốt thép về theo, làm thay đổi thiên nhiên từ bao đời nay. Và thậm chí nhiều người rời phố về quê chỉ để làm “cò đất” để kiếm những đồng tiền siêu lợi nhuận từ buôn bán đất đai ở quê - điều mà hiện nay rất sốt.
Nghe chuyện của bạn tôi mới nhớ ra quê mình cũng đang đổi thay theo chiều hướng đó. Đất ở quê tôi bây giờ lên chóng mặt, đặc biệt là đất gần rừng, gần sông, gần đường mòn. Nếu một vài năm trước tôi về quê đất ruộng quanh đường mòn còn khá nhiều thì bây giờ hầu như được san phẳng, “chuyển đổi mục đích sử dụng” hết, và mỗi mét vuông dao động từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Ngoài ra còn có hiện tượng nhiều người “có tiền” mua hẳn một khúc gần sông, gần đồi để ở, làm trang trại. Ở đó hầu hết cây cổ thụ xưa bị đốn bỏ, thay vào những cảnh quan nhân tạo.
Thứ hai là chuyện những người rời phố về rừng nhưng… thấy con gì cũng giết hại. Điều này xuất hiện rất nhiều trên các nhóm này. Hầu hết những người ở phố khi về rừng đều có chung cảm giấc thấy con gì cũng "thấy ghét", "thấy ghê", và họ tìm mọi cách tiêu diệt. Nào là cách diệt rắn, cách bẫy chim rừng, cách đuổi côn trùng và hàng loạt hình ảnh nhìn rất xót xa.
Chúng ta đều biết rằng, trong một hệ sinh thái, mỗi loài động, thực vật đều có những vai trò nhất định, và không một loài nào hoàn toàn vô dụng trong chuỗi thức ăn. Việc tàn sát đến kiệt quệ một vài loài nhất định sẽ dẫn đến mất cân bằng tự nhiên, tạo điều kiện cho những loài khác phát triển, phá vỡ hệ sinh thái vốn có. Vì thế, việc tiêu diệt những thú rừng (dù loài vật nào) cũng phá hủy tự nhiên và góp tay vào việc tàn phá thiên nhiên.
Và quan trọng nhất, nếu vài con vật xuất hiện nhưng chưa làm hại bạn, không nhất thiết phải "đập chết" nó. Hãy sống theo tự nhiên, như đúng mục đích của các bạn và đừng tàn phá tự nhiên thêm nữa.
Bỏ phố để lên rừng hay về quê suy cho cùng là một lựa chọn về cách sống mới. Và nếu đủ dũng khí về rừng, gần thiên nhiên, trước hết chúng ta cần một tấm lòng yêu thiên nhiên, cây cỏ loài vật trước đã. Về lâu dài lối sống này phải dựa vào thiên nhiên. Còn cố gắng thay đổi thiên nhiên theo những cách để phục vụ thú điền viên của mình thì khó mà hài hoà.
Có lẽ, chỉ mong sao mỗi nhà mỗi người đều trồng cây xung quanh mình, cây lớn càng tốt, cây bé cũng được. Thế thì ở đâu cũng thấy gần thiên nhiên cả, không nhất thiết về rừng.