Nói về nơi sản sinh ra các văn hóa phẩm tuyên truyền trong Thế chiến II, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nước Đức. Nhưng thực tế, quốc gia nào cũng có những sản phẩm như vậy để phục vụ nhiều mục đích từ cung cấp thông tin, khích lệ quân dân đến chiến tranh tâm lý. Và Hoa Kỳ cũng không hề ngoại lệ.
Bộ ngũ trở về (Five Came back) trên Netflix
Bộ ngũ trở về (Five Came back) trên Netflix
Bộ ngũ trở về (Five Came back) là phim tài liệu Netflix kể về câu chuyện 5 đạo diễn đỉnh cao của Hollywood tình nguyện nhập ngũ vào quân đội Hoa Kỳ: John Ford, William Wyler, John Huston, Frank Capra và George Stevens. Dưới sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Chiến tranh (United States Department of War), họ đã làm ra nhiều tác phẩm mà ngày nay vẫn là nguồn cứ liệu chính cho nhiều bộ phim tài liệu về Thế chiến II. Sẽ không có gì đáng nói nếu như các tác phẩm này hoàn toàn mô tả trung thực chiến trường. Thực tế không hề diễn ra như vậy.
Qua Five Came back, khán giả sẽ biết được nhiều câu chuyện về thủ thuật của các nhà làm phim Hollywood khi sản xuất các bộ phim tài liệu. Chẳng hạn, The Battle of San Pietro có những thước phim được ngụy tạo tài tình dưới sự chỉ đạo của John Huston.
Frank Capra đã dùng hoạt hình để chuyển tải những chủ đề người lớn để giảm bớt tính khốc liệt của những thước phim chiến tranh và sự căng thẳng của người lính. Cũng như sự cạnh tranh ngấm ngầm của các nhà làm phim đại tài trong cuộc đua tranh Oscar về thể loại phim tài liệu.
Ở chiều ngược lại, khi đã là những người lính phục vụ quân đội Hoa Kỳ, các đạo diễn cũng phải tuân theo những quy định bắt buộc. Phim của họ cũng được thẩm định ngặt nghèo bởi các sĩ quan cao cấp. Những yếu tố bạo lực, đau thương, hy sinh, mất mát luôn là chủ đề tranh cãi giữa các tướng lĩnh và nhà làm phim. Không có bộ phim nào được phát hành nếu không có sự cho phép của Bộ Chiến tranh.
Không chỉ vậy, tuy là những sản phẩm tuyên truyền được sự hỗ trợ của quân đội nhưng các phim này lại được tư nhân đầu tư và phát hành. Vì thế không phải bộ phim tài liệu nào cũng đắt khách khi ra rạp bất chấp các cơ sở chiếu bóng thường dành sẵn những suất chiếu tốt cho chúng. Đồng thời, người dân Hoa Kỳ cũng có thói quen ra rạp xem phim tài liệu để cập nhật về tin tức chiến trường.
Chưa dừng lại ở đó, bên cạnh vinh quang, cả năm đạo diễn này đều có những tổn thương tâm lý hoặc thể chất khi trở về. Tên tuổi của họ đã bị lu mờ đến nỗi Frank Capra còn phải kinh ngạc khi nhiều nhà làm phim và giới phê bình không biết đến ông. Bi kịch của Capra còn tiếp diễn khi It's a Wonderful Life - một trong những tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đại lại thất bại thảm hại về mặt doanh thu. Nó bị các nhà phê bình vui dập đến nỗi chính Frank phải công nhận đã có những người ghen tức ngấm ngầm với ông và chỉ đợi lúc này để hạ bệ. Và họ đã làm được việc đó khi hãng phim của Capra phá sản còn ông gần như không thể sáng tạo nghệ thuật được nữa.
Chiến tranh đã khiến William Wyler bị điếc khi ông quay phim quá gần động cơ máy bay. Chiến tranh đã khiến John Ford vĩnh viễn thành một kẻ nát rượu dù rằng ông đã giảm bớt phần nào đó khi nhập ngũ. Chiến tranh cũng khiến George Stevens không bao giờ có thể làm được phim hài vốn là sở trường của ông. George cũng bị sang chấn rất lâu mới có thể tiếp tục làm phim và gặt hái thành công trở lại.
Người Mỹ rõ ràng đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh tàn bạo nhất từng biết đến trong lịch sử nhân loại. Và trên điện ảnh, họ cũng đã đánh bại cỗ máy tuyên truyền của Đức, Ý, Nhật Bản một cách ngoạn mục. Đồng thời, họ đã xóa đi những mặc định sai lầm vẫn đang tồn tại ở Việt Nam rằng đã là đạo diễn nổi tiếng là chỉ làm ra những thước phim nghệ thuật vị nghệ thuật hay quan điểm phim nhà nước hỗ trợ thì không hay.