Bộ não chất dẻo - món quà quý giá mà chúng ta có
Não bộ con người có khả năng tự tái cấu trúc lại bản thân nó như chất dẻo. Điều này mở ra khả năng phát triển bản thân lớn cho con người ở mọi độ tuổi.
1. Tính dẻo của não là gì?
Tính dẻo não bộ (neuroplasticity) được định nghĩa là khả năng não bộ có thể tự tổ chức lại nó, cả về mặt cấu trúc lẫn chức năng. Điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích như:
- Khả năng học hỏi những điều mới
- Cải thiện năng lực nhận thức
- Phục hồi từ đột quỵ và tổn thương não bộ
- Củng cố các vùng não nếu một số chức năng bị mất hoặc suy giảm
- Những cải thiện nhằm thúc đẩy một bộ não khỏe mạnh.
Tính dẻo não bộ được chia làm 2 loại:
Mềm dẻo cấu trúc:
Khả năng của não bộ thay đổi cấu trúc vật lý của nó do kết quả của học tập hoặc trải nghiệm.
Mềm dẻo chức năng:
Khả năng của não bộ chuyển những chức năng được đảm nhiệm từ vùng não bị tổn thương sang vùng não lành lặn.
2. Định kiến về chú chó già
Hẳn bạn đã từng nghe câu này ở đâu đó:
You can't teach an old dog new tricks
hay "bạn không thể dạy chú chó già làm trò mới". Uhm nếu bạn cũng như mình chưa từng thử dạy cho một chú chó làm trò thì ví dụ này hơi mơ hồ. Chúng ta hãy lấy một ví dụ gần gũi hơn: bạn đã bao giờ nghe ông bà, bố mẹ mình phàn nàn về sự phức tạp của máy vi tính và smartphone mà họ nghĩ mình sẽ không thể sử dụng chưa?
Có một suy nghĩ phổ biến khi người ta tin rằng năng lực học hỏi và thích ứng chỉ tồn tại ở một độ tuổi nhất định, và con người đã qua ngưỡng đó không thể tiếp tục nữa. Điều đáng tiếc là khi họ nghĩ như thế và ngừng tìm hiểu thêm về những gì mình không biết, thì họ đang tự ứng nghiệm "lời tiên tri" của mình vậy.
Vì não bộ là chất dẻo, những gì bạn thường xuyên làm, hoặc không làm sẽ củng cố hoặc làm suy yếu những kết nối nơron thần kinh chịu trách nhiệm cho việc làm đó. Kết quả là, não của bạn trở thành những gì bạn làm. Ví dụ như, bạn có thể tự tin đạt điểm cao trong một bài thi tiếng Anh, nhưng bạn có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài hay không? Qua được bài kiểm tra có nghĩa là bạn sở hữu kiến thức, nhưng giao tiếp ngoài đời lại đòi hỏi bạn phải có phản xạ ngôn ngữ đủ nhanh để xử lý thông tin và phản hồi lại những gì họ nói trong thời gian ngắn. Mà chúng ta đều biết, thực hành ngôn ngữ không phải là hoạt động chiếm nhiều thời gian trong trường học so với những hoạt động như học ngữ pháp và từ vựng.
Nếu như quan niệm khoa học trước kia là não bộ duy trì sự ổn định khi con người đến tuổi trưởng thành thì nghiên cứu mới hơn cho thấy khả năng thay đổi cấu trúc và chức năng của nó để thích ứng với trải nghiệm và hoàn cảnh mới. Bộ não có thể hình thành các kết nối mới giữa những tế bào thần kinh trong suốt cuộc đời chúng ta. Khả năng này diễn ra mạnh hơn ở những năm đầu đời nhưng vẫn diễn ra khi chúng ta đã có tuổi.
3. Ứng dụng tính dẻo não bộ trong cuộc sống
Điều tuyệt vời nhất của một bộ não chất dẻo là bạn có khả năng "nhào nặn" nó theo ý mình để phát triển bản thân thành con người bạn muốn. Nếu bạn muốn học tiếng Tây Ban Nha, học làm bánh, học chơi piano, tập vẽ chân dung, hoặc sáng tạo nội dung cộng đồng cho Spiderum như mình thì đừng chần chừ mà hãy làm ngay đi vì não bộ của bạn vẫn luôn ở đó (tất nhiên rồi :v) ủng hộ bạn cho dù bạn đang ở độ tuổi nào.
Thứ hai là, có một số bằng chứng quan sát được (nhưng chưa đủ để kết luận) rằng những hoạt động nhận thức như học tập, giao tiếp xã hội, chơi game có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (bệnh suy giảm trí nhớ do mất đi các nơron thần kinh và liên kết) Nếu như bạn kết hợp một lối sống lành mạnh có vận động, thực đơn ăn uống phù hợp, ngủ đủ với việc duy trì các hoạt động nhận thức, thì đến khi bạn có cháu có lẽ bạn vẫn có thể chơi esport với nó. Lúc đó mình cũng vẫn có thể viết app dinh dưỡng cho người già :v Điều đó không tuyệt vời sao? Hãy tưởng tượng một người ông/bà thú vị với tinh thần trẻ trung, giàu kiến thức và kỹ năng, sử dụng công nghệ không thua giới trẻ n̶h̶ư̶n̶g̶ ̶t̶r̶ô̶n̶g̶ ̶b̶ạ̶n̶ ̶v̶ẫ̶n̶ ̶g̶i̶à̶ ̶n̶h̶ư̶ ̶t̶h̶ế̶ ̶m̶à̶ ̶t̶h̶ô̶i̶.
Như vậy những hoạt động mới mẻ, trải nghiệm mới, môi trường mới có thể kích thích những thay đổi tích cực cho não bộ của bạn. Vì thế nên nếu lần tới bạn thấy một việc gì đó hại não, thì có thể nó sẽ giúp cho não bạn lợi hại hơn đấy.
4. Lời kết
Cuối cùng thì, khi bạn đọc xong bài viết này não bộ của bạn đã được thay đổi (buồn ngủ hơn?) Bản thân mình trong quá trình chuẩn bị nó, những việc như lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin, đọc các bài viết, lựa chọn từ ngữ cũng đã làm thay đổi bộ não của mình. Thay đổi ở đây là kỹ năng viết tiến bộ hơn, khả năng đọc hiểu và kiến thức được củng cố.
Như thế, những điều nhỏ nhặt bạn làm hoặc không làm cũng sẽ làm thay đổi não bộ của bạn. Chính vì vậy, hãy cẩn thận với những lựa chọn của mình để mang đến những thay đổi tích cực nhé ;)
Nguồn tham khảo sử dụng:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất