Đây là những cảm xúc và những suy nghĩ của mình sau khi xem bộ phim The Interns hay “Bố già học việc” vào buổi tối ngày Chủ nhật vừa qua. Thật đặc biệt là bộ phim đem đến cho mình nhiều cung bậc cảm xúc, giá trị và những điều đó đã khiến mình xúc động thực sự. Đó chính là động lực để mình ngồi xuống và viết lại những cảm xúc, suy nghĩ này dù đã trải qua gần 24 tiếng sau khi xem. Mình là một người trẻ trên hành trình khám phá bản thân, cuộc sống xung quanh và đâu đó giữa những kinh nghiệm, bài học, những vẻ đẹp ẩn dấu của thế giới, của con người mà bộ phim đưa tới, mình thực sự cảm thấy mình còn nhỏ bé về cả tầm vóc và độ hiểu biết. Qua hai tiếng cùng với câu chuyện của nhân vật Bin Whittaker, mình hiểu được cách lòng tốt được vận hành và học được thật nhiều những kinh nghiệm ứng xử của một quý ông từ một ông lão hơn 70 tuổi.
Đây sẽ là hành trình mình ghi lại những mình đã nhận ra và học hỏi được từ những thước phim của The Interns. Câu chữ tại đây đã đi từ nhiều cung bậc cảm xúc, đến việc được biên tập ngược xuôi trong suốt khoảng thời gian sau khi bộ phim kết thúc và cho tới giờ là mình đang cố gắng giữ cho mình một trạng thái tĩnh lặng nhất, yên bình nhất để có thể thể hiện những ý niệm đang chạy qua đầu mình với một cường độ liên tục, không ngừng. Có lẽ một mong muốn cũng như kì vọng của mình luôn là có thể chia sẻ được nhiều nhất với mọi người những gì mình đã trải qua. Đâu đó trong mình vẫn cố gắng nói với bản thân: “Sẽ cố gắng làm được tốt nhất có thể, mình sẽ dần làm được”. Mình cũng không có nhiều kinh nghiệm trong viết review về phim nên đây chỉ là những tản mạn suy nghĩ và những cảm nhận của riêng mình về những giá trị bộ phim đem lại. Mong mọi người hãy đọc với một tâm trạng thư thái nhất.
---
The Interns kể về câu chuyện của một ông lão 70 tuổi đi làm thực tập sinh cho một công ty start-up về thời trang và trong câu chuyện làm thực tập sinh này, ông Ben đã giúp đỡ Jules, người phụ trách của công ty nơi ông Ben thực tập rất nhiều về cuộc sống, công việc và mối quan hệ xung quanh. Điều khiến mình ấn tượng đó là cách nhân vật Ben được xây dựng với những đặc điểm tính cách có lẽ là gần như hoàn hảo của một người đàn ông trưởng thành, đó là sự chỉn chu, lịch thiệp, ga-lăng và đặc biệt là tâm thế bình tĩnh trong mọi trường hợp. Với những thước phim đầu tiên, nhân vật Ben hiện lên là người có quan niệm không muốn ngừng nghỉ các hoạt động của bản thân và luôn cố gắng hòa mình với cuộc sống dù đã tới tuổi nghỉ hưu. Đó quả thật là một phẩm chất rất đáng quý mà bản thân mình cần học hỏi. Tại sao mình lại nói vậy vì có lẽ trong câu chuyện của nhân vật Ben, ông đã làm việc hơn 20 cho một công ty in danh bạ điện thoại trước khi chuyển về cuộc sống nghỉ hưu, đáng lẽ đã có thể được nghỉ ngơi như bao người ở tầm tuổi đó thì ông đã chọn một thái độ sống khác, nhiều năng lượng và tinh thần cống hiến hơn cho xã hội. Bản thân trong quá trình bước ra đời đi làm, mình cũng đã có lúc nghĩ và nghe được từ lời của những người xung quanh nói: “À mình sẽ làm đến năm tuổi này rồi sẽ về nghỉ hưu trước, tới lúc đó mình muốn được nghỉ ngơi rồi”. Mình đồng tình với điều đó là một điều không hề sai trái, thậm chí có phần đúng khi chúng ta đã vất vả một thời gian dài thì rất xứng đáng những năm tháng cuối đời được nghỉ ngơi và an hưởng tuổi già. Nhưng câu thoại đã gây ấn tượng mạnh cho mình từ ông Ben nhắc mình nhớ một điều mà chúng ta luôn luôn khao khát, câu thoại đó là: “Tôi chỉ muốn có một nơi để mỗi sáng thức dậy có thể tới đó...” và cảm giác mà chúng ta luôn khao khát đó là “Có một nơi để thuộc về để được là chính mình”. Trong trường hợp của ông Ben, ông chọn việc tiếp tục ra ngoài, ra xã hội hay đi làm thực tập sinh là để tiếp tục những giá trị thuộc về mình, những giá trị định nghĩa nên con người ông. Chúng ta cũng có nhiều lựa chọn nơi mình thuộc về khác như gia đình, các mối quan hệ hay bất kì một địa điểm nào đó mà quan trọng rằng khi ta ở đó, ta thấy được là chính mình. Với mình, đó là một thái độ sống tích cực, thẳng thắn và đầy cảm hứng.
Điều thứ hai, mình học được từ nhân vật Ben, đó là một thái độ bình tĩnh trước các hoàn cảnh khác nhau. Điều này thường mình thấy ở người trẻ sẽ khó được kiểm soát, họ dễ thể hiện những cảm xúc vui, buồn, nóng giận và đặc biệt là cảm xúc phật lòng dễ dàng qua khuôn mặt, thái độ, cử chỉ hay câu từ. Viết đến đây, mình nghĩ có lẽ nào dụng ý của tác giả khi chọn khắc họa một nhân vật có số tuổi “lớn” là 70 là có ý đồ gì đó hay không ?! Trong nhận định của mình, hành trình để có thể kiểm soát việc bộc phát cảm xúc không hề đơn giản, đó là chưa nói đến việc khi những cảm xúc không được toát ra sẽ quay lại tấn công người chủ của nó như thế nào. Đến đây mình hiểu sao con số 70 tuổi lại có ý nghĩa lớn trong cách xây dựng nhân vật Ben, đó chính là thời gian. Thời gian dài sẽ đi cùng những trải nghiệm, con người có những trải nghiệm, có những va vấp rồi sẽ trưởng thành, sẽ cứng cáp và sẽ tìm ra được cách giữ được một trạng thái yên tĩnh. Gần như trong các thước phim tiếp theo, biểu hiện của nhân vật Ben khi những nhân vật xung quanh thái độ sang các sắc độ cảm xúc tiêu cực thường là một trạng thái cực kì bình tĩnh, từ tốn, nhấn mạnh trong đó là ông Ben luôn dành một sự lắng nghe tập trung khi những nhân vật khác nói ra câu chuyện của mình. Ở trong cuốn tập “Yêu những điều không hoàn hảo” của đại đức Haemin, tác giả đã nói tới việc “Lắng nghe là nền tảng của sự đồng cảm và đó là bước đầu trên con đường chữa lành”. Nhân vật Ben gần như đồng cảm được với khá nhiều cảm xúc tiêu cực của các nhân vật xung quanh, đặc biệt đến từ Jules, một người phụ nữ thành công khi còn rất trẻ. Sự lắng nghe mà ông dành cho cô gái trẻ thể hiện ở mọi sắc độ, mọi góc phim. Tưởng chừng có những phân đoạn mà nếu mình trong trường hợp ấy, mình sẽ nói ra ngay quan điểm của mình nhưng cảnh cư xử của ông Ben khi ấy là yên lặng, vẻ mặt thể hiện sự trầm tư nhưng nét bình tĩnh vẫn hiện rõ ràng. Ông yên lặng lắng nghe câu chuyện của Jules và đặc biệt không vội vàng đưa ra một lời khuyên nào. Khi viết tới đây, mình thấy thật đặc biệt khi nó link được rất nhiều tới cuốn tập của đại đức Haemin mà mình đang đọc, một trong những lời chia sẻ của tác giả mà mình nhớ là về việc chúng ta lắng nghe người khác và cách chúng ta đưa lời khuyên thể hiện điều gì ở trong chính chúng ta. Một lời khuyên vội vàng chưa chắc thể hiện một thành ý tốt, mà có khi đó là cách để chúng ta đối phó lại với câu chuyện mà người khác đem lại.
Trong các thước phim của The Intern, tác giả hẳn đã ngụ ý ở mọi ngóc ngách về cách cư xử lịch thiệp của một quý ông trưởng thành trong từng hành vi, cử chỉ của ông Ben. Bên cạnh những phần mình viết bên trên mà theo mình cũng là những điều rất đáng học để trở thành một người đàn ông trưởng thành thực sự thì có thêm mấy điều sau khá đắt giá mà mình hiểu ra, đó là cách lòng tốt được thể hiện và chiếc khăn tay. Bắt đầu từ chiếc khăn tay, trong phân đoạn tại nhà của ông Ben, khi Davis hỏi về chiếc khăn tay có công dụng gì, ông Ben đã giải thích rằng: “Nó dành cho người bên cạnh chúng ta. Cậu hãy tưởng tượng lúc cậu đưa nó cho người thực sự cần tới nó. Đó thực sự là một biểu hiện rõ sự lịch thiệp của đàn ông và sự ga lăng”. Trong phim cũng đã có 2 phân đoạn nhân vật nữ chính Jules nói về chiếc khăn tay, đó là khi cô khóc dựa vào vai ông Ben, lúc đó ông đã đưa chiếc khăn tay của mình cho cô. Và thứ hai khi cô khóc ôm lấy chồng mình trong những phân đoạn cuối, cô đã nói: “Thật tốt nếu anh cũng có một chiếc khăn tay lúc này”. Mình chỉ muốn nói là: “Đây quả thực sự là một hành động lịch thiệp mà bản thân mình đã bỏ lỡ”. Khi ai cần đến nó, nó thực sự là một chất xúc tác an ủi họ đầy êm dịu và ngọt ngào. Có thể là giúp họ bộc lộ và trút ra những cảm xúc quẩn quanh trong lòng hay đơn giản đó là hành động thay thay cho câu nói “Tôi thực sự quan tâm tới bạn”. Các quý ông tương lai, khi có ai đó bên cạnh bạn gặp chuyện buồn và đang đổ lệ, nếu có thể hãy chuẩn bị một chiếc khăn tay và gửi tới họ nhé. Mình nghĩ sau đó họ sẽ thực sự thấy được an ủi hơn đấy.
Còn về cách lòng tốt được thể hiện trong xuyên suốt bộ phim, đây thực sự là một trải nghiệm làm mình vỡ lẽ ra nhiều. Ở trong khoảng thời gian đầu xem phim, mình đã có nhiều lần tự hỏi tại sao các diễn viên lại có lối cư xử như vậy, mình hiểu có thể là do diễn xuất trên phim thì có thể sẽ khác bên ngoài và đôi khi phim ảnh cũng được hiệu ứng hóa nhiều góc độ để cho người xem thấy mình còn thiếu sót bằng cách đưa tới một nhân vật có nhiều ưu điểm mà đại bộ phận khán giả không có để thu hút họ quan tâm tới nhân vật đó. Họ có thể sẽ nghĩ rằng sẽ tìm được điều gì đó tốt cho mình trong nhân vật này. Mình giữ ý niệm đấy khi xem lúc đầu nên đôi khi có một vài phân đoạn mình thấy gượng trong cách mọi người cư xử kèm đôi lúc mạch phim được đẩy nhanh hơn so với thực tế ngoài đời (ít là so với những gì mình đã trải hoặc biết trong thực tế). Nhưng rồi suy nghĩ ấy cũng dần được đưa sang một bên khi nhìn vào cách cư xử của nhân vật Ben và cách các nhân vật khác đối đáp lại trước lòng tốt của ông. Mình thấy một điều là, một nhân vật dù được khắc họa gần sự hoàn hảo tới đâu cũng cần dựa trên những gì thực tế trong cuộc sống. Và trong cách cư xử của nhân vật Ben, mình dần hiểu ra rằng: “Khi bạn muốn thể hiện lòng tốt với ai đó, hãy đừng ngần ngại thể hiện nó ra”. Có lẽ trong suy nghĩ của người Á-Đông, đặc biệt từ lứa tuổi trưởng thành trở lên, khi có ai đó tốt với bạn, đôi phần trong suy nghĩ của bạn sẽ có ý niệm là có lẽ người kia đang có một ý đồ gì đó với mình nên tự nhiên mới tốt với mình như vậy, có lẽ sau đó sẽ là một lời nhờ vả hay đề nghị. Đôi khi chúng ta cũng thấy những điều này rất rõ trong những lời nhờ vả giữa hai người thường bắt đầu bằng một câu hỏi han về đời sống, về sức khỏe. Có lẽ họ nghĩ rằng những lời hỏi han đó sẽ là cách thể hiện thành ý tốt đẹp, kéo gần hai người lại để phần nội dung sau dễ truyền đạt hơn. Và cũng có lẽ, chúng ta đã thấy ngợp trong những điều đó, đôi khi thật khó phân định lòng tốt thật và giả. Chúng ta ngày càng dè chừng và đề phòng trước những điều như vậy trong cuộc sống. Ở khía cạnh nào đó, chúng ta dần khó cảm nhận được lòng tốt thực sự đến từ những người xung quanh trong cả việc tiếp nhận và cho đi. Nhưng tại sao một người đàn ông 70 tuổi lại sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh, kể cả việc đó không phải là của ông ?! Ông Ben đã cho một thực tập sinh khác ở nhờ nhà mình khi quen cậu ta chưa lâu, ông Ben sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong công ty từ việc nhỏ tới lớn, từ việc sẵn sàng nói với Jules rằng cô nên chỉnh sửa lại thái độ với Becky, thư ký của mình hay đặc biệt là khi ông trăn trở có nên nói về việc biết việc chồng Jules, là Matt đã ngoại tình sau lưng cô khi ông bắt gặp và cách ông an ủi cô chân thành và đầy thẳng thắn. Khi Jules cần lời khuyên, ông sẵn sàng gửi tới cô những lời động viên thật tâm và một thái độ ngưỡng mộ với những gì cô đã gây dựng. Tại sao ông Ben lại là vậy ? Mình đã nghi ngờ, thắc mắc và tự hỏi điều đó thật nhiều cho tới khi mình tự nhận ra rằng: “Có lẽ mình đã quá đa nghi, mình đã tự vẽ lên một cách lòng tốt được thể hiện của riêng mình, nó loằng ngoằng, phức tạp và đôi khi khiến mình phân vân đâu là nơi mình có tin là lòng tốt mình không bị lợi dụng?!”. Nhưng rồi khi vào những phân đoạn cuối phim, mình hiểu ra đường là “Lòng tốt thực sự đi một con đường rất đơn giản. Nó chỉ xuất phát từ một trái tim của người gửi tới người nhận. Không lòng vòng, quanh co mà thẳng táp”. Khi muốn thể hiện lòng tốt, sự quan tâm tới ai đó, hãy thể hiện nó mà không đặc kì vọng hay một mong muốn gì đáp lại, có lẽ lòng tốt sẽ đi dễ dàng và nhanh tới người ấy hơn bao giờ hết. Có nhiều người sẽ đặt câu hỏi: “thế như vậy sẽ dễ bị lợi dụng lòng tốt ấy vào những việc không đáng?”. Mình chỉ mạn phép trả lời rằng: Chúng ta sợ bị lợi dụng là vì chúng ta sợ bị tổn thương nhưng thực ra đó chỉ là suy nghĩ mà chúng ta đã tự ám lên mình thôi chứ thực sự ta có tổn thương không thì lại là không phải. Giữa đại dương bao la nhiều nước, nhiều con thuyền vẫn vượt trùng dương ra khơi. Chúng chỉ chìm khi có lỗ thùng trên con tàu đó. Những điều tổn thương kia dù có thật hay do ta tự huyễn thì vẫn sẽ luôn nằm bên ngoài bản thân khi ta không để nó vào lòng. Còn với những người thực sự đã trải qua việc lòng tốt bị người khác lạm dụng, mình thực sự chia buồn với những người đã lợi dụng điều đó vì chỉ sau đó tức khắc, họ đã mất đi một người đã thực sự đối tốt với họ trong cuộc sống. Người thiệt thòi ở đây và duy nhất chỉ là người đi lợi dụng mà thôi. Hãy để lòng tốt là nguyên bản, tròn vẹn nhất như cách nó được sinh ra. Khi ta muốn thể hiện lòng tốt với ai đó bên cạnh đó, đừng ngần ngại hành động ngay khi ý niệm đó nhen lên. Một chi tiết gây cười là kế hoạch đột nhập nhà của mẹ Jules để xóa tin nhắn cô gửi nhầm, mình thấy ông Ben rất quyết liệt, tập trung và bình tĩnh cho dù chuông báo cảnh sát đã vang lên. Thái độ hết lòng giúp đỡ người khác của  Ông Ben khiến mình càng thêm hiểu lòng tốt mà ông đã dạy mình như thế nào.
Phi vụ đầy thú vị
Đây là hình ảnh khi ông Ben được Jules hướng dẫn về cách sử dụng Facebook mà trước đó ông vẫn ngồi đợi Jules làm việc vì một tinh thần đúng tác phong của một người trợ lý: "Sẽ không thể về khi sếp vẫn còn làm việc". 
Mình viết lại đây những gì mình trải qua khi xem The Intern. Thật ra còn rất nhiều những chi tiết thú vị và ý nghĩa nữa mà bộ phim gửi tới người xem, đặc biệt về Jules, nữ chính của câu chuyện, một người phụ nữ mạnh mẽ, hết mình vì công việc và một lòng rất yêu gia đình nhỏ của cô. Ở đâu đó mình có đọc được hình ảnh của Jules được gửi gắm là một hình ảnh biểu tượng của nữ quyền trong thời đại ngày nay. Qua hết mọi thước phim, mình cũng rất đồng tình trong cách tác giả đã xây dựng nhân vật này. Jules là sự khai thác góc độ mạnh mẽ của nữ giới, không chỉ điều hành tốt công việc và còn rất thể hiện rất rõ nhiệt huyết của cô dành cho công việc. Không chỉ vậy mà hình ảnh Jules cũng rất xinh, thời trang và đầy phong thái, chỉ tiếc một chút là nếu mạch truyện có thêm thời gian thì những góc độ của Jules sẽ được khắc nét sâu hơn và người xem sẽ hiểu rõ hơn những phát triển nội tâm của Jules. Ngoài ra những nhân vật khác trong câu chuyện cũng đã cùng đóng góp lên thành công của bộ phim là truyền tải những giá trị cuộc sống như tình bạn không phân biệt tuổi tác, sự vị tha trước những lỗi lầm và khả năng của người phụ nữ cũng vô tận và đầy thú vị như những người đàn ông vậy.
Khi Jules thể hiện những chiều nội tâm đấu tranh trong cô. Một người phụ nữ đầy nghị lực, nhiệt huyết trong công việc nay đang đấu tranh giữa vận mệnh công ty, với gia đình và với chính cô.
Tình bạn không giới hạn. Một phân cảnh cực kì thú vị và cũng thể hiện chất đàn ông của ông Ben ở một góc độ khác.
Một câu chuyện, một bộ phim khép lại và nhiều giá trị, ý nghĩa mà chúng ta có thể rút ra dưới góc nhìn của mình. Cảm giác hiểu ra một điều gì đó là một trải nghiệm thú vị từ cảm xúc tới nhận thức. Mình nghĩ mình sẽ khép lại những dòng chia sẻ tại đây và hy vọng là mọi người cũng đã gom nhặt được điều gì đó cho mình sau khi xem bộ phim “The Interns” và đọc tới dòng này.
Chúc bạn một ngày bình an!
Hà Nội một tối không mưa,
01:03 am ngày 22/7/2020.