Anh cu bé tẻo này ở đâu nghênh ngang bò ra giữa sân nhà mình rồi nằm lại chình ình bất động thủ.

Mình lanh chanh đi nhặt một que nứa để khều cu cậu lên, định hốt thả vào bồn cây nào không thì “Chuột nó xơi cho mất xác”, mẹ bảo. Cu ta cứ là quay ngoắt đi khỏi cái que, kiên quyết không leo lên, trợn trừng hăm dọa mình chán còn ngoẹo đầu cạp luôn cái que nứa khốn khổ dù mồm móm trống trơn. Mình bỏ ngay ý định dùng tay trần bốc hốt cu cậu. Lừa mãi cu mới leo hộ lên một cái lá ngũ gia bì cho, rồi được mình hộ tống về chậu trúc nhật ở góc vườn, nơi (mong là) không em chuột nào ngó tới. Cu vẫn trừng trừng đầy căm phẫn.
Gớm hồn cái đồ đanh đá
Thế mà mấy phút sau quay ra đã lại thấy thằng cu (tắc kè) Bông băng qua một phần ba sân nhà, lần này khéo léo lẩn lút dưới gầm các chậu cây, thò mỗi cái đuôi dài ngoằng ra ngoài. Đi đâu mà kiên quyết đi cho bằng được thế nhờ? Không yên phận được hay sao! Chuột cắn chim tha thì biết nhé, Bông không ăn muối Bông ươn!
Mình chống nạnh dằn dỗi ngó theo một lúc thì chợt nhận ra và phì cười. Mình hẳn đang nhìn thằng cu Bông này bằng con mắt người lớn nhìn mình và rất nhiều những người trẻ dở hơi khác. Đã thiếu kiến thức lại còn cứng đầu khó dạy, chỉ thích chọn đường khó mà làm, biết rắc rối mà vẫn đâm đầu vào bằng được, hay nói ngắn là ngu mà lì. Người lớn thông thái kinh nghiệm đầy mình khuyên bảo thì cấm bao giờ nghe, xăm xăm liều mạng đi làm những trò quái dị, chẳng hiểu chúng nó nghĩ cái gì trong đầu!
Ừ, tụi mình thế mà. Mẹ khuyên học Sư phạm để có đời giáo viên bằng phẳng êm ái, ít phải lăn lộn với đời, được trọng vọng và dễ kiếm chồng. Mình đồng ý, nhất trí hai tay, và nộp ngay hồ sơ vào RMIT để học Truyền thông, quyết tâm lăn lộn với đời tí chơi. Chị khuyên mình bỏ qua chương trình thực tập vô cùng hay ho để đi du học, vì cơ hội lúc nào chẳng có. Mình ậm ừ rồi vật vã thi tuyển, sau đó từ chối lời mời làm nhân viên chính thức ngon lành cành đào để đi du học vì “cơ hội lúc nào chẳng có”.
Mình có giả thuyết này về căn nguyên của sự “ngu mà lì” của tụi mình. Rằng cái gen NML (ngu mà lì) vốn được di truyền từ ông bà tổ tiên thời xa xưa, xưa như thời Hy Lạp cổ đại. Bằng chứng là một người Hy Lạp nhàn cư vi vẫn thiện thời ấy (aka một triết gia) đã đặt cho nó một cái tên ngầu lòi, hẳn là do quan sát và suy ngẫm về những kẻ NML xung quanh mình: “pathei-mathos”, dịch nghĩa đen là “học từ đau đớn”.
Chẳng hạn thế này. Bạn bảo một đứa trẻ “Không được sờ chó!” và mô tả sống động cho nó nghe một con bẹc giê có thể ngoạm đứt lìa tay nó ra sao, nó sẽ học được rằng “chó dữ nguy hiểm” qua tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước. Từ đấy, những đứa trẻ ngoan sẽ tự tránh xa chó và sống cuộc đời yên bình không có chó. Còn những đứa NML, mỗi lần nhìn thấy chó, ruột gan nó sẽ cháy bỏng với những câu hỏi, “tại sao chó lại dữ?”, “có phải mọi con chó đều dữ?”, “có phải ai đụng vào cũng sẽ bị cắn?”, “ngoài cắn ra nó còn làm gì nữa?”, “nó có thực sự cắn được đứt lìa tay mình ra không?”,… Và rồi một ngày, băn khoăn đủ, hay nghe đủ nhiều về những người sờ chó mà không bị cắn, nó sẽ tới sờ chó.
Giờ, nếu nó bị cắn, bất kể nặng nhẹ, bài học “chó dữ nguy hiểm” sẽ được tiếp thu và ghi nhớ một cách chân thực và sâu sắc nhất có thể. Bác Hồ dạy “học phải đi đôi với hành” còn gì. Đôi khi, ăn hành là cách học hiệu quả nhất. Nhưng, nếu nó không bị cắn, cuộc đời nó sẽ dễ thương thêm bao nhiêu khi mỗi ngày được vuốt ve chó, rồi biết đâu nó thuần hóa được con chó ấy, mang về làm bạn và để trông nhà, mở một start-up nuôi dạy và chăm sóc chó, giúp hàng nghìn người khác có cuộc sống dễ thương, trở thành triệu phú khởi nghiệp và sống hạnh phúc mãi mãi về sau với cả đam mê lẫn tiền tài thì sao?
Được rồi, mình hiểu. Một bàn tay đứt lìa là cái giá quá đắt và không cần thiết cho một bài học nhỏ. Nhưng có những NML sẵn sàng trả giá để được học tới nơi tới chốn, vì bài học đó sẽ là nền tảng cho những quyết định hệ trọng trong đời họ. Nếu họ đủ trưởng thành, đã suy nghĩ thấu đáo, hoàn toàn nhận thức được hệ quả mà vẫn chấp nhận và thậm chí trông chờ nó, cớ gì ngăn họ lại?
Thiết nghĩ, cái giá đó chẳng phải để trả cho bài học, mà là cho những khả năng. Với bất kì thứ gì bất định và bí ẩn, khả năng nó tuyệt vời và lôi cuốn cũng nhiều như khả năng nó nguy hiểm và đáng sợ vậy. Đó là một canh bạc lớn – hoặc sẽ phải trả giá rất đắt, hoặc sẽ được đền đáp xứng đáng. Và mình nghĩ, đôi khi các NML sẵn sàng trả giá là để có được cơ hội đó – có được những điều tuyệt vời và mang lại điều tuyệt vời cho thế giới – và thất bại chẳng qua là thêm một bài học từ đau đớn. Họ cảm thấy mình luôn được lợi từ hành động NML đó. Nên cứ lì, dù bị kêu ngu.
Hoặc có lẽ, họ còn lì vì rất sợ chữ “nếu như”. Sợ cả đời sẽ bị ám ảnh với mộng tưởng về những gì đã có thể xảy ra nếu họ đã can đảm hơn, kiên định hơn. Sợ mình đã lựa chọn sự an toàn thay vì tâm huyết, đam mê, tình yêu hay một tuổi trẻ cuồng nhiệt, vậy nên thà đánh đổi để không phải hối tiếc, thay vì bằng lòng với sự ổn thỏa nhưng mãi đau đáu về những khả năng khác.
Những thế hệ trước chắc khó mà hiểu được tư duy này. Sinh ra và lớn lên trong xã hội hậu phong kiến chìm trong chiến tranh, họ đã quen với kỉ luật, sắp đặt, phân bổ, trách nhiệm và hi sinh – vì những điều lớn lao hơn. Những thử nghiệm NML thời ấy sẽ dẫn đến hệ quả vô cùng nghiêm trọng, không chỉ cho họ mà cả rất nhiều người xung quanh. Vậy nên tụi mình thật giống những đứa trẻ vừa hư vừa ích kỉ, chống đối bố mẹ và truyền thống, trật tự, đặt hạnh phúc cá nhân lên trên sự ổn định và thanh thản cho gia đình và xã hội. Có lẽ mình đã nếm trải chút ít cảm giác ấy khi theo dõi chiếc đuôi vằn vện của cu Bông biến mất dưới chậu mai.
Nhưng, có cần đồng tình để chấp nhận hay không? Bạn mà bảo bóng đá là môn thể thao tuyệt vời nhất vũ trụ thì mình sẽ không phản đối dù không đồng ý. Mình hiểu đó là sự thật đối với bạn, và sẽ giữ lấy sự thật của riêng mình. Vũ trụ rộng lớn thế, còn bao điều kì diệu chưa được khám phá, sao dám khăng khăng sự thật của mình là sự thật cho tất cả mọi người? Nên đành cứ lì lợm theo cách của riêng mình thôi.
Vậy rốt cuộc lì có ngu không? Mình chưa nói được. Cu Bông có bị chuột cắn chim tha hay không, mình cũng không biết. Mình chỉ tạm biết có kiểu lì có tính toán, có kiểu lì mù quáng, để cố gắng lì cho đúng, cho nghệ, và mong sẽ có được câu trả lời sớm để tự tin tiếp tục lì, hoặc bớt ngu. Giả mà mình ngộ ra lì là ngu và bắt đầu khuyên nhủ những NML rằng đấy không phải con đường đắc đạo thì họ cũng sẽ chẳng nghe, vì nếu chịu nghe thì đã không phải là NML! Họ cũng sẽ tự đâm đầu vào biết bao đau đớn để thấy được ánh sáng chân lí, rồi lại cố gắng can ngăn những NML thế hệ tiếp theo. Luẩn quẩn thế, phải chăng là vì đây là đoạn đường cần qua để trưởng thành?
Nhiều đau đớn, nhưng cũng nhiều thăng hoa rực rỡ không kém, mình tin vậy. Pathei-mathos.