Tối hôm qua, con gọi về, nhà bắt đầu mất điện. Khu chợ, chỗ vườn xanh đường ngày xưa con đi học bắt đầu ngập hết. Nhà mình cả vườn lõm bõm nước. Bố chép miệng tiếc của vườn rau vừa vun xới cuối tuần trước. Con nhớ hôm đó Bố khoe trồng được tỏi, bắp cải, xà lách các thứ. Hàng đỗ cũng đã bắc giàn cho leo lên rồi.
Sáng nay bố đi làm sớm, trời vẫn không ngớt mưa. Mẹ nói, đêm qua nước vào tận sân, giờ lại rút ra vườn rồi. 
Hai mấy năm cuộc đời, con chưa thấy nhà mình ngập bao giờ. Vậy mà nay trắng trời mênh mông biển nước. Con thấy người già kêu cứu. Con người rốt cuộc nhỏ bé biết từng nào. 
Con gọi cho từng gia đình ở quê, cho ông ngoại, cho các dì, các bác. Chưa nhà nào ngập, vẫn an toàn. Dì bảo mưa to lắm, chỉ ở trong nhà thôi. Nhưng ai cũng lo gà vịt, lợn bò đói. Mẹ cũng kêu chuồng gà bị ngập rồi. Thôi thì còn người là còn của.
Cả Vinh cũng ngập nữa, chị Ngọc thì đang bầu bí một mình. Thế mà vẫn đang ngồi thương mẹ chồng ở nhà. Tầm mấy tháng trước, nhà mình vẫn đám cưới xập xình xuống nhà anh trao dâu. Đêm qua mười hai giờ, cả nhà bác ấy di tản hết trâu, bò, lợn, gà... đi gửi vì chuồng ngập hết. Bao nhiêu lúa má thì bốc cất gác lên cao. Vậy mà vẫn vừa dọn vừa cười, rộn ràng hết cả lên.
Con nhắn tin hỏi bố vào đến đơn vị chưa, đường có mấy đoạn trơn với vách núi nên cũng lo. Chưa thấy bố trả lời, nhưng nhìn zalo hoạt động gần đây. Bấm bụng bảo rằng bố đang bận. Đến tầm 10h, bố nhắn lại, bảo đang đi chống lụt. Con gọi bố bắt máy nói được hai ba câu, chưa kịp hỏi han gì thì lại cúp máy. Chị Mai nói, bộ đội bắt đầu huy động để đi cứu trợ rồi. Bài Sơn nhà o Phương nước ngập vào nhà. Cả đơn vị huy động đi đắp đập. Rồi còn kho bãi, công trình quân sự các thứ, chắc cũng đang dở dang. 
Muốn bố ở nhà thì thật xấu tính nhỉ, công việc vẫn đang chờ mà. Chỉ mong tất cả đều an toàn là đủ. Đợt cháy rừng thông ở gần đơn vị, mẹ con ở nhà lòng cũng nóng hơn lửa. Bố và đồng đội đi cứu rừng, bữa cơm còn chưa được ăn, nghe nói chỉ kịp hút vội một hộp sữa. Chẳng biết trưa nay bố ăn gì. Đợt Rào Trăng, cứ đọc bài nào là con lại khóc. Vì bố cũng là bộ đội. Và con thì luôn rất tự hào. 
Quê mình năm nào cũng bão. Con vẫn nhớ cảm giác mưa xối ào ạt, gió phần phật lúc hai chị em ở nhà một mình. Lúc đấy bố dặn hai đứa chui xuống gầm giường, nằm im trong đấy. Con vừa ôm em vừa sợ. Nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng xe bố ở cổng, cảm giác an tâm lại ngập tràn. Chỉ ở cạnh bố, là luôn thấy vững vàng như vậy ạ. 
Ngày trước, con luôn tự hỏi sao bố mẹ ông bà hay lo thế. Sao ở nhà mình ai cũng chắt chiu. Con luôn bị bố mắng mỗi khi không tắt đèn lúc dùng xong, khi lãng phí. Mẹ luôn gom những lon bia, chai nhựa uống xong, xếp ngay ngắn, được nhiều nhiều mang ra bán, mỗi bận được mười mấy hai chục nghìn. Ông ngoại thì buộc chuồng gà rất kĩ. Mấy bác cuối xóm có mớ rau mấy nghìn cũng lặn lội nắng nôi mang ra chợ bán. Lớn rồi con hiểu vì trong kí ức của mọi người, cả đời đã trải qua bao nhiều lần bão, lũ. Tất cả có thể sẽ mất trắng sau một đêm vậy.
Nhưng con chưa bao giờ thấy mọi người thôi lạc quan và ngừng chăm chỉ. Con cũng chưa bao giờ thấy mọi người ngừng yêu thương, đùm bọc nhau. Hôm nay con xem hình ảnh một chú nhà bị ngập, mặc kệ tủ lạnh hư. Vẫn khư khư ôm tượng Bác đi di tản, còn nhường nón đội cho tượng nữa. Đúng thật là người quê mình rồi bố ạ.
Tuần trước, cả Nghệ An mình rộn ràng nấu bánh chưng cho Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tuần này trời lại trút mưa, nhà mình ngập. Không sao, đồng bào nơi khác sẽ lại yêu thương dân mình. Và chúng mình vẫn vững vàng bên nhau.
Bạn bè, các em, các chị con lo lắm. Có đứa đòi lên xe về quê. Con nhắn em cứ bình tĩnh đã, nếu không đủ kĩ năng thì khoan về, lại phiền hà vất vả cho nhiều người khác. Mưa rồi lại sẽ ngớt thôi, nước rút và chúng mình lại bắt tay dọn dẹp và gây dựng lại.
Quỳnh nhắn tin cho con, gửi ảnh rừng bây giờ mà buồn quá. Phải chi đừng đua nhau sạp gụ, bàn ghế gỗ mà trưng. Đẹp đẽ gì đâu khi tất cả đổi bằng mất mát và đau thương của bao nhiêu người.
Càng ngày lại càng thấm thía, sinh mệnh chúng ta vô thường đến vậy.
Giờ con chỉ mong ngớt mưa, mong mọi người bình an. Bố hãy vững vàng lên ạ, vì mẹ, vì con và em nữa. Vì chúng ta là một gia đình.