Thầy viết ra giấy câu nói “Bố cũng lần đầu làm bố”, sau đó chỉ chỉ vào câu vừa viết và quay lên nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi “Chị đã nghe câu này bao giờ chưa?”.
Đương nhiên là tôi đã nghe qua rồi, đã nghe rất nhiều lần. Nhưng dường như, những lần như thế chỉ toàn là để bao biện cho những việc bố đã làm với tôi. Nguyên câu chuyện là nó như thế này, hôm đó tôi phải làm một bài tập mà nó có dính đến một số vấn đề cá nhân của tôi, và tôi cũng đã lường trước được việc rằng thầy sẽ gọi tôi lên và hỏi chuyện. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc tôi phải khóc trước mặt thầy hoặc tôi sẽ phải đối diện với câu hỏi đó.
1: Tại sao?
“Bố cũng lần đầu làm bố”, đương nhiên, tôi hoàn toàn biết điều đó. Và tôi hoàn toàn có thể tha thứ cho bố tôi nếu bố chịu nhận ra lỗi của mình và xin lỗi tôi. Nhưng trái lại, bố tôi toàn chỉ bao biện bằng những triết lí sống, những câu nói nổi tiếng hoặc tư tưởng của ông. Các bậc phụ huynh khác cũng thế, có thể họ không như ông, không bao che cho lỗi lầm của họ bằng những triết lí của cuộc sống, nhưng họ lại thốt ra câu “Bố/ mẹ cũng lần đầu làm bố/mẹ mà con”.
Tại sao họ lại thốt ra câu nói đó nhỉ? Trước khi phán xét một sự việc gì đó, sao ta không thử thấu hiểu nó đã nào? Nếu như các bậc cha mẹ nói ra câu này để tìm kiếm sự tha thứ của đồng cảm của con cái họ thì cũng chẳng có gì là sai cả - ít nhất tôi cảm thấy vậy. Có thể họ nói ra câu này để bạn cảm thấy rằng họ không cố tình làm tổn thương bạn, cũng có thể họ nói ra câu này vì họ đã hối lỗi với hành động vừa nãy của mình. Bạn phải thực sự hiểu được rằng, bố mẹ chúng ta cũng lần đầu làm bố mẹ (trừ khi bạn là đứa thứ 2, thứ 3 gì đó). Bạn làm sai, họ cũng sai, bạn bối rối, họ cũng vậy, bạn không biết phải làm gì, họ giống bạn. Chẳng ai muốn con cái mình phải chịu khổ cả, cũng chẳng ai muốn con cái mình không thích tâm sự với mình. Bạn phải hiểu được rằng bố mẹ các bạn cũng đang cố hết sức để hòa nhập với bạn, cố hết sức để đồng cảm với bạn. Sẽ chẳng có bậc phụ huynh nào thích việc con cái ngày càng xa cách với mình đâu, nếu bạn vẫn chưa hiểu được cảm giác này thì so sánh với người yêu của bạn đi. Bạn có muốn người yêu xa lánh mình, bạn có thích việc mình và người yêu ngày càng lạnh nhạt? Chẳng ai ưa nổi việc đó đúng không nào? Và với bố mẹ các bạn và bố mẹ tôi cũng vậy thôi, họ đã cố để thấu hiểu các bạn mà. Chúng ta hãy chậm lại một nhịp và nghĩ xem nha.
2: Thông cảm hay bao biện?
Tuy nhiên, nếu tôi và các bạn hoàn toàn có thể thông cảm cho việc bậc phụ huynh nói ra câu này để tìm kiếm sự đồng cảm thì tôi lại không thể bao che cho việc họ thốt ra câu đó để bao biện cho hành vi của họ. Đúng, có thể họ yêu bạn thật, nhưng yêu thôi là không đủ. Họ phải đủ bản lĩnh để nhìn vào cái sai của mình để thừa nhận và sửa đổi nó. Trẻ con nó sẽ thông cảm cho sai lầm cho cha mẹ nó, nhưng sẽ không bao giờ tha thứ cho việc họ biện minh hành động của họ. “Bố cũng lần đầu làm bố”, đúng vậy, nhưng bố cũng đã làm bố được mười mấy hai chục năm rồi còn gì nhỉ? Bố đã làm bố hằng ngày mà? Bố cũng đã nghe rất nhiều câu chuyện, sách hướng dẫn dạy con rồi mà nhỉ? Bố cũng đã nhìn thấy rất nhiều người bố khác nuôi dạy con họ như thế nào rồi đúng không? Tôi thực sự sẽ không ưa nổi bố tôi nếu ông nói ra câu “Bố không phải vừa mới sinh ra đã là bố. Bố cũng lần đầu làm bố. Con gái thông cảm cho bố nhé!”
Đúng, bố không phải vừa mới sinh ra đã làm bố. Nhưng bố cũng có bố mà ta? Sao bố không nhìn vào cách ông nội đã đối xử và nuôi dạy bố và rút kinh nghiệm khi nuôi dạy con? Bố cũng có thể nhìn lại cách mình đã nuôi dạy con gái của bố, con trai của bố và tự xem lại mình nên sửa đổi ở điểm nào mà? Và hôm thầy tôi hỏi tôi câu đó, tôi đã không có suy nghĩ gì về việc phản biện lại câu nói đó vì tại thời điểm đó, tôi đã mất bình tĩnh và đang khóc nấc lên rồi. Thế là, tôi trả lời thầy một câu mà tới tận bây giờ tôi vẫn còn phải nghĩ về nó “Cứ cho là bố là lần đầu làm bố với em, nhưng nếu đối với em của em thì lại là lần thứ hai rồi. Đã tới lần thứ hai rồi, nhưng ông lại không nuôi dạy nó khá khẩm hơn và còn tệ hại hơn em là sao?”. (Tôi nói xong câu này mà nghẹn cả cổ họng đấy) Đúng, nhà tôi có hai chị em, và nếu bố tôi nuôi dạy tôi là lần đầu, vậy sao ông không rút kinh nghiệm và nuôi dạy thằng thứ hai tốt hơn? Và thay vào đó, ông càng ngày càng quá đáng hơn. Tới mức này thì tôi thực sự không thể biện minh cho bố được nữa rồi. Tôi thực sự đã cố không nghĩ xấu về ông, tôi đã tự nhủ với bản thân rằng ông cũng có áp lực của riêng mình, ông cũng có những việc cần phải lo. Tôi tự nhủ rằng ông vì muốn tốt cho thằng nhỏ nên mới làm vậy. Nhưng sự thật là thằng em của tôi nó toxic vì cách nuôi dạy của bố tôi. Quay lại với sự việc nào, cha mẹ có thể không phải là cha mẹ từ khi mới lọt lòng. Nhưng họ có thể học hỏi từ trong quá trình họ nuôi dạy các bạn mà phải không?
Có thể bố mẹ là lần đầu làm bố mẹ, nhưng tại sao hai người lại lấy câu nói đó ra để bao biện cho mình? Bố mẹ hoàn toàn có thể thừa nhận lỗi lầm và xin lỗi con cái, việc đó sẽ gia tăng sự tôn trọng của con cái dành cho bố mẹ, đồng thời cũng cho con cái biết được rằng bố mẹ không phải lúc nào cũng đúng, nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể nhận lỗi, và con cũng nên vậy nhé. Nhưng việc thừa nhận sai lầm của mình đâu phải ai cũng làm được, những người có lòng tự tôn cao lại càng khó, họ không thích việc phải thừa nhận rằng mình đã sai, tương tự với những người lớn tuổi. Nhưng khi nuôi dạy con cái, hoặc đơn giản hơn là khi bạn yêu đương thôi, bạn phải gạt cái tôi của mình qua một bên và nhường nhịn, thành thật một chút. Có thể bạn hoặc bố mẹ thừa biết rằng bản thân đã sai, nhưng lại không thể nào thẳng thắn thừa nhận nó được. Đúng không? Tôi cũng vậy thôi, vì cái tôi của mình mà tôi không dám thừa nhận chuyện mình sai. Nhưng, nó khó nhưng không phải là bất khả thi, bố mẹ vẫn làm được nhưng họ chỉ không muốn mà thôi. Họ lấy câu nói đó ra để thanh minh cho sự thật rằng họ đã làm tổn thương đến con cái, dù vô tình hay cố ý.
Và cứ ví dụ là nếu có thể thông cảm, thì chúng ta nên thông cảm cho những trường hợp nào nhỉ? Loại bỏ trường hợp bố tôi ra đi, tôi chẳng muốn nhắc tới nữa rồi. Thực ra, nếu bố mẹ thực sự nhận ra hành động của mình đang làm đau con cái thì họ sẽ chẳng bao giờ lại thốt ra câu nói đó. Vì theo tôi, một khi các bạn thực sự hối lỗi và nhận thức được rằng hành động của mình từ trước đến giờ đang làm người khác cảm thấy tệ, và bạn muốn họ tha thứ cho bạn. Thì lúc đó, bạn nhất định sẽ rụt rè hơn với từng nhất cử nhất động của mình, bạn sẽ thể hiện nó ra bằng hành động nhiều hơn và sẽ cố thấu hiểu họ nhất có thể. Bạn sẽ làm những điều mình có thể hơn là việc nói câu “Bố/mẹ/tôi cũng lần đầu làm…”.
Có thể, các trường hợp của bố mẹ các bạn không giống như tôi, có thể khá hơn, cũng có thể tệ hơn. Nhưng việc các bạn chọn tha thứ hay chỉ trích họ đều là do bạn lựa chọn. Nhưng hãy nhớ rõ 2 điều này trước khi bạn quyết định: “Việc đánh giá một người dễ dàng hơn việc tin tưởng họ.” và “Những việc làm tốt đẹp của người khác không thể nào làm mờ đi được sự thật rằng họ đã làm tổn thương bạn.”.
3: Lỗi của ai nhiều hơn?
Đây thực sự là câu hỏi khó, vì nếu vấn đề chỉ đến từ một người thì sự việc sẽ chẳng bao giờ thành ra thế này – có thể nhưng phần trăm rất nhỏ.
Nhưng nếu vậy thì đây là lỗi của ai, và lỗi của ai nhiều hơn? Cái này sẽ tùy vào trường hợp của mỗi người nữa. Nếu ví dụ trong phim Reply 1988 thì theo tôi, lỗi là của ông bố nhiều hơn. Ông đã có hơn 20 năm làm bố rồi còn gì nhỉ? Và cô ấy còn là cô con gái thứ 2 nữa cơ? Vậy mà dám mở miệng ra bảo là lần đầu làm bố? Xin lỗi nhưng tôi thực sự chẳng ưa nổi đâu.
"Bố cũng lần đầu làm bố"
"Bố cũng lần đầu làm bố"
Bỏ qua trường hợp trong phim và nhìn nhận câu nói này khách quan hơn chút nào. Bố mẹ và con cái đều có nỗi khổ của nhau, và chắc chắn một điều rằng sẽ chẳng ai có thể hiểu hết cho ai cả. Vậy nên, sự đồng cảm và tin tưởng đôi bên là rất quan trọng. Thế nhưng, nếu con cái không hiểu cho bố mẹ đến nỗi để họ thốt ra câu đó thì cũng không được. Nhưng việc bố mẹ không chịu thông cảm cho con cái và nói ra câu đó như một lời bao che cho những hành động làm tổn thương con trẻ thì thật sự quá đáng.
Hoặc là xét đến đề thi học sinh giỏi văn, “sự thấu hiểu của con cái dành cho bố mẹ” như tôi đã nói trước đó, ai cũng có vấn đề của riêng mình và sẽ không ai hiểu hết được việc đó. Bố mẹ phải thấu hiểu cho con cái và con cái cũng phải như vậy, thế nhưng nếu bố là lần đầu làm bố thì bố đã làm con được hơn chục năm nay rồi mà. Tôi không nói rằng con cái không cần hiểu cho bố mẹ của mình, nhưng bố mẹ cũng phải hiểu cho con chứ nhỉ? Sự thấu hiểu phải đến từ hai phía, nếu như các bạn đã cố để tha thứ, thông cảm cho bố mẹ nhưng họ vẫn chứng nào tật nấy thì tôi tin rằng vấn đề là ở họ. Nhưng nếu không phải như vậy, xin bạn hãy nhìn nhận lại, có thực sự bạn đang nhường nhịn, tha thứ cho bố mẹ của mình? Hay bạn chỉ đang cố tỏ ra mình là nạn nhân rồi trong thâm tâm lại đi chỉ trích họ? Tôi thấy đề văn này thực sự quá một chiều rồi, tại sao không mở rộng thêm ra là “sự thấu hiểu của con cái dành cho cha mẹ và ngược lại”? Theo tôi, như vậy mới thực sự công bằng. Không thể đòi hỏi sự thấu hiểu chỉ từ một phía con cái hay cha mẹ được.
4: Gửi những ông bố, bà mẹ ngoài kia
Tôi mong các anh chị, cô chú ngoài kia đừng đòi hỏi quá đáng tại sao con cái lại không thấu hiểu cho mình. Con cái đã làm bố mẹ lần nào đâu, chúng đâu sống cuộc đời của cô chú đâu? Cô chú chưa hiểu được cho con cái tại sao lại đòi hỏi nó làm điều tương tự với mình? Con cái noi giương theo bố mẹ mà nhỉ? Để hiểu được cho con trẻ, các cô chú/anh chị đâu nhất thiết cần phải làm bố mẹ đâu kia chứ, ai cũng đã từng làm con rồi mà đúng không? Để hiểu và lắng nghe được cho con, chúng ta đừng đứng trên phương diện của bố mẹ, hãy nói chuyện với con như hai người bạn, trò chuyện với con như một người bạn của con. Đó mới là điều làm cho con cái thấy thoải mái nhất, con trẻ chẳng bao giờ thích những bài giảng đạo lí, những bài tụng kinh mà đúng không? Nhất là khi các bé đang giãi bày nỗi lòng với cô chú nữa, điều những em cần là sự đồng cảm và lắng nghe. Đó là tất cả, đừng cho con mình lời khuyên khi con chưa cần tới, đôi khi, bé chỉ nói với cô chú điều đó để hai người lắng nghe bé. Còn lại thì con trẻ có thể tự xử lí, đó là cuộc đời của bé, đó là sự chọn của bé, có thể điều đó làm cho cô chú không vui và muốn sửa đổi. Nhưng làm ơn, hãy nhớ dùm tôi một điều, mỗi người mỗi khác, không phải cứ là điều đó không đúng với cô chú là nó phải không đúng với con trẻ. Có thể lựa chọn, cách giải quyết của các em không hoàn hảo và không theo ý của cô chú, nhưng nó là hoàn hảo nhất với các em, đó là lí do các em chọn cách đó mà.
Bố mẹ đi làm mệt là thật, bố mẹ không biết cách đối xử với con cái như thế nào là thật, nhưng câu nói "bố cũng lần đầu làm bố" và những lí do trên không phải đem ra để bao biện cho những hành động gây tổn thương họ làm với chúng ta. Đừng chỉ nhìn vào mặt tốt đển đánh giá một sự việc, tương tự với mặt xấu. Cô chú/anh chị yêu con cái là thật, tôi biết, các cô chú làm tổn thương các em cũng là thật mà? Sao lại lấy nó ra để bác bỏ đi những đau đớn cô chú gây ra cho các em, "yêu cho roi cho vọt" câu này không phải để bao che cho những đòn roi mất kiểm soát, những câu nói thốt ra để kiểm soát tuyệt đối con trẻ. Yêu cho roi cho vọt, câu này đã bị hiểu sai rồi, yêu không phải là đánh đập, yêu không phải là xúc phạm con trẻ, yêu không phải là bạo hành chúng, yêu không phải là làm tổn thương chính đứa con mình đẻ ra, yêu cũng không phải đối xử bất công. Đừng bao giờ lấy những lí do "mệt, yêu, vất vả, lỡ lời, lỡ tay, do con..., do bố mẹ không kiểm soát được..." ra để bao biện nữa, thẳng thắn với hành vi của mình đi. Những lời biện hộ này chỉ ngày làm cho quan hệ bố mẹ-con trở nên xa cách và căng thẳng, thừa nhận mình sai, hứa sửa lỗi và thực sự sửa chúng, điều đó mới làm cho con tôn trọng và yêu mến bố mẹ nó. Các bậc phụ huynh không thể nào lấy mấy cái lí do như đi làm mệt, con cái không thấu hiểu cho để làm sự biện minh cho hành động của mình được. Nếu như vậy thì con cái cũng có thể lấy lí do rằng con đi học mệt, bố mẹ không hiểu con để không nói chuyện, lớn tiếng với phụ huynh mà?
5: Gửi những bạn đang tổn thương và nhiều bạn hơn nữa
Gửi những bạn đã và đang cố nói ra vấn đề của mình với ai đó. Thực lòng cảm ơn bạn, bạn đã làm rất tốt rồi, dù người ta có trân trọng nó hay không thì cũng đừng buồn nhé. Điều quan trọng là bạn đã chịu nói ra nó, nếu như bạn vẫn chưa thỏa mãn, tôi ở đây để nghe nè. Có thể tôi không phải làm người an ủi giỏi, nhưng tôi là một người lắng nghe tốt. Và, với những bạn vẫn chưa chịu nói ra với ai. Hãy thử một lần đi, nói ra với bố mẹ, với thầy cô, với bạn bè, hoặc ngay cả người lạ cũng được nè. Chẳng sao cả, nhưng phải chọn một người thực sự lắng nghe những lời bạn nói. Một người thực sự trân trọng từng lời từng chữ của bạn.
Và với những bạn không chịu nói ra tâm sự của mình, cứ giữ nó trong lòng và lại làm tổn thương người khác. Tại sao vậy nhỉ? Tôi hiểu câu nói “người tổn thương lại tổn thương người khác” nhưng bạn hiểu rõ cảm giác nó đau đến khi nào khi bị tổn thương mà nhỉ? Bố mẹ, mọi người cũng có nỗi khổ của riêng họ. Hãy thông cảm cho họ một chút nhé, thông cảm cho những lúc họ vô tình làm bạn đau. Đừng lấy nỗi đau của bạn ra để làm tổn thương người khác nữa. Sao không lấy nó ra để hiểu cho người khác, để giúp được nhiều người hơn? Nhất định điều đó sẽ làm bạn vui vẻ hơn rất nhiều đó.
Với những bạn chỉ bám vào những điều tiêu cực để chỉ trích, đánh giá bố mẹ và những người khác. Cái này thì tôi chẳng biết nói gì nữa. Các bạn không hiểu được cho bố mẹ mà suốt ngày chỉ chăm chăm vào những lỗi lầm của họ thì làm sao mà bạn thấy hạnh phúc và trân trọng họ được chứ? Bạn bớt cái tính đó lại đi nhé.
@Nathalie