"Bố cũng là lần đầu làm bố” là câu nói tạo ra làn sóng tranh luận giữa khán giả của bộ phim “Reply 1988.” Quả thực, mình thấy tranh luận về câu nói này khá mất thời gian, vì giống như mọi cuộc tranh luận khác, chẳng đi đến được một cái kết phân chia rõ đúng sai, và cũng thật khó để xác định được cuộc tranh luận này có hữu ích hay không.
Cảm nhận của mình khi lần đầu tiên nghe được lời thoại này chính là “cảm động.” Với mình, đây giống như lời thú nhận lỗi lầm hơn một sự phủi bỏ trách nhiệm. Giống như câu nói của nhân vật Bora trong chính bộ phim này: “Người ấy là anh hùng thực sự, không bao giờ để lộ điểm yếu nào… Không ai biết những điều bất công, dơ bẩn, khó khăn mà các bố phải đối mặt… là vì có người cần họ bảo vệ.” 
Ông Dong Il là nhân vật hay che đậy cảm xúc của mình nhất, dù khóc như mưa khi vợ phải làm sinh thiết cũng không muốn vợ biết. Dù chìm trong nỗi nhớ mẹ đến mức phải bầu bạn với cậu nhóc 17 tuổi vẫn cố giả vờ đang bình thường. Để cuối cùng cũng phải bất lực thú nhận: “Bố cũng là lần đầu làm bố.” 
Lời thú tội của Dong Il chính là sự đầu hàng trước những nỗ lực tỏ ra mạnh mẽ bấy lâu nay. Ông biết bản thân mình sai trong rất nhiều chuyện. Nhưng lần này ông không thể giữ vai trò là anh hùng bảo vệ con cái nữa. Ông nhận ra chính sự vô tình của bản thân đã gây ra tổn thương cho con gái mình. Lúc này, ông chỉ có thể thú nhận: Bố cũng là người bình thường, bố cũng có lúc sai. Bố không muốn đổ tội cho bất kỳ cái gì, nhưng bố mong con tha thứ cho bố…
Chắc cũng vì lẽ là con thứ hiểu chuyện, nên khi nghe câu nói đó từ bố, Duk Sun cũng thấy nhiều cảm xúc, phần vì thấu hiểu, thông cảm, phần vì tủi thân, và cũng thấy có lỗi, khi lần đầu thấy dáng vẻ mềm yếu của bố. 
Còn việc liệu nó có xóa nhòa những tổn thương mà Duk Sun đã phải gánh chịu hay không, thì đấy cũng phụ thuộc vào Duk Sun. Vì lời xin lỗi của bố vẫn rất thật lòng. Còn Duk Sun liệu sẽ là người đặt nặng vấn đề của bản thân hơn, hay chấp nhận sự yếu đuối, bất lực và cảm thông cho bố, cô có quyền lựa chọn, và độc giả cũng có quyền đưa ra góc nhìn của bản thân mình.
Và đó cũng là tất cả những lý do mình thấy lời thoại này dù gây tranh cãi nhưng lại không mang nhiều ý nghĩa tiêu cực “như lời đồn.” Sẽ có những lúc phải yếu đuối, vì đó cũng là một cách tự chữa lành. Và trong cuộc sống, đôi khi phải coi trọng mục đích của câu nói hơn là tính chất của nó.