Bài viết trước mình đã nói đến kích cỡ khung cảnh (shot size). Toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, mỗi khung cảnh như vậy sẽ được thể hiện trên một khung hình với các bố cục khác nhau. Để có một cảnh quay đẹp ngoài việc có kĩ thuật quay phim còn đòi hỏi khả năng sắp xếp bố cục trong một khung hình. Vậy bố cục là gì ?
Bố cục là sự bố trí và sắp xếp các nhân vật, vật thể, các mảng khối, màu sắc, ánh sáng, ... trong khung hình nhằm tạo ra hình ảnh thống nhất, không chỉ hài hòa mà còn gây ấn tượng với người xem và thể hiện được những dụng ý của đạo diễn.
Bố cục phim về cơ bản cũng giống như một vở kịch trên sấn khấu, đạo diễn sẽ cố gắng sắp xếp các thông tin quan trọng và diễn viên một cách hợp lý để tạo được hiệu quả thẩm mỹ và lột tả tâm lý nhân vật. Bài viết sẽ đề cập đến một vài cách sắp xếp bố cục quen thuộc.

Bố cục đối xứng

Là loại bố cục kinh điển trong điện ảnh. Trong kiểu bố cục này, chủ thể chính sẽ được đặt ở đường trung trực của khung hình, không gian còn lại được chia làm hai phần đối xứng với nhau. Loại bố cục này giúp chủ thể nhân vật nổi bật do đứng ở vị trí trung tâm nhưng đồng thời nó cũng đánh mất đi sự linh hoạt do 2 phần ảnh chia đều nhau nên khó có thể phân biệt mảng chính, mảng phụ.

Bố cục theo nguyên tắc 1/3 (The rule of Thirds)

Đây là một loại bố cục khá phổ biến, không chỉ trong điện ảnh mà còn trong cả nhiếp ảnh. Bố cục này được dựa trên " tỉ lệ vàng". Trong kiểu bố cục này, khung ảnh sẽ được chia thành 3 phần theo chiều dọc và 3 phần theo chiều ngang như một mặt của khối rubik v. Chủ thể sẽ nằm ở vị trí 1/3 của khung ảnh. Trong quá khứ, các nhà thẩm mỹ học đã có các nghiên cứu với quy tắc tỷ lệ 1/3 này. Họ chỉ ra rằng các chi tiết nằm dọc theo khung hình sẽ giúp bức ảnh trở nên bao quát và có hồn hơn hẳn so với các bức ảnh đặt chủ thể làm trung tâm. Các ấn tượng thị giác cũng từ đó cảm thấy sự hấp dẫn khi người xem bị dẫn dắt bởi việc sắp xếp các chi tiết trong khung ảnh.

Bố cục 1 điểm tụ

Bố cục 1 điểm tụ hay còn gọi là bố cục đường dẫn. Khi sử dụng loại bố cục này, chủ thể của khung ảnh sẽ đứng chính giữa khung ảnh nơi mà các đường chéo hội tụ, sự vật càng ngày càng nhỏ dần khi nằm càng xa điểm nhìn và thu về hướng một điểm tụ nằm trên đường chân trời. Đây là một loại bố cục khá phổ biến không chỉ trong điện ảnh mà còn trong hội họa. Bố cục 1 điểm tụ giúp người xem tập trung được vào chủ thể chính, tạo cho người xem một sự tập trung nhất định nên loại bố cục này thường dược sử dụng trong các cảnh phim căng thẳng, giật gân.
Bài viết được tham khảo từ các bài báo và nhiều nguồn khác nhau
Thanks for reading
mih_lumiére