Qua bài viết đầu tiên về blockchain, mình tin đa số chúng ta đã có những kiến thức nền tảng để trả lời được các câu hỏi cơ bản như: Blockchain là gì ? Blockchain có cấu trúc như thế nào ? Blockchain có bảo mật hay Blockchain có phải là Bitcoin. Nhưng vẫn còn một câu hỏi chưa được thảo luận: Vậy công nghệ Blockchain có phải là giải pháp hoàn hảo ? Đâu là “gót chân Achilles” của blockchain và blockchain sẽ được ứng dụng như thế nào ?.
Một công nghệ mới, cho dù nghe có hay đến đâu, nhưng nếu vẫn không tạo ra những ứng dụng thực tiễn vào đời sống. Sớm hay muộn, công nghệ đó sẽ cũng sẽ bị lãng quên. Thế câu chuyện của blockchain sẽ như thế nào ? Cùng mình tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhBloc
Blockchain có là giải pháp hoàn hảo ?
Blockchain có là giải pháp hoàn hảo ?

Điểm sáng của blockchain

Sự minh bạch

Sự minh bạch cần thiết
Sự minh bạch cần thiết
Là điểm vượt trội của blockchain khi so với các hình thức lưu trữ hồ sơ hiện hành. Một hệ thống dữ liệu được xây dựng trên blockchain sẽ cho phép các thành viên xem xét chi tiết mọi giao dịch được ghi trên các khối, mà các giao dịch ấy không thể bị tác động hay xóa bỏ. 
Quay trở lại với các cách ghi chép truyền thống, khi dữ liệu không được công khai, niềm tin của mọi người dường như không có cơ sở để đặt vào. Tệ hơn, dữ liệu có thể bị sửa đổi bởi những cá nhân có quyền lực. 
Đã có những câu chuyện thực tế như vậy diễn ra: Vụ bê bối điểm thi THPT của 222 thí sinh tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Hay những drama xoay quanh chòm sao Kê sáng nhất trong năm 2021. Có thể có nhiều nguyên nhân gây ra hai vụ việc kể trên, nhưng trong số đó, ta có thể “đổ” trách nhiệm một phần là vì sự thiếu minh bạch của phương thức lưu trữ dữ liệu truyền thống.
Giả sử nếu có sự tham gia của blockchain, hai câu chuyện trên sẽ diễn ra khác như thế nào ?
Với trường hợp điểm thi THPT. Điểm thi, dữ liệu bài thi (số câu đúng, sai), thời gian được chấm, điểm phúc khảo... sẽ được hoàn toàn công khai và gắn với SBD để tra cứu. Nếu có những sửa đổi nào bất thường, chắc chắn ta sẽ nhận ra vì blockchain ghi lại mọi thay đổi.
Với trường hợp thứ 2, nếu ngân hàng xây dựng cơ sở dữ liệu trên nền tảng công nghệ blockchain. Ta hoàn toàn có thể kiểm tra các giao dịch của một tài khoản (tra cứu bằng stk). Ta có thể thấy được các giao dịch đã được hoàn thành hay chưa, giao dịch bắt đầu và kết thúc ở thời điểm nào, có những số tiền nào chuyển đến và đi,... chỉ cần ngồi ở nhà và tra cứu trên trang dữ liệu blockchain của ngân hàng.
Để thấy, sự phát triển của blockchain đã tạo ra một sự minh bạch cần thiết, vượt trội hoàn toàn hoàn toàn khi so sánh với các hệ thống hiện hành.

Loại bỏ các đơn vị trung gian

Mô hình Peer-to-peer
Mô hình Peer-to-peer
Như đã được nhắc đến trong bài viết đầu, hầu hết các hoạt động, giao dịch chúng ta đang thực hiện ngày nay đều thông qua một đơn vị trung gian, nơi chúng ta đặt niềm tin rằng sẽ đảm bảo độ tin cậy, bảo mật và an toàn cho các giao dịch.
Với sự xuất hiện của blockchain, các đơn vị này sẽ sớm bị xóa bỏ. Thay thế vào đó là mô hình giao dịch Peer-to-peer, tức mọi giao dịch sẽ được thực hiện trực tiếp với nhau mà không cần phải thông qua bất cứ bên thứ ba nào.
Chúng ta may mắn khi sống ở một đất nước hòa bình, ổn định. Nhưng có hàng trăm triệu người khác trên thế giới, họ không được may mắn như chúng ta khi phải sống ở một đất nước bất ổn về mặt chính trị, quân sự,... Chắc chắn các hệ thống trung gian như ngân hàng, doanh nghiệp cũng sẽ khó mà đáp ứng được về mặt luật pháp, và có thể có những sai phạm nhất định. 
Ở những quốc gia trên, blockchain sẽ chứng minh được khả năng của mình. Giúp mọi người có thể thực hiện giao dịch một cách an toàn, minh bạch mà không cần dựa vào các bên thứ ba.

Tính phi tập trung

Tính phi tập trung của blockchain
Tính phi tập trung của blockchain
Nếu phải chọn một đặc điểm nổi bật nhất khi nói về blockchain, chắc chắn mình sẽ chọn tính phi tập trung. Đây là điều làm cho blockchain khác biệt. Nhờ vào tính phi tập trung, blockchain mới có thể loại bỏ các đơn vị trung gian, tăng cường sự minh bạch cũng như độ tin cậy cho các giao dịch trên chuỗi.
Sự phi tập trung của blockchain được xây dựng nhờ một mạng lưới đồng thuận, mọi dữ liệu khi đưa vào chuỗi sẽ được kiểm duyệt, quản lý và lưu trữ bởi cả mạng lưới. Không có dữ liệu nào thuộc riêng về một tổ chức, và cũng không có một cá nhân nào có thể tự ý thay đổi dữ liệu trên blockchain.
Nhờ đó, việc quản lý dữ liệu, nhất là khi có sự hợp tác giữa nhiều bên, sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Sẽ ra sao nếu các ngân hàng Việt Nam đều có chung một cơ sở dữ liệu trên blockchain ? Khi đó, chi tiết của mọi giao dịch đều sẽ được kiểm tra bởi các ngân hàng thành viên. Hơn thế, thông tin về khách hàng đều có thể được chia sẻ cho nhau. Phòng trường hợp có những sai lệch, chẳng hạn về tín dụng.
Hơn nữa, nếu một cơ sở dữ liệu trên blockchain, nếu có đủ tính phi tập trung, sẽ khó mà bị tấn công hoặc đánh sập. Nếu dữ liệu bị thay đổi ở một máy, các máy tính còn lại trong mạng lưới vẫn còn bản sao để thực hiện đối chiếu. 

Niềm tin

Niềm tin: Vấn đề muôn thuở
Niềm tin: Vấn đề muôn thuở
Như đã nói ở bài trước, niềm tin là giá trị cốt lõi của blockchain. Niềm tin này được xây dựng nhờ vào sự phi tập trung, sự minh bạch, để người dùng có thể thực hiện giao dịch trực tiếp mà không cần bên trung gian.
Ở đây, niềm tin được đặt vào blockchain, đặt vào dữ liệu phân tán, bảo mật và không thể thay đổi. Có thể nói, đây là niềm tin có cơ sở. Đây là một lợi ích lớn lao mà blockchain mang lại.

Độ bảo mật

Blockchain có một độ bảo mật cao
Blockchain có một độ bảo mật cao
Với cấu trúc chuỗi đặc biệt của mình, dữ liệu khi đã được đưa vào blockchain sẽ không thể thay đổi. Khi các khối được liên kết với nhau, nếu có kẻ muốn thay đổi một dữ liệu trong một khối, anh ta sẽ phải thay đổi toàn bộ cả blockchain.
Thông thường, những vụ tấn công bằng cách ngụy tạo dữ liệu lịch sử là rất nguy hiểm. Để giải quyết, ta sẽ phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để truy ngược lại dữ liệu. Nhưng khi blockchain được áp dụng, việc tra cứu dữ liệu sẽ dễ dàng hơn bao giờ.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa blockchain an toàn tuyệt đối. Tuy đã khắc phục được những vấn đề bảo mật ở hệ thống thông thường, nhưng blockchain vẫn bộc lộ một vài điểm yếu nhất định, không phải ở vấn đề dữ liệu mà ở các hợp đồng thông minh được xây dựng trên nó.
Mới chỉ xảy ra hôm nay, blockchain Solana bị tấn công, hacker đã chiếm hữu được rất nhiều ví chứa tài sản của người dùng. Con số ban đầu mà trang chủ twitter của Solana thông báo là 7,767 ví bị ảnh hưởng. Nhưng con số thực tế có lẽ còn lớn hơn thế nhiều. Nguyên nhân cho đợt hack trên vẫn đang được tìm hiểu, những phỏng đoán ban đầu cho rằng hacker đã tìm được lỗi bug ở các chữ kí giao dịch trên Solana.

Khả năng mở rộng, tiết kiệm chi phí và tốc độ giao dịch

Khả năng mở rộng
Khả năng mở rộng
Hệ sinh thái như Ethereum, là minh chứng rõ ràng nhất khi bàn về khả năng mở rộng. Blockchain là không chỉ là nền tảng lưu trữ dữ liệu, người ta đã bắt đầu tạo ra những thứ có giá trị trên blockchain. Đơn cử là các đồng tiền điện tử - crypto. Hơn thế, nhờ vào công nghệ Hợp đồng thông minh, nhiều nhà phát triển đã tạo nên các ứng dụng ngay trên blockchain để tận dụng các ưu điểm của mạng lưới.
Những năm trở lại đây, rất nhiều dự án cho ra mắt các mô hình blockchain mới. Chẳng hạn như nhiều chuỗi blockchain chạy song song nhưng được kết nối với nhau. Chuỗi blockchain kết hợp công nghệ Zero-Knowledge. Để thấy, blockchain vẫn chỉ đang ở những giai đoạn đầu và tiềm năng mở rộng là rất lớn.
Hơn thế, với mô hình giao dịch P2P của blockchain, không có bên trung gian can thiệp vào, mọi giao dịch trên blockchain sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian hoàn thành.
Điều này hơi khó nhận ra ở Việt Nam, vì nước ta có một hệ thống ngân hàng đang làm rất tốt vai trò. Nhưng khi ta bắt đầu chuyển tiền ra các nước khác. Vấn đề về chi phí và thời gian sẽ lộ rõ.
Lại quay trở lại với hệ sinh thái Ethereum. Với mạng lưới này, ta có thể chuyển tiền đến mọi nơi trên thế giới, một giao dịch thường sẽ tốn 5-8$ (có những mạng lưới chỉ tốn chưa đến 0.1$) và khoảng 1-2 phút để đến nơi. Nhờ blockchain, ta có thể chuyển tiền đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Vào đợt chiến tranh Nga - Ukraine diễn ra hồi đầu năm, chính Chính phủ Ukraine đã mở những địa chỉ bằng crypto (Bitcoin, Ethereum,...) để nhận quyên góp, hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới. Bạn có còn nghi ngờ về tính hữu dụng của blockchain ?
Chính phủ Ukraine kêu gọi ủng hộ qua kênh crypto
Chính phủ Ukraine kêu gọi ủng hộ qua kênh crypto

Mặt trái đi kèm

Đương nhiên, mọi thứ đều có hai mặt của nó. Bên cạnh những lợi ích được kể trên, blockchain vẫn đi kèm những hạn chế nhất định mà ta phải cảnh giác.

Thiếu sự riêng tư

Sự minh bạch cũng đồng nghĩa với vấn đề về sự riêng tư
Sự minh bạch cũng đồng nghĩa với vấn đề về sự riêng tư
Ở phần trên, tuy đúng rằng sự minh bạch có thể mang lại niềm tin cho mọi người, nhưng đi kèm theo đó là mối lo ngại về sự riêng tư. Vì blockchain là cơ sở dữ liệu phân tán, điều đó cho phép bất kỳ ai cũng có thể truy cập và “xem trộm” dữ liệu của bạn.
Nếu bạn không may để lộ địa chỉ ví blockchain của mình lên trên mạng, vậy là ai cũng có 
biết được số dư tài khoản của bạn là bao nhiêu, có đang nợ gì, ngày hôm qua bạn đã mua cái gì,...
Một mạng lưới blockchain phi tập trung là ý tưởng rất hay, nhưng mối quan tâm về bảo mật dữ liệu cũng là vấn đề quan trọng không kém. Chúng ta chưa thể biết được, nếu địa chỉ ví chúng ta nằm trong tay của các tội phạm, họ có thể làm gì gây ảnh hưởng xấu hay không.
Hiện tại, đã có những blockchain private được sinh ra để khắc phục nhược điểm này. Nhưng thường, đây là những mạng chuỗi dành cho doanh nghiệp hoặc các tổ chức. Các mạng lưới với người dùng trên toàn thế giới vẫn đang theo mô hình minh bạch thông tin cho người dùng.

Rủi ro về bảo mật

Hacker vẫn có đất
Hacker vẫn có đất
Blockchain chắc chắn không có một phương thức bảo mật tuyệt đối. Vẫn còn những lỗ hổng để hacker có thể tấn công vào. Vụ việc Solana được kể trên chỉ là một ví dụ rất nhỏ. Trong quá khứ, còn có những vụ tấn công quy mô khổng lồ hơn thế này.
Những vụ hack dự án DeFi (nền kinh tế phi tập trung) lớn nhất
Những vụ hack dự án DeFi (nền kinh tế phi tập trung) lớn nhất
Ngoài ra, còn những trường hợp trớ trêu xảy ra khi chúng ta sử dụng ví phi tập trung. Ví tập trung có nghĩa rằng, cả ví và tài sản trong ví đều sẽ do chính bạn quản lý. Không có một tổ chức nào có thể can thiệp. Khi mới mở ví, bạn sẽ được cấp một đoạn ký tự riêng biệt, tựa như chiếc chìa khóa duy nhất để mở ví của bạn.
Vì lý do này, có một vài trường hợp có thể xảy ra:
Quên mất đoạn ký tự. Vậy là chấm hết rồi đúng không, vậy là tất cả đổ xuống sông. Nếu bạn làm mất, quên lưu đoạn ký tự này, tài sản của bạn sẽ mãi mãi mắc kẹt trong chiếc ví ấy mà không có cách nào lấy ra. Nếu là ngân hàng, ta có thể giải quyết bằng giấy tờ tùy thân để chứng minh mình là chủ tài khoản. Nhưng với các ví phi tập trung, đó là dấu chấm hết.
Rủi ro bị tấn công ví nếu để lộ chuỗi ký tự. Nếu không may bạn làm lộ ký tự của ví mình ra ngoài, đồng nghĩa bất kì ai cũng có thể vào ví của bạn và sử dụng tài khoản của bạn. Và vì đây là hệ thống phi tập trung, chẳng ai có thể can thiệp giúp bạn cả.
Có thể thấy rằng, khi đã bước chân vào cuộc chơi phi tập trung. Ta phải tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình. Một bước đi sai có thể làm mất cả tài sản của bạn. Sẽ không có ai đứng ra để hỗ trợ bạn cả. Lời khuyên duy nhất đó là: Hãy cẩn thận và đừng làm lộ chuỗi ký tự.

Vấn đề ra quyết định

Quá trình để hình thành một quyết định sẽ mất rất nhiều thời gian
Quá trình để hình thành một quyết định sẽ mất rất nhiều thời gian
Cuộc sống luôn đầy rẫy những rủi ro bất ngờ, nhất là trong thị trường tài chính. Nếu chẳng may ta gặp phải một vấn đề nghiêm trọng, một quyết định đối phó cần ngay lập tức được đưa ra. Nhưng blockchain lại thiếu điều ấy.
Là một chuỗi mạng phi tập trung. Quyền quyết định của chuỗi nằm trong tay mạng lưới đồng thuận. Có nghĩa, mạng lưới đồng thuận đóng vai trò định đoạt tương lai của blockchain. Nếu ở mô hình công ty truyền thống, quyết định có thể được đưa ra bởi người đứng đầu, hoặc thông qua sự nhất trí của những nhà lãnh đạo phòng ban. Thì với blockchain, quá trình ấy được gọi là đồng thuận hoặc bỏ phiếu.
Vì một mạng lưới đồng thuận sẽ có kha khá nhiều thành viên, thời gian để một quyết định được bỏ phiếu xong sẽ không nhanh bằng các mô hình cũ được. Thông thường, quá trình đồng thuận phải mất đến vài ngày để quyết định. Nếu mạng lưới gặp một vấn đề khẩn cấp, có lẽ, sẽ khó để có một phương án đáp ứng kịp thời.
Ngoài ra, đôi khi sẽ có những tranh cãi nhất định trong mạng lưới. Nếu một ý kiến, dù tốt nhưng gây mất lòng số đông, rất có thể, họ sẽ sẵn sàng bỏ phiếu ngược lại để giữ được lợi ích cho cá nhân mình.
Có thể, mạng lưới đồng thuận sẽ phát triển blockchain, nhưng cũng có thể, nó sẽ làm cho mạng lưới bị trì trệ.

Chi phí xây dựng

Có lẽ đây là lí do chính làm cho blockchain chưa được phổ biến
Có lẽ đây là lí do chính làm cho blockchain chưa được phổ biến
Lợi ích của blockchain là điều mà ai cũng thấy. Nhưng lý do khiến các tập đoàn lớn, chính phủ,... chưa chuyển đổi qua công nghệ này có lẽ nằm ở chi phí xây dựng. Nếu muốn những cuộc chuyển đổi với quy mô khổng lồ có thể xảy ra, blockchain phải giảm thiểu được chi phí xây dựng và đem lại được hiệu quả hợp lý.
Cũng đã có những thử nghiệm quy mô nhỏ diễn ra. Trung Quốc, tuy nhiều lần ra lệnh chống lại crypto, nhưng lại là một trong những tích cực nhất với công nghệ blockchain. Chính phủ nước này đã có những xây dựng đầu tiên blockchain cho chính phủ. Thậm chí, Trung Quốc đã có riêng cho mình đồng tiền điện tử ổn định (Stablecoin) và thử nghiệm ở quy mô nhỏ.
Cuối năm 2021, nước Anh cũng đã tổ chức hội nghị Digital Pound Foundation nhằm thảo luận về vấn đề đồng tiền Bảng Anh kỹ thuật số.
Song, vẫn cần thời gian để các chuyên gia có thể tìm ra cách áp dụng blockchain một cách hiệu quả.