Blizzard- chàng kiều lỡ bước
À ừ, chào các bạn đang ngồi đọc cái bài này, lại là tôi- Tien Lee đây. Các bạn đang nghĩ trong đầu rằng tam đại thần phốt đã kết thúc...
À ừ, chào các bạn đang ngồi đọc cái bài này, lại là tôi- Tien Lee đây. Các bạn đang nghĩ trong đầu rằng tam đại thần phốt đã kết thúc rồi thì cần quái gì series bóc phốt nữa phải không? Sai, quá sai, chúng ta còn bê tha, ubisuck, mười xu cùng hàng chục hãng nữa đang nằm đợi lên bàn mổ cơ mà. Nếu tam đại thần phốt đã kết thúc, chúng ta sẽ chuyển sang ăn tươi nuốt sống họ hàng của ba người này, bắt đầu với đệ tử ruột của chị ba Activision, không ai khác đó chính là ông anh Blizzard cùng với con đường tầm sư học đạo của anh ấy. Hãy rót miếng bánh, bốc miếng nước rồi cùng chúng mình du hành qua núi tây sơn đàm đạo về cách mà công ty này sụp đổ nào.
Thời kì vàng son
Bí ơi thương lấy bạn bầu
Còn em thương lấy nhà lầu xe hơi
Blizzard là một công ty game sinh sau đẻ muộn so với đàn anh đàn chị của mình khi được thành lập vào năm 1991 với cái tên khá củ chuối silicon&Synapse. Mãi tận ba năm sau công ty mới chịu đổi tên thành Blizzard Entertainment và bản debut đầu tay của hãng chính là huyền thoại Warcraft: Orc and Humans. Tựa game đặt lên nền móng cho sự thành công của những phiên bản sau này cũng như dẫn đường cho hàng loạt những nước đi khôn ngoan tiếp theo của Blizzard. Thanh đo sự thành công của Blizzard đạt đỉnh của đỉnh khi phát hành Warcraft 3 và những phiên bản khác của nó, đây được xem như là tựa game cấu thành nên tên tuổi của hãng cũng như đem lại khoảng lợi nhuận kếch xù cho công ty. Không dừng lại ở thị trường thế giới, Warcraft 3 còn càn quét cả thị trường Việt Nam như một cơn bão tuyết khổng lồ chiếm lấy tất cả mọi thứ, các bạn còn nhớ đến hàng giờ đồng hồ build nhà xây tường cùng các tộc khác nhau rồi mang quân đi đánh người ta không? tôi nhớ rất rõ đấy, không phải ngẫu nhiên mà thằng viết bài này lại trốn học đi net đâu. Độ cuốn của huyền thoại này là không thể chối cãi, các bạn không tin á, thử lướt qua những group warcraft xem, thậm chí tính đến nay là sau mười mấy năm rồi nhưng độ hot của nó vẫn còn đó, người ta vẫn call nhau í ới bới cơm cho nhau ăn cùng nhau lập team đánh vài trận kỉ niệm một thời xưa cũ. Tôi gọi đây là chất lượng, là đỉnh cao của cả một nền công nghiệp game, và cũng là tiền đề để tựa game nhập vai cày cuốc từng có cộng đồng lớn mạnh nhất nhì quả đất World of Warcraft được phát triển.
Như Romeo gặp Juliet, tôi say đắm Starcraft ngay từ cái nhìn đầu tiên, đã không biết bao nhiêu giờ đồng hồ đã bỏ ra cho phần chơi đơn, phần custom, tôi yêu thích tựa game này cũng như là cái cốt truyện và cách kể cực kì cuốn hút. Không thể không kể đến cả những phân đoạn cutscene hay như một bộ phim Hollywood triệu đô vậy, à cái này có hơi quá, nhưng thật sự trải nghiệm của tôi đối với phần game này là tuyệt vời, là đỉnh cao, nó là một phần tuổi thơ của rất nhiều người. Và thánh thần ơi làm sao kiếm được từ ngữ nào có thể miêu tả hết độ gây nghiện của Starcraft 2 nhỉ? Ẩn sâu trong tựa game này không chỉ là câu chuyện đơn thuần về cuộc chiến giữa ba bộ tộc mà còn là bài học nhân văn và sâu sắc về kì thị sắc tộc, về quyền của phụ nữ và mặt tối khác của con người. Starcraft 2 là một món quà trong đêm giáng sinh của cô bé bán dưa, là một trong những tựa game đỉnh cao nhất mà tôi từng được trải nghiệm.
Thật sự là có quá nhiều thứ để chúng ta yêu chết mê chết mệt Blizzard của ngày hôm qua như những bom tấn không thể chối cãi, cộng đồng gamer rất “chất” hay là sự tận tâm của họ được thể hiện rõ trong những tác phẩm nghệ thuật để đời, Blizzard đã đang và mãi mãi có một chỗ đứng vững chắc trong tôi, nhưng chúng ta vẫn không thể phủ nhận sự thật rằng anh ấy đã đổi thay nhiều, quá nhiều. Có kẻ nói rằng sự sụp đổ của Blizzard là không thể tránh khỏi khi hãng đã được ưa thích quá lâu, cũng có người bảo do thay giám đốc này nọ. Riêng tôi thì tôi đổ hết lên chị ba Activision :Đ
Bước ngã đầu đời (tháng 7, 2008)
Không ai ngờ được rằng sự sáp nhập giữa Activision và Blizzard đã biến người anh của chúng ta thành cái công ty bị ăn phốt ngập đầu như hiện tại. Thực ra thì sự sát nhập này ban đầu không gây ra nhiều sự tranh cãi lắm khi mà ở thời điểm đó Activision ra mắt khá nhiều tựa game được giới phê bình lẫn game thủ đánh giá rất cao, thói quen vắt sữa cũng chưa lộ diện và bản chất hút máu cũng chưa rõ ràng như ngày nay. Ít ai có đủ tầm nhìn xa trông rộng để có thể thấy rằng chị ba có thể dễ dàng thay đổi một tượng đài được đông đảo mọi người yêu thích Blizzard đến như vậy. Dù sao thì chuyện cũng đã rồi và chúng ta- những con người hiện tại còn sống sót trong năm 2020 đầy thảm họa, đã biết kết cục của màn rước dâu này đi đến đâu.
Vấn đề về quyền riêng tư (tháng 7, 2010)
Cuộc hành trình thỉnh kinh của Blizzard không bắt đầu bằng việc bào tiền của game thủ như cái cách mà ba thành viên của tam đại thần phốt hay làm mà bằng một cách...khá tế nhị. Một chiều đông đẹp trời năm 2010, chỉ cách vài tuần nữa thôi thì siêu phẩm Starcraft 2 sẽ được ra mắt, fan của dòng game này đã trông đợi gần 12 năm rồi, độ hype của cộng đồng lúc này không thể miêu tả bằng bất cứ từ ngữ nào có mặt trong từ điển. Tuy nhiên vẫn còn tồn đọng một vấn đề nan giải, trên trang forum chính thức của Blizzard lúc này tràn ngập người chơi hệ toxic liên tục chửi bới lẫn nhau, mạt sát nhau trên mọi mặt trận và mọi thứ tràn qua khỏi tầm kiểm soát. Để giải quyết vấn đề này trước sự kiện ra mắt Starcraft 2, Blizzard đã có một bước đi khó hiểu, đó là ép người dùng phải sử dụng tên thật của mình trong game. Có hai lỗ hổng to như mấy cái ổ gà không thể giải quyết. Thứ nhất, Blizzard vẫn là một công ty ở Mĩ, đồng nghĩa với sự tự do luôn được đề cao và thật sự không có bất cứ lí do gì để ép một người phải sử dụng danh tính thật của họ khi đi vào một môi trường đầy rẫy cạm bẫy như mạng internet cả. Thứ hai, việc sử dụng tên thật có làm cộng đồng bớt toxic hơn không? Câu hỏi này vẫn còn là một ẩn số khi không có bất cứ số liệu nào cho thấy tình hình chung tại forum đã giảm nhiệt, những kẻ toxic họ vẫn cứ toxic, còn những game thủ thiện lành như chúng ta đây bỗng dưng phải vạch áo cho người xem lưng làm lộ những thông tin cá nhân quan trọng. Hai vấn đề lớn này đã làm cộng đồng sục sôi về hướng giải quyết khá tiêu cực của blizzard. Tôi không có bằng giáo sư tiến sĩ, ba đời nhà tôi cũng không có kinh nghiệm chữa bệnh sỏi thận, nhưng tôi vẫn nghĩ ra được hướng giải quyết khác ổn áp hơn, tại sao không thuê một dàn admin quản lí về vấn đề này cũng như thắt chặt luật lệ để những kẻ toxic phải run sợ, còn bấn quá không nghĩ ra thì bắt chước đại ca EA thấy ai lố quá thì thẳng tay ban luôn đi, tôi nói đùa đấy, đừng có nghĩ là tôi ủng hộ con quỉ hút máu kia. Dù sao thì, rõ ràng là cái cách giải quyết mông lung như một trò đùa kia còn tạo ra vấn đề hơn là giải quyết vấn đề, thế nên Blizzard đã cho nó vào thư mục thùng rác như một hành động sửa sai. Mọi chuyện lại trở về như cũ, việc này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến danh tiếng của blizz. Không ai lại ngờ được rằng, đây là phát súng đầu tiên cho quá trình sụp đổ của hãng.
Blizzard vs Valve (tháng 2, 2012)
Blizzard trong quá khứ đã có nhiều vụ tranh chấp với nhiều công ty khác nhau, không có vụ nào trong số đó nổi bằng việc phang nhau phầm phập với thánh mập ngày xưa về vấn đề bản quyền một custom tên là DoTA của Warcraft 3 hay còn được gọi là Defense of the ancient. Cuộc chiến giữa hai nhà phát triển game PC lớn nhất là tâm điểm của mọi sự chú ý làm tốn biết bao nhiêu giấy mực của anh em nhà báo. Trong tầm hiểu biết của một thằng nghiện game như tôi, Valve thuê gần hết nhân lực trong Icefrog- nhà phát triển gốc của Dota và phát triển tựa game mới đặt lên nền móng cho toàn bộ dòng game MOBA sau này, đó là Dota 2. Valve dung dăng dung dẻ dắt trẻ đi đăng kí bản quyền thì Blizzard thì thầm từ từ đã anh ê, đi đâu mà cho vội cho vàng, cái tên Dota là của tôi mà ai cho anh lấy. Sau vài tháng tranh chấp cãi vã, cuối cùng hai bên đã thỏa thuận với nhau rằng Valve được giữ cái tên Dota 2 trong khi Blizz sẽ “trả” cái tên Dota lại cho những người làm ra nó và thay thế “Blizzard Dota” thành “Blizzard All-star”, còn nói một cách đơn giản dễ hiểu thì là valve ăn chặt, Blizzard kèo dưới nên đi lane thua đành ngậm ngùi nhìn cơ hội vụt xa khỏi tầm tay. Không ai có thể nghĩ rằng Dota 2 lại trở thành một ông lớn đứng đầu trong ngành esport như hiện tại, trước quyền lực của Dota 2 và sự thành công mĩ mãn của Valve, liệu Blizzard có cảm thấy hối tiếc khi bỏ lỡ một cơ hội triệu đô như vậy? Tôi thì không biết hãng có tiếc không chứ fan của họ thì tiếc lắm đấy, bản tính mới học hỏi được từ giáo án “thiếu tầm nhìn dài hạn” của thầy giáo ba...í lộn chị ba Activision đã khiến nhiều fan của họ mất lòng tin về việc liệu hãng có khả năng đáp ứng được kì vọng từ cộng đồng không, hay lại yếu ớt nhìn game của mình đi theo chân người ta… Sau này, Blizzard có làm game MOBA nào không nhỉ, hình như không hay sao ý
Sự đi xuống của Diablo (tháng 5, 2012)
Đây này, cái này mới thể hiện được trình độ học hỏi của Blizzard đã tiến bộ đến đâu này. Nếu các bạn là fan của Diablo á, ắt hẳn phải nhớ đến độ tệ hại trong lần đầu ra mắt Diablo 3 chứ nhỉ. Không chỉ đơn giản là tất cả những niềm vui và bản chất của Diablo 2 đã biến đi đâu mất mà còn từ chối khởi động để bạn được vào game chơi một cách bình thường vì cái server là hàng made in china. Để tôi nói thẳng ra tại sao tựa game này lại dở, đó là nó quá dễ, đúng vậy bạn không nghe lầm đâu, nó quá dễ để tạo ra cho người ta cái cảm giác thỏa mãn khi kiếm được món gì đó như hai phiên bản tiền nhiệm đã làm. Bỏ qua việc thiết kế nhân vật yếu ớt hơn so với Diablo 2 và cái cốt truyện tệ hại thì trải nghiệm với Diablo 3 trong mắt của một fan diablo là không thể chấp nhận được. Đồ rơi ra sau khi đánh boss quá dư và thừa thãi đến mức chỉ có một trong mười, trong hai mươi món rơi ra là có ích cho người chơi. Và để chứng minh cho sự tàn nhẫn của mình, Blizzard bắt người chơi phải kết nối mạng 24/24 chỉ vì vấn đề copy bản quyền, nghe quen quen, tôi thề là đã nghe vụ này ở một hãng game nào đó rồi ấy nhỉ. Mọi thứ về phiên bản này không đem lại một chút gì cảm giác Diablo cả, hiển nhiên điều gì đến cũng phải đến, game thủ khắp nơi trên toàn thế giới liên tục gửi phàn nàn về Blizzard. Ở pháp, hiệp hội người dùng đã ghi nhận hơn 1500 đơn phàn nàn chỉ trong 4 ngày. Chỉ riêng chính sách này đã vi phạm luật ở Hàn Quốc, dẫn đến việc hàng trăm gamer xứ kim chi yêu cầu được hoàn tiền vì họ đã chịu quá đủ. Ngay cả liên đoàn vì người dùng tại Đức đã dọa sẽ đâm đơn kiện Blizzard ra tòa vì thiếu minh bạch khi ép người chơi phải online mọi lúc. Vòng vo tam quốc quá, thôi thì tôi sẽ quay lại giải thích cho mọi người hiểu tại sao phần hậu bản này lại bị ghẻ lạnh đến vậy, Blizzard đã thêm tính năng mới gọi là “Nhà đấu giá” với mong muốn sẽ làm trải nghiệm của người chơi được cải thiện hơn vì đồ bây giờ dễ kiếm hơn, bước đi sai quá sai này không chỉ biến dòng game Diablo thành trải nghiệm pay to win đích thực khi gamer có thể dễ dàng mua một gear hiếm nếu chịu trả tiền đô cho nó? Chỉ với tính năng này đã xóa bỏ đi hoàn toàn cái mục đích để người ta chơi Diablo 3, những nhiệm vụ để cày gear, những màn đấu boss đến nghẹt thở nay bỗng nhiên trở thành thừa thãi như bản thân bạn trong mắt crush khi người chơi chỉ cần quét thẻ tín dụng là có được mọi thứ mình mong muốn. Cái mà tôi đang nói đến chính là một trong những hình thức microtransaction đời đầu, tuyệt chiêu pro vip của đại ca EA đấy. Thế nên sau hai năm muộn màng, chính xác hơn là tháng ba năm 2014, Blizzard đã gỡ tính năng này khỏi Diablo 3 đồng thời cũng để lại dấu chấm hỏi lớn trong lòng các fan hâm mộ “Liệu đây có phải là Blizzard mà chúng ta biết ngày trước, hay hãng đang trên đà của sự sụp đổ giống như bao công ty khác?” và chúng ta cũng chẳng cần đợi một thời gian dài để có được câu trả lời.
Bạn không có điện thoại à? (tháng 11,2018)
Blizzcon là cuộc triển lãm game được tổ chức hàng năm bởi Blizzard từ 2005, trong sự kiện này sẽ tổng hợp lại những tựa game làm nên tên tuổi của công ty, những bước đi tiếp theo và có thể có cả những ngôi sao hàng đầu được thuê để giao lưu với fan, đây là sức mạnh của Blizzard khi lượng fan đông đảo của hãng sẽ đổ xô về liên tục, nó tạo nên sự hứng khởi trong cộng đồng cũng như kích cầu doanh thu. Tuy nhiên sự kiện Blizzcon năm 2018 thì đi ngược lại hoàn toàn, nó chả khác gì màn trình diễn dở tệ của một bộ phim hạng bét.
Trước sự kỳ vọng lớn lao của fan sau thất bại Diablo 3, ta- Blizzard sẽ đem lại trải nghiệm độc nhất, cho cái thứ mà các ngươi muốn. Hãy xem đây, Diablo bố...Immortal
Valve thì không biết đếm số ba, ông thần này thì không biết đếm số bốn, và ổng cũng không biết rằng việc hỏi fan xem có điện thoại không là khá thô lỗ. Người ta cũng bối rối không kém khi hàng loạt câu hỏi được đặt ra cho Blizzard. Tại sao các ông lại đưa Diablo lên điện thoại? Tại sao không làm tựa game mà chúng tôi muốn? Có phải đây là một trò đùa cá tháng tư không? Blizzard không đưa ra bất kì lời giải thích nào thỏa đáng cho bước đi xuống lỗ này, thậm chí họ còn khá bất ngờ về việc phản ứng tiêu cực của các fan. Làm ơn đi ông blizz ạ, các ông không thể nhận thấy rằng hầu hết các fan của ông và cả những người bỏ tiền vé vào blizzcon đều là dân chơi hệ PC sao? Nếu ông muốn làm game mobile thì cứ làm đi, nhưng đừng có bất ngờ khi fan chả thèm đá động đến hoặc dội bom ông với những câu hỏi kiểu như: "Liệu có kế hoạch nào để tựa game này có thể chơi được trên pc không hay chỉ trên điện thoại?" Tất cả những gì chúng ta còn nhớ ở sự kiện Blizzcon năm 2018 chính là Super Hyper Mega Ultra Epic Pro Max đại thảm họa, tất cả chỉ còn lại đống tro tàn từ đội ngũ làm game của Blizzard.
Sa thải là đam mê(tháng 2, 2019)
Khi con người đạt được thành tựu gì đó, họ ăn mừng và chúng ta cũng không ngoại lệ. Ăn mừng bằng một buổi tiệc nhỏ, hay chỉ đơn giản là tự thưởng cho mình một món quà, hoặc bạn cũng có thể làm theo kiểu Nga nếu muốn, nhưng ở cái thế giới quỉ quái này tôi chưa thấy ai ăn mừng như cái cách mà Blizzard từng làm cả. Ngành công nghiệp game là một môi trường khó khăn và đầy thách thức bao gồm stress, deadline dí, hàng giờ đồng hồ làm ngoài giờ,...tệ hơn hết thảy chính là hợp đồng không rõ ràng, mỗi khi có một tựa game được phát hành, rất nhiều nhân viên phải vắt tay lên trán suy nghĩ xem liệu họ có bị đuổi việc nếu tựa game đó flop hay không. Blizzard trả lời hộ cho mấy ông nhân viên này bằng cách đuổi việc 800 người vào tháng 2 năm 2019. Nhưng điều đáng nói ở đây là doanh thu của công ty mẹ Activision Blizzard năm 2018 đạt kỉ lục với 7,5 tỉ đô thì cái lí do tái cơ cấu lại công ty là chưa đủ thuyết phục để 800 nhân viên phải ra đi. Nhiều ông sẽ bảo rằng à ừ thì nhân viên làm việc không đủ năng suất thì sa thải thôi có gì đâu phải xoắn. Để tôi kể cho các ông nghe một trong những lí do khiến Nintendo được mọi người yêu quí đến vậy, còn nhớ về cái thời Wii u không? Vào lúc đấy hệ máy đó flop dập móng đến mức người ta tưởng rằng hàng trăm nhân viên Nintendo xách dép ra về thì Satoru Iwata- tổng tài tại Nin cắt giảm hơn 30% lương của ổng để nhân viên tại công ty có việc làm, nếu trong thời kì đen tối nhất mà Nintendo vẫn quyết tâm giữ vững số lượng nhân công thì lại không có lí do nào sa thải hơn 800 con người với 800 ước mơ, một số người thậm chí còn có gia đình cần chăm sóc. Tôi đánh hơi được mùi gì đó mờ ám ở đây ấy nhỉ… hóa ra cái lí do sâu xa cho việc này là họ muốn chuyển công việc cho các studio gia công ở Trung Quốc. Phần là vì chi phí nhân công ở đây rẻ hơn khá nhiều so với mặt bằng chung ở Châu Âu hay Mỹ, phần là vì họ tạo ra nhiều công ăn việc làm ở Trung Quốc sẽ giúp hình ảnh ở quốc tỷ dân này được nâng tầm.
Trung Quốc (tháng 10, 2019)
Sự xuống cấp của Blizz không dừng lại ở mảnh game và nhân viên, ông anh này còn chứng tỏ bản thân mình xứng đáng được xếp mặt chung với đàn anh đàn chị bằng hành động mang nặng tính chính trị. Đó là một buổi chiều thu ngày 6 tháng 10 năm 2019, Blitzchung- một tay chơi hearthstone kì cựu đã có động thái cũng như là phát biểu bênh vực cuộc biểu tình tại hong kong trong màn phỏng vấn của anh. Ngày hôm sau, Blizzard khiến cả thế giới sục sôi khi cấm tuyển thủ này tham gia bất kì giải đấu nào khác trong tương lai, rút lại giải thưởng 10 nghìn đô cũng như đuổi việc 2 caster có liên quan. Tôi sẽ không bàn về vấn đề chính trị cũng như những rối rắm xung quanh nó, nhưng vấn đề ở đây là Blizzard là công ty Mĩ, tự do luôn được đặt lên hàng đầu, thậm chí hãng đã tuyên bố mọi người đều bình đẳng khi ở Blizzard thì thế quái nào lại trừng phạt quan điểm cá nhân của Blitzchung? Bạn có tưởng tượng được rằng án phạt này vô lí đến mức cả quốc hội hoa kì gửi thư lên án Blizzard và có cả một hashtag riêng để tẩy chay công ty này không. Đó vẫn chưa phải điểm dừng của cái trò lố bịch khi bản chất tiêu chuẩn kép được thể hiện rõ trong sự kiện Black Lives Matter vừa rồi, Blizzard đăng trên chim xanh tuyên bố sẽ “đấu tranh” hết mình chống lại sự bất công và nạn phân biệt chủng tộc. Công ty như muốn nói rằng mọi dân tộc trên mọi nơi đều xứng đáng được bình đẳng mà à ờ trừ người da vàng, đặc biệt là ở trung quốc và hongkong ra nhé. Cách giải thích hợp tình hợp lí nhất cho trường hợp này chính là hãng đang lấp ló sau lưng tung của, phải tâng bốc, phải ủng hộ trung quốc, phải bịt mồm dư luận để đạt được doanh thu như mong muốn chính là một cách lươn lẹo khác của chứng bệnh tham tiền. Căn bệnh lâu năm khó chữa này những tưởng chỉ có ở EA nay đã lan sang người anh mà chúng ta hằng yêu quí, một tượng đài đáng kính nay đã trở thành kẻ ác mà ai ai cũng căm ghét, thể hiện ra việc blizzard đã bị tha hóa đến mức nào.
Warcraft 3: Refund (tháng 2, 2020)
Một cơ hội ngàn năm có một để hồi sinh lại dòng game rts đang hấp hối, để xây dựng lại cái tên Blizzard trong mắt người hâm mộ, để sửa chữa lại những sai lầm hãng đã gây ra trong suốt những năm tháng qua, và công ty vỗ vào mặt fan phát rõ đau. Điểm sáng duy nhất tại Blizzcon 2018 chính là đoạn demo của warcraft 3: reforged, người ta choáng ngợp bởi đoạn cutscene đầy ấn tượng, đầy sống động mà hãng sẽ làm.
Tuy nhiên khi tua nhanh đến thời điểm này, niềm tin đã mất, giọt nước mắt cuốn kí ức anh chìm sâu,... fan ngỡ ngàng trước độ dở của phiên bản bị làm lại đến mức có một trang web mang tên Warcraft 3 refund chỉ để tổng hợp lại những cái phốt chất chơi người dơi mà siêu phẩm remake này đem lại. Sau 17 năm đợi chờ, tất cả những gì mà tôi nhận được là nỗi thất vọng to hơn cái cột đình đầu làng và con 0,6 to đùng trên metacritic, được xướng danh là bản remake dở nhất mọi thời đại. Nếu mà tôi phải tế con game này thì một bài tế dài 5k từ mới đủ kìa, còn ở bài này thì chỉ tóm tắt lại những điểm tệ chính thôi. Việc đầu tiên chúng ta phải kể đến không đâu khác là treo đầu dê bán thịt chó, quảng cáo một đằng ra game một nẻo, chỉ nói riêng đến đồ họa thì bản demo 2018 hoàn toàn đẹp hơn rất nhiều lần so với bản làm lại tệ hại này. Không thể không nhắc đến mấy đoạn cutscene làm cẩu thả cực kì, thậm chí nếu đem ra so sánh với phiên bản 2002 thì thiếu chiều sâu hơn gấp nhiều lần. Rất nhiều tính năng đáng lẽ phải có trong bản remake chơi trò trốn tìm mọc chân chạy đâu mất khiến người chơi tìm đỏ con mắt, hỏi ra mới biết Blizzard lấy ăn trưa hết rồi. Tệ nhất trong những cái tệ, chính là phần đồ họa tuy có phần được cải thiện so với phiên bản cũ nhưng so với mặt bằng chung của game 2020 thì nó làm tôi cận thêm 2 độ, cảm giác như mấy ông phụ trách mảng đồ họa tại Blizzard ngủ gật ấy nhỉ? Tình trạng crash game cũng không thua kém Anthem là bao khi mạng mẽo nhà hơi có vấn đề chút là game cho tôi bay màu fail quest ngay và luôn. Và cuối cùng, chính là thái độ của Blizzard đối với tựa game này, khi họ biết họ phát hành một con game thật tệ, đáng lẽ ra họ phải tận tình giúp đỡ gamer để vớt vát chút danh tiếng của công ty thì Blizzard bảo "Ở đây chúng tôi không làm thế" ai mà giúp đỡ người chơi khác refund thì người anh đáng kính của chúng ta búng tay cho họ bay theo cơn gió cuốn theo chiều mây luôn. Cú flop dập móng chân lớn nhất năm 2020 ngay lập tức gọi tên Warcraft 3: reforged, flop dữ dội đến mức hai siêu phẩm Marvel Avenger với Fast and Furious: Crossroad phải quì xuống nhường ngay cho chiếc ghế bom xịt to nhất năm nay.
Đôi lời cuối
Quả thật không thể xem thường trình độ học vấn của Blizzard được, giờ đây hãng đã theo bước chân của đàn chị Activision cũng như ăn cắp được rất nhiều chiêu thức microtransaction của đàn anh EA hứa hẹn sẽ quét sạch hết lòng tin của mọi người. Là một fan của hãng, tôi phải tận mắt chứng kiến công ty game yêu thích của mình lụn bại dần, với tình hình hiện tại, Blizzard đã không còn là người anh của tôi nữa, tất cả chỉ còn lại kẻ phản bội với tham vọng đầy tiền, thiếu quan tâm đến fan và bỏ mặc những siêu phẩm do chính hãng làm ra. Và đó là thông tin cũng như là cảm nhận của tôi về Blizzard, một công ty game chỉ giỏi làm video cinematic. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Biết đâu một ngày đẹp trời, tôi sẽ viết về công ty game chỉ giỏi MV ca nhạc thì sao?
Game
/game
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất