“Trả bài cho Lê Nguyễn Anh Tú và Lê Hữu Tín”.
SPOIL ALERT: ai chưa coi phim thì không khuyến khích đọc.
Mà thôi phim deep lắm, đọc rồi đi coi cũng chưa chắc hiểu hết đâu.
Thời gian gần đây, mối quan tâm của tôi đến điện ảnh có sự phát triển lớn, không đơn thuần là xem phim, mà là xem, hiểu, đánh giá, và cả nghiên cứu mọi thứ xung quanh. Mỗi bộ phim không chỉ là một câu chuyện trên màn ảnh, mà còn là rất nhiều câu chuyện và nhân sinh quan khác.
Coi phim để hiểu đời.

Blade Runner 2049 (BR 2049) hẳn nhiên nằm trong list must- watch của tôi năm nay, vì trước đây từng đọc một review về bản 1982 của Ridley Scott, một tác phẩm kinh điển, không chỉ vì tư tưởng vượt thời đại mà còn bởi một hành trình kì lạ để được công nhận. BR 2049 thì ra đời có vẻ phù hợp hơn, khi thế giới đang có những chuyển mình công nghệ lớn lao, và A.I (trí thông minh nhân tạo) đang đứng trước ngưỡng cửa đột phá, kéo theo đó những suy ngẫm về tương lai con người.
BR 2049, vì thế với tôi, hội tụ đủ nhiều các yếu tố để xem và ngẫm.
Trước khi xem BR 2049, như thói quen tôi tìm hiểu trước các câu chuyện xung quanh, từ ý tưởng, nhân vật, đạo diễn, diễn viên, để coi phim bớt bỡ ngỡ. Nhưng rồi vẫn bỡ ngỡ thật. Bỡ ngỡ vì dấu ấn cá nhân đậm nét của bác đạo diễn, bỡ ngỡ vì tính cá nhân được gạch chân, in đậm nhiều đến thế.
BR 2049 là câu chuyện theo chân K, một Blade Runner thời đại mới, vẫn tiếp tục nhiệm vụ làm “nghỉ hưu” (retirement) các Nexus đời cũ. Phản diện của phim là Niander Wallace do anh Jared Leto đóng, với ước muốn tạo ra một giống loài replicant mới thay thế loài người. Trong quá trình làm nhiệm vụ, anh phát hiện một bí mật mà theo Lieutenant Joshi, có thể thay đổi cả thế giới. Thế là anh lên đường tìm kiếm cựu Blade Runner là Deckard để khám phá bí mật đó. Nội dung của phim là thế, theo tôi là không quá rối rắm khó hiểu, và nếu rơi vào tay một anh đạo diễn làng nhàng, hoặc rập khuôn công thức bom tấn Hollywood, có thể chúng ta sẽ có một phim ngập trong kĩ xảo và bắn giết kiểu anh hùng solo nguyên team, xem xong xoa tay phủi bắp đi về.
Hiển nhiên, BR 2049 không đi theo lối mòn đó, và cái làm phim đặc biệt, đó là trên một cái nền của một phim hành động đơn thuần, phim liên tục đưa ra các câu hỏi tự vấn về con người, về tính thật, về linh hồn, về bản ngã, về những điều rất cá nhân. Xem phim không thể không nghĩ tới Hamlet với câu hỏi To be or not to be? quen thuộc. Những phân đoạn nội dung tôi nêu ở trên, rốt cuộc chỉ là cái cớ dẫn dắt nhân vật tìm đến với cốt lõi bản chất của mình. Tính cá nhân chính là điều làm phim vượt lên một bom tấn thông thường, và buồn thay, đưa phim đứng trước nguy cơ flop trước nhan nhản các phim hành động khác.
Tính luôn BR 2049, tôi xem được 4 phim của bác Denis, và trừ phim Prisoners hơi nặng về yếu tố trinh thám, bộ 3 phim BR 2049, Arrival và Sicario là những tác phẩm định hình phong cách đạo diễn, đến nỗi sau khi coi chừng 1/3 thời lượng BR 2049, tôi chắc chắn đây là phim của Denis mà không phải ai khác, một kiểu dấu ấn auteur rõ nét. Những phim với nội dung nghe qua có thể đưa ra các vấn đề rất vĩ mô như là người ngoài trái đất, các băng đảng buôn ma túy, hay như BR 2049 là người nhân bản và các mưu đồ thống trị thế giới này nọ, tất cả chỉ làm nền cho hành trình self-awareness của nhân vật, và thông qua các yếu tố vĩ mô đó là những câu hỏi rất riêng tư, rất con người: vì sao tôi tồn tại, có nên thỏa hiệp với cuộc đời, hay có nên bước qua khổ đau? Qúa trình tự nhận thức nào rồi cũng dẫn đến lựa chọn, và lựa chọn nào cũng để lại day dứt.
Mỗi nhân vật phụ của bác Denis chủ yếu để làm nền cho một ý tưởng riêng, là chất xúc tác cho quá trình tự nhận thức của nhân vật chính. Với phong cách như thế, dễ hiểu làm sao khi các nhân vật phụ trong BR 2049 xuất hiện với thời lượng hạn chế, dù vẫn để lại ít nhiều dấu ấn. Chẳng hạn như nhân vật Wallace của Jared Leto, cá nhân tôi rất buồn vì thời lượng của anh là quá ít, vì tôi mong được gặp anh trên màn ảnh nhiều hơn thế (sẽ có một bài viết về anh, một dịp cao hứng nào đấy). Nhưng bù lại, tôi khá hào hứng với nhân vật Joi, cô người yêu ảo của K. Cô làm tôi nhớ đến Samantha trong Her (2013), và tôi gần như chắc chắn là bác Denis có chịu ảnh hưởng của nhân vật này, khi cách xây dựng hai nhân vật quá giống nhau, một chương trình ảo mà còn thật hơn cả người thật. Joi có nhiều phân cảnh ấn tượng như cảnh bước dưới cơn mưa làm gợi đến Nathalie Portman với cảnh kinh điển trong V for Vendetta, hay lúc cô cố gắng trở nên hữu hình để, với bản thân cô, được xứng đáng với K, là một trong những phân cảnh kì lạ, để rồi đọng lại trong tôi những dư vị buồn bã.
Với một bộ phim như thế, việc lựa chọn nhân vật chính sai lầm có thể làm hỏng tất cả. Ơn giời, Ryan Gosling rất ổn. Anh, theo cách nói của tôi, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã mang đến một K rất người – máy, với cảm giác hoang mang sâu sắc. Cái cảm giác hoang mang ấy theo chân K ở mọi khung hình, mọi chặng đường, mọi khoảnh khắc, và hẳn nhiên là để làm hằn sâu câu hỏi: tôi là ai, giá trị của tôi là gì trong cuộc đời này? Việc diễn tả độc nhất một cảm giác ấy nhưng vẫn đong đầy được những cảm xúc khác nhau theo từng chuyển biến tâm lý nhân vật, theo tôi là một dạng đỉnh cao (high class) của diễn xuất, mà không phải ai cũng làm được. Ryan, đã có một vai diễn đáng nhớ, và cho chúng ta một bộ phim đáng nhớ.
Nhìn chung, BR 2049 là một tác phẩm sẽ khó xem nếu chúng ta mong muốn một bom tấn hành động mãn nhãn đơn thuần, nhưng nếu chịu khó theo dõi các chi tiết, chịu tìm hiểu một chút về phong cách của bác Denis, phim sẽ đáng xem hơn rất nhiều. Tôi khuyên là ai nếu đã muốn một lần trải nghiệm BR 2049, nên trang bị một chút kiến thức, ít nhất là về phiên bản 1982, để có thể hiểu và cảm nhận tốt hơn. Vì dù sao thì 2h30 cũng là một thử thách, dù rằng với một bộ phim hay, không bao giờ là quá dài.
P/S: Chỉ có một chút lưu ý, là với cảm nhận của tôi, bác Denis tin vào định mệnh, là kiểu mỗi chúng ta có một định mệnh của mình, và whatever, you do what destiny makes you do. Có điều định mệnh của bác thường rất day dứt. Hay nói cách khác, là painful destiny.