Mình nghĩ chắc chả còn đến giờ phút này mới xem Black Mirror Bandersnatch như mình và chắc cũng chả còn ai xem xong rồi bị choáng ngợp và ám ảnh mà chẳng biết bản thân ám ảnh cái gì, như mình. Theo như Netflix có chia sẻ thì Bandersnatch có hàng trăm triệu cái kết tùy theo những lựa chọn của các cậu. Bản thân mình chỉ xem bản lậu trên mạng (biết sai cơ mà vẫn xem :p) nên hiện tại mới chỉ thấy 10 cái kết chính. Mỗi hành động, mỗi lựa chọn của Stefan, hay chính xác hơn là lựa chọn của chính các cậu, đều đưa các cậu đến một cái kết đã định sẵn, rồi sau đó chính cái kết đó lại đưa các cậu trở về cái lựa chọn để thay đổi cả câu chuyện. Đây chính là cái vòng lặp luẩn quẩn, khiến các cậu nghĩ bản thân các cậu có quyền tự do lựa chọn, nhưng thực ra tất cả đã được xác định sẵn. Warning: đây là một bài phân tích, đương nhiên sẽ có spoil :p
Đây là vẻ mặt của tui trước khi xem Bandersnatch
Chắc mình nên tóm tắt qua nội dung một chút. Bandersnatch lấy bối cảnh của những năm 80, thời điểm video games vẫn còn rất mới, người ta dùng máy tính để bàn với cái hộp màn hình và lập trình thì đương nhiên không khó bằng bây giờ. Chuyện là có anh chàng tên Stefan nọ viết một trò chơi dựa theo cuốn Bandersnatch mà mẹ anh ta để lại. Anh ta đưa trò chơi còn dang dở đó đến công ty games mà thần tượng của anh ta, Collin, đang làm việc. Game của anh ta được chú ý và câu chuyện bắt đầu từ đây.
Theo những gì mình để ý được, người xem có toàn quyền quyết định với những lựa chọn của Stefan từ những thứ nhỏ nhất như sáng hôm đó ăn gì, lên xe bus nghe nhạc gì, mua đĩa thì chọn đĩa gì, v.v. Nhưng tại sao mình lại nói các cậu nghĩ các cậu có toàn quyền quyết định kết cục nhưng thực ra tất cả đều đã được định sẵn? Xuyên suốt bộ phim là quá trình Stefan xây dựng trò Bandersnatch, cũng là quá trình tâm lý cậu ta dần sụp đổ. Sẽ không dễ dàng gì nếu như ngay từ đầu cậu bị chấn sang tâm lý, ám ảnh với cái chết của mẹ mình, rồi tác giả cuốn sách mà cậu đang viết game theo có cái chết rất kì dị. Và khi cậu càng đi sâu vào câu chuyện của ông ta, cậu càng suy nghĩ giống ông ta, những ám ảnh của ông ta trở thành ám ảnh của chính cậu và rồi cậu không thể kiểm soát những gì đang diễn ra trong cuộc sống của cậu nữa. Chính lúc này cậu nhận ra rằng, à, vậy ra mình đang bị kiểm soát bởi một thế lực sau màn và chẳng thể làm gì ngoài lao đầu vào những cái kết đã được định sẵn ngay từ đầu, dù rằng cậu có làm gì đi chăng nữa.
Uống thuốc hay không uống thuốc? Đổ trà lên máy tính hay không đổ? Đi vào gặp bác sỹ tâm lý hay đi theo thần tượng vô tình ngang qua? Chôn xác bố trong vườn hay xẻ thành nhiều mảnh? Từng chút từng chút ý thức của Stefan tan rã ra, đi theo phương hướng đã được định sẵn. Nếu cậu ta đổ trà lên máy tính, máy tính hỏng, không có trò chơi, lại quay lại lựa chọn đổ trà. Nếu đi theo thần tượng, thần tượng chết hay cậu ta chết, Stefan sẽ quay lại thời điểm lựa chọn gặp hay không gặp bác sỹ. Nếu xẻ xác bố hay thậm chí chôn xác trong vườn, kết cục của Stefan vẫn là vào tù với ám ảnh đa vũ trụ được cài cắm ngay từ những phút phim đầu. Dù có lựa chọn thế nào, cậu sẽ vẫn quay lại cái lựa chọn khiến cả câu chuyện thay đổi.
Và đây là vẻ mặt của tui (hàng giờ) sau khi xem xong Bandersnatch. Cíuuuuuuuuuu
Điều khiến mình nhận ra rằng bản thân người xem hoàn toàn không có quyền tự do lựa chọn kết cục của bộ phim chính là khoảnh khắc Stefan lựa chọn xẻ xác bố mình và hoàn thành game. Game của cậu ta được đánh giá 5 sao, hoàn hảo trên mọi phương diện. Cậu ta giả như đang cho người chơi cái quyền tự do lựa chọn hướng đi của nhân vật nhưng thực ra cậu ta mới là người quyết định hoàn toàn từ đầu đến cuối. Người chơi chỉ là người đi theo hướng mà Stefan chỉ dẫn họ mà thôi. Và chúng ta cũng vậy. Ngay khi xem bộ phim này, chúng ta trở thành một người chơi và Netflix chỉ dẫn chúng ta theo lối mà họ muốn. Những cái kết đã được định sẵn. Dù cậu có chọn đổ trà lên máy tính, hay đồng ý gia nhập công ty ngay từ đầu, trò chơi của cậu vẫn sẽ không hoàn thiện và phải bắt đầu lại theo hướng tăm tối. Cậu sẽ vẫn thấy mình quay trở lại lựa chọn gặp bác sỹ hay không, cậu sẽ cho Stefan nhảy hay cho Collin nhảy, chặt xác hay chôn và rồi tất cả sẽ quay lại thời điểm 8h30 sáng tháng 7 khi Stefan mới tỉnh dậy. Cái vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại này cùng với mind-break của Stefan chính là điểm làm nên sự khác biệt của Black Mirror Bandersnatch.
Rồi các cậu sẽ nhận ra lý thuyết về các thế giới song song được cài cắm suốt cả bộ phim. Từ những lời thoại của Collin, cuốn sách The Lives of Jerome F Davies hay cuộn băng về Jerome mà Collin gửi cho Stefan, tất cả đều nói lên rằng, thực chất có hàng ngàn vũ trụ đang vận hành song song với nhau và mỗi quyết định của cậu, dù ở vũ trụ này hay vũ trụ khác, đều thay đổi số phận của cậu từng phút từng giây. Nó giống như những cái rễ cây vậy, bắt đầu từ nhánh này rồi dần dần tỏa sang nhánh khác. Có hay không, đi hay ở, chọn cái này hay cái kia, mỗi quyết định của cậu đều ảnh hưởng đến tương lai dù ít hay nhiều. Collin từng so sánh đa vũ trụ giống như trò Pac-man vậy. Người ta thường nghĩ đến trò Pac-man như một trò chơi giải trí vui vẻ nhưng nếu ngẫm kĩ, cuộc sống của Pac-man hoàn toàn bị điều khiển. Anh ta lạc trong cái mê cung chỉ biết ăn với chạy, cứ nghĩ bản thân đã thoát ra khỏi cái vòng ấy nhưng thực chất lại lạc vào một mê cung khác. Anh ta chạy trốn những con quái vật, giết chúng để rồi chúng lại xuất hiện sau lưng anh ta. Nếu Pac-man chết, anh ta có quan tâm không? Không hề, rồi anh ta sẽ lại xuất hiện như cái chết chưa từng hiện hữu. Rồi ở một lựa chọn, Collin nhảy lầu, Stefan ngỡ tưởng mình tỉnh dậy khỏi một cơn ác mộng nhưng Collin thực sự đã chết. Cái chết của Collin ảnh hưởng đến thực tại khác của Stefan, và Collin của thực tại đó hoàn toàn biến mất. Vậy lý thuyết nào mới thực sự là đúng? Thực tại nào mới là thực tại của Stefan?
Điều mình thấy đáng sợ ở Bandersnatch đó là cách Bandersnatch đã ảnh hưởng đến Jerome như thế nào, những lựa chọn khiến ông ta phát điên để rồi chính những ám ảnh đó lại truyền qua Stefan. Jerome chặt đầu vợ mình, Stefan chặt xác bố rồi để cái đầu trên bàn, sau này số phận của Pearl chắc cũng sẽ không khác gì hai người tiền bối. Nếu không được lựa chọn, sao không giết người? Từ những chi tiết nhỏ như cái gạt tàn pha lê, con chó nhà hàng xóm, cánh cửa luôn khóa cho đến con thỏ bông đều có thể dẫn đến một cái kết hoàn toàn khác, tùy theo lựa chọn của cậu. Nhưng đấy có thật sự là lựa chọn của cậu không khi mà những vật đó đã được cài cắm ngay từ đầu. Ngay khi cậu không hoàn toàn nhận ra, cậu đã nghĩ cái gạt tàn này xuất hiện thật nhiều, hay tại sao luôn luôn khóa cánh cửa đó, tại sao con thỏ lại xuất hiện, ý nghĩ cái chết của mẹ Stefan liệu có ý nghĩa gì không, hay P-a-c (progamme and control - lập trình và điều khiển) đóng vai trò gì? Càng đi sâu vào từng cái kết, những chi tiết ấy sẽ càng được biểu lộ, khiến cậu tiếp tục xem tiếp, đưa ra những lựa chọn để xem còn những bí mật gì đang được che giấu trong phim. Nếu không xem bản lậu chắc mình sẽ còn quay lại xem Bandersnatch dài dài để còn tiếp tục lựa chọn những cái kết theo đúng ý đồ của Netflix quá.