"...Nếu có đôi lần, trong chuyến lữ hành gian nan qua thảo nguyên mênh mông của sự bình phàm, bạn chợt muốn dừng chân ngơi nghỉ, ngồi bên góc đường, hít một hơi dài, mỉm cười nhìn ngọn núi ở xa xa và chấp nhận rằng mình sẽ chẳng bao giờ leo lên đến đó..."
Bình thường? Như thế nào là bình thường?
Chúng ta định nghĩa bình thường (normal) bằng cách đem tổng hòa nhân loại xung quanh và phân làm ba nhóm. Đại đa số chúng ta là bình thường. Một nhóm số ít là tốt hơn, và một nhóm số ít khác là tệ hơn. Hãy tưởng tượng rằng nếu phần đông chúng ta trở nên tốt hơn, thì tiêu chuẩn mới đó lại trở thành bình thường, và một nhóm thiểu số nữa lại trở nên tốt hơn… cứ thế.
Nhưng như vậy, sẽ đến câu hỏi tiếp theo? Tốt hơn ở điểm nào? Tệ hơn ở điểm nào? Ví dụ như tốt hơn về sức khỏe, tốt hơn về kỹ năng, tốt hơn về thu nhập, tốt hơn về hoàn cảnh, tốt hơn về sự minh mẫn và trí tuệ, tốt hơn về lòng vị tha… Nói tóm lại, để biết được đâu là bình thường, trước hết ta thường trước tiên phải xác định đâu là tốt hơn, đâu là tệ hơn.
Và đó là khi vấn đề xảy ra. Ngay từ ban đầu, chúng ta xem ‘bình thường’ là điều gì đó tệ hơn, xấu hơn, dở hơn… một hình mẫu tốt hơn, đẹp hơn, hay hơn… mà ta hướng về. Bình thường không phải là bình thường. Bình thường là không ổn. Bình thường là điểm trừ của một điểm cộng lấp lánh nơi chân trời. Ta không muốn mình nằm trong nhóm thiểu số tệ hơn, điều đó chẳng có gì bàn cãi. Nhưng ta cũng không bao giờ hài lòng với bình thường, với việc giống như đám đông xung quanh ta.
Và do đó, từ khi lọt lòng mẹ, ta được nuôi dạy để trở nên tốt hơn. Những cá nhân chán ghét cái nôi nơi mình đang sống tên là bình thường, và ngày đêm phấn đấu để tiến về mảnh đất chật hẹp nhưng màu mỡ mang tên “tốt hơn”. Hãy nhớ lại xem, điểm năm, điểm bảy là bình thường, hay chúng là thứ gì đó tồi tệ ta không muốn có? Thứ hạng 15,20 trong một lớp 30 người là bình thường, hay đã là học sinh đáng lưu tâm? Những trường đại học nằm ngoài các trường top là trường bình thường, hay là nơi họa hoằn lắm mới phải vào, và chỉ dành cho những ai kém siêng năng, kém tư chất? Nhắc đến đây, có lẽ không cần phải nói đến những người không thể vào đại học, thay vào đó là vào đời, học nghề… Trong mắt chúng ta, họ là bình thường, là số đông, hay là một tiếng thở phào nhẹ nhõm vì ta đã may mắn không rơi vào?
Càng lớn lên, sự bình thường càng trở nên bất bình thường. Bạn có nghe gần đây trên một chương trình hẹn hò trên truyền hình, một chàng trai nói rằng mình chỉ muốn có cuộc sống bình thường, không phải phấn đấu, đi xe số cũng được, không cần tay ga. Chàng trai ấy đã nhận rất nhiều lời chỉ trích từ khán giả, từ người xem đài, vô số những bình luận nói về việc đàn ông con trai không thể sống như thế. Bạn cũng vậy phải không? Khi nghe đến một người không “phấn đấu”, có phải trong lòng bạn cũng cảm thấy đôi phần khi dễ. Phấn là hành động chim dang cánh bay, tỏ ý cố gắng, đấu là tranh giành, phấn đấu vốn diễn tả sự rướn sức để đạt đến nơi mà ít ai đạt được. Thế mà từ lúc nào, phấn đấu đã trở thành bình thường. Ta không thể không phấn đấu.
Mỗi ngày đều phải trở nên tốt hơn ngày hôm qua.
Phải biết tự chiến thắng được bản thân mình.
Nếu bạn muốn những gì người khác không có, phải làm những gì người khác không dám làm.
Mỗi sáng ở châu Phi,một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn cả con sư tử nhanh nhất nếu không nó sẽ bị giết. Mỗi sáng một con sư tử thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy.
Bạn nghe quen phải không? Nếu đang sống trong xã hội hiện đại, tôi đoan chắc bạn đã từng xem lấy xem để những bài học thành công, mà trong đó, ít khi thiếu sự đóng góp của cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ, và phấn đấu. Thành công không phải là bình thường, đó là thực tế mà chúng ta đang cố lờ đi mỗi ngày. Phần lớn chúng ta đều sẽ không thành công như cách chúng ta mơ mộng về thành công, nhưng tất cả chúng ta đều không từ bỏ.
Bạn nghĩ không cần phải so sánh với người khác, chỉ cần vượt lên chính mình thôi ư? Đừng tự lừa dối bản thân. Vượt lên chính mình, tựu chung lại vẫn là chạy đua với cả thế giới, chẳng qua bạn đem bản thân ra để tự thúc ép bản thân mà thôi.
Tại sao khi đến buổi tụ họp, ta thường nói về thành tựu? Vì ngoài thành tựu ra, ta cảm thấy mọi thứ còn lại đều là bình thường, đều là ai cũng giống ai. Nếu ai cũng giống ai, vậy nói làm chi nữa. Lúc này, chỉ có kết quả vượt trội, trái ngọt của sự nỗ lực, thứ mà không ai khác có… mới là điều của riêng ta. Vô hình, chúng đã định nghĩa ta là ai.
Tôi là ai? Là trưởng phòng, giám đốc này kia? Tôi là ai? Là người có trong tay nhiều căn nhà, mấy chục tỷ? Tôi là ai, là người có vợ đẹp con ngoan, học bổng quốc tế? Tôi là ai? Vì sao tôi không thể chỉ là tôi?
Vậy nếu ta muốn từ bỏ? Ý tôi là, nếu một ngày, ta bỗng dừng lại, và học cách hài lòng với việc bình thường. Có một công việc bình thường, thu nhập bình thường, đi xe bình thường, có một ước mơ cũng bình thường. Vậy thì cũng giống như chàng trai trong chương trình hẹn hò kia, bạn sẽ ngay tức khắc bị kéo lại. Bởi bạn bè. Bởi gia đình. Bởi sách vở, báo đài, mạng xã hội. Và mạnh mẽ nhất, là bởi chính bạn.
Bởi vì bạn đã thấm nhuần tư tưởng bình thường là tầm thường. Tầm thường sẽ khiến tương lai phía trước trở nên vô thường. Giả thử bản thân bản cưỡi cỗ máy thời gian, nhất định sẽ quay về quá khứ tát bộp bộp vào mặt bạn mấy cái, sau đó bảo nhất định phải phấn đấu. Sau đó hiển nhiên sẽ chỉ cho bạn mấy chung cư nên đầu tư, mấy đồng coin sẽ lên giá, mấy mã cổ phiếu tang gấp năm gấp mười. Chẳng có ai sẽ đi ra khỏi hộc bàn, vỗ nhè nhẹ vào vai bạn và nói rằng “Mệt đủ rồi, nghỉ ngơi đi.”
Trong một bài nói chuyện về Đổi mới và sáng tạo, tôi có nói rằng sự không hài lòng về hiện tại đã thúc đẩy con người sáng tạo ra những cái mới. Luôn có một số ít cá nhân trăn trở, chán ghét cái đang có, để rồi một phát kiến, phát minh ra đời, đưa chúng ta liên tục có những cú nhảy vọt về phía trước. Phải thừa nhận rằng, chúng ta sẽ chẳng là chúng ta, nếu thiếu đi liều thuốc kích thích mang tên “chán ghét sự bình thường”. Thế nhưng, ở thời đại hiện nay, khi chúng ta đã giang cánh bay rất xa, vượt trội hơn tất thảy sinh vật trên hành tinh này, không còn mối đe dọa, không còn một giống loài cạnh tranh, con người lại càng lạm dụng thứ thần dược ấy. Nhưng chân lý là không thể thay đổi. Dù số đông luôn truy cầu vượt lên cái hiện tại bình phàm, thì mãi mãi vẫn chỉ có một số ít là đạt được điều đó. Đó là định nghĩa của phi thường. Đó là định nghĩa của thành công. Có khác chăng, là vị đắng nghét của thất bại còn lưu lại trong tâm hồn những kẻ đã lỡ dại dấn thân. Và thậm chí, còn tệ hơn, rất nhiều người không nhận ra sự thất bại đó, mà mãi tin vào việc nỗ lực sẽ thành công, nỗ lực để thành công, để rồi chìm trong ảo giác của liều thuốc kích thích “chán ghét sự bình thường” gây ra trong cả cuộc đời.
Vậy có phải tôi đang khuyên bạn hãy ngừng nỗ lực? Ngừng cố gắng? Tôi là ai mà có thể đưa ra một lời kêu gọi vĩ cuồng như thế? Tôi là ai, mà dám dừng bánh xe của nhân loại tịnh tiến đến thịnh vượng và phát triển, dám đi ngược với tất cả bài học cuộc sống, với ước mơ, hoài bão và khát vọng?
Để trả lời cho câu hỏi này, tôi mạn phép lèo lái câu chuyện sang một câu hỏi khác – một câu hỏi kinh điển của triết học vốn chẳng có câu trả lời, nhưng nhiều khi lại có thể trả lời cho muôn vàn câu hỏi ở trên.
Cuộc sống này có mục đích gì?
Bởi vì khi ta mong muốn bước ra khỏi bình phàm để trở nên thành công, vậy thành công để làm gì? Tất cả những bước tiến ấy, đến cuối cùng, mang ý nghĩa gì với vũ trụ bao la, với mạng sống mong manh như tích tắc của bạn? Một tỷ, hai tỷ trong tài khoản là những bóng đèn chớp tắt trong hệ thống ngân hàng, chúng có ý nghĩa gì? Nổi bật, hào quang, danh vọng, những lời khen ngợi vụt đến vụt đi, có ý nghĩa gì sau một năm, mười năm, hai mươi năm, sau khi bạn đã biến mất khỏi cõi đời?
Ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì?
Nếu bạn nói ý nghĩa cuộc sống của bạn là hạnh phúc, vậy sự nỗ lực làm việc hiện tại có thật sự đem lại cho bạn hạnh phúc ở ngay lúc này? Nếu bạn nói ý nghĩa cuộc sống là chăm lo gia đình, liệu gia đình của bạn có đang cảm thấy ấm áp quay quần vào ngay lúc này, khi bạn vẫn mãi mê bương chải với cuộc đời? Nếu bạn nói ý nghĩa cuộc sống là để… tận hưởng cuộc sống, vậy bạn có đang tận hưởng nó không? Hay chẳng qua, bạn đang chịu đựng nó, chịu đựng với hy vọng tôi sẽ kiếm đủ nguồn lực để tận hưởng nó ở một tương lai nơi tôi không còn đủ sức tận hưởng nó?
Một nghiên cứu tên là Dự án Mappiness của hai nhà kinh tế học người Anh - Susana Mourato và George MacKerron, được tiến hành từ năm 2010, cho đến nay đã có hơn 3 triệu điểm dữ liệu được thu thập. Nghiên cứu này chỉ ra những yếu tố khiến ta hạnh phúc nhất bao gồm: ở bên người mà ta yêu thương – bạn bè, người yêu, chứ không phải đồng nghiệp hay người quen xã giao; Một ngày trời nắng đẹp trong xanh và ấm áp; hạnh phúc cũng thường đến khi ta ở ngoài trời, hòa mình vào thiên nhiên, đặc biệt bên một mặt hồ, một dòng sông, nơi có phong cảnh đẹp đẽ. Chúng ta hạnh phúc khi thực hiện những hoạt động như tập thể dục, làm vườn, và quan hệ tình dục.
Quá… bình thường phải không? Đến nỗi, bạn sẽ nói rằng “ồ, có cần đến cả những nhà khoa học và nghiên cứu chỉ để kết luận những thứ hiển nhiên như vậy?”. Nhưng ẩn trong sự rõ rành rành ấy, là một sự thật giản đơn về hạnh phúc. Không có bí mật, bí quyết hay bí thuật.
Cùng người yêu thương, đi dạo trên cánh đồng vào ngày nắng đẹp.
Chạy bộ mấy vòng, ngắm mấy cành hoa.
Và thậm chí, ngay cả khi mọi thứ rõ ràng như vậy, chúng ta vẫn dành phần lớn thời gian làm thứ khiến chúng ta không hạnh phúc. Vì chúng ta không hài lòng với cái mà phần lớn chúng ta đều sẵn có. Thứ chúng ta khát khao nằm ở phía trước, phía trên, phía xa. Phía chỉ có thiểu số đạt được. Phía đòi hỏi sự cống hiến, nỗ lực, khát khao, đam mê, hoài bão, ước mơ.
Vượt lên chính mình.
Đủ chưa? Đã đủ những ngôn từ để động viên chúng ta mỗi ngày chưa?
Mục đích ta sống để làm gì? Mấy chục năm tồn tại, rồi tiêu biến, để làm gì? Để chạy trong guồng quay không ngừng nghỉ của xã hội, vừa ngẩng đầu lên, thoáng chốc đã vụt qua mấy tháng, thoáng chốc lại là mấy năm…
Nói đến đây, có người sẽ nói: chính vì ta chỉ sống ngắn ngủi, nên càng phải trân trọng từng phút giây, không thể phí hoài, không thể ngủ vùi, phải luôn nỗ lực vì thời gian là quý báu. Ai cũng có 24h, có 60 năm…
Có thật không?
Có thật là ngừng lại, chậm lại, sống một cách bình thường, là không trân trọng phút giây quý báu? Nằm duỗi tay duỗi chân, là phí hoài cuộc đời? Không tranh giành, không bươn chải, là cuộc sống mất đi ý nghĩa? Điều này, tôi nghĩ chúng ta là những người rõ ràng nhất. Cuộc sống này là của ai, là do ai đánh giá.
Tôi biết có người bạn, dù có thể dành mấy ngày để nghỉ phép, anh ta cũng không thể tận hưởng. Chỉ cần không đụng vào công việc, lập tức sẽ cảm thấy mình đang không đủ siêng năng, không đủ hiệu suất. Trước kỳ nghỉ, anh ta không có háo hức, chỉ có lo lắng phải sắp xếp công việc thế nào. Trong kỳ nghỉ, lại thường nhắn tin, kiểm tra công việc. Sau kì nghỉ, thỉnh thoảng lại than rằng phải chi không có nghỉ lễ, thì công việc không ứ đọng thế này.
Ý nghĩa cuộc sống của bạn là gì?
Tất nhiên nếu mục đích sống của bạn đã rất rõ ràng, đó là leo lên thánh địa của thiểu số xuất chúng và thành công, sự phi thường đem lại hạnh phúc, sự bình thường là một loại dày vò, thì cuộc chuyện trò này không dành cho bạn. Một lần nữa, chỉ có bạn là người hiểu rõ nhất mình cần gì. Nhưng nếu có đôi lần, trong chuyến lữ hành gian nan qua thảo nguyên mênh mông của sự bình phàm, bạn chợt muốn dừng chân ngơi nghỉ, ngồi bên góc đường, hít một hơi dài, mỉm cười nhìn ngọn núi ở xa xa và chấp nhận rằng mình sẽ chẳng bao giờ leo lên đến đó, thì tôi chỉ muốn nói rằng:
Hãy làm vậy đi.
Dừng lại giữa chốn bình thường, nơi nơi đều là những người bình thường. Không có những tấm gương tiêu biểu của thành công và giàu có, không có Elon Musk, Bill Gates, Jeff Bezos, Phạm Nhật Vượng, Shark này và Shark kia – những hình mẫu mới ta hướng về trong xã hội hiện đại. Cũng không có những bạn bè đồng trang lứa đã trở thành ông này bà nọ, những đồng nghiệp hăng hái guồng chân chạy thật nhanh trên con đường nghề nghiệp, những xe và nhà, các chuyến du lịch xa hoa. Hãy để họ đi trên hành trình của họ.
Dừng lại một chút. Không phải để mãi nằm một chỗ, mặc dù ngay cả như vậy cũng có sao, nếu điều đó đem lại hạnh phúc cho bạn. Chỉ là, đôi khi ta cần chặn vòng quay của các bánh răng đang đè nặng lên ta, dành cho mình một thời gian, một không gian vừa đủ để nhận ra: ý nghĩa cuộc sống của ta là gì. Khi tìm được câu trả lời, hoặc thậm chí chỉ là một gợi ý, một thông tin mơ hồ về phương hướng đem lại hạnh phúc, khi ấy bắt đầu đi liệu có phải là muộn?
Chấp nhận ta bình thường, giang tay đón nhận sự thật lạnh lẽo rằng trong sáu mươi năm ngắn ngủi của cuộc đời, ta vẫn luôn bình thường, thậm chí là tầm thường trong vũ trụ xoay vần.
Chấp nhận ta ở hiện tại, dù ngồi, nằm, hay chạy nước rút, vẫn sẽ là ta. Không phải ta ở tương lai. Không phải ta trong quá khứ.
Ở nơi chốn của bình thường, cố nhiên không có hào quang của đỉnh núi cao vượt trên vạn người, nhưng tôi tin rằng, sẽ luôn có chỗ duỗi tay duỗi chân, hít một hơi dài, nhìn mặt trời mọc và lặn, uống một tách trà, cười một chút, trầm lặng một chút, rồi thong thả quay sang trò chuyện với chính bản thân mình. Biết đâu đấy, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho các câu hỏi kinh điển của bao nhà hiền triết về ý nghĩa cuộc sống, về chúng ta là ai, đến từ đâu và sẽ đi về đâu.
Hoặc chỉ đơn giản, là tìm thấy một chút bình yên ở chốn bình thường.
-
Lắng nghe trên Apple Podcast: https://apple.co/3MG9pZO
Nghe trên Spotify: https://spoti.fi/3lxV4T4
Đọc bài gốc tại: https://luonghoangphan.com/?p=521