1. Bài viết đầu tiên từ Chi, một cô bé nhỏ hơn mình rất nhiều tuổi.

Điều đầu tiên mình nghĩ đến khi đọc tiêu đề (Trong một thời đại ai mà cũng muốn làm kẻ đặc biệt nhất căn phòng, ai sẽ làm dân thường đây?), đó là nó gợi nhớ đến một bài viết cũng của người mình quen, với tiêu đề cũng tương tự:
Bài viết ấy từng khiến mình nhận ra nhiều điều, có lẽ giống như cách mà bài viết của cô bé này tác động tới những bạn bè của em vậy. Mình nghĩ 2 bài viết có 1 vài ý tưởng tương đồng, khác nhau ở cách diễn đạt hay truyền tải. Tất nhiên, mỗi người, bằng trải nghiệm cá nhân của mình sẽ đưa vào những chi tiết khác nhau. Cụ thể có lẽ mình sẽ không nói nhiều vì mình muốn mọi người đọc bài viết gốc nếu tò mò và quan tâm.
Nếu viết là một việc có tính cá nhân hóa cao (đưa cùng 1 chủ đề cho 2 người chẳng bao giờ nhận được 2 bài viết hoàn toàn giống nhau), thì mình nghĩ đọc cũng vậy. Cùng một dòng chữ 2 người đọc cũng sẽ có cảm nhận một chút khác nhau, sẽ bị thu hút bởi những chi tiết khác nhau nên mình mong các bạn sẽ tự đọc và rút ra những điều quan trọng cho cá nhân mình.

2. Bài viết của Tùng

Bài viết cũng về "người đặc biệt" nhưng Tùng đưa ra một số góc nhìn khác một chút. 3 nội dung chính mà tác giả muốn chia sẻ:
- Với hầu hết mọi người, việc tâng bốc 1 ai đó dễ hơn là tâng bốc chính mình.
- Ai cũng hay ho và thú vị nếu chúng ta chọn tin vào điều đó.
- Người hay ho quen người hay ho (Cool people know cool people)
Đây là trích dẫn từ 3 tiêu đề phụ của tác giả, chi tiết mọi người cũng có thể đọc thêm trong bài gốc. Trong ba điều này, gạch đầu dòng mình muốn nói đến hơn cả là điều thứ ba. Mình không phải người đặc biệt theo tiêu chuẩn cộng đồng nhưng bản thân mình không nghĩ mình tầm thường (nếu đọc 2 bài viết ở phần 1 mọi người có thể hiểu thêm mình muốn nói gì). Nên nếu ai hỏi mình rằng: "Nếu bạn không bình thường/ tầm thường thì bạn đặc biệt như thế nào?", mình cũng không biết trả lời ra sao. Không lẽ bảo hàng ngày tao thắc mắc về giới hạn tự do của con người. Nói vậy chắc nhiều người sẽ bảo mày bị điên chứ đặc biệt nỗi gì. Bởi cái đặc biệt của họ, có lẽ là phải kiếm được vài tỷ, phải có 10,000 người theo dõi trên mạng xã hội, phải làm việc ở tập đoàn lớn, được giải thưởng cao. Và nếu xét như vậy, có lẽ mình cũng chẳng đặc biệt lắm (đối với họ).
Ở chiều ngược lại, những điều mà họ kể, về sự đặc biệt của họ, hay người họ quen, nhiều khi cũng lại chẳng đặc biệt lắm với mình. Ví dụ trong bữa cơm hôm nọ, bác mình là giáo viên kể có học sinh này của bác học trường mình, vừa khoe có cái nghiên cứu được giải, đăng báo. Bác kể kèm theo vài lời khen cho anh. Mình thì cũng chỉ vâng dạ đáp lời. Nói thêm thì mình chưa làm nghiên cứu tử tế nào bao giờ và tất nhiên cũng chẳng có gì được đăng báo. Nhưng mình cũng chẳng lấy đó làm thước đo để nghĩ rằng: "À, anh ấy đặc biệt hơn mình rồi".
Con người có giới hạn về nhận thức và một điều gì đó trở nên đặc biệt chỉ khi trong nhận thức của bạn, ít người làm được điều đó. Ví dụ người bạn đầu tiên làm ở Big4 khiến bạn trầm trồ, nhưng người bạn thứ 10 thì sẽ khiến bạn thấy cũng bình thường thôi. Hay như trường hợp của mình, khi xung quanh toàn các nghiên cứu sinh, tiến sỹ, thạc sỹ học Ivy League, làm ở viện nghiên cứu này nọ lọ chai ở châu Âu châu Mỹ thì 1 cái nghiên cứu được đăng trên báo trong nước cũng chẳng làm mình ngạc nhiên nhiều. Khi đó, điều làm nên sự đặc biệt bớt là những cái nhãn dán thành tích kia, mà chúng ta quan tâm hơn về việc họ thực sự làm được gì. Ừ thì cùng là Big4, nhưng ai hoàn thành công việc tốt hơn, ai được thăng chức nhanh hơn, ai làm khách hàng hài lòng hơn? Ừ thì có nghiên cứu đăng báo, vậy cái nghiên cứu ấy có hữu ích cho cuộc sống không, giúp giải đáp điều gì, thay đổi được điều gì? Vậy nên như Tùng nói: "Đặc biệt chỉ đơn giản là khác bạn" và "Ai cũng đặc biệt và thú vị nếu chúng ta chọn tin vào điều đó".
Vậy nên, có lẽ lần sau mình sẽ nói "Mình đặc biệt vì mình quen những người đặc biệt ^^".

3. Bài viết của nhà báo Đinh Đức Hoàng

Cảm giác mình rất thích sau khi đọc một bài viết của ai đó, là khi họ có thể lôi những gì trong đầu mình ra và diễn đạt một cách gọn gàng, mạch lạc và nhiều phần trong bài viết này mang lại cảm giác ấy cho mình.
Nó cho mọi người thấy được cuộc đấu tranh mà hàng ngày mình trải qua, mà không biết chia sẻ với người khác một cách rõ ràng như thế nào: "cuộc đấu tranh giữa 1. Những gì tự nhiên hình thành bên trong mình, với 2. Cuộc sống xã hội ngoài kia. ". Anh Hoàng cũng có nói anh nghĩ đây là "bài toán lớn của con người". Anh đã bắt tay giải bài toàn khi 16. Mình thì có lẽ là khoảng 22-23, có người muộn hơn, có người sớm hơn, có người chẳng bao giờ phải giải. Anh Hoàng thấy may mắn vì đã nghĩ về nó sớm, mình cũng thấy vui vì mình đã nhìn thấy bài toàn nhưng đồng thời bài toán ấy cũng vô cùng khó giải, nấp sau những câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng như là: Chẳng nhẽ chỉ có mỗi một cách sống là hòa lẫn vào đám đông này thôi hả? Làm thế nào để có cảm giác an toàn mà vẫn không phải hy sinh cái Tôi của mình? Làm thế nào để tránh được sự trừng phạt của đời sống xã hội nếu ta từ chối nó?
Không có câu trả lời chung cho những câu hỏi này mà đúng với tất cả mọi người, nhưng việc bạn có thể bắt đầu hỏi những câu hỏi đó sẽ là dấu hiệu, giúp bạn hướng tới một điều gì đó "đặc biệt" hơn cho mình. Đó là việc "gọi ra các nguyên tắc sống của mình" như anh Hoàng nói. Đó là việc "có thể tự định nghĩa được thành công, tự chọn ra được bảng màu những nét vẽ trong bức tranh đường đi, chẳng phải vì người kia bảo nó đẹp, chẳng phải vì ngoài kia có thật nhiều người làm như thế như nọ" theo cách diễn đạt của Chi. Đó là việc "cân nhắc xem bản thân mình thực sự muốn gì" theo cách diễn đạt của loveless.
Nếu làm được những điều trên, hoặc chỉ cần đang đặt câu hỏi cho những điều đó thôi, thì hãy tự tin rằng bạn "đặc biệt", ít nhất là với mình.
Follow me for more post at: TALK.NERDY.TO.ME