Bình đẳng trong xã hội: Có thật cái chúng ta cần là bình đẳng?
Lưu ý: bài viết dưới đây chỉ nêu lên góc nhìn và quan điểm cá nhân. Nếu đã từng đọc sách báo, xem phim truyện, nghe đài, tivi hay...
Lưu ý: bài viết dưới đây chỉ nêu lên góc nhìn và quan điểm cá nhân.
Nếu đã từng đọc sách báo, xem phim truyện, nghe đài, tivi hay thậm chí là xem những chương trình giải trí, hầu hết những người ở đây đã nghe đến cụm từ bình đẳng. Thế nhưng, liệu có đúng là thế giới này, xã hội này đang cần đúng sự bình đẳng như ý nghĩa của từ này?
Theo Wikipedia, "bình đẳng" là ngang hàng nhau về địa vị, quyền lợi. Như vậy, mọi con người bất kể trình độ, tuổi tác, giới tính... đều phải được đối xử bình đẳng.
Vậy có đúng là chúng ta đang cần sự bình đẳng mà chúng ta nhắc đến?
1. Hiến pháp Việt Nam quy định: Mọi công dân Việt Nam đều có quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Thế nhưng, cũng chính pháp luật quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Vậy có nghĩa là, tùy theo độ tuổi, công dân Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng. Điều này đã dẫn đến án phạt xôn xao của Lê Văn Luyện một thời. Ba người chết, một người bị thương, giết người cướp của, thế nhưng do ra tay vào thời điểm chưa đủ tuổi, Lê Văn Luyện đã không bị kết án tử hình.
Liệu mọi công dân có đang bình đẳng trước pháp luật?
2. Hồ Chí Minh nói: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng.
Nếu các dân tộc, các quốc gia đều được đối xử ngang nhau, tại sao phải có WTO phải có chính sách ưu đãi dành riêng cho các nước đang phát triển?
3. Cả thế giới đang kêu gọi: nam nữ phải được đối xử bình đẳng.
Vâng, không hề sai khi kêu gọi điều này, khi mà có hơn 12 triệu bé gái đã bị từ bỏ trong 3 thập kỷ qua ở Ấn Độ (theo Guardian, nghiên cứu 2011, nguồn giaoducthoidai). Trọng nam khinh nữ là một sự thật không thể phủ nhận và chúng ta đòi hỏi những đứa bé gái phải được coi trọng như những đứa bé trai.
Như đã nói, "bình đẳng" là ngang hàng nhau về địa vị, quyền lợi. Như vậy, nếu muốn bình đẳng giới được thực hiện, cả nam và nữ đều phải có địa vị và quyền lợi tương đương nhau. Vậy tại sao khi đi xe buýt, nếu như có tình trạng phụ nữ phải đứng còn những người đàn ông có chỗ ngồi từ những trạm trước đó, người đàn ông lại bị lên án? Quyền lợi "được ngồi trên xe buýt" không phải là tới trước nhận trước ("first come first served") hay sao?
Từ đó, câu hỏi được đặt ra ở đây, bình đẳng mà chúng ta mong muốn là gì?
Sẽ có những người cho rằng, bình đẳng còn phải xét đến các yếu tố khác, ví như phụ nữ là phái yếu chúng ta nên quan tâm đến họ. Người dưới mười sáu tuổi chưa thành hình về nhận thức hoàn toàn, không thể phạt họ như những người hơn tuổi. Các dân tộc đang phát triển cần được hỗ trợ chính sách về kinh tế vì họ không có điều kiện như những quốc gia khác.
Nếu bình đẳng còn phải xem xét đến giới tính, tuổi tác, tiền bạc,...một lần nữa cần phải quay lại câu hỏi: đây có đúng là định nghĩa của bình đẳng?
Có lẽ, ta đã dùng từ bình đẳng quá lâu để nghĩ đến một từ khác thay thế. Nhưng chỉ cần vẫn còn hai chữ "bình đẳng", mọi thứ dường như vẫn còn ẩn giấu sự bất bình đẳng. Mỗi khi chúng ta dùng chữ bình đẳng giới, là chính chúng ta đang có suy nghĩ về sự khác biệt giữa nam và nữ. Mỗi khi chúng ta nghĩ về bình đẳng xã hội, là chúng ta đang coi trọng sự chênh lệch giữa các giai cấp.
Vậy nhưng, thế giới này sẽ thật sự có vấn đề nếu bình đẳng diễn ra tuyệt đối. Thử tưởng tượng, người già lên xe không ai nhường chỗ, phụ nữ mang đồ nặng không một ai quan tâm, trẻ con mười tuổi bị phạt như người thành niên, nước giàu không cần hỗ trợ nước nghèo...bởi vì tất cả mọi người đều có quyền lợi ngang nhau. Không có phái mạnh, phái yếu, người già, trẻ em, kẻ giàu, người ít tiền, dân tộc hùng mạnh, quốc gia đang phát triển, tất cả đều chỉ dùng một mạo từ danh xưng.
Thứ chúng ta cần chắc chắn không phải là một xã hội hoàn toàn bình đẳng. Đã đến lúc tìm một cách gọi khác, một định nghĩa mới mẻ hơn cho điều mà chúng ta đang kỳ vọng là "bình đẳng".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất