Tôi là nam giới, và tôi phản đối bình đẳng giới.
Nhiều chị em hiện đại tuyên ngôn đanh thép về việc phụ nữ có thể thay thế đàn ông làm bất kỳ điều gì, thậm chí làm tốt hơn.
Tôi không nghi ngờ chuyện đó.
Tôi chỉ không rõ khi phát biểu như vậy, các chị em có nghĩ tới việc thay thế vị trí của những người bộ đội biên phòng, lính hải quân, thợ xây lắp điện các đường dây cao thế vượt núi hoặc công nhân mỏ than?. Bạn thử mạnh dạn đăng ký ứng tuyển vào những vị trí đó, tôi nghĩ không một người đàn ông nào tranh giành với các bạn cả.
Còn bản thân tôi và đa số các anh em khác đều khẳng định bản thân không thể thay thế phụ nữ trong vai trò mang thai, sinh đẻ và cho con bú. Những việc vớ vẩn khác như nội trợ, pha sữa, thay bỉm, chúng tôi làm được. 
Một số chị em khác đòi hỏi quyền lợi tương xứng khi thực hiện các công việc cùng vị trí với nam giới.
Cùng vị trí, nhưng nam giới thường xử lý nhiều công việc hơn, nhanh hơn, sẵn sàng làm thêm giờ, và tập trung mọi thứ cho công việc.
Trong khi chị em vừa làm vừa nghĩ tối nay ăn gì, con cái học hành ra sao, chồng mình đi làm có vương vấn trà xanh nào không.
Đây chỉ là một đánh giá chủ quan, không đúng với nhiều trường hợp cụ thể.
Nhưng nếu tôi là tuyển trạch viên, tôi không thấy mình có lý do gì phải tuyển chọn một nhân viên cứ mỗi tháng có 7 ngày khó ở, có nguy cơ nghỉ từ 4 - 9 tháng thai sản, đi muộn về sớm 30 phút hậu sản, sau 40 tuổi sức khỏe thể chất và trí lực đều đi xuống, luôn coi trọng gia đình hơn công việc. Tôi sẽ không ưu tiên chọn một nhân viên như vậy.
Một số chị em khác lớn tiếng đòi hỏi quyền lợi với nam giới ở vai trò lãnh đạo. Các bạn nữ thân mến. Ngồi ghế ban lãnh đạo cần có năng lực, chứ không phải phân chia theo tỉ lệ giới tính. Các bạn muốn làm lãnh đạo thì hãy tự chứng minh năng lực, tự đi lên bằng khả năng của bản thân, hoặc nếu không, tự khởi nghiệp và chỉ huy đàn ông, điều hành cả thế giới cũng được, không cần ai cất nhắc đề cử.
Chị em cứ đòi hỏi quyền bình đẳng từ đàn ông, tôi phải nói là chúng tôi không giữ cái đó. Nếu có, và nếu nó thực sự quý giá như chị em nói, chúng tôi cũng cho vào két sắt khóa lại, h. Hà cớ gì chúng tôi phải trao lại cho chị em. Chị em cần thì tự làm ra, hoặc tự giành lấy, đừng đòi hỏi hay xin xỏ.
Trong nhiều cuộc diễn thuyết, thảo luận, thậm chí trong các cuộc họp quốc hội, chị em yêu cầu rất nhiều về bình đẳng giới, tôi không thấy ai yêu cầu quyền cơ bản của người phụ nữ là phải đảm bảo sức khỏe sinh sản. 
Tôi xin được trích từ luật lao động mới nhất:
“Quy định về nghỉ thai sản theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
- Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.”
6 tháng, đứa trẻ còn chưa dứt sữa, cơ thể người mẹ chưa phục hồi sau một kỳ vượt cạn sinh tử, nhưng vẫn phải đi làm, theo luật định. Đa số các doanh nghiệp mà tôi biết đều “yêu cầu” nữ nhân viên đi làm sau 4 tháng nghỉ thai sản, chẳng có cái giấy xác nhận nào của cơ sở khám chữa bệnh về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe người lao động.
Các chị em nên nghĩ đến quyền làm người cơ bản của chị em, trước khi đòi quyền bình đẳng giới. 
Còn nếu chị em vẫn kiên quyết đòi bằng được bình đẳng, xin hãy kiểm chứng lại như sau:
Lịch sử loài người bắt đầu từ khoảng 250.000 năm trước. Nhiều tài liệu khoa học đã chứng minh chế độ mẫu hệ phổ biến ở hầu hết các dân tộc trên thế giới từ những buổi sơ khai. Nam giới mới giành quyền chi phối xã hội vài ngàn năm trở lại đây.
Chị em thấy rồi đấy.
Chị em ngồi trên cổ đàn ông chúng tôi gần 250.000 năm, chúng tôi không có ý kiến gì.
Chúng tôi tạm lãnh đạo thế giới có vài ngàn năm, chị em đã yêu cầu bình đẳng lên tận Liên hợp quốc.
Chị em làm thế coi có được không?