Bình Ngô Đại Chiến và Trận Tốt Động – Chúc Động
Ghi chú: Đây không phải một bài văn truyền cảm hứng, mà là một bài phân tích ngắn về trận Tốt Động - Chúc Động thuộc khuôn khổ những trận đại chiến của nghĩa quân Lam Sơn, chống lại quân Minh, giành quốc hiệu Đại Việt lại cho người nước Nam.
Nếu bạn xem xong “Bình Ngô đại chiến” của Việt Sử Kiêu Hùng, muốn biết thêm về trận chiến ấy, cũng như lý giải sự có mặt của nhân vật “Tiểu Nguyệt”, thì đây chính là một bài viết dành cho bạn.
1. Có gì mà gọi là quan trọng?
Tốt Động – Chúc Đông là một chiến thắng ngoạn mục. Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện lấy binh chưa đến 1 vạn, phá cường địch xấp xỉ 10 vạn, đẩy Vương Thông từ thế chủ động sang thế bị động, cô lập y trong thành Đông Quan. Sau, Nguyễn Trãi nhờ dư âm trận này mà du thuyết khắp đất Bắc, dùng 3 tấc lưỡi đoạt hàng chục thành trì, đồn lũy, tiết kiệm không biết bao nhiêu nước mắt niềm đau của người chinh phụ.
Quan trọng nhất, trận thắng này giúp người dân đồng bằng trung đô thời đó dứt mọi nghi hoặc với Lê Lợi, chuyển sang ủng hộ vị thủ lãnh lạ mặt đến từ núi rừng xứ Thanh.
Tạo hình nhân vật Đinh Lễ và Nguyễn Xí trong "Bình Ngô Đại Chiến". Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
2. Bối cảnh
Sau khi làm chủ Nghệ An, Lê Lợi kiểm soát toàn bộ khu vực từ Thanh Hóa đến đèo Hải Vân, điểm cuối cùng trong địa đồ Đại Việt thuở trước. Tình thế này làm dấy lên lo ngại Lam Sơn sẽ bắc tiến trong Bộ chỉ huy quân Minh. Họ gửi thư cầu viện về Yên Kinh. 
Minh Tuyên Tông ưng thuận. Lệnh cho các quân đội đồn trú tại biên giới lập tức kéo sang chi viện, phong Vương Thông Tổng binh, thống lĩnh khoảng 7 vạn quân nam hạ.
Để ứng phó, Lê Lợi phái Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện, cùng nhiều tướng lĩnh khác, dẫn quân Thiết Đột, đội quân tinh nhuệ nhất của nghĩa quân bắc tiến.
https://lh6.googleusercontent.com/MOTge_b0CcS_Qc3zTxI6tw8uWtZSJUd5Ut-ugdvVUsc1st4a9G9RpnmDdHI3po-4btmRJwX-kd5EoQ0YkBGdCah3AA5jyAc-NeEnrc5ZB8FB6rsfYfxR0j09VMQZDaK1w8HJg8KM
Duyệt binh trước đại chiến.
Đoàn quân này có 2 nhiệm vụ:
- Đánh bại viện binh,
- Cô lập Đông Quan.
Trong khi, Lê Lợi đóng tại Thanh Hóa, sắm sửa khí giới, chiêu binh mãi mã, chuẩn bị cho một trận đại chiến.
Ở biên giới Việt Trung, tam tấu Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện không khó để giành được chiến thắng trước viện binh Vân Nam và Lưỡng Quảng. Tuy nhiên, mọi sự chỉ mới bắt đầu.
3. Vương Thông
Vương Thông dẫn 10 vạn quân nam hạ. Hình ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Việt Sử Kiêu Hùng

Tay này cũng vào hạng “thân kinh bách chiến”, là cáo già, rất biết quan sát. Y biết rõ quân Lam Sơn muốn cô lập Đông Quan. Và chỉ có 2 cách để làm được việc ấy:
Một, chiếm hết những đồn, trại, thành, lũy quanh Đông Quan. Cách này yêu cầu phía Lam Sơn phải có quân số gấp ba so với Đông Quan. 
Hai, kiểm soát những tuyến đường cái, cắt đứt sự liên lạc giữa những trại lính, thành trì với nhau. Nếu thành công, việc này sẽ gieo mối nghi ngại về quân số Bắc tiến của phía Lam Sơn, khiến cho quân Minh không dám ứng cứu lẫn nhau do sợ mai phục. Cách này yêu cầu phía Lam Sơn phải tinh thông lối đánh mai phục. Đây chính là đặc sản của tam tấu Lam Sơn.
Nắm rõ hơn kém, y ung dung hành quân, tập trung số quân lớn trên những con đường cái. Quân Minh trong đồn, lũy, thành, trại thấy được sẽ hưởng ứng. Bằng cách này, họ Vương “lấy thịt đè người”, thách thức phía Lam Sơn dám bày trò mai phục.
4. Thử thách
Nước đi của Vương Thông đặt phía Lam Sơn vào thế khó.
Một, họ thua hoàn toàn về mặt quân số. Tổng số quân Lam Sơn dao động từ 7,000 đến 10,000. Trong khi, quân Minh đông gấp 10 số ấy. 
Hai, bộ ba Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện thiếu kinh nghiệm đánh đôi công quy mô lớn trên đồng bằng. Vương Thông hành quân tập trung số lượng lớn, vô hiệu hóa đặc sản mai phục của Lam Sơn.
Ba, lòng người đất Bắc vẫn còn hoài nghi Lê Lợi. Họ đã chứng kiến bao anh hùng nổi dậy rồi thất bại. Do đó, họ vẫn chưa thể hiện sự ủng hộ ra mặt với quân Lam Sơn.
Cuối cùng, cánh Lam Sơn khó mà rút lui.
Vương Thông khéo dẫn quân về Hà Tây là muốn thành lập một vành đai phòng thủ: Xương Giang – Hà Tây – Đông Quan, rồi kéo xuống Ninh Bình.
Trước kia, hai vua nhà Hậu Trần là Giản Định và Trùng Quang đều muốn chiếm Ninh Bình. 300 năm sau, Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long, quân Tây Sơn lui về giữ Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình).
Ninh Bình rất quan trọng. Mọi đoàn quân Bắc tiến, chỉ cần vượt qua Ninh Bình, sẽ nhìn thấy một đồng bằng rộng lớn, màu mỡ, dân cư đông đúc và giàu có trải ra trước mắt. Do đó, Ninh Bình chính là chốt chặn của đất Bắc. Nguyễn Huệ sau này khi chiếm được Ninh Bình đã nhanh chóng phá quân Trịnh cũng vì lẽ ấy.
Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lý Triện ý thức được như thế. Họ không dám lui. Bởi họ đang dẫn đầu Thiết Đột quân. Nếu đến đội quân tinh nhuệ nhất của Lam Sơn cũng không đối đầu nổi với viện binh, sĩ khí của quân Minh sẽ lên cao. Những thành trì đang phân vân về việc đầu hàng sẽ quyết tử chiến. Khi đó, chiến cục sẽ trở xấu.
https://lh4.googleusercontent.com/o_NWmdKaYJwk0DYZrOh8XzlDnUYtuchPPaw1GN6U4Za672uuSzXujd9phkEck9XCXQ0qHGO88jjIgoH_0Lp8bDjl0z8gfr3Rljshp8PcbJk8SpToFDSYWDpeQjPZEP63EAbU1xQy
Thập diện mai phục.
Họ buộc phải chiến đấu.
5. Quyết chiến.
https://lh6.googleusercontent.com/FimH2RUgekeKRsrpWnrwpXx3NJ_NNubD_7QrnapTHHbUG8zuam-1iDJFAaF8-lBTISnr2AubKtBhhtc32YCk4f6gliys7sCyKwRuUX5vdxO9JbxnSAFXEBwdjRwGOL6Ew1LmbiMR
Tạo hình nhân vật Lý Triện trong "Bình Ngô Đại Chiến".
Để ứng phó, Lý Triện quyết “tiên hạ thủ vi cường”. Nhân khi kẻ địch mới đến đang mỏi mệt, quân mình thì quen mùi chiến trận mà đương hăng hái, đánh liền mấy pha “dằn mặt”.
Họ Lý thắng liền hai trận, chiếm luôn hai trại, đẩy lùi hai cánh quân Minh. Thế nhưng, khi giáp mặt cánh quân Vương Thông, voi Lý Triện đạp phải hầm chông do kẻ địch sắp đặt sẵn, quay lại quật vào Lam Sơn. Đội hình rối loạn, binh bại như núi lở. Không rõ, làm thế nào mà Lý Triện thoát được.
Đinh Lễ, Nguyễn Xí nhận được tin ấy, tức tốc kéo từ Đông Quan (Hà Nội) sang Cao Bộ (Chương Mỹ, Hà Nội) chi viện. Vùng này đặc trưng sương mù, đường đi lầy lội lại hẹp, hành quân hết sức khó khăn. Quân Minh không dám tiến sâu, chỉ bày trận vây ở ngoài.
Lợi dụng địa thế, khí hậu, Vương Thông bày ra một thiên lạ địa võng.
Một mặt y đích thân dẫn quân, giả vào khiêu chiến ở Cao Bộ. Mặt khác, cho trọng binh bày mai phục ở Tốt Động, Chúc Động, chờ quân Lam Sơn thua ở Cao Bộ, chạy về hướng Đông thì nhất tề đánh giết, không để ai thoát.
Kế hoạch của y có 4 cơ sở. Một, toàn bộ quân Thiết Đột đều đã tập trung trong khu vực Cao Bộ. Hai, quân Minh nắm tiên cơ, lại có quân vượt trội. Ba, Lê Lợi ở Thanh Hóa có phép thần cũng không sao hành quân ra cứu được. Cuối cùng, sương mù Cao Bộ vào lúc sáng sớm sẽ che giấu hành tung của cánh quân Tốt Động - Chúc Động.
Chiến thắng 10 phần đã có hết 8-9 phần trong tay Vương Thông.
6. Yếu tố bất ngờ.
https://lh5.googleusercontent.com/TDBT4ogu6yFhaMIvEWKhehXlWzVnNL14VAvAKDa-2YXHqIUk6nED-PFANHKPDqKt31osiEzit7sJa7mlgMgTkOD6iTD15ULIsuRzga8_yp3RZMIinbxc0cKC0jgAxO93AK4MoQO4

Thế nhưng, không rõ sao mà, kế hoạch tiến quân, hiệu lệnh hành động, vốn là những tài liệu mật, được bảo vệ cẩn thận, lại lọt vào tay Đinh Lễ. 
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép là Đinh Lễ bắt được người đưa tin của Vương Thông. Song, việc ấy nghe chừng quá dễ. Họ Vương đã cất công bày mưu, chẳng lẽ lại vô tâm để kế hiểm lọt vào tay kẻ thù? Đinh Lễ biết đón bắt người đưa tin, chẳng lẽ Vương Thông không biết điều ấy mà khinh suất. Cho dù, Vương Thông khinh suất, những thuộc tướng dạn dày kinh nghiệm chiến đấu ở Giao Chỉ dưới trướng cũng không thể toàn bộ lơ là, ngây thơ đến lạ. Mà nói như Đinh Lễ bắt được người đưa tin, làm sao ông biết tin ấy không phải là giả. Nói thế nào cũng thấy không xuôi.
Tóm lại, chính sử không đi sâu vào chi tiết lý giải tại sao tam tấu Lam Sơn có được kế hoạch và hiệu lệnh hành động của Vương Thông. Chỉ biết, nhờ việc có được thông tin tuyệt mật đó mà chư vị tướng quân đã tương kế tựu kế, dùng hư binh đấu hư binh, dùng mai phục đấu mai phục.
Cánh quân của Vương Thông được đón tiếp bằng một bữa tiệc phục kích, đặc sản của Lam Sơn. Cánh trọng binh đóng ở Tốt Động – Chúc Động tưởng đã bắt được con mồi. Ngờ đâu “kẻ cắp gặp bà già”, kẻ đi săn mồi lại trở thành con mồi.
Ta không rõ tiền nhân đã bày biện gì ở đó. Chỉ biết, quân Minh đầu đuôi hoảng sợ, một phần giẫm đạp lên nhau mà chết, phần khác nhảy xuống đầm lầy rồi kẹt trong đó, bị nghĩa quân giết chết.
Tôi đoán tiền nhân dùng tượng binh để khuấy đảo kẻ địch. Trong sương mù, trước mắt không thấy gì, chỉ thấy đồng đội bỏ chạy, tiếng voi rống lên, mặt đất rung chuyển, quân Minh khó mà trụ vững.
https://lh3.googleusercontent.com/02Qb_gaS_3u9Klk4lAe6e3cNjLORqwemPX7SWZnJ30Xr0NxKYjDcykJ9d-s47-THZVrEFKn64FoCGKnvWCvGKK_FgfMWjlty8FTtU4w4b2j1khsPduWXQEd63wXjRBwpj-Pz6feB


7. Kết quả
Vương Thông thua to tại trận Tốt Động – Chúc Động, lui về Đông Quan. Kế hoạch của y đã thất bại. Biết thời cơ đã đến, Lê Lợi không màng ngày đêm, tức tốc hành quân ra Bắc, bao vây thành Đông Quan.
Giờ đây trọng binh nhà Minh bị vây hết ở Đông Quan. Ánh sáng hy vọng của những đoàn quân Minh đang tử chiến đã lụi tắt. 
8. Vài lời về “Bình Ngô Đại Chiến” 
Phải nói, Việt Sử Kiêu Hùng chọn trận Tốt Động - Chúc Động để đưa lên phim là một nước đi táo bạo.
Một là sử liệu hết sức ít ỏi. Trận chiến chỉ được chính sử điểm qua vài ba dòng đại khái. Số lượng sách nghiên cứu không nhiều. Đến như văn bia kỷ niệm trận Tốt Động - Chúc Động cũng không để gì nhiều hơn những hàng tên người tham gia trận đánh. 
Hai là đội ngũ biên kịch khó lòng giải thích hợp lý việc Đinh Lễ bắt được kế hoạch và hiệu lệnh hành động quân Minh. 
Ba là yêu cầu phải thể hiện thật duyên dáng việc một đội quân 10 vạn người, đang ở thế thượng phong, bị nghiền nát bởi địch thủ, quân số chưa đến 1 vạn, đang trong thế bị vây, lại không có cứu binh.
Thành thử, đội ngũ biên kịch nhất định phải có hư cấu. Tất nhiên là không phải hư cấu bừa bãi, mà phải dựa trên một giả thiết lịch sử của đội ngũ biên kịch. 
Mong bạn khi theo dõi hãy phân biệt rõ đó là hình tượng nghệ thuật, không phải chân tướng lịch sử.
Chúc bạn xem phim vui và đừng đặt để vào bộ phim nhiều kỳ vọng về thông tin lịch sử. Như thế khác nào ép con cá làm chuyện con khỉ, bắt lửa lạnh như nước, nước cứng như đá. Như thế cũng là tước đoạt niềm vui của chính bản thân mình. 

Tác giả 
Nam Du Võ