Bình Ngô Đại Chiến review (Spoiler Alert)
Mình biết đến Việt Sử Kiêu Hùng từ lâu, và cũng xem qua vài video của nhóm. Và thú thật là mình rất thích art style nhưng mình lại...
Mình biết đến Việt Sử Kiêu Hùng từ lâu, và cũng xem qua vài video của nhóm. Và thú thật là mình rất thích art style nhưng mình lại không thích phần kịch bản cliché mang đậm chất kiếm hiệp của nhóm cho lắm. Sau khi biết được Bình Ngô Đại Chiến chuẩn bị ra mắt, là một người rất yêu lịch sử đặc biệt là lịch sử Việt Nam mình cũng đã rất háo hức và cũng tò mò để xem tập phim này có gì cải thiện trong khâu kịch bản so với những sản phẩm trước hay không. Và sau khi xem xong phim mình chưa thật sự cảm nhận được sự bi tráng hay khóc sưới mướt như nhiều review và phần bình luận mình đọc qua về phim. Có rất nhiều đoạn trong phim khiến mình cảm thấy như người nào đó đang cố gắng đút những thìa cảm xúc vào họng mình và bắt mình nuốt trôi. Mình biết đó không phải chủ ý của đạo diễn, nhưng đó là điểm yếu đã xuất hiện trong các dự án trước đây của nhóm và một lần nữa xuất hiện trong Bình Ngô Đại Chiến.
Đầu tiên là nhân vật. Trước hết là Lý Triện. Trong suốt quá trình phim mình thật sự không có ấn tượng gì nhiều về ông. Mình thấy ông được phim xây dựng hình tượng nhân vật điển hình. Người anh hùng trên con đường tiến tới mục tiêu của mình thì sẽ gặp thất bại bắt buộc anh ta phải thay đổi thích nghi, để từ đó anh ta sẽ vượt qua trướng ngại ở cuối phim, nhưng khi làm vậy anh ta phải hy sinh một thứ quan trọng đối với anh ta. Thất bại lớn nhất bắt buộc Lý Triện phải thay đổi trong phim là ở Cổ Sở, nhưng lại không được thể hiện qua góc nhìn của Lý Triện mà lại thông qua lời dẫn chuyện khiến khán giả cảm thấy xa cách với nhân vật. Cả cảnh rượt đuổi của quân Minh đối với quân của Lý Triện cũng chỉ tóm gọn lại trong lời dẫn và sơ đồ đã làm đứt gãy mặt cảm xúc, ta không chứng kiến được cảnh rút quân gian khổ dẫn đến khi nghĩa quân khi lui quân về Cao Bộ có các cảnh thể hiện sự mất mát của nghĩa quân không chạm đến cảm xúc của mình, mà những cảnh đó mình xem đi xem lại mấy lần trong các phim chiến tranh khác, nó không có gì mới mẻ khiến bộ phim càng thêm nhàm chán và thất bại của Lý Triện không chậm được đến trái tim của khán giả. Khi nghĩa quân bị bao vây Lý Triện nói lương đã cạn mà đến đoạn cuối lòi đâu ra cả đàn trâu, chó và voi chẳng lẽ nghĩa quân không biết làm thịt bọn đó mà cầm cự qua ngày. Đến đoạn Lý Triện phải thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh tứ bề thọ địch thì cũng diễn ra một cách chóng vánh, dễ dàng. Có người đã đưa ông hết kế hoạch tấn công của quân Minh, ông chỉ cần theo đó mà tương kế tựu kế chuẩn bị để phản công. Mà phần chuẩn bị cũng không được thể hiện trong phim mà dù có đi thì cũng lại dựa vào người dẫn chuyện để kể ra sự việc, đàn trâu lấy từ đâu mà ra vậy? Lý Triện đã cho quân làm hình nộm từ khi nào? Mình mới chỉ thấy ông đứng lên khích lệ binh sĩ thôi mà có làm gì khác đâu? Và mình vẫn chưa hiểu được tình cảm giữa Lý Triện và Tiểu Nguyệt sâu đậm thế nào để ông lại đắn đo suy nghĩ khi phải chọn giữa Tiểu Nguyệt và mạng sống của 2 tên tướng giặc khét tiếng. Khiến cho cảnh anh hùng phải hy sinh một thứ quan trọng đối với anh ta mất đi sự hồi hộp và ý nghĩa của nó.
Tiếp đến là Tiểu Nguyệt. Đáng lẽ cô là nhân vật thú vị nhất phim vì cô vừa là người Việt vừa là con nuôi của một quan lại người Minh - Thái Phúc. Xung đột nội tâm của cô cũng được thể hiện ở trong phim nhưng chỉ dừng ở “Chúng ta có nên tàn bạo với giặc Minh hay không?” và “Không phải toàn bộ quân Minh đều là kẻ xấu”. Mối quan hệ cha con Tiểu Nguyệt và Thái Phúc trong phim chưa được thể hiện nhiều. Mình thấy phim đã bỏ mất cơ hội, ta có thể dùng Tiểu Nguyệt để hiểu hơn về Thái Phúc và ngược lại. Từ đó ta có thể biết tại sao Tiểu Nguyệt lại có cái nhìn đồng cảm với người Minh.
Các nhân vật phụ như Nguyễn Xí, Vương Thông, Trần Hiệp,… cũng không có gì đặc sắc nhưng cũng đã làm tốt vai trò là nhân vật phụ của mình. Đơn cử như Nguyễn Xí. Anh chiến đấu cho nghĩa quân, chỉ dẫn cho Tiểu Nguyệt một bài học sau này cô sẽ dùng đến và khích lệ, động viên Lý Triện khi ông đang trong cơn khủng hoảng. Các cảnh chiến đấu của anh cùng với Đinh Lễ cũng đẹp mắt. Duy chỉ có Thái Phúc là nhân vật phụ chưa được khai thác triệt để. Ông là người tốt duy nhất trong số những người Minh xuất hiện trên phim. Nhân vật này lại là nút thắt quan trọng trong phim, Thái Phúc chính là nội gián đã thông qua Tiểu Nguyệt đưa kế hoạch vây hãm của quân Minh cho nghĩa quân, mà từ đó Lý Triện đã bày kế phản công đánh bại quân địch. Mình thấy nhân vật này sẽ rất thú vị nếu có nhiều thời gian xuất hiện hơn. Mình muốn biết vì sao ông ta lại phản quân Minh, có thể ông thấy sự đàn áp của Đại Minh đối với đất nước Việt là sai trái, hay Lê Lợi đã cảm hóa ông hay có thể ông đang mưu lợi gì đó cho mình.
Còn các cảnh như dân làng của Tiểu Nguyệt bị tàn sát, anh lính hô: "Đại Việt trường tồn" trong làn mưa tên của địch, cô gái mất hết người thân trong trận phục kích hay cảnh con chó của Nguyễn Xí chết. Mình chẳng màng tới sự sống chết của những nhân vật trong các cảnh đó khi mình không biết họ là ai, họ có mối quan hệ gì với nhân vật chính trong phim, hay là hoàn cảnh của họ có gì đó tương tự như các nhân vật chính hay không? Để mình có thể cảm nhận được sự mất mát hay hy sinh của họ thông qua nhân vật chính.
Ngoài ra phần nhạc phim thì còn gượng ép, thay vì dùng nhạc để làm nổi bật lên cảm xúc có trên màn ảnh, thì nhạc phim trở thành một công cụ để nói cho khán giả biết khi nào thì cần cảm thấy buồn, khi nào cần cảm thấy oán giận, khi nào thì cần phải cảm thấy hào hùng.
Về phần lồng tiếng thì Đạt Phi media đã làm tốt vai trò của mình nhất là với chú Đạt Phi - người dẫn chuyện của tập phim, chú đã phần nào giảm đi giọng văn kiếm hiệp để làm tăng thêm tính chân thực và nghiêm túc của sản phẩm cuối cùng của nhóm. Với NSƯT Thành Lộc thì một lúc diễn hai nhân vật phản diện Trần Hiệp và Lí Lượng thì chú cũng đã diễn trọn vai, có điều mình vẫn có cảm giác cả hai đều có cùng một giọng nói chỉ là Lý Lượng có giọng cao và rít nhiều hơn Trần Hiệp.
Tạo hình nhân vật thì mình thấy chưa được ổn lắm. Cá nhân mình không thích kiểu tóc của Nguyễn Xí. Còn cả hình ảnh đội quân Thiết Đột làm mình liên tưởng đến những thổ dân đeo mặt nạ hú khi cưỡi ngựa như người da đỏ. Mình muốn một đội nghĩa quân chân thực và sát với sử hơn, biết rằng tư liệu về trang phục của người thời Minh thuộc còn thiếu, nhưng nên giảm bới tạo hình nhân vật nhìn giống như trong game.
Tuy mình có nhiều điểm mình không thích về bộ phim. Nhưng mình cũng không phủ nhận là Bình Ngô Đại Chiến là tập phim suất sắc nhất của nhóm Việt Sử Kiêu Hùng. Phải nói là hình ảnh trong phim được trau chuốt hơn Tử chiến thành Đa Bang hay Lý Thường Kiệt đại chiến thành Ung Châu. Khung hình được vẽ chi tiết và đồng đều với nhau hơn. Nổi bật nhất là ánh sáng trong phim được sử dụng rất tốt. Ánh sáng từ đèn trời bay lơ lửng trên không ở gần cuối phim rất bắt mắt, ánh sáng của lửa phản chiếu lên gương mặt và đồ vật rất chân thật. Cộng với animation của lửa trong phim, nó có cả khói cả tia lửa bật lên, tạo ra cảm giác rất là cinematic.
Mình thật sự rất mừng cho thành công của Bình Ngô Đại Chiến nói riêng, và của nhóm Việt Sử Kiêu Hùng nói chung. Và sau khi xem xong phim, mình liền lên mạng tìm hiểu ngay về trận Tốt Động - Chúc Động. Để xem trận Tốt Động - Chúc Động trên phim có giống bao nhiêu phần trăm với trận chiến ngoài đời. Thì phim đã lột tả khá sát với những gì đã diễn ra, những cái sáng tạo biến hóa để phù hợp với mạch truyện mình thấy chấp nhận được. Âu đó cũng đã hoàn thành được mục tiêu mà Việt Sử Kiêu Hùng đã đặt ra khi thực hiện dự án là đưa người trẻ đến gần hơn tới lịch sử Việt Nam. Và mình rất mong chờ dự án tiếp theo của nhóm, hy vọng nhóm sẽ chú tâm hơn vào kịch bản để có thể tạo ra một sản phẩm sáng tạo hơn, đưa những anh hùng, danh nhân Việt Nam đi sâu vào tâm hồn người Việt.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất